Triết lý sống là giá trị nội tại, quan niệm về sự cống hiến và hưởng thụ nhu cầu vật chất, tinh thần, như là mục đích cuối cùng của đời người. Triết lý sống nằm trong đạo đức nhưng là phần “chìm”, phần tinh túy của đạo đức, có chức năng tự điều chỉnh đời sống tư tưởng, tình cảm và hành động của con người.
Bạn đang đọc: Triết lý sống Hồ Chí Minh – Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Có thể lấy những câu C. Mác trả lời con gái là một ví dụ về triết lý sống:
– Hỏi: Đức tính mà cha yêu quý nhất? – Trả lời: Giản dị.
– Hỏi: Quan niệm của cha về hạnh phúc? – Trả lời: Đấu tranh.
– Hỏi: Đặc điểm chủ yếu ở Cha? – Trả lời: Mục đích trước sau như một.
– Hỏi: Tính xấu mà cha ghét nhất? – Trả lời: Xun xoe, quỵ lụy
– Hỏi: Câu cách ngôn mà cha thích nhất? – Trả lời: “Không có cái gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”.
Qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, dân tộc Việt Nam đã hình thành nên những giá trị nhân sinh đặc sắc, trong đó có triết lý sống. Điều này được biểu hiện ở những danh nhân và anh hùng dân tộc. Đức Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308), một trong những vị vua anh minh trong lịch sử Việt Nam; là người sáng lập Thiền phái Phật giáo Trúc lâm (một giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của dân tộc), ngay khi đang ở đỉnh cao của vinh quang và quyền lực, Ông đã để lại đằng sau tất cả những ham muốn trần tục, bước vào đời sống tu hành nhằm mưu cầu quốc thái dân an. Nguyễn Trãi (1380 – 1442), tác giả của Bình Ngô đại cáo luôn khẳng định: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa mà còn phát triển triết lý sống cao đẹp của dân tộc lên tầm cao mới; đó là triết lý sống của cá nhân gắn liền với đạo đức cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa.
Từ khi chế độ XHCN ra đời (1917) đến nay, xã hội XHCN do các đảng cộng sản lãnh đạo, cầm quyền đã phải đương đầu với biết bao hiểm nguy, gian khổ. Vừa phải đấu tranh chống lại sự bao vây, cấm vận, tiến công xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít; vừa phải xây dựng chế độ mới, nhưng chế độ XHCN vẫn tồn tại và phát triển. Không ai có thể phủ nhận được rằng, với xã hội XHCN, loài người đã có thêm một sự lựa chọn lịch sử mới về con đường phát triển của nhân loại. Con đường mà ngày nay nhân dân lao động và những người tôn trọng sự bình đẳng và công bằng xã hội đang được đặt ra ở chính ngay những nước tư bản phát triển (mà “Phong trào Chiếm phố Uôn” là một ví dụ). Tuy nhiên chế độ XHCN, với mô hình Liên Xô – Đông Âu đã rơi vào khủng hoảng, sụp đổ trong những năm 80, đầu năm 90 của thế kỷ XX. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) trong các đảng cộng sản cầm quyền.
Vì sao có hiện tượng này? Để trả lời câu hỏi đó, không chỉ phân tích những sai lầm, khuyết điểm trong quan điểm, đường lối chính sách của các đảng cộng sản cầm quyền, mà còn phải phân tích những vấn đề nằm sâu ở chính con người. Trong công trình “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel”, C. Mác đã viết “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí…; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng. Lý luận có thể thâm nhập vào quần chúng, khi nó chứng minh ad hominem (chứng minh ứng dụng vào con người; lấy một con người để chứng minh) và nó chứng minh ad hominem khi nó trở thành triệt để… Nhưng gốc rễ của con người, chính là bản thân con người”1. Chỉ dẫn của C. Mác có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với sự phân tích tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, nhất là đạo đức, lối sống của CB,ĐV ở nước ta hiện nay.
Thực tế cho thấy, những ham muốn vô độ về vật chất, tiền bạc, tài sản, quyền lực là khởi điểm dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Sự khác biệt giữa con người với các sinh vật là ở nhận thức và theo đuổi lợi ích của mình. Lợi ích đó bao gồm lợi ích tinh thần và lợi ích vật chất. Đây là nguồn gốc thúc đẩy sự vận động của lịch sử xã hội và cũng là nguồn gốc triết lý sống. Có những nhận thức chung và sự khác biệt trong triết lý sống ở mỗi người. Những nhận thức chung có thể là: cuộc sống của mỗi người là hữu hạn, rút cuộc ai cũng phải “ra đi”, trở về với cát bụi; những nhu cầu cơ bản của con người là tự do, bình đẳng, lòng thương yêu người thân, gia đình, đồng loại… Sự khác biệt trong nhận thức ở mỗi người (về các giá trị vật chất, tinh thần) có thể là: có người xem quyền lực, của cải, sự giàu có hơn người là niềm hãnh diện, là mục đích cuối cùng của đời người; có người lại xem mục đích cuối cùng của một đời người là sự hy sinh, cống hiến cho xã hội, cho dân tộc, là mong được nhìn thấy hạnh phúc của con cháu, người thân, nói rộng ra là hạnh phúc của nhân dân. Với Hồ Chí Minh, triết lý sống và đạo đức cách mạng luôn gắn liền với nhau và có vai trò quan trọng đặc biệt đối với người cộng sản. Người thường dùng mệnh đề “Tự mình phải” hoặc “đối với việc, đối với người, đối với mình”. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (tài liệu để Hồ Chí Minh đào tạo lý luận Mác – Lê-nin cho lớp cán bộ trẻ ở Quảng Châu, được xuất bản năm 1927), Người đặt lên hàng đầu việc giáo dục đạo đức cho những người cộng sản trẻ tuổi. Ngay ở chương đầu của tác phẩm này, Người viết về “Tư cách một người cách mệnh”; trong đó, đòi hỏi người cách mạng phải “giữ chủ nghĩa cho vững”, đặc biệt là “Ít lòng tham muốn về vật chất”2.
Nói đến đạo đức, triết lý sống không thể không nói đến khái niệm lương tâm, đó là sự tự phán xét đối với hành động và cả trong suy nghĩ của mỗi người. Sự tự phán xét, không phải về mặt trách nhiệm chính trị hay pháp lý mà về trách nhiệm đạo đức – rằng điều đó có phù hợp với triết lý sống hay không? và rút cuộc những việc mình làm sẽ góp phần đưa xã hội đến đâu, đem lại những giá trị gì cho chính mình? Ngụy biện đối với cơ quan, tổ chức và cả với chính mình thường là nơi trú ngụ của những hành vi sai trái, những việc làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của chế độ xã hội. Ngày nay, ở nước ta, tham nhũng thường thông qua lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm”. Lý lẽ biện hộ của họ thường được giải thích bằng những “quyết định tập thể” hoặc do “cơ chế” để lẩn tránh trách nhiệm cá nhân. Không phủ nhận môi trường chính sách, pháp luật, cơ chế… của chúng ta cần tiếp tục được hoàn thiện, bởi vẫn còn những “khoảng trống” nào đó, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, nhưng điều đó không phải là không có người chịu trách nhiệm. Ở đây, lương tâm, triết lý sống sẽ là sự phán xét trước hết đối với mỗi người.
Nói đến triết lý sống là nói tới nhận thức, quan niệm về vinh quang và hổ thẹn. Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất thiết hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”3. Như vậy, với Hồ Chí Minh, những giá trị cao đẹp của mỗi cá nhân, của đảng cầm quyền, thậm chí của cả một dân tộc cũng có thể thay đổi, nếu không biết bảo vệ, phát triển những giá trị đó. Còn nhớ, sau khi V.I. Lê-nin, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và của các dân tộc bị áp bức qua đời (năm 1924), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã viết “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính sự coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao đến các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi”4. Những điều Hồ Chí Minh ca ngợi V.I. Lê-nin, đặc biệt là đức tính coi khinh sự xa hoa, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị… cũng là quan niệm về triết lý sống và phẩm chất của Người.
Triết lý sống Hồ Chí Minh không phải là sống khổ hạnh, càng không phải là diệt dục, mà là một quan niệm sống hài hòa, giản dị, khiêm nhường, thanh cao về tinh thần và vật chất. Với Người, cách sống đẹp là sự hài hòa giữa con người với tự nhiên, giữa cá nhân với đồng bào, đồng chí. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi nói về nếp sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính của Người, đã nhấn mạnh: là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh không thể sống khác như vậy được! Vào đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”5. Với Người, cương vị trọng trách không phải là quyền lực, quyền lợi mà là nghĩa vụ, trách nhiệm được giao nhằm phục vụ cho hạnh phúc của nhân dân. Còn nhu cầu có tính chất riêng tư thì đó là một cuộc sống giản dị, hòa nhập với nhân dân và hài hòa với tự nhiên.
Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng (khoá VII), tháng 01-1994, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra khái niệm “nguy cơ” đối với cách mạng Việt Nam. Đại hội XI của Đảng (tháng 01-2011) đã xác định những nguy cơ đối với cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB,ĐV, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”6. Trong những nguy cơ trên, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng xác định, sự suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB, ĐV “là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền, như V.I. Lê-nin và Bác Hồ đã từng cảnh báo”7. Có nhiều giải pháp để phòng, chống, đẩy lùi những nguy cơ trên; trong đó, các tổ chức, các lực lượng trong hệ thống chính trị và toàn dân, trước hết là đội ngũ CB, ĐV các cấp cần coi việc nâng cao hơn nữa hiệu quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một giải pháp cơ bản, thường xuyên và cấp bách trong tình hình hiện nay.
Triết lý sống Hồ Chí Minh là phần tinh túy trong tư tưởng đạo đức của Người. Học tập và làm theo triết lý sống của Người không chỉ vì lợi ích của xã hội, của cách mạng Việt Nam, mà còn vì sự hoàn thiện nhân cách và hạnh phúc của mỗi người./.
TS. CAO ĐỨC THÁI
___________
1- Các Mác, Phri-đích Ăng-ghen – Toàn tập, Tập 1, Nxb ST, H. 1978, tr. 27.
2- Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 2. Nxb CTQG, H. 2000, tr. 260.
3- Sđd – Tập 12, tr. 557.
4- Sđd – Tập 1, tr. 295.
5- Sđd- Tập 4, tr. 161.
6- ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011. tr. 29.
7- Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), ngày 28 tháng 02 năm 2012.
>>>>>Xem thêm: Crush là gì? 3 dạng crush phổ biến mà bạn cần phải biết