Uyển Mai
Lễ Vượt Qua (The Passover) là lễ của người Do Thái kỷ niệm ngày họ đã phá bỏ gông cùm nô lệ, vượt qua nỗi sợ hãi lên đường đi tìm tự do, trong một đêm mùa xuân.
Bạn đang xem: Seder là gì
Một dĩa seder với rau parsley, trứng luộc, rau romaine lettuce, xương cừu nướng, táo và hạt trộn rượu, và khoai.
Một trong những ngày lễ trọng thể nhất của người Do Thái là Lễ Vượt Qua – The Passover (tiếng Anh) – trong một đêm mùa xuân, họ đã phá bỏ gông cùm nô lệ, vượt qua nỗi sợ hãi, lên đường đi tìm tự do. Trong Lễ Vượt Qua, tất cả người Do Thái trên thế giới tưởng nhớ biến cố lịch sử bi hùng của dân tộc cách nay trên ba ngàn năm ấy.
Đó là lúc người Do Thái được vua Ai Cập cho vào định cư tại nước này. Nhưng sau một thời gian, người Do Thái trở nên đông đúc khiến người Ai Cập sợ hãi nên bắt họ làm lụng như kẻ nô lệ, nghĩ rằng sự cực nhọc sẽ làm sinh số ở người Do Thái giảm đi. Nào ngờ số trẻ con sinh ra chỉ tăng chứ không giảm. Vua Ai Cập (Pharaoh) thấy thế bèn ra lệnh giết tất cả những bé trai mới sinh ra. Một bé trai may mắn sống sót vì được chính công chúa Ai Cập tình cờ tìm thấy trên giòng sông. Đứa bé ấy được đặt tên là Moses.
Đến lúc trưởng thành, Moses được Thiên Chúa giao cho sứ mạng đưa dân ra khỏi Ai Cập. Vua Ai Cập không chịu để mất nguồn nô lệ sẵn có nên không chấp thuận. Để làm vua hoảng sợ, 10 tai họa đã giáng xuống đất nước này. Tai họa cuối cùng làm chết đứa con đầu lòng của vua. Sợ hãi tột độ, vua ra lệnh Moses nội trong một đêm phải dẫn tất cả người Do Thái ra khỏi nước Ai Cập.
Thế nhưng khi dân Do Thái đi rồi vua đâm hối tiếc và kéo quân đuổi theo. Người Do Thái bị dồn vào đường cùng, trước mặt là biển cả mênh mông, sau lưng là quân lính hung hãn xắp ùa tới. Trong tình thế nguy nan, Moses theo lệnh Thiên Chúa giăng rộng cánh tay, và lạ lùng thay mặt nước bỗng rẽ đôi. Dân theo con đường giữa lòng biển thoát qua bờ bên kia. Quân Ai Cập thấy thế bèn lao theo, nhưng Moses từ từ khép tay lại, mặt biển theo tay Moses cũng khép vào và nhận chìm quân lính Ai Cập. Kể từ đó, người Ai Cập không còn dám nghĩ tới chuyện đuổi theo nữa.
Lễ Vượt Qua với nhiều nghi thức đầy ý nghĩa là cách để người Do Thái nhắc nhở nhau và dạy dỗ con cháu về cuộc vượt thoát gian nan ấy vì hai chữ Tự Do. Vì thế một tên khác của lễ này là “Tiệc Mừng Tự Do” – Hag ha-Herut (The Feast of Freedom).
Lễ Vượt Qua nằm trong tháng Nissan theo lịch Do Thái (tức tháng Ba-tháng Tư theo Dương Lịch) và kéo dài trong 8 ngày. Năm 2013, lễ bắt đầu từ chiều ngày 25/Ba đến cuối ngày 2/Tư. Trong những ngày ấy, mọi người trong nhà sẽ họp nhau trong bữa ăn tối, đọc sách lễ và dùng một số món ăn mang ý nghĩa biểu tượng. Bữa ăn ấy được gọi là The Passover Seder (“seder” có nghĩa:“lề luật”)
Hag ha-Herut (The Feast of Freedom)
Bàn ăn được bày biện trang trọng với rượu nho và những ly dĩa đẹp nhất. Cả nhà sẽ cùng đọc sách Haggadah. “Haggadah” nghĩa là “kể lại”, theo Sách Xuất Hành (Book of Exodus), cha mẹ phải có bổn phận kể lại cho con cái nghe về cuộc vượt thoát ra khỏi Ai Cập .
Chính giữa bàn là k’arah (seder plate), đó là một cái dĩa lớn có vòng ngoài được chia làm 6 phần. Sáu phần này dành cho 6 món ăn có tên: Maror, Chazeret, Charoset, Karpas, Z’roa và Beitzah. Đây là 6 thức ăn mang ý nghĩa biểu tương. Món thứ 7 không thể thiếu là món bánh Matzot nhưng được đặt riêng. Ngoài ra, còn có nước muối hoặc dấm.
Maror và Chazeret là những loại rau có vị đắng hoặc cay, thường dùng là cọng củ horseradish có vị cay nồng, lá rau romaine lettuce có vị nhân nhẫn đắng. Ba loại rau khác được dùng coriander, horehound và nettle. 5 loại rau này tượng trưng cho sự cay đắng mà người Do Thái đã phải chịu đựng trong cảnh nô lệ.
Charoset gồm có các loại hạt, trái táo và trái chà là cắt vụn hoặc xay nhỏ trộn chung với rượu đỏ và chút bột quế. Hỗn hợp sền sệt có màu nâu đỏ này tượng trưng cho thứ bột gạch đỏ mà người nô lệ Do Thái bị bắt làm để xây nhà và kim tự tháp cho người Ai Cập.
Karpas là loại rau khác với 5 loại rau kể ở trên, thường là rau ngò parsley, cọng celery hay khoai tây luộc. Khi ăn được chấm vào nước muối hay dấm, Nước muối mặn và dấm chua tượng trưng cho mồ hôi nước mắt của người Do Thái trong thời kỳ nô lệ. Karpas là món được ăn vào bữa seder đầu tiên, ngay sau khi ăn, người ta đọc câu Ma Nishtana – “Tại sao đêm nay không giống mọi đêm khác?” Món karpas còn biểu trưng cho mùa Xuân vì dân Do Thái đã vượt thoát trong một đêm mùa Xuân .
Z’roa hay Zeroah là món duy nhất có thịt. Đó là một miếng thịt cừu nướng hay khúc xương ống dê nướng, cũng có thể là cánh gà nướng. Món nướng này tượng trưng cho phẩm tế korban pesach là thịt trừu trong Đền Jerusalem trong Lễ Vượt Qua. Với những người không ăn thịt, Z’roa có thể là củ dền đỏ nướng hay khoai lang nướng vì màu đỏ tượng trưng cho máu của vật hiến tế.
Beitzah là một trái trứng luộc, tượng trưng cho phẩm tế korban chagigah trong Đền Jerusalem. Trứng là một biểu tượng cho sự tang tóc vì nó được dùng làm thức cúng cho người chết trong đám tang, nhưng đồng thời trứng cũng tượng trưng cho sự sống vì có hình tròn, gợi nhắc rằng dù trong những giờ phút đau khổ nhất luôn luôn ẩn chứa hy vọng và một bắt đầu mới.
Matzot là bánh nướng dùng bột không men. Trong đêm vượt thoát, người Do Thái phải vội vã lên đường đến nỗi bánh không kịp dậy men. Để kỷ niệm thời khắc cấp bách ấy, suốt trong tuần lễ Vượt Qua, người Do Thái không những không ăn loại bánh mì thường có men nổi (leaven) mà còn tránh không ăn tất cả những thức ăn khác có men. Ngoài Matzot bread còn có món Matzo Ball soup là những viên bột nấu thả trong nước dùng gà.
Bánh Matzot và súp viên Matzo
Sự trình bày ở trên chỉ là giản lược về các món ăn trong Lễ Vượt Qua. Thực tế không đơn giản như thế, nghi thức cho bữa Seder khá phức tạp đến mức chính những người Do Thái cũng không có sự đồng ý hoàn toàn.
Ví dụ như về bánh không men, một người Do Thái có thể kỹ lưỡng tới mức yêu cầu người khác mua của mình tất cả những thức ăn có men trong nhà họ. Nói là mua nhưng thực ra chỉ ký một tờ giấy bảo “tôi có mua” mà thôi, tất cả những món ấy vẫn không hề rời khỏi chủ cũ của nó. Sau ngày lễ, người chủ lại ký giấy chuộc những món đó về.
Ngoài những nghi thức cầu kỳ như thế, Lễ Vượt Qua với bữa Seder là cách kỷ niệm lịch sử dân tộc rất trang trọng. Trong 8 ngày liền, những gia đình Do Thái cùng nhau đọc câu chuyện về cuộc vượt thoát khỏi kiếp nô lệ của cha ông. Trong 8 ngày đó, người Do Thái dùng những món ăn khác với ngày thường – tức là không ngon miệng – để chia xẻ nỗi khó nhọc của tiền nhân.
Một trong những nghi thức rất ý nghĩa trong bữa Seder là rượu và sự đổ rượu. Rượu nho được dùng trong hầu hết các lễ nghi của người Do Thái. Lời cầu khấn, nguyện xin, được cất lên trước một ly rượu nho, và rượu sẽ hút lấy lời. Khi uống rượu đó tức là đem những lời khấn nguyện vào tận đáy lòng. Trong Lễ Vượt Qua, lịch sử được kể lại trên ly rượu, đó là lịch sử của niềm tin vào Thiên Chúa và lòng yêu chuộng tự do, vì thế khi uống rượu người uống sẽ được tràn đầy tự do và niềm tin.
Tuy nhiên, có những lời không nên uống, đó là lời kể về những tai ương. Vì thế, sau mỗi lần đọc một tai họa xảy ra cho Ai Cập, rượu trong ly được đổ bỏ ra chén một ít. Việc đổ rượu còn để tưởng nhớ những người Ai Cập đã chết trong 10 tai họa cũng như đã bị nhận chìm trong Biển Đỏ. Những người Ai Cập tuy đã đối xử tàn tệ với người Do Thái nhưng không vì thế mà người Do Thái đem lòng oán hận, trái lại, cái chết của họ khiến người Do Thái không thể trọn vẹn vui sướng với sự tự do họ dành được. Kinh Torah có lời viết rằng: “Chớ vui thỏa khi kẻ thủ ngã xuống”.
Sự vượt qua, do đó, không chỉ vượt qua sự khốn khó mà còn vượt qua lòng thù hận của chính bản thân. Tinh thần tha thứ ấy khiến người viết bùi ngùi nghĩ đến những cuộc ăn mừng đầy vẻ hả hê của người cộng sản trong ngày 30 tháng Tư mỗi năm. Thay vì chua xót cho máu đổ thịt rơi như người Do Thái, họ lại sung sướng thấy đối phương ngã xuống, mà đối phương ở đây nào phải kẻ xa lạ mà chính là người cùng màu da, cùng tiếng nói.
Người dân miền Nam Việt Nam, như người Do Thái ngày xưa, đã không chấp nhận làm nô lệ cho một chủ nghĩa điền rồ, bất chấp cái chết đã vượt qua một biển cả. Cuộc vượt thoát sau 30 tháng Tư của người Việt cũng là một Exodus – Hành trình đi tìm tự do. Mỗi tháng Tư, chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc Hận.
Biết thêm về Lễ Vượt Qua của người Do Thái, chúng ta càng thấy sự tưởng niệm Ngày Quốc Hận là hết sức quan trọng và cần thiết. Nhưng cần thiết hơn cả là phải kể lại cho con cháu biết lý do vì sao người Việt phải bỏ nước ra đi. Vẫn biết khơi lại vết thương là điều đau đớn, nhưng chỉ có như thế chúng ta mới thấu hiểu giá trị của sự vượt qua – vượt qua chông gai, vượt qua thử thách, và vượt qua cả lòng thù hận.