Bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp rất thường gặp, có thể xảy ra quanh năm nhưng thường vào thời điểm thời tiết giao mùa như mùa mưa của các tỉnh thành phía nam và mùa lạnh ở các tỉnh thành phía bắc. Diễn tiến bệnh thường nhẹ và có thể cải thiện khá nhanh mà không cần điều trị thuốc kháng sinh, nhất là ở những người khỏe mạnh trước đó. Tuy nhiên khi triệu chứng bệnh nặng nề, kéo dài hoặc trên cơ địa có sẵn các bệnh lý trước đó, bạn cần được thăm khám bác sĩ sớm để có hướng điều trị phù hợp.
Viêm nhiễm đường hô hấp dưới là gì và nguyên nhân gây bệnh?
Viêm nhiễm đường hô hấp dưới thường gặp hai loại bệnh chính là:
Viêm phế quản cấp
Đây là một tình trạng nhiễm trùng các đường dẫn khí lớn ở phổi (cây phế quản). Bệnh khá thường gặp và nguyên nhân thường do nhiễm siêu vi (virus). Nguyên nhân do vi khuẩn cũng có nhưng thường ít gặp hơn.
Viêm phổi
Đây là một tình trạng viêm nghiêm trọng ở phổi, thường gây ra bởi vi khuẩn. Việc điều trị thuốc kháng sinh cho tác nhân vi khuẩn là cần thiết.
Mức độ phổ biến của viêm nhiễm đường hô hấp dưới?
Bệnh rất thường gặp, có thể xảy ra quanh năm nhưng thường vào thời điểm thời tiết giao mùa như mùa mưa của các tỉnh thành phía nam và mùa lạnh ở các tỉnh thành phía bắc. Bệnh thường xảy ra sau khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Bất kì ai cũng có thể bị bệnh nhưng thường gặp hơn ở những đối tượng:
- Trẻ nhỏ và người già
- Người hút thuốc lá
- Người mắc các bệnh lý mạn tính ở phổi như bị hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính – COPD
Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp dưới?
Các triệu chứng chính là ho, khó thở và đau ngực. Bạn cũng có thể bị đau đầu và cảm giác nóng lạnh (sốt). Các triệu chứng của nhiễm trùng đường dẫn khí và nhiễm trùng phổi (viêm phổi) có thể tương tự nhau, tuy nhiên các triệu chứng của viêm phổi thường nặng nề hơn.
Bạn nên gặp bác sĩ khi nào?
Nhiễm trùng đường dẫn khí ở phổi (viêm phế quản cấp) thường tự cải thiện, do đó thường không cần đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, một số triệu chứng gợi ý bạn nên gặp bác sĩ, bao gồm:
- Nếu thân nhiệt tăng cao (sốt), khò khè hoặc đau đầu nặng lên hoặc đau nhiều.
- Thở nhanh, khó thở hoặc đau ngực.
- Ho ra máu hoặc đàm trở nên sậm màu hoặc có màu rỉ sét.
- Lơ mơ hoặc lú lẫn.
- Ho kéo dài hơn 3 – 4 tuần.
- Hay có những đợt viêm phế quản lặp đi lặp lại (tái phát).
- Xuất hiện bất kì triệu chứng nào khác khiến bạn lo lắng.
Các xét nghiệm cần làm?
Thông thường không có xét nghiệm nào là cần thiết nếu bạn bị nhiễm trùng đường dẫn khí (viêm phế quản cấp) và các triệu chứng nhẹ. Nếu các triệu chứng trở nặng và cần đến bệnh viện thì bạn có thể cần làm các xét nghiệm sau:
- X-quang phổi có thể được chụp để xác định chẩn đoán và mức độ nhiễm trùng.
- Xét nghiệm máu và đàm có thể được thực hiện để tìm tác nhân (vi khuẩn) gây nhiễm trùng phổi nghiêm trọng (viêm phổi nặng). Điều này giúp quyết định loại kháng sinh nào tốt nhất cần sử dụng. Do đôi khi vi khuẩn gây viêm phổi đề kháng với loại kháng sinh ban đầu nên cần phải đổi sang một kháng sinh khác là cần thiết.
Điều trị như thế nào?
Mặc dù hầu hết các bệnh viêm đường hô hấp dưới thường là nhẹ và tự cải thiện, nhưng một số trường hợp có thể trở nặng, và thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Một đợt nhiễm trùng đường dẫn khí (viêm phế quản cấp) thường tự cải thiện trong vòng 7 – 10 ngày mà không cần điều trị thuốc. Nếu bạn nghi ngờ bị nhiễm trùng nặng ở phổi (viêm phổi), bạn cần được thăm khám bác sĩ sớm để có hướng điều trị phù hợp.
Những việc cần làm để cải thiện bệnh?
Nếu bị bệnh viêm nhiễm đường hô hấp dưới, bạn nên:
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Uống nhiểu nước để tránh cơ thể bị thiếu nước (mất nước) và giúp loãng đàm và dễ ho khạc ra.
- Xông/hít hơi nước, có thể pha thêm tinh dầu bạc hà có thể hỗ trợ giúp làm sạch đàm nhầy khỏi ngực.
- Nẳm ngửa vào ban đêm có thể dễ gây ứ đọng đàm nhầy và khó thở hơn.
- Uống thuốc paracetamol, ibuprofen hoặc aspirin để làm giảm thân nhiệt cao (sốt) và giảm đau nhức và đau đầu. (Lưu ý: trẻ em dưới 16 tuổi không nên uống aspirin)
- Nếu bạn hút thuốc, bạn nên cố gắng ngưng hút thuốc sẽ tốt hơn. Viêm phế quản, viêm phổi và các bệnh lý nghiêm trọng ở phổi thường gặp hơn ở người hút thuốc.
- Nếu bạn bị đau họng do ho nhiều, bạn có thể giảm đau họng với nước ấm có chứa chanh và mật ong.
Biện pháp điều trị ho và cảm lạnh
Bạn có thể mua thuốc điều trị ho và cảm lạnh tại nhà thuốc. Có rất ít chứng cứ về bất kì lợi ích nào từ việc uống các thuốc điều trị ho và cảm lạnh này. Các thuốc ho và điều trị cảm lạnh thường chứa nhiều thành phần. Một trong số đó có thể làm bạn cảm thấy buồn ngủ. Điều này có thể có lợi nếu bạn uống trước lúc đi ngủ nếu bị khó ngủ vì viêm phế quản. Tuy nhiên, không lái xe nếu bạn thấy buồn ngủ. Một số thuốc chứa paracetamol, do đó hãy cẩn thận không uống quá liều tối đa an toàn của paracetamol nếu bạn đã uống paracetamol trước đó.
Các thuốc ho và cảm lạnh tự kê toa không nên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Không có bằng chứng cho thấy các thuốc này hiệu quả và chúng có thể gây ra các tác dụng phụ, như phản ứng dị ứng, ảnh hưởng đến giấc ngủ, hoặc gây ảo giác. Những thuốc này có thể dùng cho trẻ em 6 – 12 tuổi nhưng tốt nhất là tránh sử dụng ở lứa tuổi này.
Lưu ý: Paracetamol và ibuprofen không được phân loại là thuốc chữa ho và cảm lạnh và vẫn có thể sử dụng cho trẻ em.
Xem thêm bài viết Thuốc ho của BS. Trần Thị Tuyết Hậu
Kháng sinh
Kháng sinh là các thuốc dùng điều trị nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn và không hiệu quả trên siêu vi (virus). Bởi vì viêm phế quản thường do siêu vi, nên việc hồi phục hiếm khi liên quan đến uống thuốc kháng sinh. Sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết trong viêm phế quản và có thể gây tác dụng phụ gây hại nhiều hơn là có lợi.
Viêm phổi, không như viêm phế quản, thường do vi khuẩn và có thể cần điều trị kháng sinh. Nếu bạn bị viêm phổi nhẹ, bạn có thể dùng kháng sinh đường uống tại nhà. Nếu viêm phổi nặng hơn, bạn cần được tiêm hoặc truyền thuốc kháng sinh tại bệnh viện.
Nếu viêm phổi nặng, hoặc gây ra bởi các loại vi khuẩn độc lực cao (như legionella trong bệnh Legionnaire), bạn có thể cần chuyển đến đơn vị chăm sóc tích cực tại bệnh viện.
Tiên lượng
Nhiễm trùng các đường dẫn khí (viêm phế quản cấp) thường tự khỏi mà không để lại bất kì biến chứng nào. Đôi khi, nhiễm trùng lan tới nhu mô phổi gây nhiễm trùng phổi nghiêm trọng (viêm phổi).
Nếu bạn bị viêm phổi và đủ khỏe để được chăm sóc tại nhà, tiên lượng nhìn chung là tốt. Nếu cần nhập bệnh viện để điều trị, tiên lượng thường vẫn tốt, nhưng không tốt như viêm phổi không cần nhập viện. Tiên lượng cũng không tốt đối với những người có bệnh lý mạn tính kèm theo như bệnh phổi, suy tim hoặc đái tháo đường.
Phòng ngừa viêm nhiễm đường hô hấp dưới?
Một số biện pháp bạn có thể thực hiện giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp và ngăn lây lan bệnh cho người khác. Bạn có thể lây bệnh cho người khác khi ho và hắt xì. Vì vậy nếu bạn bị bệnh, cần che miệng khi bạn ho hoặc hắt xì và rửa tay thường xuyên. Hãy vứt khăn giấy đã sử dụng sau khi dùng xong.
Nên chủng ngừa phế cầu khuẩn (vi khuẩn) – tác nhân vi khuẩn thường gặp gây viêm phổi và chủng ngừa virus cúm mùa (influenza) nếu bạn nguy cơ cao bị nhiễm các tác nhân này (có bệnh nặng kèm theo).
Hút thuốc lá làm phá hủy lớp niêm mạc lót đường dẫn khí và làm phổi dễ bị nhiễm trùng hơn. Vì vậy ngưng hút thuốc lá sẽ làm giảm nhẹ nguy cơ bị viêm đường hô hấp dưới.
Tài liệu tham khảo
- http://patient.info/health/chest-infection
- https://yhoccongdong.com/thongtin/phoi-va-duong-ho-hap/
- https://yhoccongdong.com/thongtin/viem-phe-quan-cap/
- https://yhoccongdong.com/thongtin/viem-phoi-noi-ho-hap/