một loại hình kinh tế có tính đặc thù mang tính dịch vụ, và thường được xem như ngành công nghiệp không khói, gồm có du lịch quốc tế và du lịch trong nước; có chức năng, nhiệm vụ tổ chức việc khai thác các tài nguyên và cảnh quan của đất nước (tài nguyên thiên nhiên, phong cảnh, kinh tế, văn hoá, lịch sử, vv.) nhằm thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước, tổ chức buôn bán, xuất nhập khẩu tại chỗ hàng hoá và dịch vụ cho khách du lịch. Là một ngành dịch vụ thu ngoại tệ, góp phần quan trọng trong việc tăng thu nhập quốc dân. Trong tình hình quốc tế hoá đời sống kinh tế thế giới, du lịch quốc tế ngày càng phát triển. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về du lịch của con người ngày càng lớn, mang nhiều ý nghĩa văn hoá và xã hội sâu sắc. KTDL là một ngành kinh tế tổng hợp có liên quan mật thiết với nhiều ngành kinh tế khác, trước hết là với kinh tế đối ngoại, và với nhiều ngành văn hoá, xã hội và mang tính nhân bản, văn hoá, tính dân tộc ngày càng cao. KTDL có nhiều nội dung và nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như du lịch thắng cảnh, du lịch nghỉ dưỡng sức, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, du lịch nghiên cứu khoa học, tìm hiểu nền văn hoá dân tộc và nền văn hoá thế giới, vv. Cũng như các ngành kinh tế khác, KTDL chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế, song do đặc thù của ngành, nên nó có những cơ chế vận hành riêng. Vài thập niên gần đây, nhiều nước trên thế giới đã chú trọng phát triển ngành KTDL và đã thu hút được nguồn ngoại tệ lớn. Riêng vùng Đông Nam Á – Thái Bình Dương, tỉ trọng ngoại tệ thu từ du lịch tăng nhanh: năm 1980 tăng 7,31%, năm 1991 tăng 14,5%; dự kiến năm 2000 sẽ tăng 18%.
Quá trình hình thành ngành du lịch Việt Nam còn mới mẻ, do đó trong quá trình phát triển cho ngang tầm với yêu cầu to lớn và với khả năng điều kiện khách quan của đất nước, nhiều vấn đề quan trọng đang được đặt ra như xây dựng chiến lược phát triển cơ bản, lâu dài, xây dựng các kế hoạch khả thi trong từng thời kì trên cơ sở khai thác và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn đầu tư nước ngoài và trong nước; xây dựng các chính sách chế độ và phương thức quản lí thích hợp với đặc thù của ngành và của các vùng khác nhau…; tổ chức liên kết, hợp tác các chủ thể hoạt động du lịch giữa trung ương và địa phương, giữa các ngành, các địa phương các thành phần kinh tế – xã hội nhằm tạo ra sự phát triển chung của KTDL một cách nhanh chóng, nhịp nhàng, mang lại hiệu quả cao về các mặt: kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Ngành KTDL ở Việt Nam đang trong quá trình phát triển, trở thành một ngành kinh tế quan trọng; đã cải tạo và xây dựng mới các cơ sở vật chất kĩ thuật cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập, giao lưu kinh tế quốc tế và phát triển du lịch. Nhìn chung, trong những năm qua, khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế đã tăng nhiều; KTDL đã và đang mang lại nhiều nguồn lợi cho đất nước.