Prenup là gì? một cách giải thích dễ hiểu nhất. | Prenuptial agreement in Vietnam

Prenup là gì?

Bạn đang đọc: Prenup là gì? một cách giải thích dễ hiểu nhất. | Prenuptial agreement in Vietnam

Một cách dễ hiểu nhất: prenup là hợp đồng được ký kết giữa 2 người chuẩn bị kết hôn, nó quy định về quyền và nghĩa vụ về tài sản của họ đối với nhau và đối với người thứ ba trong suốt thời kỳ hôn nhân (từ khi kết hôn đến khi ly hôn hoặc chấm dứt hôn nhân do một người chết), hợp đồng này chỉ phát sinh hiệu lực khi họ thực sự kết hôn.

Tại sao lại gọi nó là prenup?

Nó là từ viết tắt của prenuptial agreement (tạm dịch là thỏa thuận trước hôn nhân)

Người ta hay gọi nó là hợp đồng hôn nhân (khi nói về prenup của các ngôi sao holywood) nhưng gọi như thế thì mọi người hay liên tưởng đến chuyện: sau khi lấy nhau thì ai rửa bát, ai quét nhà, có bao nhiêu đứa con, ai trông con, cả quan hệ tình dục bao nhiêu lần 1 tuần…

Một số thuật ngữ học thuật dùng để chỉ nó: hôn khế, khế ước tiền hôn nhân (từ này hơi cổ xưa nên bây giờ ít người dùng), hôn ước (phổ biến hơn nhưng không gần gũi và nhiều người liên tưởng tới việc hứa hôn), “thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng” đây là thuật ngữ trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 tuy nhiên hơi dài.

Khi nhắc đến prenup, các báo chí nước ngoài thường dùng từ prenup hơn là prenuptial agreement hay premarriage agreement.

Kết luận: tôi sẽ dùng từ prenup để gọi nó (đứa con cưng tinh thần của tôi từ suốt từ năm thứ 2 tôi học luật cho đến tận bây giờ)

Tại sao phải có prenup?

Vì sao ư!

Có một điều bạn sẽ thấy khá vô lý như thế này:

Trước khi kết hôn bạn hoàn toàn sở hữu mọi tài sản của bạn (đã có, đang có và sẽ có), mọi tài sản, mọi thu nhập bạn có được chỉ là của riêng bạn, bạn muốn định đoạt như thế nào cũng được.

Tuy nhiên, sau khi kết hôn điều này hoàn toàn khác: pháp luật của tất cả các quốc gia đều quy định về chế độ tài sản của vợ chồng, có nghĩa là nếu như bạn không có một thỏa thuận nào khác thì bạn mặc nhiên tuân theo quy định đó và bạn không hề được toàn quyền sở hữu, bạn không thể tự do định đoạt tài sản mà bạn gây dựng nên nữa.

Ví dụ: Trước khi kết hôn, bạn kiếm được 3 tỷ đồng qua một vụ làm ăn. Bạn thích mua 1 con vios, bạn ra salon ô tô và lái về luôn; bạn muốn mua cho bạn gái một căn hộ chung cư bình dân, bạn mua được luôn sau một vài thủ tục; bạn mang tất cả số tiền đấy đi làm từ thiện, bạn hoàn thành việc gửi tiền cho tổ chức từ thiện sau một vài thao tác chuyển tiền; bạn mang tiền về xây cho bố mẹ một căn nhà khang trang, sau vài tháng bố mẹ bạn có nhà để ở và bố mẹ bạn sung sướng vì được ở nhà con xây cho…. Sau khi kết hôn, 3 tỷ đấy là tài sản của vợ chồng, thế có nghĩa là bạn mang 200 ngàn đi mua một cái áo thì sẽ phải được sự đồng ý của người kết hôn với bạn hay sao? ấy là chưa nói đến việc nếu người thân, bạn bè của bạn khó khăn bạn cũng chẳng thể tự do mang tặng họ vài trăm triệu.

Đương nhiên, cái điểm hơi phi logic đó thực sự là vô cùng hợp lý, vì cuộc sống gia đình cần có một sự đảm bảo đặc biệt về tài chính, chính vì vậy mà tất cả các quốc gia đều quy định về chế độ tài sản vợ chồng pháp định (luật pháp sẽ quy định rằng: tài sản nào là của chung, tài sản nào là của riêng, có một thời, tất cả tài sản trước và sau khi cưới đều là của chung…). Tuy nhiên, nếu như bạn thấy quy định về chế độ tài sản pháp định của pháp luật chưa hợp lý, chưa logic thì bạn có thể lựa chọn chế độ tài sản của riêng bạn, có nghĩa là bạn và người bạn đời tương lai sẽ ngồi lại, bàn bạc và ký kết với nhau để quy định xem những gì là tài sản riêng, những gì là tài sản chung, thế là bạn có thể xác định được rằng bạn tự do định đoạt với những tài sản nào, những tài sản nào là để đảm bảo cho cuộc sống chung của đôi bạn và nhiều nhiều vấn đề nữa liên quan đến tài sản.

Prenup có được công nhận ở Việt Nam hay không?

Trong luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959, 1986 và 2000, pháp luật chỉ công nhận duy nhất chế độ tài sản pháp định, vậy là prenup không được công nhận ở Việt Nam trong thời gian các luật này đang có hiệu lực. (thời gian đất nước chưa thống nhất, prenup vẫn được công nhân ở Việt Nam tại các bộ luật dân sự Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, dân luật Nam Kỳ năm 1972, thậm chí kể cả sắc lệnh … ở miền Bắc cũng không đề cập gì đến việc bãi bỏ hiệu lực của prenup)

Từ ngày 01/01/2015, Luật hôn nhân gia đình năm 2014 (luật số 52/2014/QH13) chính thức có hiệu lực và trong luật này chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận cùng với văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng đã được công nhận. Trích khoản 1 Điều 28 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13: Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng “Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận” Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13: Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thứcvăn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”

>>>>>Xem thêm: Original Character Là Gì ? Oc Meme Là Gì? Giải Thích Ý Nghĩa Của Từ Oc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *