Cứu cánh, Vị tha và Yếu điểm

Chữ và Nghĩa (số 6/2017)

Cứu cánh, Vị tha và Yếu điểm

(03/08/2017 11:18:06)

Như kỳ trước chúng tôi đã đề cập, một trong những nguyên nhân của việc dùng sai từ, nhất là từ gốc Hán và từ Hán – Việt là do người sử dụng không hiểu nghĩa tiếng Hán của từ. Thế nhưng, lại có những trường hợp dùng sai từ vì hiểu nhầm nghĩa của tiếng Hán sang tiếng Việt; điển hình cho trường hợp này các từ “Cứu cánh”, “Vị tha”, “Yếu điểm”. 1. Cứu cánh “Cứu cánh” là từ gốc Hán, theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là “mục đích cuối cùng”. Theo Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh (2001) thì “cứu cánh” là “cuối cùng, kết quả”. Ví dụ: Khi mải chạy đua theo thành tích, các nhà giáo dục đã quên mất cứu cánh của việc học tập là thay đổi nhận thức của con người cho tốt. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, từ “cứu cánh” thường bị dùng sai theo nghĩa như sự “cứu vớt”, “cứu vãn”, “cứu tinh”… cho một đối tượng, một tình trạng nào đó, hoặc “cứu cái gì đó”. Ví dụ: Cầu thủ A sau khi vào sân thay người đã lập tức ghi bàn, trở thành cứu cánh cho đội bóng B. Trong tình trạng thị trường bất động sản đóng băng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trở thành cứu cánh cho các nhà đầu tư. Như vậy, từ nghĩa là “mục đích”, từ “cứu cánh” lại bị sử dụng thành “phương tiện”. Sở dĩ từ “cứu cánh” bị dùng sai là do người dùng hiểu sai từ “cứu”. Theo Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh thì “cứu” trong từ “cứu cánh” có nghĩa là “cuối cùng”; chữ “cánh” cũng có nghĩa là “cuối cùng – xong được rồi…”. Tuy nhiên trong từ “cứu cánh”, từ “cứu” đã bị nhiều người hiểu sai sang nghĩa của từ tiếng Việt là “làm cho thoát khỏi mối đe dọa sự an toàn hoặc sự sống còn” như trong cụm từ “đánh giặc cứu nước”, “trị bệnh cứu người”… Từ đó, từ “cứu cánh” bị hiểu sai và sử dụng sai phổ biến đến mức nhiều người không còn biết nghĩa gốc của nó nữa; tai hại hơn, đã biến “mục đích” thành “phương tiện”. 2. Vị tha Cũng gần giống trường hợp trên, từ “vị tha” cũng thường bị hiểu và sử dụng sai theo nghĩa “tha thứ cho người khác”. Ví dụ: Chúng ta nên có thái độ vị tha đối với những người lầm đường lạc lối nhưng biết hối lỗi. Cũng giống trường hợp của từ “cứu cánh”, từ “vị tha” bị hiểu và sử dụng sai là do hiểu sai từ “tha” trong tiếng Hán sang nghĩa của từ Việt là “bỏ qua cho hoặc miễn cho, không trách cứ hoặc trừng phạt nữa” với nghĩa như từ “tha thứ”; ví dụ: Tha cho nó tội chết; Tao xin mày buông tha tao ra… Còn “vị tha” là từ gốc Hán. Trong đó, “vị” là “vì” (vì ai…, vì cái gì…đó); ví dụ: Nghệ thuật vị nhân sinh (nghệ thuật vì con người); Vị cây dây cuốn (vì cây mà dây cuốn)… Còn “tha” là “người khác”; ví dụ: Tha hóa (nghĩa là thành người khác; không còn là mình nữa); Tha hương (buộc phải sinh sống ở một nơi xa lạ không phải quê hương mình)… Ngược với “kỷ” là “mình”; ví dụ: Vị kỷ (vì mình), Ích kỷ (chỉ biết lợi cho mình), Người tri kỷ (người hiểu mình)… Ví dụ: Hành động đánh cướp cứu người của Lục Vân Tiên chính là xuất phát từ lòng vị tha và đạo nghĩa “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của dân tộc Việt Nam. Do đó, nghĩa đúng của từ “vị tha” phải là “vì người khác”, “có tinh thần chăm lo đến lợi ích của người khác một cách vô tư, sẵn sàng vì lợi ích của người khác mà hy sinh lợi ích của cá nhân mình”. Trong trường hợp dùng sai từ “vị tha” nói trên, nên dùng từ “bao dung” để thay thế sẽ hợp hơn: Ví dụ: Chúng ta nên có thái độ bao dung đối với những người lầm đường lạc lối nhưng biết hối lỗi. Ông là một người bao dung, dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm thời trẻ của chúng tôi. 3. Yếu điểm “Yếu điểm” (danh từ) là từ gốc Hán. Trong đó “yếu” có nghĩa là “quan trọng, cần thiết” như trong từ “trọng yếu” (cực kỳ quan trọng, cực kỳ cần thiết), “yếu nhân” (nhân vật quan trọng, như VIP trong tiếng Anh), hay “thiết yếu”, nhu yếu phẩm”… Còn “điểm” là “chỗ, vị trí”. Như vậy, nghĩa của từ “yếu điểm” là “chỗ quan trọng nhất, điểm quan trọng nhất, điểm then chốt”. Ví dụ: Địch tăng cường lực lượng để bảo vệ yếu điểm quân sự Xuân Lộc. Quảng cáo là yếu điểm cho công việc mở rộng thị phần. Tuy nhiên, có không ít trường hợp “yếu điểm” lại bị hiểu sai thành “nhược điểm”, “điểm không mạnh”. Ví dụ: Yếu điểm của anh A là không kiên trì, dễ bỏ dở công việc khi gặp khó khăn. Nguyên nhân là do từ “yếu” gốc Hán bị hiểu sai nghĩa sang từ Việt là “có mức độ, năng lực hoặc tác dụng ít, kém so với bình thường”, trái với “mạnh”. Ví dụ: Cơn bão yếu dần; Ánh sáng yếu. Trong vấn đề này, cần phân biệt “yếu điểm” với “điểm yếu” là từ thuần Việt với nghĩa là điểm dễ bị tổn thương, hay chính là từ “nhược điểm” trong tiếng Hán.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *