“giá trị” là gì? Nghĩa của từ giá trị trong tiếng Việt. Từ điển Việt-Việt

1. Phạm trù triết học, xã hội học chỉ tính có ích, có ý nghĩa của những sự vật, hiện tượng tự nhiên hay xã hội có khả năng thoả mãn nhu cầu, phục vụ lợi ích của con người. Ở đây, các sự vật, hiện tượng được xem xét dưới góc độ đáng hay không đáng mong muốn, có ý nghĩa tích cực hay không đối với đời sống xã hội.

Bạn đang đọc: “giá trị” là gì? Nghĩa của từ giá trị trong tiếng Việt. Từ điển Việt-Việt

Có thể phân loại GT theo nhiều cách khác nhau. Có những GT thiên nhiên mà con người thường xuyên sử dụng và hưởng thụ (môi trường sống, tài nguyên, phong cảnh); những GT văn hoá do lịch sử toàn thế giới hay của một số nước tạo ra (thiết chế giáo dục, y tế, công trình kiến trúc, tác phẩm văn học nghệ thuật…); những GT vật chất (đối tượng của lợi ích, nhu cầu); những GT tinh thần (lí tưởng, quan niệm, niềm tin, truyền thống…); những GT xã hội (tự do, công bằng, dân chủ…), những GT nhận thức (chân lí), GT đạo đức (điều thiện), GT thẩm mĩ (cái đẹp)…

Mỗi hình thái kinh tế – xã hội cụ thể trong lịch sử có một hệ thống và thang bậc GT nhất định, được xã hội ấy công nhận và có tác dụng định hướng cho hoạt động của cả xã hội, của từng tập thể hay cá nhân. Việc cá nhân tiếp thu hệ thống GT ấy là điều kiện hình thành nhân cách cá nhân và duy trì kỉ cương xã hội.

2. Phạm trù kinh tế nói lên thuộc tính của hàng hoá do lao động hao phí để sản xuất ra hàng hoá (lượng lao động xã hội cần thiết đã được vật hoá trong hàng hoá) quyết định. Mọi sản phẩm do con người sản xuất ra đều chứa đựng lao động của con người, nhưng chỉ trong những điều kiện lịch sử nhất định thì lao động đó mới mang hình thức xã hội của giá trị. Điều quan trọng là lao động phải tạo ra những sản phẩm đáp ứng những nhu cầu nhất định của con người, nhưng không phải đáp ứng nhu cầu của bản thân người sản xuất, mà là nhu cầu của xã hội, của người tiêu dùng đối với sản phẩm ấy. Người mua và người bán trao đổi những hàng hoá với nhau, so sánh, cân đong, đo đếm chúng với tư cách là những vật ngang giá. Họ không chú ý đến thuộc tính có ích của những vật đem ra trao đổi, vì thuộc tính đó không thể so sánh với nhau được, mà họ tìm ra một cái chung, chứa đựng trong những hàng hoá khác nhau, đó là thuộc tính xã hội của hàng hoá, tức lao động xã hội kết tinh trong hàng hoá. Việc trừu tượng hoá để gạt bỏ những đặc điểm chuyên môn của lao động đã tạo ra những hàng hoá ấy, đi đến chỗ quy những loại lao động cụ thể khác nhau thành lao động trừu tượng, và nó không phụ thuộc vào bất cứ hình thức cụ thể nào. Lao động trừu tượng này được tiêu hao trong quá trình sản xuất; là một hình thức quan hệ xã hội nó biểu hiện là lao động xã hội bị che giấu, trong khi bản chất xã hội của nó lại biểu hiện trực tiếp trong quan hệ trao đổi thông qua giá trị của hàng hoá. Như vậy, một mặt, giá trị biểu hiện hao phí lao động sản xuất theo ý nghĩa sinh lí (nghĩa là sự tiêu hao trí não, thần kinh và cơ bắp); mặt khác, nó lại biểu hiện mối quan hệ sản xuất giữa những người sản xuất hàng hoá, mà mối quan hệ này bị che giấu đằng sau mối quan hệ giữa những hàng hoá mà họ đem ra trao đổi. Lượng giá trị của hàng hoá được đo bằng thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hoá đó trong những điều kiện sản xuất xã hội bình thường, với trình độ thành thạo và cường độ lao động trung bình trong xã hội. Trên thực tế, thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động hao phí để sản xuất ra một loại hàng hoá nhất định do những người sản xuất bảo đảm cung cấp một khối lượng lớn hàng hoá. Thực thể của GT do sự hao phí lao động giản đơn tạo ra, tức là sự hao phí sức lao động của một người lao động bình thường, không qua đào tạo. Lượng GT phụ thuộc vào tính phức tạp tương đối của lao động; lao động phức tạp là lao động giản đơn được nhân lên, do đó, lao động càng phức tạp thì GT được tạo ra trong một đơn vị thời gian càng lớn. Năng suất lao động thay đổi thì thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một đơn vị hàng hoá cũng thay đổi theo. Vì thế, lượng GT của hàng hoá tỉ lệ thuận với lượng lao động hao phí để sản xuất ra hàng hoá đó và tỉ lệ nghịch với năng suất lao động. GT được biểu hiện thông qua giá trị trao đổi, phản ảnh quan hệ xã hội của nền sản xuất hàng hoá. Mac K. (K. Marx) viết: “Lao động có một sức sản xuất đặc biệt thì được coi như là một lao động được nhân lên theo cấp số nhân, hay là trong một khoảng thời gian giống nhau, nó tạo ra một giá trị lớn hơn so với một lao động xã hội trung bình cùng loại”. (Mac: Tư bản, tiếng Việt, Nhà xuất bản Tiến Bộ, Matxcơva, t.I, q.I, tr. 404 – 405). Thời gian lao động xã hội cần thiết biểu hiện một cách gián tiếp thông qua trao đổi một hàng hoá này với một hàng hoá khác. Khái niệm GT là biểu hiện chung nhất của những điều kiện sản xuất hàng hoá dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Vì vậy, GT chứa đựng mầm mống của mọi hình thái phát triển của sản xuất hàng hoá, của quan hệ hàng hoá – tiền tệ. Dưới chủ nghĩa tư bản, GT biểu hiện quan hệ bóc lột lao động làm thuê. Dưới chủ nghĩa xã hội, GT biểu hiện quan hệ sản xuất của những người sản xuất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa xã hội còn có những sự khác nhau giữa các loại lao động xã hội, giữa các hình thức sở hữu. Song đó không còn là những sự khác nhau và là mâu thuẫn đối kháng giữa hai hình thức sở hữu: công hữu và tư hữu về tư liệu sản xuất, mà là những sự khác nhau giữa hai hình thức công hữu xã hội chủ nghĩa (toàn dân và tập thể), và một phần là giữa sở hữu công cộng với sở hữu cá thể của người lao động còn tồn tại trong khu vực kinh tế cá thể. Tuy vậy, những sự khác nhau đó cũng là cơ sở của những sự khác nhau và mâu thuẫn chứa đựng trong hình thái giá trị, và trong những mức độ nhất định giữa lợi ích toàn xã hội (mà Nhà nước là người đại diện) với lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân. Những sự khác nhau và mâu thuẫn đó được Nhà nước thay mặt toàn xã hội nhận thức và tự giác xử lí trên cơ sở thống nhất cơ bản các loại lợi ích, lấy lợi ích toàn xã hội làm cơ sở; nhà nước xử lí mâu thuẫn ấy bằng kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân trên quy mô toàn xã hội và trong từng ngành, từng vùng, từng đơn vị; bằng các chính sách kinh tế (tài chính, tiền tệ, tín dụng, giá cả, tiền lương…). Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam vận dụng quy luật GT trong mối quan hệ tổng thể và thống nhất với quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội và các quy luật kinh tế khác trong nền kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội, và với các phạm trù giá trị để phát triển nền kinh tế quốc dân có kế hoạch vận động theo cơ chế thị trường.

>>>>>Xem thêm: Nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống (Dàn ý 3 mẫu)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *