Thăng trầm vì tôm…
Bạn đang đọc: Chao đảo. vuông tôm! – Báo Nhân Dân
Cách đây chừng 5 năm, Cần Giờ nổi lên với những vụ mùa thu hoạch tôm bộn bạc. Nông dân đã thoát nghèo khi trực tiếp đầu tư nuôi tôm, hoặc bán đất cho những “đại gia” từ các nơi khác đến thuê đất ruộng đào ao nuôi tôm. Đất ruộng bỗng chốc trở thành vàng. Chỉ sau vài năm phát triển, đầu năm 2004 cả huyện có gần 3.000 hộ nuôi tôm với tổng diện tích trên 5.000 ha.
Bốn xã phía Bắc Cần Giờ là Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và Bình Khánh đã bị cuốn theo “cơn lốc” nuôi tôm, trở thành vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản của huyện. Từ đất phèn, nước lợ, không trồng được thứ gì ra hồn bỗng dưng đất mặt bị lột lên, thay vào đó là những hồ tôm vuông vức… Những người từ nơi khác tới đã làm dậy sóng phong trào nuôi tôm. Bên cạnh đó, một số người dân địa phương có chút ít vốn liếng cũng đã bung ra “làm lớn, ăn lớn”.
Qua vài vụ được mùa, nhiều người dân trong huyện cũng vay mượn, cầm cố tài sản… để đầu tư mở vuông tôm. Ông Tư Chấm ở ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp hồ hởi kể: “Năm 1999, tôi trúng một vụ 11 tấn tôm, trừ hết chi phí còn lãi ròng 500 triệu đồng. Thấy bạc vô mà ham!”. Trên đà thắng lợi hết sức phấn chấn, cả gia đình ông quyết tâm làm lớn. Có bao nhiêu vốn liếng, vay mượn thêm từ ngân hàng ông đã “trụm” vào 20ha đất ruộng đào ao nuôi tôm, mua xe tải đông lạnh chở tôm đi bán! Thế nhưng, sau đó thất bại liên tiếp xảy ra, càng nuôi càng lỗ vì dịch bệnh, ông quyết định bỏ không nuôi nữa. Giới thạo tin trong làng đoán gia đình ông nợ ngân hàng khoảng một tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch UBND xã Tam Thôn Hiệp, những người hiện nay đang mua lại ao nuôi tôm là từ nơi khác tới, trường vốn, chấp nhận lỗ lã nhiều vụ để có thể thắng lớn trong một vụ. Tất nhiên, người dân tại chỗ không thể trụ nổi với kiểu làm như vậy. “Tình trạng nuôi tôm thất bại xảy ra từ cuối năm 2003 do dịch bệnh, các vụ sau càng nuôi càng lỗ.
Người nông dân nghèo khó, muốn có vốn đầu tư nuôi tôm phải thế chấp ruộng đất cho ngân hàng để vay tiền. Khi nuôi tôm thất bát thì chỉ có cách bán đất để trả nợ!”, ông Giàu giải thích. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến nuôi tôm bị mất mùa là do nguồn giống không có kiểm dịch, mua trôi nổi trên thị trường. Mặt khác, khâu quản lý hệ thống thủy lợi hầu như phó mặc cho trời, nên dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều vùng nuôi tôm tự phát, thiếu quy hoạch tại các tỉnh miền Nam Trung Bộ, miền Tây Nam Bộ…
Về đâu những vuông tôm…
“Nếu ai mua được giá tôi bán hết đất luôn. Làm không đủ trả nợ lãi vay thì giữ làm gì! Còn dư đồng vốn thì chuyển sang nghề khác làm ăn…”, ông Tư Chấm tâm sự. Và ông không phải là trường hợp cá biệt. Chỉ riêng ấp Trần Hưng Đạo xã Tam Thôn Hiệp, trong thời gian qua có gần 10 hộ đã bán đất ruộng, đó là ông Nguyễn Văn Năm, ông Hai Muối, ông Phạm Văn Kim… Ông Trần Văn Lâm, Trưởng ấp cho biết như vậy.
Ngay tại trụ sở UBND xã An Thới Đông, một chị nhân viên gạ bán đất khi chúng tôi hỏi thăm đường đi. Mảnh đất chị đang kêu bán là ao nuôi tôm hiện hữu rộng ba công của gia đình, giá một công (1000m2) là 30 triệu đồng. Ngoài ra, muốn mua bao nhiêu ao tôm nữa chị sẵn sàng giới thiệu luôn. Cũng tại đây, chúng tôi gặp một “cò đất thứ thiệt” – anh Ba Ảnh. Hiện tại, nhà anh Ảnh đang giữ gần 10 sổ đỏ đã photocopy của các chủ đất nhờ bán, thuộc các ấp An Đông, Hưng Thịnh, An Hòa…
Trong các sổ đỏ, tên chủ đất đã bị xóa, chỉ để lại họ, địa chỉ, diện tích đất. Dẫn vào ấp An Đông, anh Ba Ảnh cho biết: “Trong này kêu bán nhiều lắm. Hiện giờ có ba khu đất sáu mẫu liền nhau, chạy dài giáp mé sông”. Vừa qua khỏi cây cầu ván bắc ngang con rạch nhỏ, một minh chứng về việc bán đất hết sức sinh động: Có tấm bảng ghi chữ “tại đây bán đất” cắm sát vệ đường trên một đám ruộng đang đào đất mặt dang dở.
Anh giới thiệu, khu đất này của ông Tư Hậu, rộng hai mẫu, giá 600 triệu đồng. Khu đất kế tiếp rộng một mẫu đã đào thành ao đang kêu giá 300 triệu đồng. Khu đất cuối cùng sát bờ sông rộng hai mẫu, kêu giá 170 triệu đồng/mẫu. Tại đám ruộng giá rẻ nhất, anh Ảnh khẳng định, trong tuần trước có người trả giá tới 165 triệu đồng/mẫu nhưng chủ đất chưa chịu bán. Trong khi đưa chúng tôi đi tìm hiểu việc mua bán đất, có ba người tìm anh nhờ giới thiệu mua đất!
Không khí mua bán đất ao nuôi tôm cũng diễn ra thật sôi động tại xã Tam Thôn Hiệp. Chỗ nào cũng có người môi giới mua bán đất, từ tiệm sửa xe cho đến quán cà phê. Chỉ ngồi chừng nửa giờ tại một quán nước sát bên sông Lòng Tàu, có tới năm người đến gạ chúng tôi bán đất, phần lớn là đất ao nuôi tôm bỏ hoang. Về giá đất, một cò đất ở ấp Bà Lá cho biết, trước đợt sốt đất năm 2002 giá mỗi công đất là 5-7 triệu đồng, ngay trong đợt sốt đất trước kia giá tăng gấp 20 lần. Hiện nay giá hạ hơn một nửa, đất cách đường lộ khoảng một cây số, có giá 40- 50 triệu đồng/công và ở mặt tiền đường Tam Thôn Hiệp khoảng 100 triệu đồng/công, có nơi khoảng 150 triệu đồng/công.
Nuôi tôm đã từng giúp địa phương này thoát nghèo, vượt khó, thế nhưng giờ đây con tôm bị mắc vụ kiện phi lý đã khiến người nông dân chao đảo, oằn lưng vì nó.
>>>>>Xem thêm: Isolator là gì? Phân loại và chức năng của Isolator – Phukienmattroi