Ảnh: Androidcentral
Mặc dù nói là sạc không dây, nhưng thực ra bạn vẫn cần phải có một sợi dây! Tuy nhiên, điểm khác biệt chỉ là chỗ, sợi dây đó không kết nối trực tiếp vào điện thoại của bạn mà là dây nguồn điện nối với bộ sạc không dây, là bộ đỡ cho phép bạn đặt điện thoại vào đó khi muốn sạc pin.
Bộ sạc không dây (wireless charger) có đủ loại hình dáng, kích thước, bạn có thể đặt nó tùy thích ở những nơi cần như khoang lái ô tô, kệ đèn, kệ sách…. Miễn là bạn đặt điện thoại sao cho vị trí tiếp nhận nguồn sóng điện ở mặt sau điện thoại vào gần điểm phát đi năng lượng sạc trên bộ sạc thì điện thoại sẽ được sạc ngon lành.
Thời gian sạc điện thoại bằng công nghệ không dây không mau chóng như cách sạc nhanh (fast-charging) trong các bộ sạc có dây mà bạn thấy các smartphone cao cấp hiện nay đều có. Tuy nhiên, cách sạc không dây dễ dàng sử dụng và hoàn toàn tiện lợi khi bạn có thể tranh thủ nạp thêm năng lượng cho điện thoại trong lúc tạm ngưng sử dụng.
Nguyên tắc hoạt động của sạc không dây
Công nghệ sạc không dây sử dụng hai điểm kết nối quy nạp cộng hưởng (resonant inductive couplings) để truyền đi các tín hiệu điện áp thấp giữa hai thiết bị. Đây là những điểm kết nối được thiết kế để truyền điện mà không cần tiếp xúc như cách kết nối có dây thông thường.
Phần bộ sạc có một ống xoắn (coil) phát và trong điện thoại của bạn có một ống xoắn nhận. Theo đó bộ sạc sẽ phát ra các tín hiệu, dạng sóng của tín hiệu này sẽ được biến điệu và quá trình sạc không dây bắt đầu diễn ra.
Hai ống xoắn điện tử được thiết kế đặc biệt để tạo ra một từ trường giữa hai thiết bị phát và thu. Theo đó, từ trường sẽ tạo ra dòng điện thông qua sự chênh lệnh về điện thế và dao động tần số, dòng năng lượng này sẽ được nạp vào điện thoại của bạn.
Mặc dù các phương pháp mới và những vật liệu mới sử dụng tần số cao hơn và các ống xoắn mỏng hơn, nhưng hiện tại sạc không dây vẫn kém hiệu quả và đắt hơn so với cách sạc có dây truyền thống.
Ngoài ra, sạc điện thoại bằng công nghệ không dây mất thời gian lâu hơn và cũng làm điện thoại nóng hơn so với cách sạc có dây.
Dùng sạc không dây chuẩn Qi hay Powermat?
Qi không phải là tiêu chuẩn sạc không dây duy nhất, còn có những tiêu chuẩn sạc không dây khác, trong đó phổ biến không kém là Powermat.
Powermat là đối tác của các công ty như AT&T và Starbucks trong việc cung cấp các điểm sạc pin tại những nơi công cộng. Họ cũng là đối tác của hãng General Motors và đang hợp tác phát triển các bộ sạc không dây tích hợp trong các ô tô điện của hãng này.
Mặc dù về nguyên lý hoạt động của Qi và Powermat là giống nhau, nhưng tiêu chuẩn sạc của hai loại này lại khác nhau, khiến cho chúng không thể tương thích. Điều này có nghĩa chiếc điện thoại của bạn sạc được bằng bộ sạc Qi thì có thể không sạc được bằng bộ sạc Powermat vì các tín hiệu điện từ được thu và phát theo cách khác. Chỉ một vài điện thoại thông minh (smartphone) cao cấp hỗ trợ cả hai chuẩn sạc không dây Qi và Powermat.
Cách sạc không dây tuy không giúp điện thoại của bạn hoạt động khác đi, nhưng nó sẽ thay đổi cách bạn sử dụng điện thoại: Luôn giúp điện thoại được nạp thêm năng lượng trong lúc tạm ngưng sử dụng và không bao giờ bị hết pin đột ngột.