Tư tưởng chính trị – trọng tâm chống phá của các thế lực thù địch | Tạp chí Tuyên giáo

LUẬN ĐIỆU CHỐNG PHÁ

Bạn đang đọc: Tư tưởng chính trị – trọng tâm chống phá của các thế lực thù địch | Tạp chí Tuyên giáo

Tư tưởng chính trị bàn ở đây là tư tưởng về vấn đề chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, xây dựng xã hội của dân, do dân và vì dân. Lập trường này được C.Mác cùng F.Ăngghen xây dựng trên cơ sở sự vận hành và phát triển của các hình thái kinh tế xã hội trong hiện thực lịch sử nhân loại. Đó là học thuyết vĩ đại của xã hội loài người-học thuyết khoa học về chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đó cũng chính là tư tưởng chính trị then chốt; là yếu tố quan trọng hàng đầu cần được xác lập một cách vững vàng trong mỗi chủ thể của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng chính trị là nhân tố hàng đầu tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội. Vì thế, các thế lực chống phá, thù địch luôn xác định đây là mắt xích, mũi đột phá quan trọng cần tập trung tấn công. Trong cuốn sách Chiến thắng không cần chiến tranh (1999), Níchxơn đã viết: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất”, “vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”.

Theo đó, những chiêu bài về “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hay “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”… mà các thế lực thù địch vẫn không ngừng “lớn tiếng” lâu nay cũng chỉ nhằm hướng tới một mục tiêu: phủ nhận những vấn đề căn cốt – nền tảng tư tưởng chính trị của chúng ta.

Một là, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Các thế lực thù địch, phản động, chống phá vẫn luôn tự cho họ “cái quyền” đòi Đảng ta, nhân dân ta từ bỏ mục tiêu, con đường đã chọn với “lỹ lẽ” rằng đó là “con đường sai lầm, dẫn dân tộc đến đường cùng, ngõ cụt”. Họ ra sức lợi dụng sự kiện CNXH theo mô hình Xô viết ở Liên xô và các nước Đông Âu trước đây sụp đổ để “kết luận” rằng CNXH đã cáo chung, Đảng Cộng sản đã hết vai trò lịch sử; rằng Việt Nam kiên định đi lên CNXH là sai lầm, là đi vào “vết xe đổ” Liên Xô và Đông Âu. Họ cố tình xuyên tạc: “Chủ nghĩa xã hội mà C.Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”; không bao giờ thực hiện được”. Hơn thế, họ “dạy” Đảng ta cần phải đi theo con đường – mô hình “xã hội dân chủ”, “chính trị đa nguyên”, “đa đảng đối lập”… Đồng thời không ngừng rêu rao, kích động, bôi đen chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, cho rằng, kinh tế thị trường với CNXH như lửa với nước, không thể đồng hành, từ đó phủ nhận vai trò kinh tế nhà nước, đòi tư nhân hóa đất đai…

Những luận điệu nêu trên vẫn thường được “nhai đi nhai lại” khi trắng trợn, lúc tinh vi; lúc thì “mượn mồm” của một số người biến chất, bất mãn, khi thì thô lỗ nhân danh, khoác áo “những nhà chính trị”, “tổ chức nọ”, “hội kia”. Tuy giọng điệu, cung bậc khác nhau, song đều chung một kiểu “mưa dầm thấm lâu”, nhằm làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, bi quan, dao động, suy giảm niềm tin chính trị.

Để tạo sức “đề kháng” trước những “cơn gió độc”, bên cạnh không ngừng củng cố bản lĩnh và sự kiên định của mỗi công dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên vào mục tiêu, con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, chúng ta cần tiếp tục thấu triệt: 1) Sự thay thế của hình thái kinh tế XHCN vào hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa là sự tiếp nối tất yếu trong dòng chảy phát triển. Vấn đề này đã được khẳng định bằng chính quá trình phát triển của lịch sử nhân loại. 2) Thực tiễn tiến trình cách mạng Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng đã và đang minh chứng “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”(1). “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(2) là sự kiên định khoa học, khách quan, đúng đắn, phù hợp, đang từng bước thỏa mãn khát vọng chính đáng của nhân dân: độc lập, hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc. 3) Những nhà tài phiệt của chủ nghĩa tư bản luôn muốn duy trì sự bất bình đẳng của xã hội để thâu tóm lợi ích. Vì thế, bình đẳng, tự do, ấm no, hạnh phúc của quần chúng nhân dân lao động không phải là mục tiêu mà họ hướng tới, không phải là bản chất chế độ mà họ muốn duy trì.

Hai là, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Vẫn “quanh đi quẩn lại” với những “diễn giải” như, chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, chỉ phù hợp với trình độ, lực lượng sản xuất phương Tây thế kỷ XIX; ở thế kỷ XXI, chủ nghĩa này đã lỗi thời, đã bị lịch sử vượt qua… từ đó, những thế lực chống phá, phản động luôn “to mồm” rằng chủ nghĩa Mác – Lênin không phù hợp với Việt Nam; việc du nhập chủ nghĩa này vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử, chỉ đưa đến tai họa vì đây là tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc… Cùng với đó, họ không ngừng xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Người; bóp méo sự thật công cuộc đổi mới ở Việt Nam… Những “giọng điệu” đó đều không nằm ngoài mục đích: phủ định sự vận dụng sáng tạo tư tưởng chính trị của chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện Việt Nam; phủ nhận nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng xã hội của dân, do dân và vì dân.

Để phản bác lại những “lập luận” nêu trên, chúng ta cần không ngừng nắm rõ, hiểu sâu, củng cố lại nhận thức: 1) Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống các quan điểm và học thuyết khoa học do C.Mác và Ph.Ăng-ghen xây dựng, V.I.Lênin bảo vệ và phát triển, Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo, bổ sung trong điều kiện cụ thể một nước thuộc địa, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu; được hình thành và phát triển trên cơ sở tổng kết thực tiễn và kế thừa những giá trị tư tưởng của nhân loại; là thế giới quan phương pháp luận chung nhất của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng; là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người. 2) Trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng, chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ ra những quy luật kinh tế của xã hội, đặc biệt là những quy luật của quá trình ra đời, phát triển, suy tàn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và sự ra đời, phát triển của phương thức sản xuất mới – phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. 3) Xây dựng CNXH ở Việt Nam là kết quả tất nhiên của sự vận dụng thế giới quan, phương pháp luận triết học, kinh tế chính trị Mác – Lênin, CNXH khoa học vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. 4) Trên cơ sở quan điểm “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin”(3), Đảng Cộng sản Việt Nam xác định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng trong quá trình trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, cùng toàn dân xây dựng một xã hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ba là, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hết năm này qua năm khác, các phần tử, tổ chức phản động, thù địch vẫn không ngừng ra rả những luận điệu “rườm tai” như “Đảng Cộng sản chưa bao giờ chứng tỏ có khả năng quản trị đất nước”; “chế độ một đảng lãnh đạo, cầm quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền, khiến xã hội không có tự do, dân chủ”; “từ bỏ độc quyền lãnh đạo là then chốt của chế độ dân chủ”… Đồng thời, họ dẫn những quan điểm “dân chủ”, “nhân quyền” tư sản để đồng nhất dân chủ với đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; đồng nhất nhân quyền với tuyệt đối hóa quyền của cá nhân…

Một số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị ở trong nước cũng thường “vào hùa” “ăn theo”, khi thì nhân danh “quyền công dân”, khi thì gắn mác “tâm nguyện vì nước vì dân” để đưa ra những “yêu sách” kiểu như: Đảng phải “thay đổi Cương lĩnh xây dựng đất nước”, phải “chuyển đổi thể chế chính trị”…

Tất cả những “kiểu cách” nêu trên, dù được ngụy trang bằng những mỹ từ nào đi nữa, thì bản chất và mục đích vẫn là nhằm làm phân tâm, tạo hoài nghi trong xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên, để từ đó phủ nhận nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, làm “nhiễu loạn” mọi hệ giá trị, tiến tới phủ nhận chế độ, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng.

Do đó, việc nắm chắc những nội dung căn cốt về tư tưởng chính trị là “vũ khí” quan trọng nhất để mỗi chúng ta chiến thắng chính mình – vượt qua những mơ hồ, hoài nghi, dao động; đồng thời đấu tranh phản bác có hiệu quả với những giọng điệu “ngụy dân chủ”, “ngụy lý luận”.

Về phương diện lý luận, vấn đề Đảng Cộng sản cầm quyền trong thời ký quá độ đi lên CNXH là một trong những nội dung quan trọng của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Nghiên cứu lịch sử đương đại, Mác và Ăng-ghen chỉ ra rằng, trong các xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, giai cấp nào giành được quyền lực nhà nước sẽ trở thành giai cấp thống trị và thực hiện vai trò lãnh đạo đối với xã hội. Kế thừa những di sản tư tưởng chính trị cơ bản đó, V.I.Lênin đã phát triển và có những luận điểm sâu sắc, trong đó khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho công cuộc xây dựng CNXH thành công. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong quá trình đi tìm “lời giải cho bài toán” cách mạng Việt Nam đã nhận thấy: cách mệnh trước hết phải có đảng cách mệnh…

Về phương diện thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức và hoạt động chặt chẽ theo tư tưởng, nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Những kết quả đạt được trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hơn 35 năm qua là câu trả lời chính xác, khoa học nhất về vai trò lãnh của Đảng trên cơ sở kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin. Buông lỏng hoặc hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng là phạm sai lầm từ nguyên tắc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nguy cơ của mọi nguy cơ dẫn đến thủ tiêu sức mạnh của nhà nước và hệ thống chính trị, tạo điều kiện cho chủ nghĩa cơ hội trỗi dậy.

ĐẢNG LÃNH ĐẠO LÀ SỰ LỰA CHỌN KHÁCH QUAN CỦA LỊCH SỬ

Cần khẳng định lại rằng, những “lý lẽ” mà các đối tượng, thế lực chống phá luôn rêu rao, đòi hỏi đối với Đảng và chế độ ta là những điều hoàn toàn không có gì mới, nhất là vấn đề “đa nguyên đa đảng”.

Tìm hiểu thêm: Danh Mục Thương Hiệu

>>>>>Xem thêm: Thực dưỡng Ohsawa là gì? Những kiến thức về ăn thực dưỡng

(Ảnh minh họa)

Như chúng ta đã biết, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam khai sinh, ở nước ta đã từng có mô hình “đa nguyên đa đảng”. Ngay cả khi Đảng ta ra đời thì “đa đảng” vẫn tồn tại. Nhưng từ chính những đòi hỏi khách quan của lịch sử mà cách mạng đã lựa chọn từ “đa đảng” đến một đảng. Đó là xu hướng chính trị gắn liền với hoàn cảnh lịch sử và điều kiện cụ thể Việt Nam. Để khắc phục tình trạng “độc quyền mất dân chủ”, trong suốt tiến trình cách mạng, mọi đường lối, phương thức lãnh đạo của Đảng đều được bàn thảo, xây dựng trên cơ sở ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Vì thế, chúng ta khẳng định, ở Việt Nam không có sự cần thiết khách quan phải thực hiện cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập. Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện nay, nếu “thỏa hiệp” để thực hiện đa đảng đối lập cũng đồng nghĩa với việc đánh mất sự ổn định chính trị, rối loạn xã hội; tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các tư tưởng chính trị xa lạ – đi ngược lại lợi ích của quảng đại quần chúng và mục tiêu xây dựng xã hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ” dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”(4).

Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(5).

Để đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng một cách đúng đắn, khách quan và khoa học, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm vững và thường xuyên củng cố nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường tuyên truyền “phổ cập” tới mọi tầng lớp nhân dân về mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Qua đó tạo lập một mặt bằng chung trong toàn xã hội về ý thức tư tưởng chính trị; nâng cao khả năng “tự miễn dịch” trước những âm mưu xâm nhập, lây lan của những tư tưởng đi ngược lợi ích nhân dân, trái với lý tưởng và mục tiêu XHCN.

Nghiêm túc quán triệt và thực hiện việc “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính giáo dục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(6). Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập Nghị quyết của Đảng. Thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược; tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng.

Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” nói chung, chống các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng chỉ phát huy hiệu quả thực chất khi việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ Đảng thực sự có chất lượng. Theo đó, sự gương mẫu “nói đúng làm đúng” từ mỗi cán bộ đảng viên là cách tốt nhất để lan tỏa những quan điểm, chủ trương của Đảng tới mọi “ngõ ngách cuộc sống”, để mọi tầng lớp nhân dân luôn “tâm phục khẩu phục”, một lòng theo Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ./.

PGS. TS. Đoàn Thế Hanh Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(1) (2) (3) (5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.104, 109, 109, 109, 181.

(4) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 16/5/2021.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *