Thời bao cấp, tâm sức, trí lực của hàng triệu người phải dồn vào việc xếp hàng, chen lấn để mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Khi gạo, dầu, mắm, muối… đều trông chờ vào tem phiếu thì mậu dịch viên – người cầm cân phân phối hàng hóa cho nhân dân – được coi là những người có quyền lực.
Nghề mơ ước
Bà Nguyễn Thị Ước (86 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) từng là mậu dịch viên kể lại, người làm nghề chủ yếu là con em trong ngành thương nghiệp. Học lớp sơ cấp mậu dịch hai năm, biết đầy đủ về thương phẩm, cân hàng, nhập kho đến cách phục vụ, họ mới được đứng bán. Tùy theo mặt hàng phân phối mà có mậu dịch viên lương thực, mậu dịch viên thực phẩm, mậu dịch viên bách hóa…
Cán bộ cao cấp, công chức nhà nước có tiêu chuẩn tem phiếu cao hơn người dân, được phục vụ ở cửa hàng trên phố Tông Đản, Nhà Thờ, Vân Hồ… Còn nhân dân thì mua hàng phân phối rải rác trong thành phố. “Mậu dịch viên phục vụ cán bộ thái độ thường nhẹ nhàng hơn những người làm việc ở cửa hàng dành cho nhân dân”, bà Ước kể.
Nhắc đến thời tem phiếu, bà Phạm Thị Minh Tâm (62 tuổi, quận Hoàn Kiếm) từng làm việc ở cửa hàng lương thực 168 Lò Đúc bảo nghề mậu dịch viên dù “hot” nhưng không nhàn nhã như nhiều người tưởng. Ngày làm việc từ 6h sáng đến 12h trưa, xong quyết toán tiền hàng, cộng sổ sách đến 2h chiều họ mới được về.
Hôm nào gạo về cảng Phà Đen (cảng Hà Nội ngày nay), mậu dịch viên lại đi nhận gạo, bốc lên xe. Nếu thiếu công nhân, họ vừa kiểm hàng, vừa trông chừng trộm cắp. “Trộm thời ấy tài tình lắm, họ làm xiên nhôm chọc thủng bao, rút ruột hàng chục cân. Bao gạo đóng gói chuẩn một tạ về đến cửa hàng chỉ còn 70 kg”, bà kể.
Các cửa hàng luôn trong tình trạng khan hiếm hàng hóa, người dân chầu chực cả ngày để được mua đầu tiên. Dân chen lấn, xô đẩy mướt mồ hôi nhưng đến lượt, cô mậu dịch buông một câu “Hết hàng” là tiu nghỉu ra về. Ai muốn mua hàng nhanh chỉ có cách quen biết cửa hàng trưởng hoặc mậu dịch viên. Nhà có con gái làm nghề này thì được nhờ vả nhiều.
Theo bà Tâm, người trong ngành thường ưu tiên cho nhau được mua hàng đẹp, hàng ngon. Miếng thịt lợn khi bán phải cắt nửa nạc đi kèm nửa mỡ, nhưng quen mậu dịch viên thực phẩm thì được ăn thịt nạc ngon để dành. “Lúc này mình đưa tem phiếu nhờ mậu dịch bách hóa để cho miếng lụa đen may quần, thì lúc khác mình phải phục vụ cho nhà họ được gạo ngon”, bà cho biết.
Phó giáo sư Văn Như Cương kể, hồi mới chuyển từ Yết Kiêu (Hoàn Kiếm) về Yên Hòa (Cầu Giấy), nhà ông nuôi một đàn chó nhỏ. Bà hàng xóm thấy thích quá nài thầy bán cho một con. Ông giáo không bán mà tặng rồi cũng quên luôn việc này. Một hôm ông đang xếp hàng mua rau thì nghe tiếng chào đon đả, ngẩng lên mới thấy người phụ nữ ông tặng chú chó là mậu dịch viên bán rau.
Từ đó, mỗi chiều thầy Cương đi dạy về, dừng xe trước cửa hàng mậu dịch là có một bó rau muống to mang về. Rau mậu dịch già hơn rau chợ, nhưng hớt lấy ngọn cũng được một bữa no cho cả nhà. “Ngày nào nhà mình cũng được ăn rau muống, không luộc thì xào. Cả xóm ngạc nhiên lắm, hỏi lương ông bao nhiêu mà dám hôm nào cũng ăn rau muống?”, ông kể.
Trong mắt nhiều người thời ấy, mậu dịch viên thường “rất ghê gớm”, có quyền “thét ra lửa”. Nhà văn Ngô Minh Khôi kể, ở Huế có ông Phó chủ tịch ngày chủ nhật ra cửa hàng chất đốt mua củi thay vợ. Thấy người xếp hàng đông, ông cậy thế đưa phiếu mua củi rồi bảo với mậu dịch viên “Anh là Phó chủ tịch, bán cho anh trước để còn đi công tác”. Cô mậu dịch ngẩng lên nhìn ông rồi cười nhạt “Không trưởng phó chi hết, xếp hàng”. Vậy là ông Phó chủ tịch lủi thủi ra xếp, đến gần trưa mới được nhận củi.
Ông Ngô Minh Khôi cũng có kỷ niệm xin giấy tờ mua hàng tiêu chuẩn 8 kg gạo và vải lúc vợ sinh con thứ hai. Mấy ngày chạy vạy khắp nơi, ông mới xin được giấy chứng sinh ở bệnh viện, giấy giới thiệu ở cơ quan vợ gửi cho Phòng lương thực thành phố để duyệt. Khi ông cầm giấy giới thiệu của cơ quan vợ ra cửa hàng lương thực Bến Ngự (đường Phan Bội Châu, TP Huế) để mua hàng, bà cửa hàng trưởng liếc tờ giấy ghi gửi Phòng lương thực thành phố Huế rồi bảo “Giấy không ghi gửi cửa hàng mà gửi Phòng lương thực. Lạc địa chỉ, không bán” và bắt về làm lại giấy tờ.
Tính ông nóng, lại ghét phải xin xỏ nên quát “Phòng là bố đẻ của cửa hàng, bà bắt bẻ vô lý thế, tôi đếch cần” rồi vò hết mớ giấy tờ ném vào mặt bà cửa hàng trưởng, bỏ về trước sự ngạc nhiên của nhiều người dân đang xếp hàng. “Về đến nhà, vợ biết chuyện chỉ khóc, bảo anh làm vậy thì con đói. Nghĩ lại, mình cũng tiếc đứt ruột 8 kg gạo nhưng không chịu nổi thái độ hách dịch đó”, ông chia sẻ.
Cảnh chen chúc trong các cửa hàng mậu dịch thời bao cấp. Ảnh: Tư liệu.
Không có đối thủ “tình trường”
“Những năm ấy, ngành thương nghiệp đứng đầu nên con gái mậu dịch đắt giá lắm, trong tình trường không có đối thủ”, bà Nguyễn Ngọc Thủy (58 tuổi), từng là mậu dịch viên bán xăng dầu ở phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) cười, nhắc lại câu cửa miệng của trai gái Thủ đô thời ấy.
“Đắt giá” nhất phải kể đến mậu dịch viên lương thực, thực phẩm. Hầu hết bạn bè của bà Thủy lấy chồng đều qua giới thiệu, có cô cùng lúc được nhiều anh chàng theo đuổi. Bà Thủy lấy chồng năm 21 tuổi, thông qua sự mai mối của hai bà mẹ làm cùng công ty may mặc.
Nhớ lại chuyện se duyên thời bao cấp, ông Nguyễn Xuân Lâm (phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm) bảo “hot boy” Hà thành có dăm bảy loại, nhưng “hot girl” thì chỉ có mậu dịch viên. Các cô trở thành người yêu lý tưởng, được hàng tá chàng trai theo đuổi, có con nhà giàu, con cán bộ. Có cô không ưa nhìn nhưng vẫn đầy người “nhòm ngó”. Nhà nào cưới được cô con dâu mậu dịch là hơn “bắt được vàng”.
Ông Lâm có cậu bạn đi bộ đội về với quân hàm đại úy và bộ đội khi ấy là người yêu lý tưởng của nhiều cô gái Hà thành. Chàng trai Hà Nội tính tình khá kén chọn, có mẹ là cán bộ ngành thương nghiệp giới thiệu cho một cô mậu dịch viên. Hôm đi xem mắt về, bà hỏi con trai có ưng không thì anh chàng ậm ừ, sau chê cô xấu, “ăn đu đủ không cần thìa”. Cô mậu dịch viên biết chuyện, tháng sau lấy anh phó tiến sĩ đi Nga về, gia đình còn quyền thế hơn cả nhà anh đại úy.
Sau năm 1986, nhà nước bắt đầu xóa bao cấp, bỏ tem phiếu, các cửa hàng mậu dịch quốc doanh hoặc chuyển đổi, hoặc tự kinh doanh. Các mậu dịch viên người tiếp tục công việc, người nghỉ hưu. Nhờ quen với việc buôn bán và tháo vát, nhiều người xoay sang kinh doanh nên cuộc sống vẫn khấm khá.
Bà Tâm kể, đến thập niên 1990, cuộc sống dễ thở hơn, người dân được ăn no cơm trắng, không còn phải xếp hàng tranh nhau mua gạo mậu dịch nữa. Nhưng ám ảnh với thời bao cấp khiến nhiều người vẫn giữ lại sổ gạo vì “nhỡ đâu quay lại thời tem phiếu”. Riêng bà Tâm giữ chiếc áo đồng phục mậu dịch viên hàng chục năm như một kỷ vật của thời bao cấp để nhớ công việc vang bóng một thời.