Trước khi mô hình dropshipping ra đời, thì mô hình kinh doanh (business model) chủ yếu vẫn là hình thức bán lẻ (retail).
Bài viết này không chỉ dừng lại ở mô hình kinh doanh dành cho những ai kiếm tiền online, mà còn dành cho những ai là chủ doanh nghiệp đang muốn mở rộng kinh doanh trực tuyến.
Trong bất kì mô hình kinh doanh nào, cũng tồn tại 3 thành phần:
- Manufacturer: Nhà sản xuất
- Seller (hoặc reseller): Người bán
- Customer: Khách hàng
Trong một vài tình huống, Nhà sản xuất và Người bán có thể là một.
Bán lẻ (retail)
Cho đến bây giờ, mô hình bán lẻ vẫn đang là mô hình chủ đạo trong vận hành của một nền kinh tế.
Trong mô hình bán lẻ, người bán nhập một lượng hàng lớn từ nhà sản xuất về kho của mình, thường là cửa hàng hoặc mặt bằng bán lẻ, nhập càng nhiều giá càng tốt. Khi khách hàng mua hàng tại cửa hàng hoặc qua website, nhà bán lẻ giao hàng có sẵn đến cho khách hàng.
Đây là mô hình kinh doanh kinh điển thịnh hành nhất cho đến ngày nay. Tuy nhiên mô hình này có những điểm yếu chết người là hàng tồn kho và chi phí mặt bằng.
Việc bán không hết hoặc tồn kho quá nhiều sẽ dẫn đến việc khó xoay vòng vốn để tái đầu tư, kinh doanh dành cho doanh nghiệp. Ngoài ra, với những mặt hàng kinh doanh tại thị trường Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yếu tố mặt bằng như thời trang, phụ kiện, giày dép,…sẽ chịu nhiều tổn thương khi gặp tình huống khủng hoảng như dịch Covid19.
Qua dịch Covid19, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều chủ cửa hàng phải thanh lý trả mặt bằng vì không đủ chi phí duy trì. Với tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển dịch sang mô hình Direct-to-Consumer (D2C).
Dropshipping
Dropshipping là mô hình kinh doanh ngày càng phổ biến trên thế giới, mô hình này được sinh ra để xử lý điểm yếu của mô hình retail là mặt bằng và tồn kho. Nói ngắn gọn, dropshipping là mô hình không tồn tại tồn kho và không có chi phí mặt bằng.
Trong mô hình này, khách hàng sẽ mua hàng qua website của người bán, nhưng thay vì người bán phải có tồn kho và giao hàng, thì nhà sản xuất sẽ là bên giao hàng cho khách hàng dưới danh nghĩa của người bán. Khách hàng không biết về sự tồn tại của nhà sản xuất này, và chỉ biết rằng mình mua từ người bán mà thôi.
Ưu điểm của mô hình này là không có tồn kho, và nhà sản xuất sẽ để cho bạn một mức giá tốt nhất cho bạn.
Nhược điểm: Phụ thuộc vào nhà sản xuất, khó có thể đáp ứng đơn hàng đột biến vào mùa cao điểm.
Nếu bạn đang kinh doanh Print on Demand (POD) và tự hỏi POD có phải là dropshipping hay không, thì POD chính là một hình thức dropshipping cổ điển bạn nhé.
Ngoài ra, còn có mô hình Dropshipping hiện đại, có tồn kho, điển hình là Fulfillment by Amazon.
Direct-to-Consumer (D2C)
Mỗi một mô hình business được sinh ra để cải thiện những điểm yếu của mô hình trước đó, D2C chính là mô hình được sinh ra để cải thiện yếu điểm về chi phí mặt bằng, nhân sự của mô hình Retail.
Với mô hình D2C, Nhà sản xuất đồng thời đóng vai trò là người bán, chủ yếu thông qua kênh Online như Website, Marketplaces mà không có cửa hàng vật lý. Mô hình này giúp cho nhà sản xuất tiết kiệm chi phí trung gian, mặt bằng nên có thể đưa sản phẩm đến khách hàng với một mức giá tốt hơn.
Những thương hiệu lớn trên thế giới đang theo mô hình D2C này có thể kể đến như: MVMT, Kylie Cosmetics, Leesa, Casper,…
Tại Việt Nam, mô hình D2C vẫn chưa thực sự phổ biến. Tuy nhiên có thể đến một thương hiệu điển hình như thời trang nam Coolmate đang khá thành công với mô hình này.
Cross-border Ecommerce
Bán hàng xuyên biên giới đang là từ khoá hot vào thời điểm năm 2020, khi mà các doanh nghiệp đang tìm bài toán bán sản phẩm Việt Nam đến những khách hàng ở nước ngoài như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Singapore,…
Bài toán cần phải giải đối với cross-border chính là quá trình vận chuyển. Có 2 cách với ưu nhược điểm khác nhau:
- Ship từng đơn: chi phí rất cao, nhưng không có rủi ro tồn kho, thời gian ship từ VN đến US mất 7-15 ngày
- Ship số lượng lớn: rủi ro tồn kho cao, chi phí ship thấp, thời gian ship đến khách US nội địa nhanh (3-5 ngày)
Và điều quan trọng nhất là, hiện nay chưa có dịch vụ vận chuyển (line ship) đơn lẻ từng món đi Mỹ. Có lẽ sắp tới sẽ cần có những dịch vụ này để phục vụ khách hàng cross-border từ Việt Nam.
Kết luận
Không có mô hình kinh doanh nào là hoàn hảo, chỉ có mô hình kinh doanh phù hợp hay không phù hợp với định hướng của bạn mà thôi.
Bạn đang kinh doanh theo mô hình nào? Hãy để lại ý kiến của bạn nhé!