Phật tại tâm – Báo Công an Nhân dân điện tử

  • Mỗi người tự soi mình để thực hành tín ngưỡng văn minh
  • “Mẹ Việt – Hành trình di sản” giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu tại TP Hồ Chí Minh
  • Tín ngưỡng – Lằn ranh mong manh

Trong tín ngưỡng người Việt có hệ thống các đấng tối cao là Trời, Ngọc Hoàng, Thượng đế, Ông Xanh, Tiên, Bụt… thì ông Bụt bình dân và gần gũi với con người hơn cả, nhất là với những con người nghèo khổ, bất hạnh.

Phật giáo thẩm thấu rất sâu vào mỗi gia đình Việt để rồi trở thành thành viên, thành một con người vừa cụ thể, vừa trừu tượng, vừa gần gũi thân quen vừa thành kính thiêng liêng, nên mới có câu tục ngữ “Phật trong nhà không thờ lại đi thờ Thích Ca ngoài đường”. “Phật trong nhà” ở đây là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị đáng kính, đáng học, đáng chiêm ngưỡng tôn thờ. Còn “Thích Ca ngoài đường” là những gì có thể chỉ là danh chứ không thực tế.

Người Việt có khái niệm “chân tu” theo cách của mình: “Tu đâu không bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”. Họ coi nhà mình là chùa, cha mẹ mình là Phật, do vậy “chân tu” đích thực là thờ cha kính mẹ. Thế nên “Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.

Dân gian có câu “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” có nghĩa là đất của vua, chùa của làng, phong cảnh của Bụt. Phong cảnh của Bụt tức là cảnh đẹp theo phong cách nhà Phật an lạc, hài hoà, yên bình, êm đềm. Như vậy tư tưởng Phật giáo còn ảnh hưởng, chi phối đến cả quan niệm thẩm mỹ của người Việt.

Giáo dục đạo đức theo triết lý Phật giáo thì phải nói đến thế giới truyện Nôm bình dân. Có truyện nhà Phật đóng vai trò cứu giúp người gặp nạn như ở truyện “Bạch Viên tân truyện”. Bạch Viên vốn là Tiên nữ bị đày xuống trần gian mà hoá thành con vượn trắng. Một hôm nó đến nghe kinh ở chùa Phi Lai, được thầy Huyền Trang cho vào tu ở chùa và cho đôi xuyến vàng.

Còn nặng tình duyên nên Bạch Viên bỏ chùa về chốn Thạch Tuyền nơi ở cũ và biến thành thiếu nữ xinh đẹp mà quyến luyến rồi kết hôn với chàng thư sinh Tôn Các. Đạo sĩ Nhàn Vân tình cờ gặp và nghi Bạch Viên là yêu tinh nên hoá phép trừ diệt. Bạch Viên nhờ đến xuyến vàng của sư Huyền Trang mới thoát nạn.

Về sau nhờ chăm chỉ niệm Kinh Phật mà gia đình Bạch Viên hạnh phúc, vinh hiển. Truyện “Thoại Khanh – Châu Tuấn” là bài ca ca ngợi đức hiếu thảo của nàng dâu Thoại Khanh thay chồng nuôi mẹ. Nàng từng cắt thịt cánh tay mình nướng cho mẹ chồng ăn thoát qua cơn đói, từng tự khoét mắt mình dâng thần để mẹ khỏi bị bắt đi.

Phật Thích Ca thương tình cho nàng cây đàn thần, nàng dùng tiếng đàn kiếm cơm nuôi mẹ, lấy tiếng đàn ai oán não nề nhắn gửi tới chồng Châu Tuấn… Như vậy Phật đã trở thành ân nhân của vợ chồng họ. Truyện thơ “Mục Liên Thanh Đề” minh hoạ bằng cách thơ Nôm hoá cho câu chuyện “Mục Kiều Liên cứu mẹ” trong Kinh Phật. Truyện rằng La Bốc mê đạo Phật nhưng người mẹ là Thanh Đề ngược lại. Bà ta lấy thịt chó làm nhân bánh rồi mời các sư. Các sư biết bèn mang bánh đổ ở gốc cây, về sau bánh hoá thành hành, hẹ, húng dổi (nên cúng Phật không bao giờ được có những thứ này).

Con chó bị Thanh Đề giết xuống âm phủ kiện. Diêm Vương cho bắt Thanh Đề chịu trọng tội. La Bốc sang Tây phương cầu Phật. Phật đổi tên La Bốc thành Mục Liên và cho quy y rồi ban sắc Phật cho xuống âm phủ tìm mẹ. Nhờ Mục Liên mà mẹ được tha: “Ngày sau khi đến Phật tiền/ Mẹ con khi ấy đoàn viên một nhà”. Truyện minh hoạ sinh động giáo lý nhà Phật, miêu tả sinh động chốn âm phủ nơi con người chịu tội. Đó cũng là cách giáo dục con người ta khi sống phải thật thà, chân thành, không sát sinh…

Trong tín ngưỡng người Việt thì Phật không ở đâu xa mà ở ngay trong tim mình (Phật tại tâm). Vua Trần Thái Tông (đời Trần) nói: “Núi vốn không có Phật. Phật ở nơi tâm. Tâm lặng lẽ sáng suốt ấy là chân Phật”. Thế nên đến với Phật là đến với cái tâm thật sự chân thành, trong sáng chứ không thể đến bằng lễ lạt, càng không thể bằng tiền bạc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *