Lăn kim là một phương pháp làm đẹp ít xâm lấn, đơn giản, an toàn và hiệu quả. Phương pháp làm đẹp này có rất nhiều ứng dụng trong điều trị da như trẻ hóa, trị sẹo, sạm da… Trong bài viết này, YouMed sẽ giúp các bạn hiểu được bản chất và lợi ích của phương pháp lăn kim.
1. Lăn kim là gì?
Phương pháp lăn kim được ra đời vào những năm 2000. Dần dần nó trở thành một phương pháp làm đẹp phổ biến nhờ tính đơn giản, an toàn và hiệu quả.
Quy trình sử dụng một loại dụng cụ là con lăn hay bút máy đặc biệt có chứa nhiều đầu kim siêu nhỏ. Những đầu kim này làm bằng thép không gỉ, vô khuẩn, có chiều dài từ 0.25 cm đến 2 cm. Các kim lăn sẽ tạo những tổn thương vi điểm cực kì nhỏ trên da từ đó tạo ra tác dụng trẻ hóa.
Cơ chế điều trị da của phương pháp bắt nguồn từ các tổn thương vi điểm cực nhỏ. Các tổn thương này đóng vai trò là tổn thương “giả” rồi kích thích cơ thể làm lành vết thương. Thông qua đó sẽ tái tạo tế bào và thay thế các tế bào cũ, đem lại một làn da mới.
Ngoài ra trong quá trình làm lành tổn thương “giả” còn giúp tăng sinh collagen làm đầy da và sẹo lõm. Các tổn thương vi điểm cực nhỏ còn đóng vai trò là kênh dẫn các dưỡng chất vào trực tiếp các lớp bên dưới của da. Nhờ đó dưỡng chất sẽ phát huy tác dụng nhiều hơn so với phương pháp bôi thông thường.
>> Có thể bạn quan tâm:
Một phương pháp bất kỳ nào cũng cần được áp dụng một cách đúng phương pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất, tránh gây hại. Với phương pháp này, YouMed chia sẻ bài viết: “Những điều bạn cần lưu ý về phương pháp lăn kim” để giúp mọi người hiểu hơn về cách lăn kim.
2. Các bao nhiêu loại kim lăn?
Các loại kim lăn đều có tác dụng dựa trên cơ chế tạo những tổn thương vi điểm. Tuy nhiên chúng khác nhau ở kích thước và cách sử dụng. Cụ thể là:
2.1 Kim lăn tay
Là một vòng quay hình tròn có nhiều mũi kim và một tay cầm. Người thực hiện sẽ đẩy con lăn trên bề mặt da và tạo những tổn thương siêu nhỏ.
Kim lăn tay có loại sử dụng tại nhà và dùng tại cơ sở thẩm mỹ. Kim lăn cho dùng tại nhà sẽ có ít đầu kim và chiều dài đầu kim ngắn hơn. Kim lăn dùng tại cơ sở thẩm mỹ có nhiều kim hơn và kích thước có thể dài hơn.
Ưu điểm: chi phí rẻ và dễ sử dụng
Nhược điểm: khó lăn trên vùng da hẹp như mũi, quanh mắt và quanh miệng.
2.2 Kim lăn máy (phi kim)
Có hình dạng giống một cây bút với các đầu kim tháo lắp được. Nó tạo chuyển động quay các đầu kim theo vòng tròn, cùng với động tác của tay người thực hiện sẽ tạo những tổn thương siêu nhỏ.
Kim lăn máy được sử dụng tại cơ sở thẩm mỹ bởi người đã được huấn luyện. Kim lăn máy có thể điều chỉnh độ sâu phù hợp với từng tình trạng da hoặc từng vị trí da dày mỏng khác nhau.
Ưu điểm: có thể lăn trên vùng da hẹp như cánh mũi, quanh mắt, quanh miệng.
Nhược điểm: chi phí cao hơn so với kim lăn tay.
2.3 Kim lăn kết hợp sóng RF (Radio Frequency – tần số vô tuyến)
Đầu kim sẽ được kết nối với hệ thống máy phát ra sóng RF. Nhờ sóng RF giúp làm tăng hiệu quả tăng sinh collagen và giảm mỡ, ứng dụng điều trị săn chắc da, trị bọng bắt, nọng cằm…
Ưu điểm là tăng hiệu quả điều trị hơn so kim lăn tay và bút. Tuy nhiên nhược điểm là chi phí cao.
3. Lợi ích của lăn kim
Lăn kim có rất nhiều ứng dụng trong điều trị da và thẩm mỹ như:
3.1 Trẻ hóa da
Giúp sắp xếp lại các sợi collagen cũ và kích thích tạo collagen mới. Từ đó giúp da săn chắc, mịn màng, giảm nếp nhăn và thu nhỏ lỗ chân lông. Ngoài ra phương pháp này còn giúp làm săn chắc các vùng da chảy nhão ở cánh tay, bụng, đùi… nhờ vào kích thích tăng sinh collagen.
3.2 Trị sẹo
Kích thích tăng sinh collagen, từ đó giúp làm đầy sẹo rỗ do mụn trứng cá. Ngoài ra, phương pháp này còn hiệu quả trên các loại sẹo bỏng, sẹo chấn thương, sẹo phẫu thuật, sẹo thủy đậu…
3.3 Sạm da và quầng thâm quanh mắt
Các nghiên cứu cho thấy lăn kim có thể làm giảm đáng kể tình trạng sạm da và quầng thâm quanh mắt. Kết hợp với với các dưỡng chất trị thâm nám sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị.
3.4 Rụng tóc
Nó còn được ứng dụng trong điều trị rụng tóc, hói đầu. Kết hợp với thuốc trị rụng tóc Minoxidil giúp tăng hiệu quả điều trị.
3.5 Trị mụn trứng cá
Kim lăn với sóng RF giúp phá hủy tuyến bã và làm giảm tiết bã nhờn. Giảm bã nhờn giúp giảm tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông và giảm hình thành và trị mụn trứng cá.
3.6 Đưa dưỡng chất vào trong da
Các tổn thương vi điểm tạo bởi kim lăn sẽ đóng vai trò như những kênh dẫn. Qua các kênh dẫn này dưỡng chất sẽ đi sâu vào trong da dễ dàng hơn so với bôi thông thường.
4. Lưu ý
- Lăn kim nếu không được thực hiện cẩn thận, không vô trùng hay sát khuẩn đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, rõ ràng nhất là tình trạng nhiễm trùng.
- Trường hợp lăn kim kết hợp với các chất không rõ nguồn gốc hay có thành phần dễ gây kích ứng, dị ứng da có thể dẫn tới viêm da tiếp xúc dị ứng. Tệ hơn nữa có thể để lại sẹo, rối loạn sắc tố nếu điều chỉnh độ sâu lăn kim cho vùng điều trị không thích hợp hoặc lạm dụng phương pháp này trong một thời gian ngắn.
- Không nên thực hiện lăn kim khi có bất kỳ một trong những vấn đề sau: viêm da cơ địa, trứng cá đỏ, mụn trứng cá ở giai đoạn hoạt động, vảy nến, dày sừng ánh sáng, mụn lồi có cuống, mụn cóc, sẹo lồi, vết thương hở, vùng cần điều trị đang có tình trạng nhiễm trùng như nhiễm HSV (Herpes simplex virus), nhiễm nấm, nhiễm khuẩn. Lăn kim có thể làm những tình trạng kể trên lan rộng và nặng thêm.
- Những người bệnh đái tháo đường, rối loạn đông máu hay đang dùng thuốc kháng đông, bệnh lý mạch máu collagen, xơ cứng bì cũng cũng không nên thực hiện thủ thuật này nếu chưa có tham vấn từ bác sĩ da liễu.
Phương pháp lăn kim đem lại nhiều lợi ích làm đẹp và tương đối an toàn. Tuy nhiên, việc thực hiện một quy trình chuẩn giúp đem lại hiệu quả cao và ngăn ngừa biến chứng xảy ra.