Quyền tài phán là gì? Quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia là gì?

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 được Việt Nam chính thức ký kết ngày 10-12-1982. Sự ra đời của Công ước có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở pháp lý quốc tế gốc có giá trị cao nhất mà các quốc gia tham gia ký kết phải có trách nhiệm ràng buộc và thực hiện toàn bộ các điều khoản; trong đó, có nội dung quy định chi tiết về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568

1. Quyền tài phán là gì?

Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982) có hiệu lực từ ngày 16-11-1994, quyền tài phán được định nghĩa như sau:

– Quyền tài phán là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển trong việc đưa ra các quyết định, quy phạm và giám sát việc thực hiện chúng, như: cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển, trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia đó.

Quyền tài phán là hệ quả của chủ quyền và quyền chủ quyền, có tác dụng bổ trợ tạo ra môi trường để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền. Như vậy, quyền tài phán gắn bó chặt chẽ với lãnh thổ quốc gia. Tuy vậy, quyền tài phán cũng có thể thực thi ở nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền. Chẳng hạn, quyền tài phán có thể được áp dụng trên tàu thuyền, phương tiện treo cờ của quốc gia đó khi chúng đang hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia khác. Quyền tài phán theo nghĩa rộng bao gồm:

– Thẩm quyền đưa ra các quyết định, quy phạm;

– Thẩm quyền giám sát việc thực hiện;

– Thẩm quyền xét xử của tòa án đối với một lĩnh vực cụ thể; theo nghĩa hẹp đó là thẩm quyền pháp định của tòa án khi xét xử một người hay một việc.

Khi thực hiện các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình, quốc gia ven biển có nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi của các quốc gia khác, không được có hành vi cản trở quyền tự do hàng hải và tự do hàng không của tàu thuyền và các phương tiện bay, quyền tự do đặt cáp và ống dẫn dầu ngầm; không được có hành vi phân biệt đối xử trong việc các quốc gia khác thực hiện các quyền được UNCLOS 1982 quy định.

Xem thêm: Rủi ro quyền tài phán là gì? Những cảnh báo của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF)

2. Quyền tài phán trong tiếng anh là gì?

– Quyền tài phán trong tiếng anh là Jurisdiction

– Định nghĩa về quyền tài phán trong tiếng anh được hiểu là:

Jurisdiction is the exclusive jurisdiction of the coastal state in making decisions, regulations and monitoring their implementation, such as: licensing, settlement and treatment of certain types of activities , artificial islands, equipment and facilities at sea, including the installation and use of artificial islands, marine scientific research and equipment; protect and preserve the marine environment within the exclusive economic zone or continental shelf of that State.

– Một số từ vựng tiếng anh tiêu biểu, liên quan trong cùng lĩnh vực như:

1. Paracel islands /ˈpɑːrɑsl/ /ˈaɪləndz/: Hoàng Sa 2. Spratly islands /ˈsprɑːtli /ˈaɪləndz/: Trường Sa 3. Oil rig / ɔɪl rɪɡ / : Dàn khoan dầu 4. Sovereignty / ˈsɒvrənti /: Chủ quyền 5. Vessel / ˈvesəl / Thuyền 6. Clash / klæʃ / : Va chạm 7. Exclusive economic zone (EEZ) / ɪkˈskluːsɪv ˌiːkəˈnɒmɪk zəʊn /: Vùng đặc quyền kinh tế 8. Nautical miles / ˈnɔːtɪkl̩ maɪlz /: Hải lý 9. Continental shelf / ˌkɒntɪˈnentl̩ ʃelf /: Thềm lục địa 10. Maritime disputes / ˈmærɪtaɪm dɪˈspjuːts / :Vùng biển tranh chấp

3. Quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia là gì?

Quyền chủ quyền là quyền riêng biệt của quốc gia được thực thi trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là quyền có nguồn gốc chủ quyền , mang tính chất chủ quyền.

Quyền chủ quyền là các quyền của quốc gia ven biển được hưởng trên cơ sở chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, cũng như đối với những hoạt động nhằm thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó vì mục đích kinh tế, bao gồm cả việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu, gió, v.v.

Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone)

Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng quy định trong phần V – Vùng đặc quyền về kinh tế của Công ước Luật biển 1982, theo đó, các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh3]. Vùng đặc quyền về kinh tế không mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (4) (vì lãnh hải rộng 12 hải lý nên thực chất, vùng đặc quyền về kinh tế chỉ rộng 188 hải lý). Đây là một chế định pháp lý hoàn toàn mới vì theo luật biển quốc tế cho đến những năm 50 của thế kỷ 20, các quốc gia ven biển không có vùng biển này.

Theo điều 56 của Công ước Luật Biển năm 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có:

– Quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.

– Quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.

Công ước Luật Biển1982 còn quy định, trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, tất cả các quốc gia, bất kể là quốc gia có biển hay không có biển, trong những điều kiện do các quy định thích hợp của Công ước Luật biển 1982 trù định, đều được hưởng 3 quyền tự do cơ bản – Quyền tự do hàng hải;

– Quyền tự do hàng không;

– Quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm.

Trong khi thực hiện quyền chủ quyền và các quyền tài phán của mình, quốc gia ven biển phải tôn trọng các quyền tự do của các quốc gia khác. Ngược lại, các quốc gia trong khi thực hiện các quyền tự do biển cả được phép trong vùng đặc quyền về kinh tế của quốc gia ven biển phải tôn trọng luật pháp và quy định của quốc gia ven biển trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quốc gia đó.

Quốc gia ven biển có trách nhiệm trong việc quản lý bền vững tài nguyên sinh vật và bảo vệ môi trường biển.

Thềm lục địa (Continental Shelf)

Công ước Luật biển 1982 đã đưa ra định nghĩa nêu bật bản chất pháp lý của thềm lục địa và mở rộng thềm lục địa với những tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Điều 76, khoản 1 định nghĩa:

“Thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn”.

Trên thực tế, rìa ngoài của thềm lục địa ở các khu vực có khác nhau: có nơi hẹp, không đến 200 hải lý; nhưng có nơi rộng đến hàng trăm hải lý. Điều 76 khoản 5,6,7,8 của Công ước Luật Biển 1982 quy định rất rõ ràng: Thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý).

Trong trường hợp khi rìa ngoài của thềm lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý, với điều kiện tuân thủ các quy định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong Công ước Luật biển 1982 và phù hợp với các kiến nghị của Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa được thành lập trên cơ sở Phụ lục II của Công ước. Có nghĩa là quốc gia ven biển phải trình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Sau đó, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc sẽ xem xét và ra khuyến nghị.

Điều 77 của Công ước Luật biển 1982 quy định trong thềm lục địa của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Hiện nay, các quốc gia ven biển đang khai thác dầu và khí để phục vụ phát triển đất nước. Sau này, khi các nguồn tài nguyên ở trên đất liền khan hiếm thì các quốc gia ven biển sẽ khai thác các tài nguyên khác ở thềm lục địa của mình. Cần lưu ý là quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Tuy nhiên, quốc gia ven biển có nghĩa vụ phải đóng thuế cho Cơ quan quyền lực đáy đại dương đối với phần lợi tức khai thác được từ thềm lục địa nằm ngoài giới hạn 200 hải lý.

Điều cần nhấn mạnh là, một mặt các quốc gia ven biển được hưởng các quyền tương ứng như đã nêu trên đối với các vùng biển của mình, nhưng mặt khác họ có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển khác.

Công ước 1982 cũng quy định các quốc gia khác có quyền thực hiện các quyền tự do biển cả trên thềm lục địa của quốc gia ven biển với điều kiện tôn trọng các quyền của quốc gia đó. Điều 78 Công ước Luật biển 1982 quy định:

“1. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước ở phía trên hay của vùng trời trên vùng nước này.

2. Quốc gia ven biển thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền và các tự do khác của các quốc gia khác đã được Công ước thừa nhận, cũng không được cản trở việc thực hiện các quyền này một cách không thể biện bạch được”.

Quyền chủ quyền có nguồn gốc từ chủ quyền lãnh thổ, trong khi quyền tài phán là hệ quả của quyền chủ quyền, có tác dụng hỗ trợ, tạo môi trường để thực hiện quyền chủ quyền được tốt hơn.

Và cũng theo Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải của mình, chủ quyền này cũng được mở rộng vùng trời ở bên trên đến vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở bên dưới các vùng biển đó.

Như vậy, đây là những quy định bắt buộc mà các quốc gia ký kết phải nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc, nhằm tạo sự thống nhất, trật tự, giữ gìn an ninh, an toàn, tự do hàng hải chung trên biển; đồng thời, phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia, không vì lợi ích kinh tế, lợi ích quốc gia mình mà bỏ qua lợi ích chung của khu vực, thế giới, vi phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, lãnh hải của quốc gia khác đã được quy định trong Công ước, gây phức tạp tình hình an ninh trên biển. Các quốc gia cần thấy rõ trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện Công ước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *