Trung Quốc Phong và Cổ Phong là gì? Tìm hiểu 2 thể loại nhạc Hoa

Suốt một thời gian dài đã có nhiều người đã nhầm lần và cho rằng hai thể loại nhạc Hoa: Trung Quốc Phong và Cổ Phong này là một. Để chia sẻ với mọi người về hai thể loại mà rất nhiều người thích nghe này, xin tổng hợp một số thông tin dịch lại về “Trung Quốc Phong” và “Cổ Phong”.

1. Trung Quốc Phong (中国风)

Trung Quốc Phong tức là thêm vào trong ca khúc một ít điển cố làm bối cảnh sáng tác, dùng âm nhạc hiện đại thể hiện ra hương vị cổ điển, xướng pháp đa dạng. Ca khúc có xu hướng được trình bày theo phong cách truyền thống phương Đông, có mặt một số nhạc khí phương Đông, âm điệu uyển chuyển mang theo một loại mỹ cảm của phương Đông truyền thống. Trong đó, bài hát “Gió đông thổi (东风破)” của Châu Kiệt Luân được coi là ca khúc dẫn đầu của thể loại này trong số các bài hát được lưu hành phổ biến hiện nay bởi lẽ nó hoàn toàn thỏa mãn tiêu chuẩn “tam cổ tam tân”, ngoài ra còn có “tóc như tuyết – 发如雪”.

Các ca khúc trước đó của anh ấy cũng có rất nhiều bài được cho là sự thăm dò thị trường cho thể loại này. Các ca khúc theo thể loại Trung Quốc Phong chú trọng đến sự ngắn gọn, tinh luyện trong ngôn ngữ cũng như cách thể hiện nội dung thông qua một ngữ cảnh cụ thể. Thường trong ca khúc sẽ mượn một ít từ ngữ trong thơ, văn, từ, .. thông qua các thủ pháp tu từ như tỉ dụ, ẩn dụ, … để thể hiện được ý cảnh của ca khúc, giống như các ca khúc “Công công đau đầu – 公公偏头痛”, “Khách sạn hồng trần – 红尘客栈”, …

Giải thích chi tiết

1. Các bài hát theo Trung Quốc Phong đa số sẽ sử dụng “ngũ âm” làm nhịp điệu chính của bài hát. Ngũ âm ở đây là năm âm trong âm nhạc truyền thống Trung Quốc: cung, thương, tróc, trưng, vũ; tương ứng với các nốt: do, re, mi, sol, la trong âm nhạc phương Tây (trong nhạc lí Trung Quốc cổ điển không có âm tương ứng với nốt fa và nốt si).

2. Khi soạn nhạc, sử dụng nhiều nhạc khí Trung Quốc như: nhị hồ, đàn tranh, tiêu, đàn tì bà, …

3. Giọng hát vận dụng lối hát dân ca Trung Quốc hoặc hí khúc (các loại hí kịch truyền thống của Trung Quốc và các loại kịch hát địa phương, kết hợp múa hát để diễn một cốt truyện).

4. Trong đề tài vận dụng thơ cổ Trung Quốc hoặc các sự tích, truyền thuyết, điển cố, …

Ngoài ra, một tiêu chuẩn thường được lấy để cân nhắc một ca khúc có phải thuộc thể loại này hay không là “tam cổ tam tân”. “Tam cổ” có: từ phú cổ, văn hóa cổ, giai điệu cổ. “Tam tân” có: cách hát mới, soạn nhạc theo cách mới, và dùng các khái niệm mới.

Một số ca khúc điển hình của Châu Kiệt Luân đại biểu cho thể loại này

Công công đau đầu (公公偏头痛)Khách sạn hồng trần (红尘客栈) thuộc album “Opus 12 (2012)”.

Gió đông thổi (东风破) thuộc album “Diệp Huệ Mỹ – Ye Hui Mei (2003)”:

Giới bình luận Trung Quốc coi đây là ca khúc thủ lĩnh trong thể loại Trung Quốc Phong. Sự xuất hiện của nó có một ý nghĩa quan trọng trong con đường phát triển của thể loại này và là ca khúc hội tụ đầy đủ nhất các tiêu chuẩn của một bài hát “Trung Quốc Phong”. Kiệt tác này đã thể hiện một giai điệu tự nhiên, làm người nghe cảm nhận được tình cảm sâu sắc giống như trong các từ khúc cổ đại, phảng phất dường như nghe được giai điệu cùng tên vọng từ triều Tống đến hiện đại. Sử dụng phong cách cổ điển, dung hợp thêm nhị hồ và tì bà, mỗi lần nghe “Gió đông thổi”, người nghe đều rất dễ bị dẫn lối vào một thế giới của Đường thi Tống từ.

Tóc như tuyết (发如雪) thuộc album “November’s Chopin (2005)”:

Là tác phẩm đỉnh cao kế thừa thành công của “Gió đông thổi”. Cả ca khúc đã bày ra màu sắc Trung Quốc truyền thống một cách vô cùng thành công. Tiếp tục với âm điệu của “ngũ âm”, “Tóc như tuyết” đã kéo dài cảm xúc ai oán uyển chuyển từ “Gió đông thổi”, hơn nữa, sự có mặt của đoạn RAP lại khiến âm điệu của bài càng phong phú hơn.

Thiên lý chi ngoại (千里之外) thuộc album “Still Fantasy (2006)”

Đem mộng cho là thực, thực cho là mộng. Là ai đã phủ lên trần thế ảm đạm một tầng khăn che mặt, khiến chúng ta không thể thấy rõ mưa gió thế gian. Chiếc chuông gió đọng đầy sương sớm trước cửa nhà vẫn phát ra tiếng leng keng leng keng nhưng không còn trong trẻo như thời thơ ấu nữa. Một chút nồng nhiệt kia cũng đã theo gió thu xào xạc bay đi.

Bài hát mang theo một ý cảnh thê lương, sầu não nhưng không có chán chường. Lúc khúc ca kết thúc cũng là lúc người nghe nhận thấy được cảnh giới “vô thanh thắng hữu thanh”.

Sứ Thanh Hoa (青花瓷) thuộc album “On the Run (2007)”

Ca khúc giống như một bức tranh thủy mặc vẽ ra cảnh mưa bụi Giang Nam mông lung. Thác nước từ trên núi chảy xuống, giữa màn hơi nước có thể loáng thoáng thấy được hình bóng làn váy trắng phất phới đâu đây.

Lan Đình Tự (兰亭序) thuộc album “Capricorn (2008)”

Được viết theo danh tác của Thư thánh Vương Hi Chi, ca khúc không dài nhưng lại thể hiện một sự tang thương cùng nỗi bất đắc dĩ một cách vô cùng thành công. Tin mình đi, không cần hiểu lời, không cần xem MV, chỉ cần bạn nghe bài này một lần sẽ cảm nhận được điều đó.

Pháo hoa chóng tàn (烟花易冷) thuộc album “The Era (2010)”

Ca khúc từng được dân mạng Trung Quốc tôn xưng là “thần khúc” vào thời điểm nó ra đời. Bối cảnh của bài hát lấy bối cảnh về mối tình của một tướng quân và một nữ tử vào thời Bắc Ngụy. Lúc hai người hẹn ước là thời điểm cực thịnh của Lạc Dương, nhưng rồi khi chàng bị điều ra biên ải, nhiều năm chinh chiến, nàng ở nhà xuống tóc chờ tướng quân trở về. Đến lúc vị tướng kia trở lại, Lạc Dương đã hoang tàn sau nhiều năm chiến loạn, nữ nhân cũng đã qua đời. Tướng quân kia đứng tại bên ngoài chùa cổ, nghe thấy tiếng mưa đang rơi, nhớ đến những năm chém giết ngoài sa trường, vì cuộc đời mà thở dài, giống như pháo hoa, chóng phân, chóng tàn.

Kịch đèn chiều (皮影戏) thuộc album “Dấu chấm cảm (2011)”

Sử dụng đan xen giữa văn nói và giọng điệu hài hước, đem tiết tấu hài hước của Trung Quốc cổ điển kết hợp với làn điệu hip hop, xướng pháp của kinh kịch cùng với dàn nhạc dụ điện tử. Nhờ bài này và bài “công công đau đầu” mà mình có sự nghi ngờ về sự đồng nhất của “Trung Quốc Phong” và “Cổ Phong”.

Các ca khúc Trung Quốc Phong của S.H.E:

BELIEF: Một ca khúc có cái tên phương Tây nhưng mang theo phong cách Trung Quốc một trăm phần trăm. Ra đời năm 2002, khi S.H.E ra mắt chưa đầy một năm, nhưng ca khúc vẫn khiến nhiều người tin tưởng “cho dù thế giời này có mất đi nhiều điều mỹ lệ nhưng chúng ta vẫn “BELIEVE”, vẫn có “BELIEF”

Trường Tương Tư (长相思): Có người cho rằng đây là ca khúc theo thể loại “Trung Quốc Phong” thành công nhất của S.H.E, trực tiếp mang đến danh hiệu ngôi sao cho nhóm nhạc này. Không chỉ mang theo hương vị ai oán mười phần, trong ca khúc còn trực tiếp sử dụng tác phẩm “Thanh Thanh Mạn” của tài nữ Lý Thanh Chiếu nhà Tống cho đoạn RAP. Làn điệu của bài hát nghe rất du dương, có một chút giống như đang nghe ngâm từ.

Thập diện mai phục (十面埋伏): Ca khúc rất hiện đại nhưng các khúc nhạc dạo lại lấy từ khúc nhạc Thập Diện Mai Phục, một trong 10 khúc đàn cổ được xưng là “Trung Hoa thập đại danh khúc”.

Trung Quốc Phong và Vương Lực Hoành:

Vương Lực Hoành là ca sĩ sáng tạo ra thể loại âm nhạc mang tên “chinked-out” – “hip-hop của Trung Quốc Phong”. Anh được coi là người sinh ra đã mang theo sứ mệnh âm nhạc đối với thể loại này. Âm nhạc của anh được coi là sắt thép xi-măng của phương tây được thi công theo cách của người Trung Quốc. Những công trình được xây dựng theo cách này sẽ khiến người ta không biết nó ở Newyork, Đài Bắc, Paris hay Bắc Kinh bởi lẽ nó đặt đâu cũng phù hơp.

Đơn cử ra một số ca khúc của Vương Lực Hoành. Ca khúc Nhật Nguyệt Trong Tim (心中的日月) thỉnh thoảng lại vang vọng tiếng sáo trúc và tiếng đàn tranh phối hợp với tiết tấu R&B. Ở trong bài Rừng trúc sâu thẳm (竹林深处) thì có tiếng ngâm xướng của người con gái Tây Tạng kết hợp với tiếng trống, sáo cùng với nhịp vỗ tay của hip hop. Nghe Ở nơi xa xăm ấy (在那遥远的地方), người nghe sẽ thấy được làn dân ca quen thuộc, kết hợp với tiếng sáo và tiếng dương cầm. Đến album “Cái thế anh hùng – Heroes of Earth (2005)” thì chất chinked-out càng được thể hiện rõ ràng. Ý đồ “Trung-Tây hợp bích” của Vương Lực Hoành đã được thực hiện vô cùng thành công trong hai ca khúc của album này Cái thế anh hùng (盖世英雄)Bên cành đào (在梅边).

Một số ca khúc gần giống Trung Quốc Phong

Cửa sổ sau (后窗) của Trương Vũ Sinh (1996)

Một trong các bước thăm dò của thể loại này. Cách sử dụng nhạc khí dân tộc trong bài này đến nay vẫn được coi là có ý nghĩa dẫn đường rất lớn cho các bài hát Trung Quốc Phong sau này.

Châu Kiệt Luân: Loạn Vũ Xuân Thu (乱舞春秋), Côn Nhị Khúc (双截棍), Song Đao (双刀), Long Quyền (龙拳), Hoắc Nguyên Giáp (霍元甲), Bản Thảo Cương Mục (本草纲目), Trời Mưa Cả Đêm (雨下一整晚).

Lâm Tuấn Kiệt: Giang Nam (江南), Quen Tay Hay Việc (熟能生巧), Tào Tháo (曹操), Bất Tử (不死之身), Túy Xích Bích (醉赤壁), Mỹ Nhân Ngư (美人鱼), Sát Thủ (杀手), Vai Chính (主角), Một Ngàn Năm Sau (一千年以后).

Hậu Huyền: Đông Ái (东爱), Tám Chín Phần Mười (十有八九), Cửu Công Chúa (九公主), Kiều Đoạn (桥段), Thư Đồng Trốn Học (逃学书童), Phá Quán (踢馆), Tiểu Bạch (小白), Sáu Mươi Tuổi (花甲), Nụ Cười Ngoài Thành Tô Châu (苏州城外的微笑), Tây Sương (西厢).

Đào Triết: Binh pháp Tôn Tử (孙子兵法), Anh Trăng Nói Hộ Lòng Ai (月亮代表谁的心), Hôm Nay Không Về Nhà (今天没回家), Cô Nương Nơi Trấn Nhỏ (小镇姑娘), Ngắm Gió Xuân (望春风).

Vương Lực Hoành: Bá Nha Tuyệt Huyền (伯牙绝弦), Long Chi Truyền Nhân (龙的传人), Lỗi Của Vườn Hoa (花田错).

S.H.E: Tạm Biệt Cambridge (再别康桥), Tôi Yêu Hoa Đêm Mưa (我爱雨夜花), Điếm Tiểu Nhị (店小二), Liếc Mắt Vạn Năm (一眼万年).

Nam Quyền Mama: Lúc nhỏ (小时候), Sông Mẫu Đơn (牡丹江), Hoa Yêu Bướm (花恋蝶), Tảng Sáng (破晓), Phong Tuyết Ngô Đồng (风雪梧桐).

Tiết Chi Khiêm: Lá Phong Màu Vàng (黄色枫叶), Hồng Trần Nữ Tử (红尘女子), Trâm Cài Đầu Hình Con Chim Phượng (钗头凤).

Hồ Ngạn Bân: Nguyện Vọng (愿望), Táng Anh Hùng (葬英雄), Hồ Điệp (蝴蝶), Hồng Nhan (红颜), Hòa Thượng (和尚), Thơ Từ Biệt (诀别诗), Ánh Trăng (月光), Mưa Tiêu Tương (潇湘雨), Hồng Môn Yến (鸿门宴).

Tank: Tình Yêu Tam Quốc (三国恋), Lệ Ngàn Năm (千年泪).

Lý Ngọc Cương: Tân Quí Phi Say Rượu (新贵妃醉酒), Kính Hoa Thủy Nguyệt (镜花水月), Hoa Mãn Lâu (花满楼), Thanh Minh Thượng Hà Đồ (清明上河图), Thủy Mặc Đỏ Xanh (水墨丹青), Trục Mộng Lệnh (逐梦令).

Ngô Khắc Quần: Tướng Quân Lệnh (将军令)

Mã Thiên Vũ: Thanh Y (青衣)

Các bài hát thuộc thể loại Trung Quốc Phong chủ yếu lấy thể văn nói hoặc cổ từ làm phong cách chính, nói chung yêu cầu về từ phú càng cao càng tốt. Nhiều bài nghe giống như Trung Quốc Phong nhưng vì ca từ quá hiện đại nên chỉ có thể coi như một bản R&B pha chút văn hóa Trung Quốc mà thôi. Ngoài R&B, các thể loại âm nhạc khác như Rock, RAP, Acabela đều có thể được tìm thấy trong các bài hát thuộc phong cách này.

Playlist chứa các bài hát được nhắc đến ở phần trên có thể được nghe online tại sentayho.com.vn/playlist/Trung-Quoc-Phong/9157196.html

2. Cổ Phong

Khác với Trung Quốc Phong, thể loại Cổ Phong bắt đầu từ game online. Thực tế nhiều người thích thể loại này cũng yêu thích các ca khúc thuộc thể loại Trung Quốc Phong. Hiện nay, không thể nói hai thể loại này cái nào bao hàm cái nào. Nhiều bài Cổ Phong dùng nguyên liệu từ Trung Quốc Phong (như Hàn Y Điều (寒衣调), Thanh Liên Tuyết (青莲雪), …). Mà nói Cổ Phong bao gồm Trung Quốc Phong thì cũng không đúng. Ca khúc cổ phong đầu tiên được cho là bài hát chủ đề của game “Tân Tuyệt Đại Song Kiêu 3” – Chờ đợi (守候). Hiện tại, các nhóm nhạc hoạt động mạnh mẽ trong thể loại này có thể kể đến “Mặc Minh Kỳ Diệu (墨明棋妙)”, “Thiên Ca Vị Ương (千歌未央)”, “Thương Hải Nhạc Minh (沧海乐茗)”, “Nam Quốc Phong (南国风)”, …

Đặc điểm của Cổ Phong

Đặc điểm quan trọng của các ca khúc Cổ Phong là sự tồn tại của “độc thoại” cùng “văn án”, hai điểm này không tồn tại ở các ca khúc thuộc thể loại Trung Quốc Phong. Lời bài hát trong các ca khúc cổ phong cũng chú trọng về gieo vần hơn, mang lại cảm giác phong nhã hơn. Nhiều bài mượn dùng cả thi từ cổ, điển hình như các sáng tác của Finale (Mặc Minh Kỳ Diệu). Một đặc điểm khác của Cổ Phong là thường có trường hợp từ nhạc (khúc) của một người khác mà viết lại lời (từ) cho mình, chính vì thế chuyện có hai, ba bản Cổ Phong nghe giống nhau về nhạc là chuyện không hiếm khi xảy ra. Thể loại này cũng sử dụng nhiều nhạc khí Trung Quốc hơn, đa số đều có âm điệu du dương, tốc độ thong thả tạo nên cảm giác phiêu dật.

Ba đặc điểm khác nhau giữa Cổ Phong và Trung Quốc Phong

Đầu tiên là cách dùng từ. Từ ngữ trong Cổ Phong được trau chuốt tỉ mỉ hơn trong Trung Quốc Phong, nhất là các động từ. Giống như khi đọc thơ, một đồng từ không đúng có thể phá hỏng cả ý cảnh, trong một bài hát Cổ Phong, động từ ít xuất hiện hơn danh từ rất nhiều nhưng mỗi lần xuất hiện đều được cân nhắc kĩ lưỡng. Hơn nữa, trong các ca khúc cổ phong dùng nhiều điển tích, điển cố, mang lại giá trị vượt qua phạm trù âm nhạc thông thường. Mặt khác, thể loại này chú trọng đến mượn vật tả tình, sử dụng các hình ảnh khác để diễn tả ý của tác giả, dùng nhiều hàm ý uyển chuyển, không trực tiếp bằng thể loại Trung Quốc Phong.

Thứ hai, nội dung đề tài. Cả hai thể loại này đều có nội dung phục cổ hoặc giả cổ. Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ sẽ thấy một số chi tiết khác biệt. Nếu như các sáng tác của thể loại Trung Quốc Phong thường sử dụng các tư liệu đã tồn tại trước đó để sáng tạo (có thể là một bài thơ, một bài từ, một truyền thuyết, sự tích, nhân vật lịch sử, …) thì các sáng tác theo thể loại Cổ Phong lại có tính sáng tạo và độc lập cao hơn nhiều. Việc “tác từ” (viết lời) cho một bài hát Cổ Phong có thể nói là gần với quá trình sáng tác văn học hơn là sáng tác nhạc, mỗi một phiên bản Cổ Phong đều sở hữu trí nhớ của riêng mình. Một điển hình ở đây là ca khúc Khuynh Tẫn Thiên Hạ (倾尽天下) được sáng tác bởi Finale. Nhiều người đã cho rằng lời của bản nhạc này không còn đơn giản chỉ là lời ca nữa. Các câu trong lời bài hát cổ phong có thể tự do, không cần tuân thủ nghiệm ngặt luật thơ như thể loại thơ Đường Luật. Tuy nhiên, nếu lời ca Trung Quốc Phong có thể hoàn toàn tự do thì lời ca của Cổ Phong vẫn còn giữ được các đối trận cơ bản cũng như tư tưởng “ý tại ngôn ngoại”.

Cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, các biểu tượng. Trong hệ thống từ ngữ được dùng ở thể loại Cổ Phong, mỗi hình ảnh, biểu tượng sẽ có riêng cho mình một hàm nghĩa giống như trong hệ thống thơ cổ: “liễu” nhắc đến nỗi nhớ, “mai” là biểu tượng của cao thượng, “trúc” là hình ảnh cho bất khuất, … thậm chỉ có nhiều bài chỉ dùng các hình ảnh trong Kinh Thi Sở Từ để sáng tác. Trung Quốc Phong thì thoáng hơn. Đây là thể loại có tính tự do về hình ảnh cao hơn Cổ Phong, từ ngữ được sử dụng với ý nghĩa rộng rãi hơn và thậm chỉ là có thể mang tính giao thoa với âm nhạc của các nền văn hóa khác.

Nếu Trung Quốc Phong đã thành công đặt chân vào thị trường âm nhạc thì Cổ Phong gần như chỉ phát triển trên môi trường Internet. Các bài hát cổ phong cũng là đề tài ra đời một lượng lớn các tiểu thuyết trực tuyến. Ngoài ra, đi liền với các sáng tác Cổ Phong thường sẽ có các artwork minh họa được vẽ theo phong cách cổ đại.

Một số ca khúc cổ phong

Thải Vi (采薇), Mặc Bảo Giai Nhân Như Mộng (墨宝 佳人如梦), Thanh Chiếu Túy Hoa Ảnh (清照醉花影), Thiều Âm Nhược Thệ (韶音若逝), Đào Hoa Thương (桃花殇), Mạch Thượng Hoa (陌上花), Lâm An Sơ Vũ (临安初雨), Gặp Lại Trăng Sáng Chiếu Cửu Châu (再逢明月照九州), Đại Đường Hồng Nhan Phú (大唐红颜赋), Thời Niên Thiếu Của Bao Thanh Thiên (少年包青天三), Thiên Mệnh Phong Lưu (天命风流), Cẩm Lý Sao (锦鲤抄), Chỉ Xích Tương Tư (咫尺相思), Sát Na Phương Hoa Khúc (刹那芳华曲), …

Các ca khúc của Hà Đồ: Khuynh Tẫn Thiên Hạ (倾尽天下), Phong Khởi Thiên Lan (风起天阑), Phượng Hoàng Kiếp (凤凰劫), Như Hoa (如花), Vi Long (为龙), Dương Quan Điều (阳关调), Bạch Y (白衣), Linh Đình Đao (伶仃谣), Hạ Chí Năm Thứ Ba Mươi Tám (第三十八年夏至), Mệnh Huyền Nhất Tuyến (命悬一线), Bất Kiến Trường An (不见长安), Chuyện của Andersen (安徒生的事), Lão Tửu Nhai (老酒街), Nhàn Nhạt (浅浅的), Vũ Toái Giang Nam – Ấn Tượng (雨碎江南 – 印象), Lsaha Loạn Tuyết (拉萨乱雪), Hoa Tư Dẫn (华胥引), Bảo Bảo (宝宝), Tam Thế Diễn Nghĩa (三世演义), …

Các album của Đổng Trinh: Cửu Âm Trinh Kinh (九音贞经), Trinh Giang Hồ (贞江湖), Phản Phác Qui Trinh (返璞归贞), Trinh Ái Nhất Hồi (贞爱一回),…

Âm Tần Quái Vật có các bài nổi tiếng như: Trường An Ức (长安忆), Cầm Sư (琴师), Trường Phong Ca (长风歌), Vô Quan Phong Nguyệt (无关风月), Hành Vân Di Thanh (行云遗声), Giang Ảnh Trầm Phù (江影沉浮), Tố Thế Thư (溯世书), Phong Hoa Lục (风华录), Dữ Ái Vô Quan (与爱无关)…

Tiểu Khúc Nhi cùng album “Khúc Khuynh Thiên Hạ” với các bài như: Là ta (谓我), Qui Linh (归零), Thượng Tà (上邪), Yên Vũ (烟雨), ..

Ngoài ra còn có nhiều người hát Cổ Phong nổi tiếng khác như Hoảng Nhi, Đông Ly, Tiểu Ái Đích Mụ, …

Các bạn có thể nghe các ca khúc Cổ Phong được nhắc đến ở trên tại playlist này:http://mp3.zing.vn/playlist/Co-Phong/sentayho.com.vn (không biết sao zing chỉ có up được gần một nửa số bài hát, một nửa còn lại up lên không thấy đâu luôn, các bạn có thể search lại bài hát trên 5sing nếu khong tìm thấy nó trong list này nhé)

Các album của Đổng Trinh có thể được nghe qua link playlist youtube đi kèm luôn, mình chưa biên soạn xong tag cho các album của chị ấy nên lười up lên zing lắm. Riêng album Khúc Khuynh Thiên Hạ của Tiểu Khúc Nhi có bản chất lượng cao có thể được download tại sentayho.com.vn

Kết

Nếu nói ngắn gọn thì “Cổ Phong” giống như một nỗ lực mang làn gió mới cho âm nhạc cũ, còn “Trung Quốc Phong” giống như việc đem cái cũ hòa tan vào các thể loại âm nhạc mới. Hai thể loại này có điểm xuất phát khác nhau nhưng đều hướng đến một mục đích chung là kết hợp văn hóa âm nhạc Trung Quốc truyền thống và các chất liệu hiện đại. Hy vọng sau bài này sẽ có thêm vài bạn nữa chuyển sang thích hai thể loại này như mình.

(Nguồn: sentayho.com.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *