Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng là hai mức lương thường được nhắc đến, nhiều nhất là trong lĩnh vực lao động và bảo hiểm. Hai mức lương này khác nhau như thế nào? Lawkey xin được đưa ra một số tiêu chí sau
Định nghĩa mức lương cơ sở mức lương tối thiểu vùng
Mức lương cơ sở là mức lương được dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương; mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác nhau theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định.
Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường; bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng; và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.
Từ định nghĩa nêu trên, chúng ta có thể có các tiêu chí khác để phân biệt hai loại mức lương này.
>> Xem thêm: Bảo hiểm xã hội
Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng khác nhau.
Mức lương cơ sở áp dụng đối với những đối tượng sau
- Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã.
- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội.
- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng với những đối tượng sau
– Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
– Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác)
– Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.
Như vậy, ta có thể thấy rõ, đối tượng áp dụng của hai mức lương này là khác nhau. Mức lương cơ sở áp dụng với các cán bộ, công chức, viên chức, những người trong quân đội, công an, tổ chức chính trị xã hội,… Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, công ty nước ngoài,…
>>Xem thêm: Bảo hiểm y tế
Mức lương hiện nay
Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng hiện nay có sự khác nhau nhiều.
Mức lương cơ sở
Mức lương cơ sở năm 2019 áp dụng như sau:
+ Từ 01/01/2019 – 30/06/2019: Mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng.
+ Từ 01/07/2019 trở đi: Mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng
Mức lương tối thiểu vùng ở vùng I là 4.180.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng ở vùng II là 3.710.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng ở vùng III là 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng ở vùng IV là 2.920.000 đồng/tháng.
Nguyên tắc áp dụng của mỗi loại
Cũng tương tự như mức lương, nguyên tắc áp dụng của mỗi loại như sau:
Nguyên tắc áp dụng mức lương cơ sở
Dựa vào mức lương cơ sở và hệ số lương của các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để tính lương cho các đối tượng này.
Nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn đó.
Nếu doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc áp dụng mức lương tối thiểu tại vùng đó.
Trên đây là những tiêu chí để phân biệt mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng mà Lawkey muốn gửi tới bạn đọc. Nếu còn có thắc mắc, vui lòng liên hệ với Lawkey để được tư vấn miễn phí.