Sàn Upcom là gì? Có những lợi thế gì so với 2 sàn HOSE và sàn HNX?
Đơn giản đó là trạm trung chuyển hay thử nghiệm của cổ phiếu trước khi niêm yết trên 2 sàn giao dịch Tp.HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX).
Hoặc là nơi giao dịch của những cổ phiếu chưa đạt tiêu chuẩn để niêm yết ở sàn HOSE và HNX.
Vậy lợi thế nào của Upcom để nhà đầu tư chúng ta đầu tư trên đó, một chia sẻ nhỏ là hiện số lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn Upcom là lớn nhất so với 2 sàn còn lại HOSE, HNX (nếu chính xác là có cả sàn OTC).
Bài viết này, CophieuX sẽ cung cấp cho bạn hiểu biết về sàn Upcom và kinh nghiệm giao dịch ở sàn Upcom.
- Đọc thêm: 7 lưu ý để chơi chứng khoán & cổ phiếu cho người mới bắt đầu
Nội dung chính:
- Hiểu biết chung về sàn Upcom
- Cách thức giao dịch ở sàn Upcom
- Chỉ số Upcom Premium là gì?
- 5 Kinh nghiệm kiếm tiền ở sàn Upcom
1. Sàn Upcom là gì? Sàn chứng khoán Upcom là gì? Thị trường Upcom là gì?
Sàn chứng khoán Upcom (Tên viết tắt tiếng anh là Unlisted Public Company Market) là nơi giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa được niêm yết. Sàn Upcom được tổ chức tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Sản phẩm giao dịch của sàn là các cổ phiếu như các công ty như sàn HOSE, hay HNX
Để được đăng ký giao dịch trên sàn Upcom rất đơn giản:
- Là công ty đại chúng không niêm yết tại HOSE và HNX.
- Chứng khoán phải đăng ký lưu ký tại trung tâm lưu ký (VSD)
Khi giao dịch trên sàn Upcom, tức nhà đầu tư có sự giao dịch tập trung và có sự quản lý, nên được sự bảo vệ của pháp luật. Khi giao dịch ở sàn Upcom cũng yêu cầu về thông báo thông tin nhất định như BCTC hàng năm. Nhưng phải nói rằng độ minh bạch và tính công khai và chất lượng doanh nghiệp còn thua xa HNX, đặc biệt là HOSE
Tuy nhiên, Upcom là bộ duyệt tốt, là bước đệm của cổ phiếu niêm yết trên sàn chính HOSE và HNX.
Sàn Upcom hiện tại có số lượng doanh nghiệp niêm yết trên đó lớn nhất (Chiếm 50% với hơn 800 mã, trong tổng số 3 sàn).
Tính thanh khoản của nhiều cổ phiếu còn rất thấp, thậm chí là không có thanh khoản.
Như bạn thấy ở hình trên, nhiều mã cổ phiếu không có giao dịch như A32, AC4, ACE, ACS, AFC.
Nhưng vẫn có những mã cổ phiếu hàng khủng được niêm yết tại sàn Upcom. Trước đây có Tổng công ty hàng không Việt Nam mã HVN (Vietnam Airlines) niêm yết tại sàn Upcom, trước khi chuyển lên sàn HOSE vào ngày 07/05/2019.
Hiện tại còn rất nhiều hàng khủng, cũng như những doanh nghiệp nổi tiếng vẫn còn niêm yết tại sàn Upcom. Như:
SDI: Công ty lớn do Vingroup nắm giữ 94%, và đang quản lý các dự án như Vinhomes Riverside, Vinhomes Gardenia…
CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources – MSR) và CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – MCH): Hàng những công ty con thuộc hàng khủng của tập đoàn Masan.
Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Mã VGI): Đây là công ty phụ trách đầu tư của Viettel ra nước ngoài, như các mạng viến thông ở Campuchia, Lào, Haiti…
Những doanh nghiệp tên tuổi khác mà bạn có thể biết như:
- CTCP Viễn thông FPT (FOX): Cung cấp mạng cáp quang FPT
- CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS): Chủ của thương hiệu Sữa đầu nànhVinasoy, Fami
- CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG), làm trong lĩnh vực nông nghiệp, khá nổi ở miền Tây
- Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG): Với các thương hiệu áo quần Việt Tiến dành cho dân công sở.
- CTCP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): chuyên về quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quốc.
- …
2. Cách thức giao dịch ở sàn UPCOM là gì?
Thời gian giao dịch sàn Upcom:
Trong ngày hành chính và giao dịch từ 9h00-11h30 và 13h00-15h00. Bằng hình thức khớp lệnh liên tục và thỏa thuận (như sàn HOSE và HNX)
Nguyên tắc khớp lệnh
- Ưu tiên về giá: Bán thì giá thấp hơn được xếp trước, mua thì giá cao hơn được xếp trước.
- Ưu tiên về thời gian: Nếu cùng giá, ai đặt lệnh trước thì ưu tiên trước.
Ví dụ:
Để thuận tiện cho nhà đầu tư hình dung về nguyên tắc khớp lệnh, CophieuX minh họa về cổ phiếu BSR:
Dù thực tế NĐT có thể đặt giá mua hoặc bán bao nhiêu cũng được trong biện độ 15%. Ở đây giá tham chiếu BSR ở sàn Upcom là 12.2 (ngàn đồng), điều đó có nghĩa nhà đầu tư có thể đặt giá mua và bán với mức tối thiểu giá sàn 10.4 (ngày đồng), và tối đa giá trần = 14.0 (ngàn đồng) trong 1 ngày.
Để dễ nhìn, bảng điện tử sàn Upcom chỉ hiện 3 mức giá cho bên mua/bên bán gần nhất với giá đang giao dịch, dù thực tế có rất nhiều mức giá đưa lên hệ thống.
Bên mua, tức là bên chờ sẵn sàng mua 11.9 với khối lượng cổ phiếu 136.200 cổ phiếu. Tương tự có các mức giá là 11.8 (KLGD: 74.800 CP) và 11.7 (KLGD: 18.100 CP)
Vì sàn Upcom ưu tiên về giá nên sẽ để giá mua là 11.9 lên trước. Nếu bạn cầm cổ phiếu và bán cổ phiếu BSR thì bạn sẽ bán giá 11.9 trước đúng không?. Do đó sẵn sàng mua sẽ để giá cao lên trước.
Bên bán, tức là bên sẵn sàng chờ bán là lần lượt 12.0, 12.1, 12.2. Nếu bạn là người mua thì bạn sẽ mua giá 12.0 trước rồi. Đó là lý do khi bán giá thấp hơn bên bán sẽ ưu tiên xếp trước.
Nếu các nhà đầu tư đặt cùng một mức giá, thì nhà đầu tư nào đặt trước sẽ được ưu tiên đứng trước.
Đơn vị giao dịch ở sàn Upcom:
- Lô chẵn: 100 cổ phiếu và bội số của 100. Vd: 200, 1.500, 10.300.. Bạn sẽ thấy nó hiển thị ở bản điện tử nếu bạn đặt lệnh
- Lô lẻ: 1-99 cổ phiếu, thường nếu NĐT bán lô lẻ thì bạn mới mua lô lẻ được. Lô lẻ không khớp được với lô chẵn. Nên lô lẻ thường không có tính thanh khoản. Chỉ nên đặt mua lô chẵn.
- Bước giá: 100 đồng. Tức là đặt 15.600 thì được, đặt 15.650 đồng thì không được.
Về lô chẵn:
Ở ảnh trên, bạn sẽ thấy chỉ hiện thị lô chẵn. Tuy nhiên đã lược bỏ bớt 1 số 0 cho dễ nhìn.
Ví dụ bên bán: Giá 1 là 12.00 và KL1 là 23,20. Điều này được hiểu là cổ phiếu BSR đã có sẵn hàng để bán có số lượng cổ phiếu là 23.200 cổ phiếu với giá 12.000 đồng. Tương tự với các mức giá và số lượng cổ phiếu đang sẵn sàng để bán hay mua khác.
Lô lẻ cũng được giao dịch trên sàn Upcom, với KL giao dịch từ 1-99 cổ phiếu, tuy nhiên không hiện trên bảng điện giao dịch.
Về lô lẻ:
Như bạn thấy, vì sàn Upcom có bán lô lẻ nên ở phần khớp lệnh giao dịch, tổng cộng giao dịch có các con số lẻ (dưới 100 cổ phiếu).
Ví dụ ngày 08/07 có: Khối lượng khớp lệnh là 640,079 có số lẻ là 79 ở cuối.
Lô lẻ là rất khó mua bán, và thường khi bán không được giá như lô chẵn. Nên khuyến khích nhà đầu tư không nên mua lô lẻ.
Về bước giá:
Mã BSR ở trên, Bên mua có giá chờ mua là 11.7; 11.8; 11.9 và Bên bán có bước giá là 12.0; 12.1; 12.2
Bước giá ở sàn Upcom là 100 đồng nên bạn sẽ không thấy sàn Upcom giá như 11.75 đồng. Điều này cho thấy về bước giá sàn Upcom khác với sàn HOSE.
Giá tham chiếu sàn Upcom là gì?
- Giá tham chiếu là giá bình quân gia quyền của giá giao dịch khớp lệnh liên tục của ngày giao dịch gần nhất trước đó.
- Ví dụ: Mua 1000 cổ phiếu giá 10.0, 2000 cổ phiếu giá 10.2 và 5000 cổ phiếu giá 10.4 thì:Giá tham chiếu = (1000 X 10 + 2000 X 10.2 + 5000 X 10.4)/ (1000 + 2000 + 5000) = 10.3
Ở hình trên, giá đóng cửa khớp lệnh cuối này (khung màu tím) của mã MSR là 18.3, nếu đây là sàn HOSE, hay HNX thì giá tham chiếu ngày hôm sau sẽ là giá 18.3, sẽ hiệu ở khung màu vàng
Nhưng riêng sàn Upcom, vì lấy giá bình quân giá quyền – trong khung màu xanh. Vì MSR niêm yết trên sàn Upcom nên giá tham chiếu ngày hôm sau sẽ là 18.5
Biên độ dao động ở sàn Upcom
- Đối với cổ phiếu: ± 15% so với giá tham chiếu
- Cổ phiếu trong ngày giao dịch đầu tiên: ± 40% so với giá tham chiếu.
Cũng ví dụ mã BSR ở trên, giá tham chiếu trong khung màu vàng là 18.8. Nhà đầu tư sẽ đặt lệnh trong khoảng 15% so với giá 18.8. Điều đó đồng nghĩa:
- Giá trần = 18.8 + 15% X 18.8 = 21.62. Vì bước giá 100 đồng, nên giá trần sẽ làm tròn xuống là 21.600
- Giá sàn = 18.8 – 15% X 18.8 = 15.98. Vì bước giá 100 đồng nên giá sàn sẽ làm tròn lên là 16.000.
Thực tế, trên bảng giá sàn Upcom đã hiển thị sẵn giá trần và giá sàn – bên cạnh cột màu vàng). Bạn chỉ được đặt lệnh trong đoạn giá trần sàn này.
Lệnh giao dịch ở sàn Upcom
Đối với các sàn như HOSE và HNX, thì có nhiều lệnh để bạn có thể đặt như các lệnh thị trường (ATC, OTC, MP…). Nhưng ở sàn Upcom chỉ có 1 lệnh đặt duy nhất đó là lệnh LO
Lệnh LO có giá cố định: tức bạn muốn mua giá cổ phiếu bao nhiêu thì đặt ra giá bấy nhiêu trong phạm vi giá sàn và giá trần.
Sửa đổi lệnh ở sàn Upcom
Ở sàn Upcom, bạn chỉ được chỉ được phép sửa, đổi giá cổ phiếu, khối lượng mua bán khi lệnh ban đầu chưa khớp lệnh. Hoặc chỉ được sửa đổi hủy đối với phần cổ phiếu còn lại khi lệnh gốc chưa mua bán hết.
- Đối với trường hợp sửa tăng khối lượng lên: Ưu tiên lệnh sau khi sửa,sẽ được nhập vào hệ thống
- Đối với trường hợp sửa giảm khối lượng: Thì thứ tự ưu tiên khớp không thay đổi, như lệnh ban đầu.
Lợi ích & Hạn chế của sàn Upcom là gì?
Bất cứ sàn nào cũng có những ưu nhược điểm riêng đối với doanh nghiệp và cả nhà đầu tư, Sàn Upcom cũng không ngoại lệ:
- Sàn Upcom sự giám sát và quản lý trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, nên sàn Upcom có tính minh bạch hơn so với sàn OTC. Tuy nhiên có tính minh bạch và tiêu chuẩn thấp hơn so với HOSE, và HNX.
- Biên độ dao động lớn ± 15% (sàn HOSE: ± 7%; sàn HNX: ± 10%).
Vì giao động lớn, nên sàn Upcom thường được xem xét là nơi đầu cơ hơn là đầu tư. Vì tính tăng giảm của sàn Upcom lớn, một ngày có thể tăng giá gấp đôi so với HOSE và ngược lại.
Thực tế: Chỉ với 3 phiên giao dịch, với 3 cây nến xanh đã giúp tôi kiếm 40%! Đối với sàn HOSE, nếu 3 phiên giao dịch thì tối đa bạn chỉ lãi 22%!
- Dù, sàn Upcom chiếm 50% số lượng cổ phiếu 3 sàn. Tuy nhiên tính thanh khoản của Sàn Upcom vẫn còn thấp, nhiều mã không có giao dịch. Nhưng vẫn ở Upcom bạn vẫn tìm được nhiều mã cổ phiếu lớn, giao dịch nhiều, phù hợp với nhà đầu tư cá nhân.
- Vì tính rủi ro cao hơn, nên có nhiều hạn chế, tuy nhiên cũng chính vì rủi ro cao hơn nên nhiều doanh nghiệp sẽ định giá ở mức giá thấp hơn. Có thể nói là Upcom là nơi lẫn lộn giữa vàng và rác! Thực tế, nếu bạn có kiến thức đúng và một chút siêng năng, bạn hoàn toàn tìm kiếm được những “viên kim cương”, vì ở sàn Upcom thường ít được nhà đầu tư chú ý. “Mua khi người ta chán và bán khi người ta thèm” là khẩu quyết có thể sống tốt và kiếm được tiền ở sàn Upcom – tất nhiên hãy đánh giá toàn vẹn doanh nghiệp.
3. Chỉ số Upcom Premium là gì?
Để nâng cao chất lượng cổ phiếu giao dịch sàn Upcom, thì Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, tạo ra rổ chỉ số Chỉ số Upcom Premium với những yêu cầu nghiêm ngặt và đánh giá cao hơn hẳn so với mặt bằng cổ phiếu Upcom.
Các cổ phiếu được lựa chọn vào rổ chỉ số UPCoM Premium phải đáp ứng các tiêu chí về tình hình tài chính và ý thức tuân thủ quy định pháp luật về công bố thông tin trên TTCK.
Cụ thể:
Thứ nhất, về tiêu chuẩn định lượng:
- Vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên
- Hoạt động kinh doanh năm liền trước có lãi, không có lỗ lũy kế;
- Vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên + ROE năm trước > 5%, không có lỗ lũy kế.
Thứ hai, về tiêu chuẩn định tính:
Phải công bố thông tin báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét (nếu có) của năm tài chính gần nhất đúng thời hạn quy định.
Để thuận lợi cho nhà đầu tư quan sát, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, chia các mã chứng khoán ở sàn Upcom theo 3 nhóm dựa vào qui mô. Gồm: UPCoM Large, UPCoM Medium, UPCoM Small.
- UPCoM Large : gồm những cổ phiếu có vốn chủ sở hữu >=1.000 tỷ đồng
- UPCoM Medium: gồm những cổ phiếu có vốn chủ sở hữu từ 300 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng.
- UPCoM Small: gồm những cổ phiếu có vốn chủ sở hữu từ 10 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng.
-
Bạn có thể xem xét bằng cách vào trang sentayho.com.vn/. Sau đó click vào Cổ Phiếu Upcom, bạn sẽ thấy chỉ số và các mã của mỗi nhóm cổ phiếu!
4. 5 Kinh nghiệm kiếm tiền ở sàn Upcom cho NĐT mới bắt đầu
Khi nhà đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư e ngại sàn Upcom. Nhưng với một hệ thống Ngọ xây dựng thì Happy-fund sẵn sàng đầu tư vào bất cứ mã nào thỏa mãn những tiêu chí của mình, dù mã đó là sàn Upcom, HOSE, HNX.
Ngay ở ví dụ trên, thì bản thân tôi đã đầu tư vào mã EVF, thì còn đầu tư vào VGG (Việt Tiến) tại sàn Upcom, cũng cho lợi nhuận khá tốt và thực nhận tổng cộng 7000 đồng cổ tức.
Trên thực tế, thì sàn Upcom được xem là rủi ro hơn, và trừ những mã không thanh khoản thì biến động thường cao hơn. Trong 6 tháng đầu năm có gần 80% số mã tăng từ 100% là ở sàn Upcom.
Sàn Upcom được đánh giá là vàng thật, vàng thau lẫn lộn. Nên dù được đánh giá kém hấp dẫn hơn so với HOSE, HNX nhưng vẫn có nhiều mã hấp dẫn không chỉ nhà đầu tư cá nhân và các quỹ mua vào.
Mã VEA giao dịch trên sàn Upcom – doanh nghiệp nắm nhiều cổ phần trong các công ty như Honda, Ford, Toyota tạo thị trường Việt Nam
Đã được mua nhiều bởi nhà đầu tư tổ chức, và giá cổ phiếu VEA đã tăng gần 3 lần trong 1 năm kể từ thời điểm giao dịch trên sàn Upcom.
Theo Warren Buffett, nhà đầu tư cá nhân có lợi thế hơn nhà đầu tư tổ chức, vì với vốn hóa nhỏ có thể tìm hiểu được nhiều cổ phiếu phù hợp với số vốn nhỏ.
Theo Peter Lynch, nhà đầu tư cá nhân chịu tìm hiểu, sử dụng những suy nghĩ thông thường để khởi đầu tìm hiểu về cổ phiếu. Bạn có đi xe máy Honda chứ? Bạn có mặc áo cổ phiếu Việt Tiến chứ? Bạn có đang ở các dự án Vinhomes Reverside?. Bạn thích nó, bạn làm thêm những bài nghiên cứu nữa, bạn sẽ kiếm được tiền từ sàn chứng khoán Upcom.
Tuy nhiên… CophieuX & Ngọ đề xuất…
Nên đối với nhà đầu tư mới bắt đầu cần có một chiến lược thận trọng, đừng cố gắng kiếm tiền bằng mọi giá, phải ưu tiên tính an toàn, đánh chắc thắng chắc:
- Ưu tiên những doanh nghiệp có công bố rõ ràng, công khai, minh bạch
- Ưu tiên những doanh nghiệp chất lượng cao với giá cả hợp lý.
- Điểm mua vào phù hợp
- Cổ phiếu nào không hiểu rõ thì tránh xa.
- Có phương án phòng ngừa rủi ro, cắt lỗ.
Những ý cụ thể của từng tiêu chí này, bạn sẽ đọc thêm ở CophieuX, hoặc qua khóa học chứng khoán hướng dẫn chi tiết của Ngọ.
Giờ bạn đã hiểu cơ bản về sàn Upcom và thị trường Upcom rồi đấy. Hãy trang bị cho mình kiến thức đúng và chuẩn để kiếm được nhiều tiền nhé.
Giờ bạn đã hiểu về bản chất sàn Upcom là gì rồi, nhưng để đầu tư tốt bạn cũng cần hiểu thêm về định giá cổ phiếu và về phân tích kỹ thuật. Bạn hãy đọc CophieuX và sẽ giúp được bạn. Mục kiến thức dành cho người mới bắt đầu (Tại đây)
Nguyễn Hữu Ngọ
-
Đào tạo chứng khoán & Nhận ủy thác đầu tư
-
SĐT – Zalo: 096.774.6668
-
Chat Messenger: TẠI ĐÂY
-
Chat Zalo: TẠI ĐÂY
- Bộ tài liệu FREE tự học chứng khoán cơ bản cho người mới bắt đầu
- Bạn đã nghe về sự kỳ diệu của lãi kép. Nhưng lãi kép thật sự là gì?
- Cụ thể 16 cung bậc tâm lý của nhà đầu tư trong giao dịch chứng khoán
- Các mô hình phân tích kỹ thuật trọng yếu trong chứng khoán
- 8+ cách kiếm tiền thêm từ các nguồn thu nhập thụ động hiệu quả nhất