Ở góc độ ngôn ngữ, theo nghĩa tiếng Hán Việt, “mãi” là mua, “mại” là bán . Khuyến mại, khuyến mãi được hiểu là hành vi khuyến khích việc bán hàng, khuyến khích việc mua hàng. Do việc mua bán thường được tiến hành đồng thời nên cả hai thuật ngữ này đều hay được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chỉ sử dụng thuật ngữ “khuyến mại” dưới góc độ tiếp cận là hành vi của thương nhân nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ.
Khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại (2005) đưa ra định nghĩa về khuyến mại như sau: ”Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định”.
So với Luật Thương mại (1997), Luật Thương mại (2005) khi định nghĩa về khuyến mại đã có bổ sung hai điểm, đó là về mục đích của khuyến mại và cách thức khuyến mại thông qua quan hệ dịch vụ. Cụ thể là, mục đích của khuyến mại không chỉ nhằm xúc tiến việc bán hàng mà còn nhằm xúc tiến việc mua hàng và cung ứng dịch vụ. Nói tóm lại, khuyến mại có thể được hiểu là cách thức, biện pháp thu hút khách hàng thông qua việc dành lợi ích cho khách hàng, bao gồm lợi ích vật chất (tiền, hàng hóa) hay lợi ích phi vật chất (được cung ứng dịch vụ miễn phí) nào đó. Dấu hiệu dành cho khách hàng những lợi ích nhất định này chính là dấu hiệu để phân biệt hoạt động khuyến mại với các hình thức xúc tiến thương mại khác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Theo quy định tại Điều 92 Luật Thương mại (2005) và từ Điều 7 đến Điều 13 Nghị định số 37/2006/NĐ – CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, các hình thức khuyến mại được áp dụng phổ biến trong hoạt động thương mại, bao gồm: hàng mẫu; tặng quà; giảm giá; bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, phiếu dự thi; bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi và tổ chức các sự kiện vì mục đích khuyến mại. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể thực hiện các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận. Trong thực tế, các hình thức khuyến mại này là các hình thức khuyến mại truyền thống và phổ biến, luôn được các doanh nghiệp áp dụng khá linh hoạt và có sự kết hợp giữa nhiều hình thức cùng một lúc, như vừa giảm giá vừa tặng quà, vừa giảm giá vừa bốc thăm trúng thưởng, giảm giá hoặc tặng quà trong những “giờ vàng mua sắm” nhất định trong ngày,…Tuy nhiên, giảm giá vẫn thường là hình thức được doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất.
Theo quy định tại Luật Thương mại (2005), hình thức khuyến mại giảm giá là “Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã được đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện thao quy định của Chính phủ”. Vậy khuyến mại giảm giá là việc bán hàng, cung ứng dịch vụ trong thời gian khuyến mại với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó theo quy định của pháp luật.