Hiểu Đúng Về Hình Nhân Thế Mạng Là Gì, Hình Nhân Thế Mạng

Đốt hình nhân thế mạng xuất hiện trong nhiều nghi lễ tín ngưỡng của người Việt Nam ta từ xưa đến nay. Vậy hình nhân thế mạng là gì, ý nghĩa của hình nhân thế mạng? Cùng Tháp Long Thọ tìm hiểu những thông tin về hình nhân thế mạng tại bài viết sau.

Bạn đang xem: Hình nhân thế mạng là gì

Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng đất nặn nên các hình người mô phỏng người sống. Những hình người này được làm ra để thay thế tính mạng cho người sống, đôi khi dùng để cứu một mạng người sống.

Theo thời gian, việc nặn hình người bằng đất khá tốn kém nên người dân chuyển sang hình người giả được làm từ giấy, dễ cắt dán và tiết kiệm chi phí. Hình nhân thế mạng xuất hiện như thế và mang ý nghĩa “một hình người làm ra để thay thế tính mạng”.

Hình nhân thế mạng làm như thế nào? Hiện nay không có một ghi chép cụ thể về việc hình nhân phải làm như thế nào. Có vài trường hợp hình nhân thế mạng làm bằng tre nứa, quấn rơm rạ hoặc nhào nặn bằng đất sét. Bên ngoài dán giấy làm quần áo rồi vẽ mặt mũi, sau khi tế lễ xong sẽ đốt hình nhân đó cùng vàng mã.

Trường hợp khác, để làm hình nhân thì các thầy pháp phải tìm đất sét, cây dâu tằm, than cây sầu đông, chỉ tơ,… Đối với cây dâu tằm phải là “dâu mồ côi”, không đẻ nhánh. Sau khi đã có đầy đủ nguyên liệu, thầy sẽ lập đàn để chiêu hồn và nắn hình nhân. Đầu tiên dùng đất sét từ 20 – 25kg, giá và quết nhuyễn để nắn da thịt. Sau đó, dùng cây dâu tằm nắn bộ xương sống, sườn theo nguyên tắc nam bảy đốt, nữ chín đốt, mông, đùi, vai và xương ngón tay, ngón chân. Than đen, cây sầu đông dùng để nắn gan, phổi; chỉ tơ thì nắn ruột, gân,… Cứ như vậy, trong vòng 2 giờ đồng hồ sẽ xong một hình nhân từ 90 phân đến một mét.

Sau khi nắn xong hình nhân, thầy sẽ đăng đàn, khấn tế chiêu hồn về nhập vào xác hình nhân. Khi lễ kết thúc, gia chủ có thể mang hình nhân về.

Nguồn gốc của hình nhân thế mạng xuất phát từ tập tục tuẫn táng. Nước ta không có tập tục này nhưng do sự giao thoa văn hóa Trung Quốc vào những năm bị đóng chiếm, tập tục này dần được truyền vào nước ta.

Tuẫn táng là tập tục chôn người sống theo người chết xuất hiện vào thời cổ đại tại Trung Quốc. Lúc bấy giờ, con người quan niệm cho rằng người sống và người chết phải được hưởng một cuộc sống như nhau. Đặc biệt đối với tầng lớp vua chúa, sau khi chết để có người chăm sóc hầu hạ, hoàng hậu và các cung phi mỹ nữ, vàng bạc châu báu sẽ được chôn sống theo. Đây là hủ tục không có tính nhân đạo.

Tại Việt Nam ta, tục đốt hình nhân thế mạng xuất phát từ tục tuẫn táng nhưng nhân đạo hơn so với tuẫn táng tại Trung Quốc. Tục làm hình nhân thế mạng bắt đầu từ hiện tượng các binh phu Hoàng Sa, Trường Sa gặp nạn, mất xác khi làm nhiệm vụ trên biển đảo. Người dân sẽ làm hình nhân cho người đi biển bị bỏ mạng mất xác. Sau này, hễ ai làm ăn xa, rủi ro bị mất mạng không tìm được xác, gia đình sẽ nhờ làm hình nhân thế mạng. Và nghi lễ thế mạng bằng các hình nhân cho những người sắp xuống thuyền là lễ khao lề thế lính tổ chức ở Lý Sơn vào giữa tháng 3 âm lịch hằng năm.

Như vậy, việc dùng hình nhân thế mạng trong Lễ khao lề thế lính mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Nhưng ngày nay, việc dùng hình nhân lại chứa đầy sự mê tín, ngu muội, cho rằng đốt hình nhân để giải hạn và tổ chức đám cưới cho hình nhân để chữa vô sinh, mong làm ăn thuận lợi,…

Việc đốt hình nhân để giải hạn cho người sống hiện vẫn còn diễn ra ở một vài địa phương. Nhưng hình nhân liệu có giải hạn hay thế mạng cho người sống được không?

Theo quan niệm của Phật giáo, dùng hình nhân giải hạn được xếp vào nhóm mê tín dị đoan, không hiểu quy luật nhân quả, vận hành tốt xấu, quy luật của vũ trụ. Phật giáo cho rằng muốn sống bình an thì tu tâm tích đức, thường xuyên làm việc thiện, hồi hướng công đức. Có như vậy mới gặp được nhiều điều tốt đẹp, thuận lợi trong cuộc sống.

Bên cạnh đó xét theo góc độ của PGS – TS Trần Lâm Biền, ông cho rằng việc dùng hình nhân giải hạn hay thế mạng suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh hiện thực, những tai họa do chính bản thân gây nên. Khi con người không tu thân, làm việc sai trái, buôn bán gian lận thì chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn.

GS – TS Đỗ Quang Hưng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cũng cho rằng một bộ phận người dân đang ngày càng có xu hướng quá tin vào thế giới tâm linh, tin một cách mê muội. Tâm lý đám đông này sẽ dễ bị lợi dụng, dẫn dắt vào mê tín dị đoan.

Còn Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Nếu cúng sao mà giải được hạn thì chắc chắn không ai gặp nạn. Nếu dùng hình nhân thế mạng mà có thật thì làm gì có ai chết”. Bà cũng cho biết ban đầu việc dùng hình nhân mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp nhưng ngày nay bị biến tướng. Nhiều hành vi trục lợi dựa trên việc dùng hình nhân giải hạn khiến nhiều gia đình bỏ ra rất nhiều tiền, gây lãng phí tiền của và thời gian.

Nói như thế để thấy rằng, việc có giải được hạn hay không không phải phụ thuộc vào việc lập đàn cúng tế, đốt hình nhân thế mạng mà quan trọng ở cách sống của mỗi con người. Do đó, để tránh tiền mất tật mang, bạn cần tỉnh táo trước những chiêu trò kêu gọi về việc dùng hình nhân giải hạn cũng như những câu chuyện được thêu dệt nhằm giả thần giả quỷ để lừa người.

Tháp Long Thọ cung cấp dịch vụ hỏa táng trọn gói, dịch vụ lưu tro cốt ngắn và dài hạn, hũ đựng tro cốt bằng gốm sứ và đá cao cấp được giao toàn quốc.View all posts by Tháp Long Thọ →

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *