Thiên thời địa lợi nhân hòa |

Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa – là thành ngữ dùng để chỉ ba yếu tố cần thiết giúp tạo nên sự thành công cho một sự kiện, một công việc, hay một điều gì đó mà con người mong muốn đạt được.

Bạn đang đọc: Thiên thời địa lợi nhân hòa |

Mặc dù thành ngữ này thường xuyên được sử dụng trong các diễn văn trọng thể, nhưng một số người không hiểu được thâm ý của nó và đã sử dụng nó như một sáo ngữ. Ba chữ khiến nhiều người hiểu sai chính là Thiên, Địa, Nhân. Đó vốn chỉ là tên gọi tượng trưng của một Tam Tài, ghép vào cho dễ đọc, dễ nhớ. Chỉ ba chữ Thời, Lợi, Hòa mới thực sự có ý nghĩa.

Hiểu vậy chưa hết ý. Hiểu rộng, ta nên bỏ đi chữ Thiên mà tập trung vào chữ Thời. Phạm mọi việc nên ĐÚNG LÚC, ĐÚNG THỜI ĐIỂM đó mới là cách hiểu của Thiên Thời là vậy.

Thời” đơn giản là thời gian, là khi nào, là bao giờ. Làm bất cứ việc gì cũng phải đặt câu hỏi, có sớm quá không, có muộn quá không, có đúng lúc không? Chính ta phải tự trả lời câu hỏi này, chứ chẳng có ông Trời nào trả lời thay ta.

Để trả lời câu hỏi này, bạn cần có thông tin và tri thức về “xu thế phát triển tất yếu” của các quá trình tự nhiên và xã hội. Bạn phải có sự hiểu biết về sự vận hành theo chu kỳ của vạn vật.

Nếu bạn đi ngược xu thế, là bạn lỗi thời. Nếu bạn đi lạc chu kỳ, là bạn lỗi nhịp. Nếu bạn đầu tư vào một sản phẩm/dịch vụ đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ sống, là bạn không đúng lúc. Trong tất cả các trường hợp trên, khả năng thành công sẽ không cao.

Luận bàn thêm về từ “Thời cơ”. Đây là từ ghép của thời gian và cơ hội. Cơ hội nhỏ thì nhiều, lúc nào cũng có. Nhưng cơ hội lớn lâu lâu mới đến một lần, và quan trọng là nó không đứng lại để chờ bất cứ ai. Thời cơ là cơ hội lớn tồn tại trong nhất thời. Chỉ có người hiểu sâu chữ “Thời”, mới có khả năng nắm bắt được cơ hội lớn.

Cách Mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công là nhờ Việt Minh đã nắm bắt được một cơ hội lớn ngàn năm có một. Đó là thời điểm Pháp đã đầu hàng Nhật, Nhật mới đầu hàng quân Đồng minh, Chính phủ thân Nhật – Trần Trọng Kim vừa bỏ chạy. Nếu Cách Mạng Tháng Tám diễn ra sớm hơn, chúng ta không thể chiến thắng quân đội Pháp hay Nhật còn đang rất mạnh. Nếu muộn hơn, chúng ta cũng không phải là đối thủ của quân đội Tưởng Giới Thạch, thay mặt Đồng Minh vào áp giải tù binh Nhật. Đó là thời điểm, có thể cướp chính quyền mà gần như chẳng phải đánh nhau với ai. Cơ hội hiếm hoi này chỉ dừng lại trong một khe thời gian rất hẹp. Chỉ có người hiểu chữ “Thời” sâu sắc mới nắm bắt được cơ hội này. Và trong một khe thời gian hẹp như thế, sự kiện Việt Minh huy động được mấy trăm ngàn người xuống đường tham gia khởi nghĩa (trong điều kiện thiếu vắng các phương tiện truyền thông) thực sự là một kỳ tích.

Các cuộc khởi nghĩa như Bắc Sơn, Nam Kỳ… thất bại không phải do ông Trời không thương, mà vì những lãnh đạo khởi nghĩa lúc đó không nhận ra, còn quá sớm để khởi nghĩa, giặc Pháp chưa yếu tới mức có thể dùng tầm vông mà chiến thắng.

Gút lại về chữ “Thời”, hãy nhớ: “99% của sự khôn ngoan là đúng lúc”. Đừng để xảy ra tình huống “lúc cần khôn thì lại ngu, lúc cần ngu thì lại khôn”.

Chữ “Địa lợi” làm cho người ta nghĩ đến những lợi ích liên quan đến đất. Điều này tất nhiên không đúng. Trong các quốc gia nổi bật nhất châu Á như Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, bạn không thể tìm ra mối liên hệ nào giữa phát triển và lãnh thổ đất đai. Chưa kể, ngày nay trên thế giới, những khu vực mưa thuận gió hoà, đồng bằng phi nhiêu, cây cối tươi tốt lại thường là những khu vực kém phát triển hơn.

Thực tế, “Địa” không liên quan. Trong cụm từ này, chỉ riêng chữ “lợi” là có nghĩa. Chữ “Lợi” ở đây là lợi thế.

Trước khi quyết định làm bất cứ việc gì cũng phải đặt câu hỏi: ta có lợi thế gì để làm việc này hay không? Không có lợi thế, bạn rất khó thành công. Người Việt Nam hay nhấn mạnh từ đam mê. Nhiều người phán như Thánh: chỉ cần có đam mê…

Người Việt Nam rất đam mê bóng đá. Nhưng dù đam mê đến đâu, thành tích của đội tuyển Việt Nam cũng rất khiêm tốn. Tại sao vậy? Đơn giản, chúng ta không có bất kỳ một lợi thế nào cho môn thể thao va chạm mạnh, đòi hỏi cao về thể hình thể lực như bóng đá. Tại sao môn bắn súng Việt Nam có thành tích cao hơn? Vì môn bắn súng không yêu cầu cao về thể hình thể lực. Tại sao môn đấu võ chúng ta có nhiều huy chương? Bởi vì, trong môn này, các võ sĩ chia theo hạng cân, bất lợi về thể hình thể lực không còn. Không phải đam mê, mà chính lợi thế mới thực sự là tiêu chí quan trọng nhất cho công tác lựa chọn chiến lược.

Bạn không nên bắt đầu một việc mà không biết lợi thế của mình ở đâu? Chưa có thì phải tìm cách tạo ra.

Nếu không có thể hình to, trâu sức thì đừng bao giờ mơ tới World Cup! Chơi cho vui thôi.

Chữ “Nhân hoà” bị nhiều người hiểu thành “đoàn kết nội bộ”. Thực ra không phải. Chữ “Hòa” ở đây hướng ra ngoài chứ không hướng vào trong.

Quan hệ giữa các quốc gia có hai tình huống cơ bản: Chiến hay hoà. Quan hệ trong kinh doanh có hai hình thức cơ bản: Cạnh tranh hay hợp tác. “Buôn có bạn – bán có phường” là bản chất của chữ “Hòa” trong kinh doanh.

Rõ ràng hợp tác luôn quan trọng hơn cạnh tranh, hòa luôn quan trọng hơn chiến.

Khi ta còn nhỏ, hợp tác sẽ giúp ta tiến bộ. Khi ta đã lớn mạnh, hợp tác giúp ta củng cố vị thế. Cuộc sống không giống trò chơi sấp ngửa, tôi thắng thì anh phải thua. Những người thông minh, có thiện chí sẽ biết cách tìm ra các tình huống win-win thông qua hợp tác.

Cạnh tranh là cần thiết, nhưng đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất và cải tiến quản lý. Cạnh tranh lành mạnh, về lâu dài không mâu thuẫn với sự hợp tác cùng phát triển.

Khi nghe ai đó phát biểu “Chúng ta sẽ thành công thế này thế kia… vì có cả Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà”. Có thể họ cũng không hiểu, nhưng vẫn thích dùng, vì nó làm cho các bài diễn văn tăng thêm phần trang trọng.

Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa không phải là sáo ngữ. Nó là một chỉ dẫn sâu sắc các vấn đề cần quan tâm khi lựa chọn chiến lược (hay những dự án quan trọng).

Trước khi quyết định làm một việc lớn, chúng ta cần phải trả lời các câu hỏi:

  • Có đúng lúc không?
  • Chúng ta có những lợi thế gì?
  • Nên hợp tác như thế nào để thành công.
  • Luận bàn về Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa
  • Thiên Thời Địa Lợi Nhân Hòa là gì?
  • Ngũ kinh
  • Tứ thư

>>>>>Xem thêm: Ban đã biết additives là gì? chất phụ gia là gì? Cùng Luân Kha tìm hiểu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *