Tại Trung Quốc, khái niệm về kinh tế biển được các nhà khoa học phát triển theo thời gian:
Năm 1984, Yang Jinsen cho rằng: “nền kinh tế biển là tổng hợp của các hoạt động hàng hải hoặc cho sự phát triển của nguồn tài nguyên biển và đối tượng của hoạt động kinh tế khác nhau”(1). Theo quan điểm này, tác giả nhìn nhận kinh tế biển chủ yếu là vận tải biển.
Năm 1990, theo các học giả Dương Kim Thâm, Lương Hải Tân và Hoàng Minh Lỗ: “kinh tế biển bao gồm ba loại ngành nghề theo các thời kỳ khác nhau là nghề đánh bắt hải sản, làm muối và vận tải biển là những nghề biển truyền thống, khai thác dầu khí trên biển, nghề nuôi trồng hải sản và ngành du lịch biển là nghề biển mới phát triển, nghề khai thác các nguồn năng lượng có trong biển, các loại tài nguyên khoáng sản ở dưới biển sâu và lợi dụng nước biển là những nghề biển tương lai”(2). Quan điểm của ba học giả Trung Quốc thời điểm đầu những năm 90 đã khái quát tương đối đầy đủ các ngành nghề của kinh tế biển. Tuy nhiên, các học giả chưa đề cập đến một số ngành nghề như chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng biển.
Năm 1995, Xu Zhibin cho rằng: “nền kinh tế biển được gọi là một sản phẩm đầu vào và đầu ra, cung và cầu, nguồn tài nguyên biển, không gian biển, điều kiện môi trường biển trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hoạt động kinh tế”(3).
Năm 2003, Xu Zhibin chia thành “ba cấp độ của nền kinh tế biển”(4). Ông cho rằng, bản chất của các tài sản gắn liền với kinh tế biển đại dương không chỉ khác nhau từ các điểm phân giới cắm mốc đất nền kinh tế biển, mà còn để xác định kinh tế biển chủ yếu dựa vào nội dung phù hợp với mức độ hoạt động kinh tế liên quan đến biển. Kinh tế biển có thể được chia thành ba cấp độ sau đây: (1) kinh tế biển theo nghĩa hẹp, đề cập đến sự phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên biển, nước biển và không gian biển và sự hình thành của nền kinh tế; (2) kinh tế biển theo nghĩa rộng, đề cập đến việc cung cấp các điều kiện kinh tế cho các hoạt động phát triển hàng hải, bao gồm cả kinh tế biển và thu hẹp giao diện của ngành công nghiệp, cũng như sản xuất thiết bị chung đất và biển, v.v.. (3) kinh tế trên đảo, cũng như hệ thống đất ven biển công nghiệp, trong đó có nền kinh tế đảo và nền kinh tế ven biển.
Như vậy, từ năm 1995 đến 2003, các học giả Trung Quốc đã hoàn thiện khái niệm về kinh tế biển và đi đến thống nhất quan điểm: những hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến biển thì được gọi là kinh tế biển.
Tại Mỹ, quan điểm của các nhà khoa học về kinh tế biển phụ thuộc vào sự đóng góp của kinh tế biển vào nền kinh tế quốc dân. Học giả người Mỹ Charles S. Colgan cho rằng: “kinh tế biển là những hoạt động có nguồn gốc từ biển. Cụ thể gồm hoạt động liên quan đến biển như khai thác biển, hải sản và ngành vận tải biển”(5).
Theo Brian Roach, Jonathan Rubin và Charles Moris của trường Đại học Maine: “kinh tế biển là các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển hoặc ven biển bao gồm một số hoạt động như hoạt động khai thác hải sản và vận tải biển, những hoạt động phụ thuộc vào biển”(6). Như vậy, các hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến biển đều được coi là các ngành nghề thuộc kinh tế biển.
Một định nghĩa tương tự được Park đề xuất: “Kinh tế biển là các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và cả các hoạt động cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan đến biển”(7). Nói cách khác, kinh tế biển là các hoạt động kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp diễn ra trên biển, khai thác đại dương để tạo ra hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, bất cứ một định nghĩa nào về kinh tế biển được coi là đầy đủ cũng cần phải bao gồm các nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên không thể định lượng và các hàng hóa và dịch vụ phi thị trường của hệ sinh thái biển (Hình 1).
Ở Việt Nam, có nhiều quan điểm khác nhau về kinh tế biển.
Quan niệm theo nghĩa hẹp: “Kinh tế biển bao gồm toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, chủ yếu gồm: (1) Kinh tế hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển); (2) Hải sản (đánh bắt và nuôi trồng); (3) Khai thác dầu khí ngoài khơi; (4) Du lịch biển; (5) Làm muối; (6) Dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; (7) Kinh tế đảo”(8).
Quan niệm theo nghĩa rộng: “Kinh tế biển bao gồm các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển: Kinh tế hàng hải; Hải sản; Khai thác dầu khí ngoài khơi; Du lịch biển; Làm muối; Dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; Kinh tế đảo và các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển ở dải đất liền ven biển, bao gồm: Đóng và sửa chữa tàu biển; Công nghiệp chế biến dầu khí; Công nghiệp chế biến thủy, hải sản; Cung cấp dịch vụ biển; Thông tin liên lạc biển Nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, đào tạo nhân lực phục vụ quản lý kinh tế biển, điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển”(9).
Giáo sư Nguyễn Văn Hường cho rằng: “Kinh tế biển là một lĩnh vực bao trùm gồm nhiều ngành hoạt động liên quan đến biển như thủy sản, du lịch, giao thông vận tải, dầu khí,…nhằm khai thác toàn bộ lợi ích mà biển có thể mang lại cho đất nước”(10).
Theo PGS, TS Đào Duy Quát và TS Phạm Văn Linh: “Kinh tế biển là hoạt động kinh tế có ba lợi ích kinh tế phục vụ con người rõ ràng nhất là vận tải đường biển, khai thác nguồn tài nguyên phong phú của biển và du lịch, viễn thông”(11).
Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Thanh cho rằng: “Kinh tế biển là sự kết hợp hữu cơ giữa các hoạt động kinh tế trên biển với các hoạt động kinh tế trên đất liền, trong đó biển chủ yếu đóng vai trò khai thác nguyên liệu, cho hoạt động vận tải, hoạt động du lịch trên biển, còn hầu hết các hoạt động tổ chức sản xuất, chế biến, hậu cần dịch vụ phục vụ khai thác biển lại nằm trên đất liền. Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học – kỹ thuật trong mấy thập kỷ gần đây cho phép con người có thể khai thác, sử dụng nhiều loại tài nguyên thiên nhiên của biển và đại dương”(12).
PGS, TS Bùi Tất Thắng và PGS, TS Chu Đức Dũng trong các nghiên cứu của mình đều có chung quan điểm về nội hàm kinh tế biển như sau:
“Kinh tế biển hiểu theo nghĩa hẹp là toàn bộ hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, chủ yếu gồm: Kinh tế hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển); Hải sản (đánh bắt và nuôi trồng hải sản); Khai thác dầu khí ngoài khơi; Du lịch biển; Làm muối; Dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; Kinh tế đảo”(13).
Kinh tế biển hiểu theo nghĩa rộng là các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển, tuy không phải diễn ra trên biển nhưng những hoạt động kinh tế này lại nhờ vào yếu tố biển hoặc trực tiếp phục vụ các hoạt động kinh tế biển ở dải đất liền ven biển, bao gồm: Đóng và sửa chữa tàu biển; Công nghiệp chế biến dầu khí; Công nghiệp chế biến thủy, hải sản; Cung cấp dịch vụ biển; Thông tin liên lạc (biển); Nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, đào tạo nhân lực phục vụ quản lý kinh tế biển, điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển.
Trong Đề án: “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển, vùng ven biển và các hải đảo Việt Nam đến năm 2010” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì (1995 – 1996) nêu: “Kinh tế biển là sự kết hợp hữu cơ giữa các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển, trong đó biển chủ yếu đóng vai trò vùng khai thác nguyên liệu, là môi trường cho các hoạt động vận tải, du lịch biển,… còn toàn bộ các hoạt động sản xuất và phục vụ khai thác biển lại nằm trên dải đất liền ven biển. Do vậy, khi nói đến kinh tế biển không thể tách vùng biển với vùng ven biển và ngược lại”(14).
Khái niệm này đã chỉ ra các hoạt động kinh tế biển và không gian của kinh tế biển gồm hai bộ phận là không gian biển và không gian dải đất liền ven biển. Theo đó, đối với lãnh thổ Việt Nam, kinh tế vùng ven biển là các hoạt động kinh tế ở dải ven biển, có thể tính theo địa bàn các xã ven biển, các huyện ven biển hoặc cũng có thể là các tỉnh ven biển – có biên giới đất liền tiếp giáp với biển, bao gồm các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên phạm vi địa bàn lãnh thổ này
Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng: Kinh tế biển là toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển (tuy không phải diễn ra trên biển nhưng hoạt động kinh tế này là nhờ vào yếu tố biển hoặc trực tiếp phục vụ các hoạt động kinh tế biển ở dải đất liền ven biển).
Kinh tế biển bao gồm các lĩnh vực: Kinh tế hàng hải; Nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản; Công nghiệp dầu khí; Du lịch biển; Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị ven biển; Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học – công nghệ về khai thác và quản lý kinh tế biển.
Với các cách tiếp cận trên, kinh tế biển đã được làm rõ, phù hợp với đặc điểm tình hình, vị trí, tầm quan trọng vốn có của nó. Đại hội XII của Đảng xác định: “Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường… Tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển”(15). Như vậy, kinh tế biển là hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, hoặc có liên quan đến biển như khai thác, chế biến các sản phẩm có liên quan đến biển, du lịch biển, khai thác dầu khí, vận tải biển, để phục vụ đời sống con người và mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc dân.
____________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2017
(1) Yang Jinsen: Phát triển kinh tế biển phải thực hiện cách tiếp cận cân bằng, Viện nghiên cứu Bắc Kinh, Trung Quốc, 1984.
(2) Dương kim Thâm, Hoàng Minh Lỗ, Lương Hải Tâm: Chiến lược khai thác biển của Trung Quốc, Nxb Đại học Công nghiệp Vật lý Trung Hoa, 1990.
(3) Xu Zhibin: Kinh tế biển và khoa học kinh tế biển, Tạp chí Khoa học biển, 1995.
(4) Xu Zhibin (2003), Ba cấp độ của nền kinh tế biển.
(5) Charles S. Colgan (2007): “AGuide to the Measurement of the Market Dat for the Ocean and Coastal Economy in the National Ocean Economics Program”.
(6) Theo Brian Roach, Jonathan Rubin và Charles Moris của trường Đại học Maine,
(7) Park Brian Roach, Jonatan Rubin & Charles Morris (1999), “Measuring Maine’s Marine Economy”, Maine Policy Review, Volum 8, Issue 2, Fall 1999.
(8), (9), (14) Viện khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo Hội thảo Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam, Hà Nội, 2007.
(10) Nguyễn Văn Hường: Bàn về kinh tế biển, Tạp chí Hoạt động Khoa học, số 5-1996.
(11) Đào Duy Quát, Phạm Văn Linh: Phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.
(12) Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Đà Nẵng: Hội thảo khoa học về phát triển kinh tế biển Đà Nẵng, 2002.
(13) PGS, TS Bùi Tất Thắng (2007): Về chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và dự báosố7/2007; Chu Đức Dũng (2011): Chiến lược phát triển kinh tế biển Đông của một số nước Đông Á – Tác động và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam.
(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.94-95.
ThS Lê Quốc Bang
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh