Doanh nghiệp Nhà nước (State-owned enterprise – SOE) là gì?

Định nghĩa Doanh nghiệp Nhà nước (State-owned enterprise – SOE)

Bạn đang đọc: Doanh nghiệp Nhà nước (State-owned enterprise – SOE) là gì?

Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn thành lập và tổ chức quản lí, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội do Nhà nước giao từ khi thành lập cho đến khi giải thể. (Theo Luật doanh nghiệp Nhà nước 1995)

Đặc điểm của Doanh nghiệp Nhà nước

– Chủ đầu tư: là Nhà nước hoặc Nhà nước cùng với các tổ chức, cá nhân khác.

– Sở hữu vốn: Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ (100%) hoặc sở hữu phần vốn góp chi phối (trên 50% nhưng dưới 100% vốn điều lệ).

– Hình thức tồn tại: DNNN có nhiều hình thức tồn tại. Nếu DNNN do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì có các loại hình doanh nghiệp như: công ty nhà nước, công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên. Nếu doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì có thể tồn tại dưới các loại hình doanh nghiệp sau: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

– Trách nhiệm tài sản: DNNN chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản của doanh nghiệp. Nhà nước chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.

– Tư cách pháp lý: DNNN có tư cách pháp nhân.

– Luật áp dụng: các công ty nhà nước đã thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ tổ chức và hoạt động theo luật doanh nghiệp. Các loại doanh nghiệp nhà nước khác tổ chức và hoạt động theo luật doanh nghiệp.

Phân loại Doanh nghiệp Nhà nước

1. Dựa vào hình thức tổ chức, theo luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003, DNNN được chia thành 6 loại, gồm:

– Công ty nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, thành lập, tổ chức quản lý, đăng ký hoạt động theo quy định của Luật này. Công ty nhà nước được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước độc lập, tổng công ty nhà nước.

– Công ty cổ phần nhà nước là công ty cổ phần mà toàn bộ cổ đông là các công ty nhà nước hoặc tổ chức được Nhà nước uỷ quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên là công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, được tổ chức quản lý và đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên là công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó tất cả các thành viên đều là công ty nhà nước hoặc có thành viên là công ty nhà nước và thành viên khác là tổ chức được Nhà nước uỷ quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là doanh nghiệp mà cổ phần hoặc vốn góp của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ, Nhà nước giữ quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó.

– Doanh nghiệp có một phần vốn của Nhà nước là doanh nghiệp mà phần vốn góp của Nhà nước trong vốn điều lệ chiếm từ 50% trở xuống.

2. Dựa trên mục đích và đặc điểm hoạt động, DNNN được chia thành:

– Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kinh doanh là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu nhằm mục tiêu lợi nhuận.

– Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích là doanh nghiệp hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ công cộng theo các chính sách của Nhà nước hoặc trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận.

3. Dựa trên phần vốn góp trong doanh nghiệp, DNNN được chia thành:

– Doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước. Vốn Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lí và sử dụng là vốn ngân sách Nhà nước cấp, vốn có nguồn gốc ngân sách Nhà nước và vốn của doanh nghiệp Nhà nước tự tích lũy.

– Doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước. Cổ phần chi phối của Nhà nước bao gồm các loại cổ phần sau:

+ Cổ phần của Nhà nước chiếm trên 50% tổng số cổ phần của doanh nghiệp.

+ Cổ phần của Nhà nước ít nhất gấp hai lần cổ phần của cổ đông lớn nhất khác trong doanh nghiệp.

+ Cổ phần đặc biệt của Nhà nước là cổ phần của Nhà nước trong một doanh nghiệp mà Nhà nước không có cổ phần chi phối nhưng có quyền quyết định một số vấn đề quan trọng của doanh nghiệp theo thỏa thuận trong điều lệ doanh nghiệp.

4. Dựa theo hình thức tổ chức quản lí, DNNN được chia thành:

– Doanh nghiệp Nhà nước có hội đồng quản trị: hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước, chịu trách nhiệm trước nhà nước.

– Doanh nghiệp Nhà nước không có hội đồng quản trị: giám đốc doanh nghiệp được nhà nước bổ nhiệm hoặc thuê để điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

(Theo Giáo trình Lý thuyết Quản trị kinh doanh, NXB Khoa học và Kỹ thuật)

>>>>>Xem thêm: Xvid Codec Là Gì – Sao Phải Cần Codec Làm Gì

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *