5 loại Bullet Journal và 5 mẫu người tương ứng: Bạn là mẫu nào – An Mộc

Planner ưa sự rõ ràng và trật tự, Art Journal lại thích sự sáng tạo phá cách,… Còn bạn là ai trong thế giới Journal?

Mặc dù là người sáng tạo ra Bullet Journal, Caroll Ryder cũng không thể ngờ rằng cộng đồng những người sử dụng phương pháp ban đầu của anh đã có những tuỳ biến của riêng họ. Điều đó biến Bullet Journal trở thành một phương pháp ghi chú linh hoạt, và do đó, đã hình thành nên những “trường phái” Bullet Journal khác nhau.

Planner

Hình 1: Planner – Công cụ của những người bận rộn (Nguồn: Internet)

Cuốn sổ tay chắc chắn là bộ vi xử lý trung tâm cho đời sống bận rộn của bạn. Nó chứa đầy những to-do list, done list, lịch tuần, lịch tháng, lịch năm nay, năm sau,… Các dạng bảng biểu và những dòng ngắn gọn là định dạng thường thấy trong cuốn sổ này. “Tôi thích sự rõ ràng, nên tôi định hướng”- là tư tưởng chung của “trường phái” Planner.

Điều đó có nghĩa là…

bạn là người ưa thích sự rõ ràng và trật tự, ngăn nắp. Là người đứng sau vô lăng cuộc sống, bạn luôn luôn biết mình đang ở đâu và sẽ phải làm gì. Điều đó khiến bạn trở thành người có năng lực giải quyết vấn đề và chiếm được sự tin cậy của những người xung quanh. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những bất trắc không ngờ tới khiến mọi sự không còn đúng như kế hoạch của bạn, hãy biết cách tìm khoảng trống cho Planner và linh hoạt hơn nhé!

Tracker

Hình 2: Thói quen là thứ cần được theo dõi nhiều nhất (Nguồn: Internet)

Là cuốn sổ “đồng nát” nhưng vô cùng hữu dụng, tracker không để bất cứ ngày nào của bạn trôi qua trong vô nghĩa. Nhưng tại sao lại nói nó “đồng nát”? Bởi vì thường thì cuốn sổ đó (tuỳ thuộc vào chủ nhân của chúng), sẽ tỉ mẩn thu thập mọi thứ trong ngày của họ: đọc sách gì, xem phim gì, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, và danh sách một loạt thói quen khác.

Điều đó nói lên rằng…

bạn là mẫu người trầm ổn và chắc chắn. Bạn biết rõ tầm quan trọng của ghi chú thống kê và cố gắng duy trì cũng như tạo lập những thói quen tốt khác. Ở một “trường phái” đối lập với Planner, bạn có khả năng học hỏi những sai lầm từ quá khứ thông qua việc rút kinh nghiệm từ dữ liệu cá nhân. Nhưng này, thử mở rộng nội dung của cuốn sổ ra xem, thay vì những bước đi ổn định và chắc chắn, bạn sẽ có những bước nhảy niềm tin mang tính đột phá đấy!

Art Journal

Hình 3: Art Journal – thương hiệu sáng tạo cá nhân (Nguồn: Cộng đồng Bullet Journal Việt Nam)

Art Journal chính xác là những tấm canvas bằng giấy. Ở trong cuốn sổ này, bạn hiếm khi tìm thấy 2 trang bất kỳ giống nhau. Người dùng Art Journal sử dụng hình ảnh để lưu trữ thông tin và truyền tải suy nghĩ của mình. Họ thực sự dành quỹ thời gian và nỗ lực nhất định để khẳng định cá tính của mình cho cuốn sổ đó.

Chủ sở hữu của Art Journal thường…

có tài khoản Instagram đáng để người khác ghen tị, phải không? Sự sáng tạo là tôn chỉ cuộc sống của bạn và cũng là động lực của bạn luôn. Bạn là người ưa tự khẳng định bản thân, và thường là nguồn cảm hứng cho những người khác nữa. Có điều, làm việc tuỳ hứng thường là đặc điểm của bạn, và đó thì không phải tác phong của người chuyên nghiệp.

Diary

Hình 4: Nhật ký còn là công cụ giải toả stress (Nguồn: Internet)

An Mộc chưa có may mắn được xem nhật ký của ai khác, nhưng dựa theo vài đường Google cơ bản cùng với sổ nhật ký của bản thân thì có thể tạm định nghĩa: Nhật ký là danh từ nhân cách hoá một vật dụng mà với nó, bạn có thể chia sẻ tất cả những gì bạn không thể nói. Khác với Art Journal, nhật ký ưa sử dụng con chữ để nói lên tâm tư của chủ sở hữu.

Nhật ký-er là…

của hiếm ở thời đại này. Những người ưa viết nhật ký cũng sở hữu một khả năng hiếm có luôn: hiểu bản thân sâu sắc. Người viết nhật ký cần phải có đủ chữ để viết, để có đủ chữ, bạn phải thực sự quan sát cuộc sống và lắng nghe tiếng lòng của bản thân. Nghĩa là phải sống chậm, nhớ nhé, chậm thôi.

Materialist

Hình 5: Một góc “gia tài” của Materialist (Nguồn: Cộng đồng Bullet Journal Việt Nam)

Cuốn sổ này là tập hợp của tất cả các thể loại sổ trên, cộng thêm một (hoặc rất nhiều) yếu tố phụ trợ khác. Và vị thế, nó cũng mang nhiều tính năng như các loại journal đã kể trên. Materialist thực ra là để gọi chính những chủ nhân cuốn sổ ấy: những “kẻ tư hữu” kho tàng vật dụng giấy bút sổ sách hoa lá cành blah blah.

Đầu óc của Materialist thực sự nhiều mảnh ghép, họ giỏi trong việc kiến tạo tuyệt tác từ việc nhặt chỗ này chỗ kia một ít. Bởi vậy nên họ luôn có ham muốn mãnh liệt trong việc sở hữu nhiều hơn 5 loại bút màu vàng khác nhau, 10 cuộn washi tape theo tâm trạng, và kỹ năng viết calligraphy hoàn mỹ. Bạn biết phải tặng gì trong dịp sinh nhật họ rồi đấy.

Mục đích sử dụng Bullet Journal thật đa dạng, sẽ có những người khác hoặc chính bạn tiếp tục sáng tạo ra thêm nhiều ứng dụng của giấy bút hơn nữa. Trên đây chỉ là 5 loại Bullet Journal mà bọn mình đã tổng hợp được mà thôi. Điều quan trọng nhất là bạn cần biết mục đích của bản thân khi chạm đến giấy bút là gì, và theo đuổi nó hiệu quả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *