Đại cương
Cảm mạo là một bệnh do virus gây ra và lây lan qua đường hô hấp, thường đi kèm với các triệu chứng như chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa họng, đau họng, ho, nghẹt mũi, sốt nhẹ, đau mỏi cơ thể hoặc hơi nhức đầu. Khi bị cảm, mọi người thường mắc phải một số triệu chứng như trên mà nguyên nhân thường là do hơn 200 chủng virus gây ra.
Hầu hết mọi người đều khỏi bệnh sau khoảng một hoặc hai tuần. Đôi khi ho là triệu chứng khó chịu nhất thường kéo dài hàng tuần kể cả khi đã không còn bị cảm nữa. Đó là do đường hô hấp vẫn còn bị tổn thương, viêm và nhạy cảm với những tác nhân kích thích như không khí khô, khói và bụi.
Theo đông y, cảm mạo thường do rối loạn chức năng của phế vệ, đó là hệ thống bảo vệ trên bề mặt cơ thể ngăn cản sự xâm nhập của tà khí từ bên ngoài. Cảm mạo là kết quả của sự xung đột giữa vệ khí và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài cơ thể.
Ngoài sức đề kháng tự nhiên của cơ thể, thì yếu tố môi trường và thời tiết đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các nguyên nhân gây bệnh. Nói chung, các nguyên nhân gây bệnh từ bên ngoài theo đông y là: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa, trong đó nguyên nhân do phong hàn là nguyên nhân thường gặp nhất trong bệnh cảm mạo.
Ở người bị cảm mạo, các nguyên nhân gây bệnh khác nhau sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau… khi có chứng ho nhiều nghĩa là tác nhân gây bệnh đã làm rối loạn hoạt động của phế khí. Căn cứ vào từng giai đoạn tiến triển của bệnh, thầy thuốc đông y sẽ chẩn đoán và điều trị dựa vào các phương pháp chủ yếu như sơ phong, tán hàn, thanh nhiệt, nhuận táo.
Đông y thường phân loại ho do ngoại cảm thành 3 nhóm chính để điều trị như sau:
- Ho do phong hàn;
- Ho do phong nhiệt;
- Ho do táo nhiệt;
Điều trị chứng ho cảm mạo
Điều trị chứng ho do cảm mạo chủ yếu dựa vào các nguyên tắc sau:
- Bệnh ở giai đoạn sớm, tác nhân gây bệnh còn phía bên ngoài của cơ thể (bệnh tại biểu), xuất hiện các triệu chứng như: sợ lạnh, phát sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, chảy mũi nước v.v.
- Phương pháp điều trị chủ yếu là “giải biểu, tuyên tán”, nhằm đầy lùi tác nhân gây bệnh thông qua bề mặt cơ thể; thảo dược có tác dụng khai thông phế khí là: ma hoàng, cát căn, hạnh nhân, bạch tiền.v.v.
- Thảo dược tính cay ấm có tác dụng giải biểu tán hàn thường được sử dụng là lá tía tô, ma hoàng, gừng tươi, phòng phong v.v.
- Thảo dược có tính cay mát có tác dụng giải biểu thanh nhiệt thường được sử dung là: bạc hà, hoa cúc, lá dâu tằm, liên kiều, kim ngân hoa, ngưu bàng tử, v.v.
- Thời kỳ này cấm kị dùng các loại thuốc có tính thu sáp, giảm ho bởi vì sẽ làm cho ngoại tà đi vào bên trong, hoặc làm cho đàm dịch bị bế tắc gây nhiều biến chứng khác.
- Ho kéo dài nhiều ngày, hoặc tà khí bên ngoài chưa được thanh giải hết, hoặc xuất hiện các triệu chứng bệnh có biểu hiện của nhiệt như: khô họng, đau họng, khát nước v.v.
- Điều trị nên tiếp tục làm khai thông, loại trừ ngoại tà đồng thời kết hợp với biện pháp thanh giải nội nhiệt.
- Thường dùng các thuốc thanh nhiệt như: hoàng cầm, chi tử, tang bạch bì, lô căn, thạch cao, tri mẫu v.v.
- Ho kéo dài một thời gian có khả năng làm cho bên trong cơ thể bị nóng và khô, lúc này ngoài phép điều trị giải biểu loại trừ tác nhân gây bệnh ra, cần thêm các loại thảo dược có tác dụng nhuận phế giáng hỏa như: mạch đông, sa sâm, thiên đông, sinh địa, huyền sâm v.v.
Các nhóm thuốc hóa đàm trong đơn thuốc rất quan trọng nhằm nâng cao hiểu quả điều trị. Thuốc có tác dụng hóa nhiệt đàm gồm có: qua lâu, bối mẫu v.v. Thuốc có tác dụng hóa táo đàm gồm có: vỏ quả lê, hạnh nhân, sa sâm, tử uyển, khoản đông hoa, bách bộ v.v. Thuốc có tác dụng hóa thấp đàm gồm có: bán hạ, trần bì, đởm nam tinh, bạch giới tử v.v.
ngưu bàng tử bách bộ bạch giới tử
Khi các triệu chứng cảm mạo đã hết nhưng chứng ho vẫn còn tiếp tục, hoặc hay tái phát, ngứa cổ, khó khạc đàm thì nên dùng bài thuốc trị ho (chỉ khái tán gia giảm). Trong đó kinh giới có tác dụng tán phong, rễ cây bách bộ, thân rễ cây bạch tiền và rễ cây tử uyển có tác dụng ôn nhuận phế, giáng phế khí; cam thảo, cát cánh làm dịu cổ họng và trừ đờm. Với những điều chỉnh phù hợp, bài thuốc này thường được sử dụng để trị ho kéo dài sau khi bị viêm đường hô hấp.
Kết luận
Sử dụng thảo dược của đông y trong điều trị chứng ho cảm mạo là phương pháp điều trị toàn diện nhằm làm giảm ho, làm dịu và hết ngứa cổ họng, giảm đau rát, dễ khạc đờm, hết nghẹt mũi, giúp thở dễ dàng, làm giảm chứng đau đầu và mệt mỏi. Các phương pháp này giúp người bệnh cảm thấy khỏe khoắn, minh mẫn, không gây buồn ngủ hay các tác dụng phụ không mong muốn khác.
Theo kinh nghiệm đông y, chứng ho cảm mạo có thể điều trị khỏi nhanh trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, dứt điểm thì rất dễ trở thành mãn tính và phải điều trị lâu dài, hoặc do ăn uống không hợp lý như ăn quá nhiều thức ăn sống, lạnh làm suy giảm chức năng của tỳ vị dẫn đến sinh ra nhiều đàm trọc sẽ làm ảnh hưởng chức năng của phế. Mặt khác, ăn quá nhiều thức ăn béo, cay nóng, uống rượu, hút thuốc lá quá nhiều v.v. dẫn đến cơ thể dễ tích nhiệt, và đàm nhiệt sinh ra sẽ gây tổn thương phế, làm cho chứng ho càng thêm trầm trọng, và bệnh lâu hồi phục.
tử uyển khoản đông hoa kinh giới