Cổ nhân từng nói cơn giận được ví như lửa đốt cháy rừng công đức vậy. Tạo dựng công đức đâu phải dễ. Phải nỗ lực rất nhiều, suy nghĩ nhiều và hy sinh nhiều. Ấy thế mà một phút giận dữ có thể làm tiêu tan tất cả.
Bạn đang đọc: Pháp Luật Plus – Tu tâm dưỡng tính, lấy tình thương để khắc chế nóng giận
Con chim ưng của Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn là một vị vua nổi tiếng, quân đội của ông đánh đến đâu thắng đến đó. Vó ngựa của quân Mông Thát tung hoành khắp nơi, tạo nên một đế chế rộng lớn bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Ông ta vô cùng yêu quý một con chim ưng. Một lần, sau một ngày dài rong ruổi săn bắn, Thành Cát Tư Hãn cảm thấy khát nước đến mức cổ họng như có lửa đốt.
Chú chim ưng rời khỏi vị trí quen thuộc trên cổ tay nhà vua, bay vút lên trời. Trong sức nóng của mùa hè, mọi dòng suối đều khô cạn, và ông không tìm được nước để uống. Thành Cát Tư Hãn tìm mãi mới thấy nước rỉ ra từ khe đá trên vách núi. Ông xuống ngựa lấy ra chiếc cốc bằng bạc. Thật lâu nước mới chảy đầy cốc nhưng ngay lúc ông đưa chiếc cốc lên môi mình, con chim ưng bay lên và giật chiếc cốc từ tay ông rới xuống đất.
Thành Cát Tư Hãn giận lắm, nhưng vì con chim ưng rất được ông yêu thích nên ông cho rằng có lẽ nó cũng khát nước. Ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên, lau sạch bụi đất, và lại hứng nước vào cốc. Lần này, khi nước chỉ mới được nửa cốc, con chim ưng lại lao đến tấn công và làm đổ nước lần nữa. Vị vua của đế chế Nguyên Mông rất quý con chim, nhưng ông không thể chấp nhận sự vô lễ như thế; không chừng có ai đó nhìn thấy cảnh này từ xa và, sau đó, sẽ kể lại cho các chiến binh của ông rằng một nhà chinh phục vĩ đại mà lại không thể thuần hoá nổi chỉ một con chim.
Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, một mắt canh chừng dòng nước chảy, còn mắt kia để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn, với một nhát kiếm, đâm thủng qua lồng ngực con chim. Con chim ưng tội nghiệp rơi xuống đất và một lúc sau thì chết ngay dưới chân chủ. Nhưng khi nhà vua quay lại thì chẳng thấy chiếc cốc của mình đâu. Ông tìm quanh thì thấy nó đã rớt xuống giữa khe đá hẹp mà không thể nhặt nó lên được.
“Nhất định ta sẽ tìm được nước uống từ con suối này” – Ông tự nhủ. Với quyết tâm đó, ông lội ngược lên thượng nguồn. Ông kinh ngạc khi thấy quả nhiên có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn cực độc. Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi.
Nhà vua đứng lặng người, quên cả cơn khát. Trong đầu ông hiện lên hình ảnh xác con chim ưng tội nghiệp đang nằm trên đất lạnh. Ông bật khóc. Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng, và trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ: Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó anh không thích, người đó vẫn cứ là bạn của anh. Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ: Bất cứ hành động nào được thực hiện trong sự giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại.
Tâm không bực tức, làm gì có oán giận
Một bà cụ có tính tình nóng nảy, thường xuyên nổi giận vì những sự việc nhỏ nhặt, hơn nữa mỗi khi tức giận hay dùng lời lẽ ác độc, vô tình đã làm tổn thương nhiều người, vì vậy chẳng mấy ai dám gần gũi, tất cả đều lánh xa bà cụ. Bà ta cũng biết khuyết điểm của mình, nhiều lần quyết tâm sửa chữa cái tật xấu này. Nhưng mỗi khi hỏa khí bốc lên thì chính bà ta cũng không thể khống chế được tâm mình.
Một hôm, có người hàng xóm đã nói với bà: “Gần đây có một vị thiền sư, sao bà không đến xin lời chỉ dạy, biết đâu thiền sư có thể giúp được cho bà”. Bà ta nghe thấy thế liền đến tham vấn với thiền sư. Khi bà ta nói ra tâm nguyện muốn cải sửa tính nóng giận của mình và rất mong muốn có được một vài lời khai thị từ vị thiền sư, sau khi nghe bà cụ kể lể thì thiền sư chỉ im lặng, và dẫn bà ta vào một thiền phòng, sau đó khóa cửa thiền phòng và rời khỏi đó.
Bà ta một lòng muốn có được lời chỉ dạy của thiền sư, nhưng không ngờ thiền sư đã nhốt bà ta vào trong một thiền phòng vừa lạnh vừa u tối. Bà ta tức tối hét lên, không còn giữ được sự bình tĩnh nữa, và buông những lời nhục mạ không ngừng chửi rủa.
Nhưng cho dù bà ta có la hét cách nào, thiền sư vẫn im lặng. Khi không còn chịu đựng được nữa, thì bà ta thay đổi thái độ cầu xin thiền sư thả mình ra, nhưng thiền sư vẫn im lặng. Qua một hồi rất lâu, thiền sư hỏi: “Bà còn giận không ?”. Bà ta quát lên: “Tôi chỉ giận tôi, tôi hối hận sao phải nghe lời người khác, tìm đến cái nơi quỷ quái này để xin ý kiến của ông”.
Thiền sư ôn tồn nói: “Kể cả chính mình bà cũng không chịu buông tha, thì bà làm sao có thể tha lỗi cho người khác chứ ?”. Nói xong thiền sư lại im lặng. Một lúc sau, thiền sư lại hỏi: “Bà còn giận không?”. Bà ta trả lời: “Hết giận rồi!”. Thiền sư lại hỏi: “Tại sao hết giận?”. Bà ta bực bội trả lời: “Tôi giận thì có ích gì? Không phải vẫn bị ông nhốt tôi trong cái phòng vừa u tối vừa lạnh lẽo này hay sao?”.
Thiền sư nói: “Bây giờ bà đang đè nén cơn tức giận của mình vào một chỗ, một khi nó bộc phát ra thì càng mãnh liệt hơn”. Nói xong, thiền sư lại quay đi. Lần thứ 3 thiền sư quay lại hỏi bà ta, bà ta trả lời: “Tôi không giận nữa, ông không xứng đáng để tôi giận!”. Thiền sư nói: “Cái gốc tức giận của bà vẫn còn, bà cần phải thoát ra khỏi vòng xoáy của tức giận trước đã”.
Sau một hồi lâu, bà ta đã chủ động hỏi thiền sư: “Bạch thiền sư, ngài có thể nói cho con biết tức giận là cái gì không?”. Thiền sư bước vào, vẫn không nói chuyện, chỉ có động tác như vô tình đổ đi ly nước trong cái ly trên tay. Lúc này thì bà ta hình như đã hiểu.
Thì ra trong tâm không bực tức, thì làm gì có cơn giận? Tâm địa trống không, không có một vật gì, thì hỏa khí sao có dịp bùng phát? Kỳ thực, khi một người mang trong tâm sự oán giận, cũng chính là lúc họ đánh mất đi trí huệ của mình. Con người trở nên điên loạn, liều lĩnh, mất đi lý tính và rồi từ đó cơn giận sẽ khống chế trí tuệ và năng lực của chúng ta.
Sự việc cũng theo đó mà phát triển theo chiều hướng bất lợi, điều còn lại chỉ là sự bi thương buồn khổ. Cổ nhân giảng rằng, không dễ nổi giận là người thông minh, đại trí; tâm tính nóng giận chính là người ngu muội. Con người có kiến thức sẽ không dễ oán giận, khoan dung cho người chính là khoan dung cho bản thân mình. Nếu như một người có thể thông qua tu dưỡng bản thân, trừ bỏ triệt để tâm oán giận, đây mới là người tài giỏi chân chính nhất.
Phật gia có câu: “Kẻ thù lớn nhất của đời mình chính là bản thân mình”, nguyên nhân chính bởi thế giới nội tâm của con người chính là thế giới khó chinh phục nhất, bao gồm cả tính khí của chúng ta. Albert Einstein từng nói: “Giận dữ chỉ sinh tồn trong ngực của kẻ ngu si”, cũng đồng nghĩa là người tức giận là người lấy cái sai sót của người khác để trừng phạt chính mình.
Tức giận do tâm sinh, phải chữa từ tâm
Tức giận xuất phát từ tâm, do vậy chữa bệnh cũng phải xuất phát từ tâm, phải dưỡng tâm. Không tức giận không có nghĩa là phải là kìm nén cơn giận trong tâm, mà là cần xả bỏ chúng từ căn nguyên gốc rễ. Vì dù nguyên nhân khiến bạn tức giận thuộc về ai thì nóng giận chỉ làm nó phức tạp thêm. Xưa nay các bậc tu hành đắc Đạo đều khuyên nhủ con người nên tu tâm dưỡng tính, mở rộng tấm lòng thênh thang, sẵn sàng bao dung, sẵn sàng tha thứ cho bất kỳ sự việc gì.
Làm được như vậy thì mọi ức chế cảm xúc ắt không còn chỗ đứng trong tâm chúng ta và thân thể theo đó mà tự nhiên tự tại. Thế nhưng, trong cuộc sống, những va chạm và mâu thuẫn có thể đột ngột xảy ra khiến chúng ta hoàn toàn bất ngờ và không có sự chuẩn bị trước. Người xưa thường nói “cả giận mất khôn”, vì vậy nếu không kềm chế được cơn nóng giận của bản thân, rất có thể chúng ta sẽ có những lời nói hoặc quyết định sai lầm gây tổn thương cho người khác và cho chính mình.
Cũng có câu nói rằng: Muốn làm việc lớn cần phải có tĩnh khí. Khi gặp phải sự việc có thể gây nóng giận, việc đầu tiên bạn nên làm là ngừng hết mọi suy nghĩ và hít một hơi thở sâu. Đừng làm bất kỳ điều gì một cách vội vã, bởi vì bạn có thể sẽ phải hối hận sau đó.
Hãy nhắm mắt lại, đếm từ 1 đến 10 rồi sau đó hít một hơi thở sâu. Đừng bao giờ phản ứng lại khi bạn đang thực sự bị kích động vì bấy giờ bạn giống như là một nồi nước sôi vậy. Hãy nhìn vào trong tâm mình và tự hỏi một số câu để đánh giá tình hình như: Mình có thể chịu được tình huống khó chịu này không? Mình có hiểu lầm gì không? Sự việc này có đáng không? Lúc giận dữ trông mình như thế nào nhỉ? Mặt mình có đỏ lên không? Mình có vung tay vung chân không?
Liệu mình có muốn làm việc với ai giống như mình bây giờ không? Dĩ nhiên là không. Việc bận rộn với những câu hỏi trên sẽ khiến não bộ của bạn được bảo vệ tránh phản ứng thái quá. Chúng rất hữu ích cho những người đang tức giận. Bạn không thể kiểm soát được hành vi của người khác nhưng chỉ có thể kiểm soát được hành vi của chính mình.
Khi chấp nhận được suy nghĩ này, bạn đã tiến thêm một bước nữa trên con đường kiểm soát bản thân trước cơn giận dữ. Điều tiếp theo là hãy nghĩ đến một số việc mà bạn muốn làm, hãy nghĩ đến những đến tốt đẹp, những lợi ích chúng.
Suy nghĩ của bạn sẽ dịch chuyển ra khỏi cơn tức giận và hướng tới những điều khiến bạn vui vẻ hơn. Có câu: “Nước sâu thì chảy chậm, mà lời nói chậm là lời của quý nhân, người không tức giận ấy không phải người đần mà là người khôn đại trí”. Lời giận trong lòng không nói ra cũng chẳng phải do khiếp sợ, mà là người biết suy trước nghĩ sau, tâm điềm ý đạm, tứ bề giữ ý người khác.
Năm phương pháp diệt trừ phiền giận
Đức Phật dạy: “Giữ sự tức giận giống như nắm than nóng trong tay với ý định muốn ném nó vào người khác. Nhưng bạn lại là người đầu tiên bị thiêu cháy”. Viết về Kinh diệt từ phiền giận, thầy Thích Nhất Hạnh kể, đây là những điều tôi đã được nghe, hồi Bụt còn cư trú trong tu viện Cấp Cô Độc, rừng Thắng Lâm, tại thành Xá Vệ.
Hôm ấy, tôn giả Xá Lợi Phất nói với các vị khất sĩ: “Này các bạn đồng tu, hôm nay tôi muốn chia sẻ với các vị về năm phương pháp diệt trừ phiền giận. Xin các bạn lắng nghe và chiêm nghiệm. Các vị khất sĩ vâng lời và lắng nghe.
Tôn giả Xá Lợi Phất nói: – Năm phương pháp diệt trừ phiền giận ấy là những phương pháp nào? Đây là phương pháp thứ nhất, này các bạn: Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương nhưng lời nói lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Đây là phương pháp thứ hai, này các bạn: Nếu có một ai đó mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Đây là phương pháp thứ ba, này các bạn: Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Đây là phương pháp thứ tư, này các bạn: Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Ta phải phát khởi tâm niệm này: “Một người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà tâm ý cũng không dễ thương là một người rất đau khổ, người này chắc chắn đang đi về những nẻo đường xấu ác cực kỳ, nếu không gặp được thiện tri thức thì người ấy sẽ không có cơ hội chuyển hóa và đi về các nẻo đường hạnh phúc.”
Nghĩ như thế, ta mở được lòng thương xót và lân mẫn, diệt trừ được sự phiền giận của ta và giúp được cho kẻ kia. Người có trí phải nên thực tập như thế. Đây là phương pháp thứ năm, này các bạn: Nếu có một ai đó mà hành động dễ thương, lời nói cũng dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận hoặc ganh ghét với kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Khi thấy một người mà hành động dễ thương, lời nói dễ thương mà tâm địa cũng dễ thương thì ta hãy nên nhận diện tất cả những cái dễ thương của người ấy về cả ba mặt thân, khẩu và ý mà đừng để sự phiền giận hoặc ganh ghét xâm chiếm ta. Nếu không biết sống hạnh phúc với một người tươi mát như thế thì mình thực không phải là một người có trí tuệ.
Trong cuộc sống, ai cũng phải đối diện với những việc không vui, những việc đáng giận, đáng bực mình. Tuy nhiên cuộc sống là của chính mình, chúng ta dùng tâm thái như thế nào để đối đãi cuộc sống thì cuộc sống cũng lại trả ta thế đó. Thế nên cuộc sống của chính mình, do mình quyết định, tốt xấu khác nhau từ một niệm mà ra.
Người thực sự thông minh là người sẽ không khi nào tức giận với người khác, họ có thể kiểm soát được cảm xúc của mình và dễ dàng xả bỏ đi sự giận dữ nhanh chóng. Làm người thì phải biết nhìn vào cuộc sống chân thực của chính mình, tìm lỗi của người khác không bằng tìm lỗi của chính mình. Thay vì đi để ý đến sai lầm của người khác thì hãy tìm sự bao dung của chính chúng ta.
Có như vậy mới không khiến cuộc sống chúng ta đi vào bế tắc. Trong sự khoan dung cũng ẩn chứa quy luật nhân quả rất sâu sắc. Khi bạn khoan dung với người khác, cũng chính là đang gieo mầm phúc lành cho bản thân sau này.
Người nuôi dưỡng lòng hận thù, chỉ tự chuốc lấy sầu não cho chính mình. Khi người khác đánh bạn một cái, dẫu bạn có đánh trả lại thì liệu vết thương của bạn có thể lành hay không. Chi bằng chúng ta hãy khoan dung, buông xả để tâm nhẹ nhàng thanh tịnh và có được giá trị hạnh phúc vững bền.
(Tổng hợp từ sentayho.com.vn, sentayho.com.vn)