Bản tính hiếu thắng: những nguyên nhân và đặc điểm nhận diện:
Bạn đang đọc: Cách khắc phục bản tính hiếu thắng – sentayho.com.vn
Hầu hết các tâm lý của mỗi cá nhân có một phần nhỏ do yếu tố di truyền mà dân gian hay gọi là “bản chất con người”, ngoài ra môi trường hoàn cảnh sống là yếu tố chính tạo ra những tâm lý hay còn gọi là tính cách và tâm lý hiếu thắng cũng bắt nguồn từ nguyên nhân cá nhân và xã hội.
Bản thân có cá tính hay thể lực mạnh:
Hầu hết người hiếu thắng hay còn được gọi là người có cá tính mạnh thường bắt nguồn từ việc họ sinh ra khỏe mạnh về thể chất, không bệnh tật, không có dị tật tâm lý hay thể hình. Dù thời tiết thế nào, hoàn cảnh sống khó khăn hay đầy đủ, cơ thể hay tâm lý họ luôn dễ dàng cân bằng và khỏe mạnh. Vì khỏe mạnh họ ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại lực và vì thế họ bị ảo tưởng rằng họ không cần sự giúp đỡ của ai, một mình họ có thể sống và tạo dựng mọi thứ và sẽ một mình đi đến thành công và hạnh phúc.
.
Được nuôi dưỡng hoặc phát triển trong môi trường quá đầy đủ:
Trong xã hội hiện đại chúng ta không hề lạ thái độ hiếu thắng của một số người địa vị cao, những người nổi tiếng hoặc con cái họ, những cậu ấm cô chiêu được sinh ra trong những gia đình giàu có, sung túc, được cha mẹ gia đình họ hàng lo cho từ A đến Z. Rất nhiều trong họ không biết đến khó khăn bởi mỗi bước đi họ đã có nhân viên, các ê-kíp hay dịch vụ được thuê hoặc, gia đình ở bên chăm lo hỗ trợ. Họ đồng thời sẽ luôn ảo tưởng rằng họ là trung tâm của vũ trụ và những điều kiện họ có được sẽ theo họ và đem lại cho họ cuộc sống thoải mái mãi mãi. Họ không thể hiểu được những khó khăn của những người có điều kiện sống không thuận lợi nên thường có cách cư xử kiêu hãnh, lạnh lùng và thiếu tôn trọng người khác.
Hòa nhập với cộng đồng hiếu thắng:
Nhiều cá nhân không giàu có hay thành công nhưng họ thích giao lưu với những cộng đồng giàu có và thành công. Nếu không may cộng đồng có lại có nhiều cá nhân mang tính hiếu thắng nên bản thân họ cũng bị ảnh hưởng bởi tâm lý hay hành vi luôn có hiệu ứng lan truyền. Cộng đồng hiếu thắng không chỉ bao gồm những người giàu có, thành công mà bao gồm cả những người có cuộc sống và khả năng bình thường nhưng luôn mong muốn được… đổi đời bằng mọi giá, vì thế tâm lý họ sẽ bị ảnh hưởng bởi sự kỳ vọng hay áp lực phải thắng lợi, thành công không phải từ bản thân mình mà do chính những người xung quanh mong muốn được hưởng lợi ích từ sự thành công của họ.
Hòa đồng với môi trường nhiều định kiến:
Môi trường nhiều định kiến hay còn gọi là áp lực có thể là một gia đình lễ giáo nghiêm khắc, một nhóm bạn đầy tham vọng, một cơ quan đầy cạnh tranh, áp lực, một xã hội đầy mâu thuẫn, tranh giành. Kết quả là gia đình, bạn bè, xã hội không nhận thức hết hay không công nhận tài năng hay đóng góp của họ. Thường xuyên họ bị chỉ trích, xa lánh, hay thậm chí là bắt nạt, hạ thấp, khiến họ giảm lòng tin vào giá trị của bản thân mình nên họ phải luôn tỏ ra gân guốc từ lời nói đến hành động để không ai làm tổn thương cảm xúc của họ. Đây chính là một trong những điều kiện thuận lợi cho tính hiếu thắng trong họ được dip phát triển. Hiếu thắng để bảo vệ cảm xúc, lòng tự tin và danh dự của mình trước những định kiến khắc nghiệt.
.
Tâm lý học nói về hậu quả của hiếu thắng:
Nhìn vào những biểu hiện, nguyên nhân của tính hiếu thắng, ta có thể kết luận được nhiều hậu quả không tốt của tâm lý có phần cực đoan nhiều hơn tích cực này như sau:
Tâm lý tiêu cực:
Những người bị ảnh hưởng tâm lý hiếu thắng hay có biểu hiện của những tâm lý tiêu cực khác như ăn thua, cay cú, cô đơn, tức giận, lo sợ vô cớ. Do tâm lý lúc nào mình cũng phải cố gắng được hơn người hoặc tỏ ra hơn người họ luôn sợ bị thua cuộc, kém cỏi, chỉ trích. Khi không thể giành được phần thắng hoặc phần hơn hay không lợi dụng người khác được họ thường không kiểm soát được sự thất vọng hay tức giận vô cớ. Rõ ràng những người hiếu thắng cũng thường hay cô đơn với những người xung quanh và với chính mình bởi họ không hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống và các mối quan hệ.
Tính cách, hành xử tiêu cực:
Từ những tâm lý tiêu cực tích tụ trong thời gian dài sẽ trở thành phản ứng có điều kiện và hình thành nên nhân cách của người hiếu thắng. Tính hiếu thắng làm cho con người trở thành sắt thép, lạnh lùng cứng nhắc và thiếu tình cảm. Từ trạng thái tâm lý đó dẫn tới những hành vi hoặc cử chỉ: dương dương tự đắc, ngạo nghễ, nghênh ngang, ngông cuồng, ngổ ngáo hoặc thô lỗ nhằm dọa nạt gây gổ sinh sự với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, khách hàng, thậm chí còn có thể dùng vũ lực để xâm phạm thân thể người khác!
Sức khỏe suy giảm:
Sức khỏe thể chất, tâm lý hay sinh lý đều có thể bị ảnh hưởng nếu chúng ta để tâm lý hiếu thắng phát triển quá mạnh trong hành vi và lối sống. Bởi mỗi người đều có một giới hạn nhất định với nguồn năng lượng nhất định, tài năng và thể chất nhất định, nếu sử dụng quá đà mọi cơ chế trong cơ thể chúng ta sẽ không được điều hòa và cân bằng, dẫn tới nhiều bệnh tật về cơ, xương, thần kinh, …
.
Ngăn cản tài năng phát triển, giảm chất lượng công việc:
Chúng ta đều biết rằng tài năng được phát triển bằng niềm đam mê và khả năng của mỗi cá nhân cộng với sự hợp tác và khuyến khích của tập thể. Nhưng nếu tâm lý hiếu thắng phát triển quá mạnh, không ai muốn công nhận hay khuyến khích ai cả mà thậm chí chỉ muốn người khác thất bại hay khổ đau để một mình mình được dịp thành công và tỏa sáng. Vậy mà rất nhiều người tài năng phải cam chịu bởi tất cả những gì họ nhận được cho nỗ lực của mình là sự phủ nhận, sẽ có bao nhiêu năng lượng, tài năng phải bị mất đi cho những tranh cãi, phá vỡ, chống trả, rõ ràng chất lượng công việc trong mọi lĩnh vực đều giảm sút do mất đi nguồn lực lớn.
Ngăn cản tình yêu, phá vỡ tình bạn, giảm chất lượng sống:
Cuộc sống không chỉ bao gồm hoạt động mà còn cảm xúc, nghĩa là không chỉ có mối quan hệ liên quan đến tiền bạc hay tình dục mà còn những mối quan hệ dựa trên cảm xúc như tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước. Nhưng trong tình yêu hay tình bạn, dù là với ai hay cái gì không tồn tại tính hiếu thắng bởi tình cảm phải được trao đổi bằng cảm xúc thương nhớ chứ không phải sự thành công trong địa vị hay vật chất. Và các mối quan hệ tình cảm được hình thành, phát triển và bền vững dựa trên sự quan tâm chăm sóc chứ không phải tranh giành hay ganh đua. Vì thế, nếu mỗi cá nhân, gia đình hay cộng đồng để tâm lý hiếu thắng xen vào tình bạn, tình yêu đều bị trục trặc, những người liên quan luôn có tâm lý mâu thuẫn, ấm ức, khổ đau do họ không hiểu tình cảm và hành xử của chính mình và những người thương yêu của mình. Bởi tâm lý hiếu thắng đã khiến chúng ta yêu thương nhau không đúng cách. Khi tất cả các mối quan hệ đều trục trặc, tâm lý không ổn định, hành xử không tích cực, rõ ràng, chất lượng và môi trường sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Cách khắc phục tính hiếu thắng theo tâm lý học:
Có thể nói tính hiếu thắng đang phát triển vô cùng mạnh mẽ do tốc độ phát triển kinh tế, giao thông, công nghệ… trong thế kỷ này và nhiều thế kỷ trước và nguyên nhân chính vẫn là do bản năng tồn tại và phát triển của mỗi cá thể nhưng với việc nhận ra những hậu quả không tốt kể trên cộng với tư duy tích cực, sự kiên nhẫn, rèn luyện chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được. Người viết đưa ra một vài lời khuyên cơ bản sau.
.
Giao tiếp tích cực:
Để tránh bị tâm lý hiếu thắng đẩy chúng ta vào những hành xử tiêu cực, người viết khuyên bạn đọc nên giao tiếp tích cực với ngươi xung quanh chẳng hạn nói năng nhỏ nhẹ, ôn tồn; chia sẻ thông tin cảm xúc hợp tình hợp lý; tránh kiểu chỉ trích thái quá, đưa ra thông tin mập mờ; tránh nói một đằng làm một nẻo hay trước mặt nói tốt sau lưng phàn nàn, tránh khoe khoang khoác lác hay chỉ trích dè bỉu, tránh bắt nạt… Trong đời sống hàng ngày cũng như trong công việc hay thể thao, chúng ta cần tìm hiểu bản thân và người xung quanh, ưu điểm và nhược điểm để cùng nhau Phát huy sở trường, thông cảm sở đoản. Ngoài ra chúng ta cũng nên tạo ra những môi trường, cộng đồng tôn trọng tự do, cá nhân, giảm định kiến, áp lực, kỳ vọng.
Hiểu đúng về ý nghĩa của chiến thắng:
“Thắng không kiêu, bại không nản” là khẩu hiệu tích cực cho tất cả chúng ta trong cuộc sống bởi nếu ta thành công trong lĩnh vực này chúng ta có thể yếu kém ở mặt khác, chúng ta thành công trong cuộc đua hôm nay, ngày mai huy chương có thể thuộc về người khác. Không có gì sai khi chúng ta mong đợi chiến thắng và làm hết khả năng để cải thiện thành tích và cuộc sống nhưng chiến thắng đó phải xuất phát từ mục đích tốt là đem lại niềm vui cho khán giả và những người tham gia. Chiến thắng mà xuất phát từ gian lận hay gây thương tích về thể chất hoặc tâm lý tiêu cực cho xúc cảm tới những người liên quan hay cho chính bản thân mình thì không được gọi là chiến thắng mà từ đúng của nó phải là: “gian lận” hay “sai lầm”.
.
Hiểu đúng về ý nghĩa của thất bại:
Trong các cuộc thi, trò chơi luôn có bên thắng bên thua vì vậy mà chúng ta nên đề cao khẩu hiệu: “Thất bại là mẹ của thành công” hoặc “Không thành công thì cũng thành nhân” bởi mỗi lần thua cuộc chúng ta lại rút cho mình một bài học nào đó, hoặc để chúng ta thay đổi cách thức thực hiện trong những lần thử sức tiếp theo hoặc chúng ta hiểu ra mình thực sự không phù hợp với lĩnh vực hay với công việc hoặc mối quan hệ mà chúng ta đang thử. Và nhiều trường hợp khi thử lĩnh vực khác, chúng ta lại thành công rực rỡ hơn cả những gì chúng ta mong đợi, lúc đó rõ ràng chúng ta lại thấy biết ơn “sự thất bại”. Và dù cho không thể thành công trong bất cứ lĩnh vực nào, chúng ta có thể có một cuộc sống an nhiên bình yên, đơn giản bởi chiến thắng, sự giàu có hay thành công luôn đi kèm với bận rộn và vất vả để duy trì thành tích lâu dài.
Hiểu đúng về ý nghĩa cuộc sống:
Nếu con người chỉ toan tính hơn thua, chúng ta sẽ tạo ra một môi trường ganh đua được mất và cuộc sống sẽ là một đấu trường mênh mông và quyết liệt nơi mọi lúc mọi nơi con người cạnh tranh nhau. Do đó, người viết tự khuyên bản thân và độc giả rằng mỗi cá nhân hãy tự tìm ra ý nghĩa của cuộc sống của mình và tôn trọng ý nghĩa cuộc sống của người xung quanh. Có người muốn sống cho bản thân thôi, có người muốn sống vì cha mẹ, vì con cái, vì công việc, vì quê hương đất nước, khoa học, nghệ thuật, thể thao… Vì cuộc đời mỗi con người đều có hạn và tất cả chúng ta đều kết thúc cuộc sống ngắn ngủi này vào một ngày có thể chúng ta không biết trước. Vì thế, trong mọi lĩnh vực sống, kết quả thực ra không phải là điều chúng ta nhất quyết hướng tới, nó chỉ là một thông số hay thông tin hay một điểm đến nào đó làm cuộc sống của chúng ta thêm sinh động. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần học hưởng thụ quá trình và cách chúng ta thực hiện ý nghĩa và hành trình cuộc đời mình chứ không phải số lượng, vị trí hay kết quả. Và để thực sự hưởng thụ quá trình thực hiện ý nghĩa cuộc sống chúng ta cần tạo môi trường sống cân bằng, hài hòa giữa cá nhân, gia đình, xã hội và thế giới.
ELLE chúc bạn đọc có một cuộc sống sinh động, hài hòa và hạnh phúc.
__
Tìm hiểu tâm lý phụ nữ chỉ thích ru rú trong nhà
Khám phá bản thân: Giải mã 15 cơ chế tự vệ tâm lý
Bí quyết sống: Đừng làm nô lệ tâm lý
>>>>>Xem thêm: Ngôn ngữ .NET là gì? Những kiến thức để bắt đầu với .NET Framework