Khái niệm tài chính là gì? – sentayho.com.vn

Quan điểm của các nhà học giả theo học thuyết Mác – Lênin về kinh tế học cho rằng tài chính là một phạm trù kinh tế mang tính lịch sử, sự ra đời của nó gắn liền với tiền tệ và vai trò của nhà nước. Do đó để hiểu đúng bản chất tài chính cần phải nghiên cứu nguồn gốc của nó trong mối liên hệ với tiền tệ và vai trò của nhà nước.

Nguyên nhân kinh tế: vào thời kỳ cuối của chế độ công xã nguyên thuỷ, sự phân công lao động xã hội bắt đầu phát triển, chuyên môn hoá trong lao động làm nảy sinh nhu cầu trao đổi. Lúc đầu trao đổi bằng hiện vật (gọi là phân phối phi tài chính). Sau đó đồng tiền xuất hiện, phân phối thông qua đồng tiền (phân phối dưới hình thức giá trị gọi là phân phối tài chính) diễn ra trong phạm vi từng đơn vị và trong toàn xã hội. Như vậy, sự xuất hiện đồng tiền và phân phối của cải xã hội bằng đồng tiền là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự xuất hiện của tài chính.

Nguyên nhân xã hội: vào cuối thời kỳ công xã nguyên thuỷ, chế độ tư hữu đã xuất hiện dẫn đến sự phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp trong xã hội đã dẫn đến sự ra đời tất yếu của tổ chức là Nhà nước. Kiểu nhà nước đầu tiên của xã hội loài người – nhà nước chủ nô – xuất hiện và tồn tại làm xuất hiện hình thức sớm của tài chính như thuế, công trái. Ăng – Ghen đã ghi nhận: “Để duy trì quyền lực công cộng đó, cần phải có những sự đóng góp của những người công dân của nhà nước, đó là thuế má”1. Trong hình thái kinh tế xã hội có nhà nước, tài chính tồn tại như là một công cụ trong tay nhà nước nhằm phân phối của cải xã hội bảo đảm sự tồn tại và hoạt động của nhà nước và phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp. Trên cơ sở nghiên cứu của nhiều học giả về sự ra đời và tồn tại của nhà nước và tác động chủ quan của nhà nước đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá – tiền tệ, ấn định hiệu lực của đồng tiền và tạo ra môi trường pháp lý cho sự tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ, nhất là quỹ tiền tệ trung gian và ngân sách nhà nước. Như vậy, về phương diện xã hội, nhà nước ra đời nắm quyền phát hành tiền, đẩy mạnh việc sử dụng tiền tệ trong lưu thông hàng hoá, quy định hiệu lực của tiền tệ trong lưu thông ở từng quốc gia. Và khẳng định vai trò của tiền tệ trong việc phân phối của cải xã hội. Chính trong điều kiện đó, phạm trù tài chính nảy sinh và tồn tại và người ta coi hàng hoá tiền tệ và nhà nước là những tiền đề phát sinh và phát triển của tài chính.2Sự xuất hiện của nhà nước đóng vai trò to lớn trong việc đa dạng hoá và thúc đẩy sự vận động của tài chính và chỉ gắn với khái niệm “tài chính nhà nước” hay “tài chính công”.

Như vậy, tài chính ra đời gắn kết với sự xuất hiện của đồng tiền và hoạt động phân phối của cải xã hội bằng đồng tiền. Vậy tài chính có phải là tiền không? Có rất nhiều khái niệm khác nhau về tài chính.

Hình minh họa. Khái niệm tài chính là gì?

Theo từ điển Thuật ngữ Tài chính tín dụng của Viện khoa học tài chính đưa ra khái niệm tài chính rất rộng: “Tài chính là dấu hiệu tài sản dưới hình thức tiền tệ”, vì vậy tài chính có thể trao đổi, phân phối, cho vay tuỳ vào quy mô và quyền người nắm giữ sở hữu. Trong cuốn Danh từ kinh tế đưa ra khái niệm: “Tài chính là hệ thống các quan hệ kinh tế phát sinh trên cơ sở phân phối tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân thông qua việc hình thành và sử dụng một cách có kế hoạch các quỹ tiền tệ để đảm bảo tái sản xuất mở rộng và thoả mãn các nhu cầu xã hội khác”. Nhà nghiên cứu Liên Xô thì cho rằng: Tài chính là một trong những phạm trù giá trị có liên quan đến tiền, lợi nhuận, giá thành… Nhà nghiên cứu Việt Nam thì cho “Tài chính là sự vận động độc lập tương đối của tiền tệ trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ”.

Trong đời sống xã hội, các hiện tượng tài chính luôn gắn liền với sự hiển diện của tiền tệ. Các hiện tượng tài chính đó được sử dụng với các tên gọi khác nhau như tiền vốn, vốn bằng tiền, vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, các quỹ tiền tệ…

Để phân biệt tài chính với tiền tệ cần nghiên cứu dưới khía cạnh chức năng của chúng. Đồng tiền xuất hiện với vai trò là vật trung gian để thực hiện các hoạt động trao đổi hàng hoá tiền tệ nên đồng tiền trong lịch sử xuất hiện với chức năng là thước đo giá trị; là phương tiện lưu thông; là phương tiện cất giữ; là phương tiện thanh toán. Ở phương diện khác, tài chính lại thực hiện chức năng phân phối và chức năng giám đốc. Chức năng phân phối của tài chính được xem là phương diện, là mặt hoạt động chủ yếu của tài chính trong phân phối của cải dưới hình thức giá trị. Chức năng phân phối của tài chính diễn ra ở nhiều cấp độ, nhiều khâu khác nhau, trong phạm vi mỗi đơn vị, tổ chức kinh tế cũng như trên phạm vi xã hội. Đó là hoạt động phân phối nguồn của cải vật chất được sáng tạo từ các lĩnh vực của hoạt động sản xuất, kinh doanh được biểu hiện dưới hình thức giá trị là đồng tiền. Trên thực tế, phân phối của tài chính được cụ thể hoá thành hiện tượng chuyển giao các nguồn vốn tiền tệ từ chủ thể này sang chủ thể khác nhằm thoả mãn các mục đích khác nhau hình thành nên các quỹ tiền tệ trong xã hội. Như vậy, có thể nói, hiện tượng tài chính luôn luôn diễn ra trong xã hội với biểu hiện là hoạt động phân phối của các chủ thể khác nhau trong xã hội nhằm tạo lập, sử dụng và phân phối các nguồn quỹ tiền tệ.

Chức năng giám đốc của tài chính là một thuộc tính khách quan vốn có của tài chính, bắt nguồn từ chức năng phân phối của tài chính. Chính sự phân phối của cải xã hội thông qua tài chính đòi hỏi sự cần thiết của giám đốc tài chính để bảo đảm cho sản phẩm xã hội được phân phối phù hợp với yêu cầu của quy luật kinh tế đang hoạt động. Chức năng giám đốc của tài chính là kiểm tra quá trình hoạt động của nguồn tài chính để tạo lập, sử dụng các quỹ tiền tệ. Thông qua việc phân phối mà kiểm tra, giám sát bằng đồng tiền đối với quá trình phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính.

Như vậy, thông qua sự nghiên cứu về quá trình hình thành và chức năng của tài chính, có thể hiểu Tài chính là các quan hệ phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị, phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm thoả mãn các nhu cầu của các chủ thể thực hiện hoạt động phân phối”.

Ngày nay, Việt Nam đang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những tiền đề tồn tại và phát triển của tài chính trong xã hội loài người cũng đang hiểm diện ở Việt Nam: sản xuất hàng hoá tiền tệ với kinh tế nhiều thành phần là vấn đề lâu dài, nhà nước đang phát huy vai trò quản lý đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, tài chính với tư cách là một phạm trù kinh tế khách quan đang tồn tại và được sử dụng mạnh mẽ trong sự nghiệp làm cho dân giàu, nước mạnh. Để phát huy vai trò của tài chính và sử dụng đúng đắn nguồn lực này phù hợp với điều kiện của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, cần phải xác định bản chất và xây dựng khung pháp lý phù hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *