Thiền là gì? Thiền trong phật giáo và ý nghĩa của thiền trong đời sống – Chia Sẻ Đạo Phật

Nhắc tới thiền, người ta nghĩ tới ngay một trạng thái hay một phương pháp tu hành của nhà Phật. Thế nhưng để cắt nghĩa cho đúng “thiền là gì?” thì không phải ai cũng có thể hiểu tường tận. Qua bài viết này, hãy cùng nhau tìm hiểu về nguồn gốc của thiền, những ý nghĩa từ việc thực hành thiền trong đời sống.

Thiền là gì?

Thiền trong tiếng Nhật là Zen, được phiên âm từ “Ch’an” trong tiếng Trung Quốc. Từ thời thượng cổ ở Ấn Độ, thiền đã được nhắc tới trong bộ kinh Áo Nghĩa Thư (Upanishad) với thuật ngữ “Dhyna”. Như vậy, “cái nôi” sinh ra thiền chính là Ấn Độ.

Người Ấn Độ từ lâu đã tin rằng nếu muốn hiểu tường tận một sự vật, sự việc thì ta cần phải hòa mình vào chính sự vật, sự việc đó. Để làm được điều này thì cần tập trung tư tưởng, tập trung suy nghĩ của bản thân sao cho không bị bất cứ ngoại cảnh nào tác động được. Trạng thái đó người ta gọi là thiền. Vì những mặt lợi ích có được, thiền được rất nhiều tông phái triết học Ấn Độ ứng dụng từ xa xưa.

Vào khoảng năm 520, thời điểm sau khi Phật giáo ra đời, Bồ đề Đạt ma đã đem thiền truyền sang Trung Quốc. Tại Trung Quốc, thiền được phát triển cả về lý luận và phương pháp thực hành dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng Trung Hoa. Sau này, khi được du nhập vào Nhật Bản, thiền tại đây lại được hòa trộn với văn hóa và nghệ thuật của đất nước này.

Đến đầu thế kỷ XX, thiền được du nhập vào phương Tây và được xem là một phương pháp giáo dục đạo đức, tâm linh.

Có thể thấy, qua quá trình thiền được lan tỏa tới các quốc gia khác nhau, các nền văn hóa khác nhau thì nó đã được bổ sung, phát triển thêm cả về mặt lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, dù trải qua nhiều biến thiên nhưng qua nhiều khái niệm định nghĩa về thiền, ta vẫn thấy tinh thần cốt lõi nguyên thủy của thiền được tôn trọng và giữ gìn. Dưới đây là một số định nghĩa về thiền:

  • Thiền trong kinh điển của Phật giáo nguyên thủy được gọi là bhavana. Danh từ này có nghĩa là phương pháp thực hành để rèn luyện tâm, được chia ra làm hai hình thức là “thiền định – samatha bhavana” và “thiền quán – vipassana bhavana”.
  • Thiền trong môn Yoga được gọi là dhyana. Đây là trạng thái tập trung cao độ của tâm trí, không để bất cứ điều gì chi phối. Ở trạng thái này, người thực hành hoàn toàn ý thức được suy nghĩ cá nhân và ý thức về vũ trụ. Thiền trong yoga được xem là cổ xưa và có hình thức thực hành đa dạng nhất.
  • Cũng có định nghĩa nhắc về thiền đơn giản là một phương pháp rèn luyện tâm trí tập trung vào sự vật, sự việc, vấn đề hiện tại, giúp người thực hành sống trọn vẹn hơn, hướng tới sự bình an thuần khiết trong bản thân mình.

Thiền trong Phật giáo

Trong đạo Phật, thiền là một phương tiện để phát triển tâm linh. Bản thân từ “bhavana” trong tiếng Pali cũng có nghĩa là tu dưỡng, phát triển hoặc trau dồi, ám chỉ sự mở mang về tâm linh hay sự phát triển của tâm.

Thiền trong Phật giáo không chỉ hướng tới mục đích giúp tâm trí của ta tĩnh lặng mà còn là hướng đến sự thanh lọc, loại bỏ các phiền não trong tâm trí, những ảnh hưởng tiêu cực xuất phát từ tham – sân – si – mạn – nghi. Ngoài ra, thiền trong phật giáo còn là để nuôi dưỡng, phát triển những đức tính tốt như lòng từ bi, sự tự tin, trí tuệ… giúp người thực hành đạt được trạng thái tinh thần tích cực, có được những hiểu biết mới về cuộc sống.

Có hai phương thức chính trong thực hành thiền phật giáo là thiền định và thiền quán. Trong đó:

  • Thiền định (thiền chỉ): Là cách tu tập để luyện tâm, mục đích hướng đến là sự bình an và tĩnh lặng trong tâm. Thiền định được thực hiện thông qua việc tập trung vào hơi thở của mình, tĩnh tâm để nhận thức về bản chất của các luồng suy nghĩ, hành động, diễn biến của sự vật, sự việc xung quanh mình. Người thực hành thiền định sẽ đạt được trạng thái hạnh phúc trong hiện tại; được thanh lọc tâm trí, cơ thể; được giải phóng khỏi các phiền não.
  • Thiền quán (thiền tuệ/ thiền minh sát): Là cách thực hành hướng đến sự phát triển của trí tuệ và sự thông suốt về tâm linh. Bản thân từ “vipassana bhavana” – thiền quán cũng có thể hiểu là “một cái nhìn sâu sắc vào tận sâu bên trong”. Để thực hành thiền quán, cần phải đưa tâm vào trạng thái tĩnh lặng để quan sát, thấu hiểu sự vật, sự việc, hiện tại với tất cả sự chú tâm sâu sắc nhất. Thiền quán là sự kết nối sâu sắc của tâm và thân, là hành trình khám phá bản thân mình của mỗi cá nhân để thật sự hiểu mình tới tận gốc rễ. Thực hành thiền quán cuối cùng mục đích là để đạt tới sự hạnh phúc từ tâm trí, hướng đến sự cân bằng về trí tuệ, lòng từ bi và tình thương, không còn bị phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài tác động, chi phối.

Dù có những chức năng riêng nhưng trong thực hành, thiền định và thiền quán là hai phương pháp có mối liên hệ phụ thuộc vào nhau, hỗ trợ cho nhau trong suốt quá trình tu dưỡng về tâm linh, trí tuệ.

Ý nghĩa của thực hành thiền trong đời sống?

Thực hành thiền không chỉ là ngồi thiền mà còn bao gồm cả thiền hành (thiền khi đi bộ), nằm thiền (thiền khi nằm), thiền khi ăn…Nhưng tất cả các phương pháp thực hành thiền đều hướng tới sự tập trung hoàn toàn của tâm trí vào hành động đang làm.

Điều này nghe có vẻ dễ dàng nhưng trong thực tế chúng ta luôn luôn bị các suy nghĩ, cảm xúc nảy sinh và chi phối mọi lúc, mọi nơi. Đơn giản như vừa quét nhà vừa nghĩ ngày mai ăn gì? đang lái xe lại lo con cái đi học có ngoan không? đang nấu cơm lại lo dự án mới ở cơ quan… Tất cả những luồng suy nghĩ, những cảm xúc phát sinh trong khi chúng ta đang làm một việc khác làm ta bị xao nhãng, mất tập trung, không toàn tâm toàn ý cho giây phút hiện tại. Vậy thì, thiền trong cuộc sống là để:

  • Cải thiện sự tập trung và trí nhớ: Khi ngồi thiền và làm mọi việc trong trạng thái thiền, ta sẽ rèn luyện sự tập trung của toàn bộ tâm trí vào hành động, sự vật, sự việc ở giây phút hiện tại. Khi thực hành thiền, ta học cách kiểm soát hơi thở, nhịp tim và suy nghĩ của mình, từ đó phát triển khả năng tập trung, sự ý thức tuyệt đối vào hiện tại. Sự ý thức đó trong đạo phật gọi là chánh niệm.
  • Giúp giảm lo âu, mệt mỏi: Thực hành thiền giúp ta loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực bằng cách khai sáng tâm trí, nhìn nhận mọi việc ở các góc độ khác nhau, đem tới cái nhìn khách quan và tích cực hơn.
  • Cải thiện giấc ngủ: Rèn luyện sự tập trung trong hơi thở, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, đem tới trạng thái tĩnh lặng, biết cách kiềm chế cảm xúc, nhìn mọi việc sáng suốt… là những điều tích cực thực hành thiền đem lại. Khi não bộ nhận được những nguồn năng lượng tích cực sẽ giúp người thực hành dễ dàng đi vào giấc ngủ.
  • Cải thiện sức khỏe: Khi ngồi thiền đúng cách, cơ thể tiêu thụ oxy tuyệt đối hơn, ta hít vào – thở ra chậm rãi hơn, cơ thể cần ít oxy hơn, nhịp tim và huyết áp đều được điều hòa, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, huyết áp. Quá trình điều hòa tinh thần để giảm căng thẳng cũng giúp ích cho cơ quan tiêu hóa và hệ thần kinh.

Thiền với nhiều ý nghĩa và lợi ích tích cực trong đời sống rất khó để đề cập đầy đủ trong khuôn khổ một bài viết. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích trong quá trình tìm hiểu, học tập và thực hành thiền của bạn!

Tài liệu tham khảo:

  1. https://thuvienhoasen.org/a18977/thien-phat-giao
  2. https://vuonhoaphatgiao.com/phat-hoc/thien-tong/thien-la-gi-va-chung-ta-toa-thien-nhu-the-nao/
  3. http://hahoangkiem.com/van-hoa-xa-hoi/tim-hieu-ve-thien-zen-1552.html
  4. https://thienvien.vn/nguon-goc-cua-thien-va-nhung-thien-phai-viet-nam.html
  5. https://hoasenphat.com/kien-thuc-phat-giao/thien-la-gi-nguon-goc-muc-dich-va-ky-thuat-thien.html
  6. https://hoitho.vn/thien/hieu-ve-thien/thien-la-gi-va-nhung-loi-ich-cua-thien/
  7. http://duocanbinh.vn/db1359-tim-hieu-nguon-goc-va-nhung-gia-tri-tu-lieu-phap-thien

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *