Rửa tiền là một hoạt động phi pháp. Hoạt động rửa tiền được nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng để biến những đồng tiền phạm pháp thành hợp pháp và mang ra tiêu thụ trên thị trường.
Khái niệm rửa tiền hầu như ai cũng từng nghe đến. Tuy nhiên hiểu đúng về khái niệm này thì không phải ai cũng hiểu rõ. Chính vì vậy, trong bài viết hôm nay Tiền Đầy Ví sẽ cung cấp đến các bạn những thông tin chi tiết nhất về hoạt động rửa tiền.
Rửa tiền là gì?
Điều đầu tiên mà Tiền Đầy Ví muốn gửi đến các bạn, đó chính là rửa tiền đã có từ thời cổ đại. Cho đến khi hệ thống ngân hàng và tiền tệ phát triển, thì rửa tiền ngày càng phát triển mạnh hơn. Nghĩa là rửa tiền không phải là một khái niệm thời hiện đại.
Vậy rửa tiền là gì? Ban đầu, đó chính là hoạt động của những cá nhân, tổ chức muốn giấu diếm những tài sản trái phép để tránh bị nhà nước đánh thuế hoặc tịch thu. Hoặc trong cả 2 trường hợp.
Càng ngày, hoạt động rửa tiền càng tinh vi. Định nghĩa rửa tiền có thể được hiểu là hành vi của cá nhân hoặc tổ chức tìm cách để chuyển đổi những tài sản, tiền bạc có nguồn gốc từ phạm tội hoặc tham nhũng thành những tài sản, tiền bạc hợp pháp, “sạch”. Sau khi thực hiện hoạt động rửa tiền, cơ quan chức năng không thể nào tìm được nguồn gốc của dòng tiền đó nữa. Và khi những tài sản, tiền bạc đó lưu thông ra thị trường, nó sẽ nghiễm nhiên trở thành những loại tài sản, tiền bạc hợp pháp, có thể được sử dụng mọi lúc mọi nơi.
Thông thường, tiền sau khi được “rửa”, sẽ được sử dụng cho các mục đích:
- Mua bán bất động sản.
- Đầu tư sản xuất kinh doanh.
- Đầu tư dự án công trình.
- Gửi tiết kiệm ngân hàng.
- Chi tiêu.
Những đối tượng nào thường có hoạt động rửa tiền?
Có thể dễ dàng định vị được những nhóm đối tượng thường xuyên có hoạt động rửa tiền:
- Những tổ chức khủng bố lớn.
- Giới buôn lậu.
- Những đối tượng thuộc cơ quan nhà nước chuyên thực hiện hành vi tham nhũng và tích lũy được số tài sản lớn.
- Những người trốn thuế, không chịu đóng thuế dù thu nhập là hợp pháp.
Đây là những nhóm đối tượng thường xuyên có những dòng tiền bất hợp pháp. Để có thể minh bạch mang tiền đi sử dụng, thì các đối tượng này cần phải thực hiện hành vi rửa tiền. Khi đó, cơ quan công quyền không thể có được bằng chứng phạm tội và truy nguồn gốc của tiền, vì sau khi được “tẩy trần”, nguồn gốc dòng tiền đều hợp pháp.
Rửa tiền được diễn ra như thế nào?
Quy trình rửa tiền luôn được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận và sâu sát. Các đối tượng khi thực hiện rửa tiền đều luôn tìm mọi cách để đảm bảo bí mật, an toàn cho những dòng tiền bất hợp pháp này.
3 giai đoạn chính của quy trình rửa tiền diễn ra như sau:
- Sắp xếp để đưa tiền phạm pháp vào hệ thống tài chính, các kênh đầu tư. Đây là giai đoạn cửa sổ và dễ bị phát hiện nhất khi thực hiện rửa tiền. Nếu giai đoạn này trót lọt, thì những giai đoạn sau sẽ diễn ra rất thuận lợi.
- Phân tán để các khoản tiền linh hoạt chuyển đổi: chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, chuyển từ việc đầu tư hoặc mua đi bán lại,… Thực hiện việc phân tán nhiều lần, nguồn gốc ban đầu của tài sản càng khó bị truy vết.
- Quy tụ: Đây là giai đoạn mà các đối tượng rửa tiền sẽ bắt đầu gom các dòng tiền lại thành một cụm quy mô như ban đầu. Lúc này, tiền đã được “rửa” sạch, có thể dễ dàng sử dụng công khai mà không cần đề phòng bất cứ điều gì.
Không chỉ những tổ chức tội phạm. Ngày nay rất nhiều doanh nghiệp cũng rửa tiền nhằm tránh thuế. Họ có thể chuyển tiền qua lại với nhau thông qua những hợp đồng ảo. Hoặc chuyển tiền đi tài khoản nước ngoài nhằm trốn thuế. Hiện nay, hoạt động rửa tiền khá phức tạp và nhà nước cũng đang nỗ lực để có các biện pháp ngăn chặn.
Ví dụ cụ thể về rửa tiền
Để các bạn dễ hình dung, chúng tôi đưa ra đây 1 vài ví dụ cơ bản về rửa tiền
- Một tổ chức tội phạm có hoạt động kinh doanh. Đây chính là bình phong vững chắc để qua mặt pháp luật. Khi đó, tiền bẩn sẽ được đưa vào tài khoản công ty thông qua doanh thu hàng ngày. Lúc đó tiền đã được chuyển thành dạng thức khác. Khi cần, tổ chức sẽ rút ra từ tài khoản công ty.
- Chia nhỏ từng khoản tiền rồi chuyển qua lại giữa các tài khoản ngân hàng thông qua chức năng chuyển tiền trên điện thoại. Ngân hàng online phát triển làm tiền đề cho hàng loạt hành vi tội phạm rửa tiền và rất khó kiểm soát.
- Các kênh tiền ảo được xem là một trong những kênh rửa tiền phổ biến nhất hiện nay. Đây cũng chính là lý do nhiều quốc gia còn e ngại và chưa cho phép giao dịch tiền ảo.
- Chuyển tiền xuyên biên giới sang một tài khoản nước ngoài.
- Dùng tiền mua bất động sản rồi bán lại để tiền bẩn thành tiền sạch.
Những thủ đoạn chính của hoạt động rửa tiền
Từ những ví dụ trên, chúng ta có thể thấy được hoạt động rửa tiền rất tinh vi, đa dạng. Các đối tượng có nhiều thủ đoạn rửa tiền khác nhau. Trong đó có những phương thức thường được sử dụng là:
- Đổi tiền mặt: Giao dịch đổi tiền mặt là một trong những hành vi rửa tiền thông dụng nhất. Việc thực hiện đổi tiền từ tiền tệ nước này qua nước khác hiện nay rất đơn giản. Vì vậy rất khó để kiểm soát được.
- Mua kim loại quý: Dùng tiền từ buôn lậu, buôn ma túy, cờ bạc, mại dâm, tham nhũng để mua vàng bạc, kim cương,… Là một trong những cách rửa tiền hiệu quả. Các đối tượng có thể chia nhỏ khoản tiền và mua ở nhiều đơn vị khác nhau. Như vậy sẽ rất khó bị phát hiện ra.
- Tiết kiệm ngân hàng hoặc mua trái phiếu chính phủ. Sau một thời gian, tiền sẽ được rút ra dần dần hoặc rút ra hết để tiêu xài, phục vụ các mục đích khác của tội phạm rửa tiền.
- Rửa tiền từ những ngân hàng “ngầm”, có thể chuyển tiền từ nước này sang nước khác, từ thành phố này sang thành phố khác và rất dễ dàng hợp pháp hóa dòng tiền bẩn đó.
Hậu quả rửa tiền với nền kinh tế
Mục đích chính của hành vi rửa tiền chính là trốn thuế hoặc hợp pháp hóa tiền bạc phi pháp. Vì vậy, nó để lại rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế:
- Các thống kê, báo cáo kinh tế bị sai lệch nghiêm trọng. Thống kê không phản ánh đúng tình trạng phát triển kinh tế.
- Sai lệch các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trốn thuế ngày càng nhiều, thất thoát nguồn thu quốc gia và ảnh hưởng liên đới đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
- Tạo sự bất công xã hội.
- Sự mất niềm tin của xã hội với thị trường tài chính.
- Lãng phí các nguồn lực kinh tế.
Khi hoạt động rửa tiền còn tồn tại, nghĩa là nền kinh tế còn nhiều bất cập. Không chỉ tạo nên cán cân không hợp lý giữa những đơn vị làm ăn chân chính và những kẻ hoạt động bất hợp pháp, rửa tiền còn khoét sâu thêm khoảng cách giàu nghèo trong và mang đến nhiều gánh nặng cho an sinh xã hội.
Kết luận
Nhà nước Việt Nam có luật phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên có thể thấy hoạt động rửa tiền ngày càng tinh vi, rất khó để kiểm soát. Vì vậy, tự bản thân mỗi người phải cùng đồng lòng hiệp lực cùng nhà nước để điều tra và phanh phui các đối tượng này. Khi phát hiện có bất kỳ dấu hiệu rửa tiền nào, nên báo ngay cho cơ quan chức năng. Càng để lâu, tiền càng luân chuyển thi sẽ rất khó để truy ra được nguồn gốc ban đầu.