Trước khi tìm hiểu về một nền văn hóa nào đó, chúng ta cần phải hiểu định nghĩa của nó trước.
Bạn đang đọc: Nam Quản: Gã lãng tử mê mẩn những đôi sneakers của thời xưa cũ
Retro-Runners là gì? Có gì đặc biệt mà khiến giới trẻ như “phát điên” vì chúng?
Không hẳn dập khuôn toàn bộ hơi thở quá khứ, phong cách Retro hòa trộn giữa những điều mới mẻ của hiện tại và hoài cổ của quá khứ. Phong cách Retro biểu hiện cho sự chân thành, đơn giản, nhưng hiện đại và quyến rũ trong cuộc sống hiện đại. Có thể nói rằng, Retro là một phong cách mang tính chất hoài cổ nhưng cũng không kém phần hiện đại.
Còn Runners ở đây chỉ những đôi giày chạy, đã gắn liền với người yêu chạy nói riêng và thể thao nói chung từ nhiều năm về trước. Như vậy, ta có thể định nghĩa Retro-Runners là giày chạy bộ cổ điển, mang màu sắc cũng như thiết kế của những thập niên trước.
Từ lâu, phong trào sưu tầm và sử dụng giày Retro-Runners với mục đích thời trang đã phổ biến trên thế giới. Cùng với sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội… Phong trào chơi Retro-Runners đã lan truyền đến Việt Nam như một hệ quả tất yếu.
Những bạn trẻ Việt Nam yêu thời trang một lần nữa say mê đắm chìm trong sự hoài cổ, trong thế giới đầy màu sắc, nổi bật nhưng không phô trương của Retro-Runners.
Nhân vật của chúng ta hôm nay đương nhiên sẽ liên quan mật thiết đến Retro-Runners, không ai khác chính là Nam Quản, một trong những người Việt trẻ có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng những người đam mê giày nói chung, Retro-Runner nói riêng.
Cùng trò chuyện với chàng trai này, để hiểu rõ hơn về thế giới Retro-Runners và cách để biến Retro-Runners trở thành dấu ấn cá nhân.
Xin chào Nam Quản! Có lẽ những người đam mê Retro-Runners tại Việt Nam đã không còn lạ lẫm với cái tên Nam Quản, tuy nhiên bạn có thể giới thiệu qua một chút về bản thân không?
Xin chào, mình là Nam Quản, tên đầy đủ là Quản Trọng Quốc Nam, mình sinh năm 1989. Mình có 3 công việc chính, thứ nhất là nhiếp ảnh, mình chụp ảnh từ năm 2008 – đa phần là ảnh cưới và quảng cáo.
Công việc thứ nhì của mình là làm phim, mình là người sáng lập ra Only In Saigon – nhiều bạn trẻ yêu thích về văn hoá và con người Sài Gòn có lẽ cũng đã từng biết đến Only In Saigon. một dự án video mình thực hiện để lưu giữ và chia sẻ những nét đẹp, những giá trị đang bị lãng quên của thành phố này.
Cuối cùng, công việc hàng ngày của mình trong vòng 1 năm qua là chăm lo cho cửa hàng quần áo streetwear RETRO KID – cũng là một trong những đứa con tinh thần mình ưng ý nhất. Cửa hàng mở cửa từ tháng 9/2016 với mong muốn mang lại cho những người yêu streetwear tại Việt Nam những món đồ chất lượng nhất.
Điều gì đã đưa Nam Quản đến với dòng giày Retro-Runners? Theo bạn, định nghĩa chính xác nhất cho Retro-Runners là gì?
Trước tiên là mình luôn thích thời trang, luôn thích ăn mặc đẹp và rất chú ý đến những gì trên người mình. Thêm nữa, mình là người thích những gì cổ điển, những món đồ/vật dụng mang hơi hướng thẩm mỹ của những thập niên trước luôn làm mình thích thú.
Vậy nên Retro-Runners đã luôn là sự lựa chọn của mình từ những ngày đầu biết đến Sneakergame. Retro-runners, định nghĩa rất đơn giản. Runners nghĩa là giày dành cho việc chạy bộ, còn retro nghĩa là “mang trở lại”. Retro-runners là những đôi giày chạy bộ được thiết kế và giới thiệu ra thị trường vào những năm 1980, 1990…
Với mục đích ban đầu đương nhiên là để luyện tập thể dục thể thao. Nhưng với những ảnh hưởng của trang phục thể thao lên thời trang đường phố vào quãng thời gian đó, Retro-Runners dần có được vị trí không thể thay thế trong gu ăn mặc của nhiều người. Sau nhiều năm, vẻ đẹp của chúng vẫn được nhiều người trân trọng. Cho đến nay các thương hiệu cũng liên tục sản xuất và mang chúng quay trở lại thị trường.
Nam Quản được nhiều người biết tới không chỉ nhờ vốn kiến thức sâu rộng về Sneaker nói chung, mà còn vì bộ sưu tập Retro-Runners cực kỳ khủng, bạn có thể giới thiệu về bộ sưu tập giày của mình không?
Quãng thời gian cao điểm (khoảng tháng 11/2013) – mình có khoảng 75 – 80 đôi, hầu hết là Retro-Runners đến từ các thương hiệu như Nike, adidas, New Balance, ASICS… Thêm một vài đôi giày bóng rổ thuộc các dòng Air Jordan, Nike Kobe 8… Đó là giai đoạn mình vừa bắt đầu cuộc chơi nên thật sự đã tiêu tốn rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc để trải nghiệm thật nhiều thứ, rút ra cho bản thân kha khá kiến thức và đúc kết được về việc mình thật sự thích gì.
Cuộc chơi kéo dài cho đến đầu năm 2016, mình bỗng dưng muốn cân bằng lại việc chi tiêu trong cuộc sống. Rõ ràng 2 năm qua mình đã tiêu quá nhiều vào giày nên mình muốn giảm xuống. Đồng thời lúc đó mình cũng đã tích cóp đủ để sắm cho bản thân mình chiếc xe mình ưa thích nên thôi, mình có đủ lý do để thanh lý hơn một nửa bộ sưu tập, cân bằng lại tài chính cá nhân.
Mình đã bán hết giày bóng rổ và chỉ còn giữ lại Retro-Runners, lúc bấy giờ bộ sưu tập của mình chỉ còn khoảng 25 – 30 đôi, bao gồm Nike, ASICS và New Balance.
Từ đầu năm 2016 cho đến nay mình dành thời gian để hoàn thiện lại bộ sưu tập, mình dần dần chia tay các thương hiệu như ASICS và New Balance, nay mình chỉ tập trung sưu tầm Nike, đặc biệt là dòng Nike Air Max – dòng giày mà theo mình là hợp với cách ăn mặc của mình nhất, chưa kể giá trị lịch sử và văn hoá của dòng giày này đối với mình là “vô địch”.
Tháng 3 và tháng 4 vừa qua thật sự là 2 tháng tốn kém nhất cho việc mua giày trong 2 năm trở lại đây với rất nhiều phát hành thật sự “đỉnh” từ Nike nhằm tôn vinh dòng giày Air Max tròn 30 năm tuổi.
Cho đến nay mình chỉ còn khoảng 20 – 25 đôi, gần như toàn bộ là Nike Air Max và một vài đôi Vans/Converse cho những dịp “phá giày” như đi xe, đi chơi xa… Thật sự nói về khối lượng của bộ sưu tập vào thời điểm hiện tại thì không hề “khủng”, nhưng mình nghĩ đây thật sự là kết quả của một quá trình chơi, nghiên cứu và tìm ra những gì phù hợp nhất cho bản thân mình, mình rất ưng ý với bộ sưu tập hiện tại và vẫn sẽ hướng việc sưu tập theo hướng này trong tương lai.
Sưu tầm Retro-Runners trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa thể coi là thú chơi phổ biến vì khá “kén” người. Theo bạn, chơi Retro-Runners thường là những người như thế nào?
Đúng vậy, mình nghĩ một trong những điểm thú vị cũng như đặc trưng nhất của giới “mộ điệu” Retro-Runners. Đó là luôn là một cộng đồng nhỏ, là những người khá kín tiếng trên mạng xã hội, họ đa phần đều phải có hiểu biết, có trình độ, rất chịu tìm tòi thông tin và lịch sử để từ đó sở hữu được những đôi giày giá trị.
Cuộc chơi của họ không quá ồn ào trên những diễn đàn hay mạng xã hội, mà thay vào đó họ dành nhiều thời gian trên mạng để kết nối với nhau thông qua những cộng đồng khá nhỏ, từ đó trao đổi kiến thức cũng như giới thiệu cho nhau người mua, kẻ bán. Một khi bạn tham gia vào một cộng đồng như vậy, bỗng dưng bạn thấy mình quá nhỏ bé và non nớt, có quá nhiều thứ để nghiên cứu và để học. Cuộc chơi Retro-Runners mình nghĩ thú vị, kén người chơi là ở chỗ đó.
Bạn gần như sẽ không bao giờ thấy một người mang Retro-Runners cùng với quần áo Avant-garde hay Streetgoth cả. Họ luôn luôn xuất hiện với quần jeans và áo thun, hoặc áo sơmi đơn giản. Nếu nói Sneakergame hay văn hoá streetwear phản ánh cuộc sống thì chắc chắn cộng đồng Retro-Runners là bộ phận những người “luống” tuổi trong đó.
Theo Nam Quản, với những bạn trẻ đã “trót” yêu Retro-Runners, nên bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ dòng Retro-Runners của những thương hiệu nào?
Đòi hỏi những gì? Mình nghĩ hãy bắt đầu với Nike, cụ thể là Nike Air Max, bởi vì dòng giày này khá phổ biến và vẫn đang được phát hành khá đều đặn, nên việc sở hữu một vài đôi Air Max đẹp vào thời điểm hiện tại là không quá khó.
Hơn nữa, về khía cạnh kiến thức và văn hoá, bề dày lịch sử của Air Max cùng những câu chuyện văn hoá của nó sẽ khiến bạn thích thú – từ đó tạo ra thói quen nghiên cứu, tự tìm thông tin trên mạng, trao đổi thông tin với những người cùng chơi. Nếu bạn thật sự hào hứng với những việc này bên cạnh việc đến cửa hàng mua giày hoặc lên mạng tìm giày để mua, thì có thể bạn đã “nhập môn” Retro-Runners thành công.
Chắc hẳn Retro-Runners đã, đang và sẽ là một phần cuộc sống của Nam Quản, nó đã ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn như thế nào?
Như mình đã nói ở trên, cộng đồng retro-runners là một cộng đồng khá nhỏ, ở Việt Nam thì con số những người mê Retro-Runners cũng không nhiều.
Hơn nữa, cộng đồng Retro-Runners ở Việt Nam hiện đang tách bạch khá rõ ràng, đa số nhiều người vẫn còn đang theo đuổi các dòng runners của ASICS – cụ thể là ASICS Gel Lyte III – trong khi đó Nike Air Max dường như đang bị lãng quên, nên gần đây mình cũng ít có cơ hội để trao đổi & tăng thêm các mối quan hệ xã hội thông qua việc sưu tập giày.
Ngoài ra mình thấy Retro-Runners cũng không có ảnh hưởng gì lắm đến công việc của mình, mình khá rõ ràng trong chuyện làm & chơi. Mình may mắn có một công việc tương đối tự do nên vẫn có thể mang những đôi Retro-Runners ưa thích mỗi ngày.
Rất nhiều người hâm mộ Nam Quản còn vì gu ăn mặc và thời trang, bạn có thể ra gợi ý, hay một số thương hiệu quần áo, phụ kiện dành cho người yêu Retro-Runners không?
Mình mặc quần áo khá đơn giản, gần như 100% đều là sự kết hợp của quần jeans hoặc quần lửng cùng áo thun cổ tròn. Thỉnh thoảng mình có kết hợp với jogger pants hoặc track pants. Dạo gần đây khi quần jeans “rách” lên ngôi thì mình cũng sắm thêm một số quần dạng này.
Một ngày của mình đa phần bao gồm nhiều hoạt động và công việc khác nhau, nên mình luôn đề cao sự đơn giản, thoải mái của quần áo.
Vả lại Retro-Runners vốn là một dòng giày cổ điển nên bản thân nó cũng khá kén chọn các trang phục đi cùng. Nhìn chung những người sưu tập Retro-Runners cũng có gu ăn mặc rất đơn giản, thay vì đầu tư vào những món quần áo thời thượng, thì thay vào đó họ sẽ đầu tư vào việc mua một chiếc áo thun classic nhưng đến từ những thương hiệu có giá trị lâu dài hơn như A Bathing Ape, Supreme, Stussy, The Hundreds… Những thương hiệu không quá ồn ào nhưng giá trị của chúng gần như không thay đổi.
Nhận định của Nam Quản về cộng đồng Sneaker/Retro-Runners tại Việt Nam, nền văn hóa “đế bằng” đang thực sự phát triển hay đi xuống?
Mình thường xuyên phải nghe những ý kiến khá tiêu cực về Sneakergame Việt Nam dạo gần đây, với lý do “có quá nhiều người chơi giày, khiến cuộc chơi bị loãng”.
Thật ra mình thấy đây không phải là một tiêu chí để đánh giá cuộc chơi có còn chất lượng hay không. Cuộc chơi của bạn có chất lượng hay không, tuỳ thuộc vào bản thân bạn, chứ không phải tuỳ thuộc vào đám đông.
Một nền văn hoá hay và đẹp thì không thể cấm cản số đông yêu thích và đi theo nó được. Cái chính là bạn giữ cho cuộc chơi của bản thân mình ở một mức độ nhất định để bạn luôn thấy thích thú và vui vẻ.
Đám đông và xu hướng không nên nằm trong suy nghĩ hay quyết định của bạn, một khi bạn đã biết mình thật sự muốn gì.
So với giai đoạn 2013/2014 thì giờ Sneakergame tại Việt Nam đã rất phát triển và đó là điều rất đáng mừng. Ngày nay đi ra đường để bắt gặp một ai đó đang mang trên chân một đôi giày đẹp, có chất lượng là điều không khó, mình nghĩ đối với giới trẻ Việt như vậy là một điều khá tuyệt vời rồi.
Đây là một trong những nơi không thể tốt hơn để những người mới “nhập môn” retro-runners có thể làm quen với những người đi trước, chia sẻ thông tin, kiến thức cũng như thoải mái đặt ra những câu hỏi của mình về những dòng giày runners.
Cám ơn Nam Quản vì cuộc trò chuyện này! Chúc bạn luôn giữ được niềm nam mê, trở thành người truyền cảm hứng cho những thế hệ yêu Retro-Runners sau này.
>>>>>Xem thêm: Khi động viên người khác dùng tiếng Anh như thế nào? – CLA – BKHN