Chạy Dyno là gì? Bạn hiểu gì về kỹ thuật Dyno?

“Ê xe tao mới chạy Dyno xong mạnh lắm mày ơi, khéo tăng được chục mã lực chứ không ít đâu”

“Bác muốn xe mạnh thì đem ra chạy Dyno đi”

Mình chỉ giả dụ như vậy thôi, nhưng mà sự thực là như vậy. Các bạn hay kháo nhau rằng sau khi mang xe mô tô lên bàn thử Dyno thì “đột nhiên” xe được tăng công suất máy và xăng gió xe ổn định hơn. Đúng là xe có ổn định và mạnh hơn, nhưng không phải nhờ vào cái bàn chạy Dyno

“Dyno” là gì?

Dyno là cái từ mà dân Việt mình hay kháo nhau đó, trên thực tế thì bộ công cụ siêu to khổng lồ này có lên là Dynamometers. Cái giàn này là một sản phẩm thuộc công ty Dynojet’s Company, và gần như đã trở thành công cụ tiêu chuẩn trong việc đo lường công suất xe hiện đại (cả ô tô lẫn xe máy, motor)

Hệ thống máy đo của Dynojet chia thành 2 mảng, Automotive (Khối xe ô tô) và PowerSport (trong đó có xe mô tô, ATV & Go Kart) nhưng trong bài mình sẽ đề cập nhiều hơn về xe mô tô, nơi mà “bàn chạy Dyno” được ứng dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

Dyno hoạt động như thế nào?

Nói nôm na cho các bác dễ hiểu thì Dyno, hay hệ thống dyno sẽ tạo ra môi trường vận hành giả lập cho một chiếc xe ở trong phòng kín. Tùy theo độ hiện đại và đắt tiền mà hệ thống đó có thể tạo ra được cả gió làm mát để mô phỏng cho sát với điều kiện thực tế.

Từ đó, người vận hành Dyno sẽ bố trí các thiết bị đo lường bao gồm Jack cắm cũng như bộ hút khi thải hậu kỳ. Tất cả các thông số vận hành của một chiếc xe đều phải được ghi lại.

“Đôi khi người vận hành dyno cũng có thể ngất xỉu hoặc choáng váng vì khí thải trong phòng kín”

Ngoài ra, những hệ thống Dyno đơn giản họ sẽ chỉ quan tâm tới 2 thông số chính là sức mạnh đến từ bánh sau & số vòng tua máy. Đôi khi là nhiệt độ động cơ nữa thôi là đã đủ để đo lường rồi.

Điều mà ai cũng hiểu sai về Dyno

Thứ nhất, Dyno chỉ là một hệ thống đo lường công suất động cơ gần giống với điều kiện thực tế nhất. Để từ đó dùng phần mềm canh chỉnh hoặc canh chỉnh thủ công sao cho đạt yêu cầu vận hành từ người sử dụng. Cho nên việc Test Dyno không làm tăng công suất động cơ như nhiều người lầm tưởng. Người ta hay gọi Dyno Run hay Dyno Testing là vì điều này.

Thứ 2, không phải chỉ xe phun xăng, xe có ECU mới hoạt động được trên Dyno, mà ngay cả những xe sử dụng chế hòa khí đều có thể chạy như thường. Nếu bạn không tin thì ngay cả con Honda 67 của ông nội bạn để lại cũng có thể lên Dyno được.

Các tham số Dyno cần thu thập được là gì?

Đầu tiên là vòng tua máy (RPM) – Thông số này được thu thập được bằng cách cắm 1 Jack cắm vào 1 bugi để đo được tốc độ đánh lửa. Các thông số sẽ được hệ thống “dịch” ra thành RPM.

Thứ hai là sức mạnh động cơ. Bánh xe dẫn động (ở đây là bánh sau), được nối với một bánh đà lớn của bàn Dyno. Đây là một cơ cấu để đo được rất nhiều tham số, trong đó có tốc độ tối đa của xe, sức mạnh động cơ (Mã lực) và Momen xoắn được động cơ sinh ra. Tất nhiên là để cố định bánh sau ở đây thì bánh trước xe cũn phải cố định, sườn xe cũng thế.

Nhiệt độ, thì hường người vận hành Dyno sẽ cho xe nổ cầm chừng cho xe ấm lên trước khi bắt đầu chạy test. Vì khi động cơ nóng sẽ sinh công xuất nhiều hơn, và giống với thực tế hơn là đang nguội.

Thứ tư là khí thải. Thường người ta dùng quạt hút để khử khí thải, nhưng nhiều phòng Dyno có bố trí cảm biến để đọc xem chiếc xe có đang bị dư hay thiếu nhiên liệu hay không? Thường những hệ thống này dành cho nhà sản xuất xe, chúng ta cũng ít quan tâm. Đa phần là dân “đua bơi” nên hao miếng xăng với họ thì không thành vấn đề.

Cuối cùng là ở những hệ thống Dyno đặc biệt, nó còn có cả Jack cắm trực tiếp can thiệp vào ECU và sử dụng Power Commander (Đây là một bộ tinh chỉnh xăng gió cũng của Dynojet – được áp dụng cho rất nhiều dòng xe) để lấy được nhiều thông số khác, thậm chí lấy được cả thông số chuyển đổi của hệ thống Quickshifter sang số nhanh.

Từ những thông số trên mà chúng ta có thể thấy chính xác nhất tình trạng vận hành của động cơ cũng như công suất của chiếc xe hiện tại để có thể căn chỉnh cho phù hợp.

Đa phần dân chơi xe dùng Dyno để kiểm tra lại công suất sau khi độ, nếu như có phần mềm cài đặt ở ngay bên cạnh thì họ cũng có thể chỉnh các thông số này lại ngay. Chính vì lí do này mà nhiều bạn thấy sau khi Dyno xe sẽ mạnh lên. Mình khuyên bạn nên hiểu bản chất thực sự của Dyno, tránh những đơn vị không uy tín lừa gạt. Đã muốn độ xe, tăng công suất thì sẽ còn phức tạp và chông gai, không chỉ mỗi lên Dyno là xong.

Chúc các bạn Dyno “mã đáo” thành công.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *