Chương trình 135 hỗ trợ giảm nghèo bền vững

Hạ tầng cơ sở được cải thiện

Là tỉnh miền núi, diện tích rộng, địa hình chia cắt, trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp nên việc đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Được hỗ trợ từ các nguồn khác nhau, trong đó có nguồn vốn của Chương trình 135 đã giúp cải thiện đáng kể hạ tầng của các địa phương khó khăn trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016 – 2021, Bắc Kạn được hỗ trợ tổng kinh phí trên 407.300 triệu đồng để đầu tư 758 lượt công trình, gồm có 412 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; 156 công trình thủy lợi nhỏ được cải tạo và xây mới; 6 công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; 105 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 2 công trình y tế; 46 công trình trường, lớp học; 22 công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân và 9 công trình hạ tầng khác do cộng đồng đề xuất. Cũng từ nguồn vốn Chương trình 135, toàn tỉnh đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng 721 công trình với tổng kinh phí hơn 25.600 triệu đồng.

Đường nội thôn tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135

Qua kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn, nhìn chung, công tác tổ chức triển khai thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 đảm bảo công khai, dân chủ. Hằng năm, danh mục các công trình hạ tầng đầu tư và công trình duy tu bảo dưỡng được đề xuất xây dựng đều được lựa chọn từ cơ sở, thông qua thôn, xã tham gia lựa chọn, đề xuất. Trong quá trình triển khai thực hiện các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh đã huy động thêm các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đôn đốc tiến độ thi công gắn với tăng cường quản lý chất lượng xây dựng công trình. Công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Trong quá trình triển khai thực hiện có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, của xã, thôn nên các công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng, kịp thời nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng theo kế hoạch. Các công trình sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các xã vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại thuận tiện, giao lưu hàng hoá, phát triển sản xuất, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc,… từ đó củng cố thêm lòng tin của Nhân dân các dân tộc vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Từ sự đóng góp, hỗ trợ từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn vốn Chương trình 135 đã giúp cải thiện đáng kể hạ tầng cơ sở, mang lại một diện mạo mới cho các xã còn khó khăn của tỉnh. Đến nay, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; trên 90% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 98% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Đa dạng hóa các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất

Cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở, những năm qua, Bắc Kạn tiếp tục duy trì hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế theo các dự án thuộc Chương trình 135. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con các dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2016 – 2020, với tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ sản xuấtlà 107.286 triệu đồng, Bắc Kạn đã thực hiện đầu tư hỗ trợ mua giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ làm chuồng trại, hỗ trợ xây dựng dự án và nhân rộng mô hình giảm nghèo… cho 18.053 lượt hộ hưởng lợi bao gồm hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Thông qua các dự án, mô hình phát triển sản xuất, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất và tiếp cận dần với sản xuất hàng hóa.

Trong 3 năm từ 2018 – 2020, toàn tỉnh có hơn 420 hộ vay với tổng kinh phí 22 tỷ đồng để chăn nuôi, trồng trọt và cải tạo đất sản xuất; có 5.424 hộ được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt… Qua đó đã khẳng định tính thiết thực, hiệu quả của dự án triển khai. Các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số thiếu nước sinh hoạt đã được hỗ trợ mua sắm thiết bị, lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt từ nguồn vốn ưu đãi. Các hộ nghèo chưa có đất ở hoặc thiếu đất canh tác đã được hỗ trợ về đất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ đã ổn định nhà cửa, có tư liệu sản xuất và nguồn vốn để trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.

Cấp gà giống cho người dân huyện Ba Bể từ nguồn Chương trình 135

Ba Bể trước đây là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện tại thời điểm rà soát cuối năm 2015 còn 3.956 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 34,04%; cận nghèo 1.908 hộ, chiếm 16,42%. Được sự quan tâm đầu tư từ các nguồn lực triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đến cuối năm 2017 còn 28,28%. Năm 2018, huyện Ba Bể đã chính thức được công nhận thoát khỏi diện các huyện nghèo. Có được kết quả ấy, bên cạnh sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương còn có sự đóng góp không nhỏ của những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ trong đó có Chương trình 135. Bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã thay đổi, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần tăng thu nhập của người dân và cải thiện cuộc sống của người nghèo.

Là huyện nghèo của tỉnh, năm 2016, huyện Ngân Sơn có 50,96% hộ nghèo và 10,87% hộ cận nghèo. Nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo cao chủ yếu là do chưa đạt tiêu chí về thu nhập và thiết hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, huyện Ngân Sơn đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa các loại giống có năng suất, giá trị cao vào canh tác, chăn nuôi. Từ nguồn vốn Chương trình 135, địa phương đã phát triển các mô hình, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể theo từng năm. Đến nay, huyện còn 2.418 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 32,47%.

Còn tại huyện Pác Nặm, hiện nay, số hộ nghèo còn cao nhất tỉnh với 36,55%, huyện đang triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ để tạo điều kiện cho người dân vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Để công tác giảm nghèo được chỉ đạo xuyên suốt, Ban Chỉ đạo Giảm nghèo cấp xã phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách các thôn bản, mỗi chi bộ thôn, bản phân công đảng viên giúp hộ nghèo, hộ khó khăn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ nguồn vốn 135 và các nguồn vốn khác, địa phương chú trọng triển khai các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện điều kiện sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Mô hình hỗ trợ vật nuôi, cây trồng trên địa bàn đã thật sự phát huy hiệu quả. Pác Nặm phấn đấu năm 2021 sẽ giảm 4% hộ nghèo, còn 32,55%.

Có thể nói, chính sách giảm nghèo thông qua Chương trình 135 đã giúp người nghèo, cận nghèo trên địa bàn từng bước cải thiện điều kiện sống, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo cho bà con. Kết quả này góp phần ổn định, phát triển kinh tế – xã hội trên từng địa bàn thôn, bản còn khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các địa bàn, nhóm dân cư. Bắc Kạn đề ra mục tiêu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,50% (năm 2020) xuống còn 16,07% năm 2021./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *