Ơn Cứu Độ

Bạn đang đọc: Ơn Cứu Độ

Tìm hiểu thêm: &quotNhờ Vả&quot trong Tiếng Anh là gì: Định Nghĩa, Ví Dụ Anh Việt

>>>>>Xem thêm: Máy tính bị nhiễm mã độc và bị lợi dụng phục vụ các đợt tấn công DDoS gọi là gì?

Người tiền nhiệm của ngài là một nhà quản trị, nhà gây quỹ, nhà tổ chức và là một “quí ông” lịch lãm có tiếng. Tuy nhiên, vị tân giám mục tuyên bố: “Tôi hiện diện nơi đây chỉ vì một lý do duy nhất. Mọi thứ tôi làm cho anh chị em chỉ nhắm một mục đích duy nhất: để cứu vớt linh hồn anh chị em.” Tiếc thay, hầu hết mọi người đã chưa bao giờ nghe ai nói như thế trước đây.

Lý do duy nhất để gây quĩ, để in Kinh Thánh và sách hát, để quét bụi dưới mỗi chỗ ngồi, chính là ơn cứu độ: sự kết hiệp với Thiên Chúa (theosis trong cách gọi của Chính Thống Giáo Đông Phương). Đó là công việc mà Giáo Hội đảm nhận.

Dường như Giáo Hội cũng dấn thân trong công tác phục vụ xã hội, tư vấn, quyên góp, chăm sóc hàng ngày – hàng tá những việc có giá trị tương tự mà trần thế dấn thân. Tại sao? Điều gì biện minh cho những công tác này? Mục đích chung cục của Giáo Hội trong tất cả những công việc này thì khác hẳn mục đích của thế gian, đó là ơn cứu độ. Đây là “sản phẩm” đặc trưng của Giáo Hội.

Tại sao lại cung ứng một sản phẩm giống y như những sản phẩm của các công ty khác đã có trên thị trường? Làm sao người ta lại hi vọng sẽ bán được một sản phẩm như thế? Đó là lý do Kitô giáo theo chủ nghĩa hiện đại hay tự do chẳng bán được gì, dù cho việc phục vụ của nó có bác ái đi chăng nữa. Lý do duy nhất cho bất kỳ một hoạt động nào của Giáo Hội, lý do duy nhất cho chính sự tồn tại của Giáo Hội cũng là chính là lý do Chúa Giêsu đến thế gian: để cứu độ nhân loại đáng thương và lạc lối. Giáo Hội, suy cho cùng, cũng mang lấy cùng một công việc như Đầu của mình.

Chúa Giêsu không đến để làm một vị triết gia hay bác sĩ. Nếu làm thế, Ngài đã thất bại. Ngài đã không giải quyết phần lớn các vấn đề của triết gia. Ngài chữa lành một vài người, nhưng đã để cho phần lớn thế giới yếu đau như trước đó. Ngài chữa lành một vài thân xác để cho thấy Ngài có thể chữa lành mọi linh hồn.

Ơn cứu độ không chỉ là lý do cho sự tồn tại của Giáo Hội, mà còn là lý do chung cục cho sự hiện hữu của bạn: tận cùng, mục tiêu, điểm nhắm, mục đich, niềm hi vọng, nguyên nhân chung cuộc, hạnh phúc tột đỉnh, ý nghĩa của bạn. Sự khác nhau giữa thành công và thất bại trong nhiệm vụ đầu tiên của cuộc đời – trở nên người mà bạn phải trở nên – không phải là sự khác biệt giữa giàu và nghèo, hữu danh và vô danh, khỏe mạnh và bệnh tật, niềm sướng vui và đớn đau, hoặc đáng yêu và xấu xí, nhưng là sự khác nhau giữa ơn cứu độ và sự đọa đày. Leon Bloy viết, “Chỉ có một tấn bi kịch: không trở thành một vị thánh”. Chúa Giêsu nói: “Đạt được cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì?” Trong lịch sử, chưa từng ai hỏi một câu thực tiễn hơn câu đó. Nói khác đi, đừng tham chiếm mọi thứ nhưng lại làm hỏng cuộc đời.

Đó là lý do tại sao những người bình dân, khác với các học giả, luôn đặt vấn đề ơn cứu độ khi họ nghĩ về tôn giáo. Và đó là lý do tại sao một quyển sách hộ giáo phải trình bày đề tài này; đó cũng là lý do hiện hữu của tôn giáo.

Đức tin và Việc làm

Vấn đề ơn cứu độ đã khơi dậy cuộc cải cách Tin Lành và làm Giáo Hội chia rẽ. Dường như đồng thời, cả người Tin Lành và Công Giáo giảng dạy hai tin mừng khác biệt tận căn, hai tôn giáo, hai câu trả lời cho điều căn bản nhất của mọi câu hỏi: Tôi phải làm gì để được cứu độ? Người Công Giáo nói rằng bạn phải tin lẫn làm việc lành để được cứu độ. Luther, Calvin, Wycliffe và Knox khăng khăng rằng chỉ có đức tin mới cứu bạn. Tiếc thay, cả hai bên đã công kích nhau trong suốt 450 năm qua. Nhưng có một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng đó căn bản là một sự hiểu lầm và đã đến lúc sự hiểu lầm ấy được giải tỏa.

Cả hai bên đều sử dụng những từ khóa, đức tin và ơn cứu độ, nhưng với những ý nghĩa khác nhau.

1. Người Công Giáo sử dụng thuật ngữ ơn cứu độ để chỉ toàn bộ tiến trình, từ khởi đầu của nó trong đức tin, ngang qua toàn bộ đời sống Kitô hữu với những việc bác ái trên trái đất, đến sự hoàn tất của nó trên thiên đàng. Khi Luther nói về ơn cứu độ ông ám chỉ bước khởi đầu – giống như đi vào trong con thuyền Noê.

2. Với từ đức tin, người Công Giáo chỉ về một trong ba “nhân đức đối thần” cần thiết (tin, cậy, mến), mà đức tin là niềm tin lý trí. Đối với Luther, đức tin nghĩa là chấp nhận Chúa Kitô với trọn con tim và linh hồn.

Như thế, vì người Công Giáo sử dụng từ ơn cứu độ theo một nghĩa lớn hơn và từ đức tin theo một ý nghĩa hẹp hơn, còn Luther thì sử dụng từ ơn cứu độ trong một ý nghĩa hẹp hơn và từ đức tin trong một ý nghĩa rộng hơn, nên người Công Giáo đã phủ nhận một cách hữu lý và Luther đã xác nhận một cách đúng đắn rằng chúng ta được cứu độ chỉ bởi đức tin.

Người Công Giáo dạy rằng ơn cứu độ gồm nhiều điều hơn đức tin, cũng như một cái cây gồm nhiều thứ hơn rễ cây. Ơn cứu độ cần đến thân cây (đức cậy) và hoa trái (đức mến) cũng như cả cội rễ (đức tin). Luther dạy rằng những việc lành không thể mua được ơn cứu độ, rằng tất cả những gì bạn cần làm và có thể làm để được cứu độ là chấp nhận ơn cứu độ, chấp nhận Đấng Cứu Độ, nhờ đức tin. Cả hai đều đúng.

Sự đồng thuận thực sự trong bản chất ẩn dưới một sự bất đồng bề mặt trong ngôn từ chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì cả người Công Giáo và Tin Lành đều chấp nhận chung một nguồn dữ liệu, Tân Ước.

Tân Ước dạy cả hai điểm: rằng ơn cứu độ là một ơn nhưng không, đạt được không nhờ việc tuân phục lề luật; và rằng đức tin chỉ là khởi điểm của đời sống bác ái Kitô giáo; rằng “sự công chính hóa” (được làm cho nên công chính với Thiên Chúa), nếu là thực, phải đưa đến “sự thánh hóa” (được nên thánh thiện, đức hạnh, tốt lành), rằng “đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Chân thành thôi chưa đủ

Vấn đề: Tại sao Thiên Chúa đòi hỏi một người phải tin vào Chúa Giêsu mới được cứu độ! Thiên Chúa còn muốn gì hơn ngoài một tấm lòng chân thành!Trả lời: Trong bất kỳ lĩnh vực nào, trừ ra trong tôn giáo, không ai chấp nhận rằng chân thành thôi là đủ. Chân thành có thể là cần thiết nhưng không đủ. Liệu bác sĩ phẫu thuật, nhân viên kế toán hay người đại lý du lịch của bạn chỉ chân thành là đủ? Liệu chân thành thôi có đủ để cứu bạn khỏi ung thư, sự phá sản, tai nạn hoặc cái chết? Hẳn là không. Vậy tại sao bạn lại nghĩ rằng chân thành là đủ để cứu bạn khỏi sa hỏa ngục?Giả định phía sau phản bác này đến từ một thay đổi quan trọng trong tư duy tôn giáo suốt mười chín thế kỷ qua. Trong khi hầu như tất cả những người thời xưa (không chỉ những Kitô hữu) tin rằng tôn giáo bàn đến những chân lý khách quan, cũng như y khoa, kinh tế học hay địa lý học bàn về các chân lý khách quan, những người đặc trưng cho thời hiện đại không tin như vậy. (Xem chương mười lăm về chân lý khách quan).

Người hiện đại tiêu biểu quan niệm về tôn giáo khác với hầu hết người tiền hiện đại ở bốn điểm căn bản.

1. Người hiện đại coi tôn giáo là chủ quan hơn là khách quan, như thể một cái gì đó trong chúng ta và trong nhận thức của chúng ta hơn là cái mà chúng ta và nhận thức của ta nằm trong nó. Những thầy dạy về tôn giáo hiện đại ít nói về Chúa hơn là về kinh nghiệm và việc thực hành tôn giáo của chúng ta.

2. Người hiện đại thấy tôn giáo mang tính thực tiễn hơn là lý thuyết, tốt lành hơn là đúng đắn, luân lý hơn là thần học, một khuôn mẫu để sống hơn là một bản đồ về thực tại. Thật vậy, nó trở nên thực dụng và tương đối: nếu nó tốt cho bạn, hãy sử dụng nó.

3. Người hiện đại coi tôn giáo như là một điều gì đó do con người tạo ra hơn là do Thiên Chúa; điều gì đó ta tạo ra hơn là khám phá ra; con đường ta đến với Chúa hơn là con đường Chúa đến với ta.

4. Người hiện đại nhìn nhận tôn giáo như là một phép cộng hơn là một phép trừ; một sự tự lớn lên hơn là tự chết đi; một thực tập hơn là phẫu thuật. Vì não trạng hiện đại đặc trưng không tin vào một thứ ôn dịch được định tên là tội. Nhưng chỉ chân thành thôi thì không đủ để loại bỏ tội, y như nó không thể loại trừ căn bệnh ung thư. Bạn cần một bác sĩ thực thụ. Bạn không thể tự mình trị căn bệnh. Bạn cần nhiều hơn một sự chân thành; bạn cần một Đấng Cứu Độ.

Liệu người ngoài Kitô giáo có được cứu độ?

Dù chúng ta trả lời có hoặc không cho câu hỏi liệu người ngoài Kitô giáo có được cứu độ hay không, ta dường như rơi vào thế lưỡng nan. Nếu ta trả lời không, sự phản đối tất bùng lên: vậy thì tất cả những người ngoài Kitô giáo đều sa hỏa ngục, ngay cả người ngoại tốt lành như Socrates. Ông ta đâu có lỗi gì khi không sống đúng thời hoặc không đúng nơi để gặp Chúa Giêsu hay một thừa sai Kitô giáo. Thật bất công và vô tâm khi Thiên Chúa đẩy hầu hết nhân loại vào hỏa ngục! Nếu chúng ta trả lời rằng người ngoài Kitô giáo như Socrates có thể được cứu, một vấn đề tự nhiên nảy sinh: Vậy thì trở nên một Kitô hữu để làm chi? Nếu cái mà Socrates có là đủ để lên thiên đàng, sao phải thêm một đòi hỏi nghiêm ngặt rằng Đức Giêsu là con đường duy nhất? Nói cách khác, nếu Socrates không được vào thiên đàng, Thiên Chúa không công bằng; còn nếu Socrates được vào thiên đàng, Chúa Giêsu không phải là con đường duy nhất.

Ơn cứu độ khách quan đối ngược với tri thức chủ quan về ơn cứu độ. Song luận trên không chỉ là một vấn đề đầy hóc búa mang tính kỹ thuật và thần học; nó là điều quan trọng nhất của mọi vấn đề, “Tôi phải làm gì để được cứu độ?” Để trả lời câu này, ta cần phân biệt rạch ròi giữa phương diện khách quan và chủ quan của vấn đề. Tân Ước cho chúng ta một câu trả lời rõ ràng, rốt ráo và chặt chẽ về khía cạnh khách quan, nhưng còn bỏ ngỏ phương diện chủ quan.

Về khách quan, Tân Ước khẳng định rằng Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất. Chính Đức Giê-su nhận rằng: “Thầy là con đường…. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Người Kitô hữu tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất vì Ngài đã nói như vậy. Nếu điều này không đúng, Ngài chẳng phải là Đấng Cứu Độ, nhưng là kẻ nói dối, lộng ngôn và một tên ngốc tự kỷ không đáng tin.

Về chủ quan, chúng ta cần gì để được cứu độ? Tân Ước nói rằng chúng ta cần tin vào Ngài để được cứu độ, nhưng điều này nghĩa là gì? Đức tin loại nào? Không thể có nhiều loại Chúa Giêsu, nhưng có thể có nhiều kiểu tin khác nhau. Lằn ranh giữa Chúa Giêsu và tất cả những người khác đã được vạch rõ ràng; nhưng ranh giới giữa đức tin của Phêrô và đức tin có thể có của Socrates thì không rõ ràng lắm.

Nói rằng Socrates có thể đã có niềm tin vào Chúa Kitô nghĩa là gì? Để tin vào Chúa Kitô, bạn phải biết một chút nào đó về Người. Làm sao Socrates có thể biết về Chúa Kitô? Trong cùng cách thức, mọi người đều có thể tin vào Ngài xét như là “ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9), như là Ngôi Lời tiền nhập thể, Lời, Ánh Sáng, hay Lý Trí thần linh.

Không ai có thể biết Thiên Chúa mà không qua Chúa Kitô (Ga 1:18; Lc 10:22). Nhưng dân ngoại biết Thiên Chúa (Cv 17:28; Rm 1:19-20; 2:11-16). Vì vậy, dân ngoại biết Chúa Kitô. Vì Chúa Kitô không chỉ là bác thợ mộc người Do Thái cao 6 feet, 33 tuổi. Ngài là Ngôi Hai của Ba Ngôi vĩnh cửu, là sự biểu đạt đầy đủ, sự mặc khải, hay Ngôi Lời toàn vẹn của Chúa Cha (Col:15,19; Ga 14:9). Do đó, tín điều về thiên tính của Chúa Kitô – bị người theo chủ nghĩa tự do cho là “bảo thủ” hoặc “truyền thống” – lại chính là nền tảng để người theo chủ nghĩa tự do hi vọng rằng dân ngoại có thể được cứu.

Những hiểu hiết minh nhiên về Chúa Giêsu nhập thể thì không thiết yếu cho ơn cứu độ. Ví dụ, Abraham, Moses và Elijah không có những hiểu biết đó, nhưng họ vẫn được cứu độ (Chúng ta biết điều này từ Mt 17:3 và Lc 16:22-23). Ngôi vị ấy – Ngôi Hai trong Ba Ngôi – vừa là Ngôi Lời tiền nhập thể, Đấng đã “chiếu soi mọi người” đồng thời là Chúa Giêsu nhập thể, Đấng chỉ được một số người nhìn thấy. Ai biết Đấng này thì cũng biết Đấng kia, vì cả hai chỉ là một ngôi vị.

Tắt một lời, giải đáp của chúng ta là: Socrates (hay bất cứ người ngoại nào) có thể tìm kiếm Thiên Chúa, có thể sám hối về tội của ông, có thể tin một cách mù mờ và chấp nhận Thiên Chúa mà ông biết một cách mù mờ đôi chút, và do đó ông có thể được cứu độ – hoặc bị hư mất, nếu ông từ chối tìm kiếm, hối cải và tin vào Ngài. Luôn có đủ ánh sáng và cơ hội, đủ hiểu biết và chọn lựa tự do, để mọi người chịu trách nhiệm trước mặt Chúa. Thiên Chúa luôn công bằng. Và một Thiên Chúa công bằng thì phán xét cách công minh, không thiên vị; nghĩa là ngài phán xét tùy theo hiểu biết mà mỗi người có, chứ không theo sự hiểu biết mà họ không có (xem Jas 3:1).

Phản bác ơn cứu độ cho dân ngoại

Những người bảo thủ thường chống đối luận điểm này, vốn cho rằng dân ngoại cũng được cứu độ, và làm suy yếu động lực cho công cuộc truyền giáo. Tại sao phải dành cả đời, liều cả mạng sống, để nói cho thế giới biết về Chúa Giêsu nếu người ta có thể được cứu độ mà không cần đến sự hiểu biết này? Đây là một câu hỏi hay, và nó đáng được trả lời thỏa đáng.

Có ba lý do khả thi cho việc truyền giáo, nghĩa là kể cho người khác về tin mừng, “phúc âm” của Chúa Giêsu. (Dù sao đi nữa, mọi Kitô hữu được đòi hỏi trở nên nhà truyền giáo; Cuộc trao Sứ mạng lớn lao này (Mt 28:18-20) không chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ.) Đầu tiên, có một lý do mà nhiều người theo thuyết chính thống cực đoan đưa ra: chúng ta biết rằng thế giới sẽ sa hỏa ngục nếu không chấp nhận Chúa Kitô như là Đấng Cứu Độ của mình. Thứ hai, có một lý do mà nhiều người theo chủ nghĩa tân thời đưa ra: chúng ta chỉ muốn yêu tha nhân và chia sẻ với họ bất cứ thứ gì chúng ta có, muốn thực hiện một công tác xã hội trổi vượt. Chúng ta không tin hỏa ngục, và nếu chúng ta đã tin, chúng ta cũng không nghĩ có bất kỳ ai sa hỏa ngục cả, và nếu ta nghĩ có người sa hỏa ngục, chúng ta chỉ có thể nghĩ đến Hitler hoặc Stalin. Chúng ta không dấn thân cho công cuộc cứu độ, chúng ta chỉ làm công tác phục vụ xã hội. Thứ ba, có một lý do cổ truyền: chúng ta không biết chính xác ai đang trên đường sa hỏa ngục, đó là lý do ta liều mất tất cả để cứu một số người. Một bà mẹ không cần phải biết trước rằng con của bà chắc chắn sẽ sụp xuống băng và chết đuối thì mới la lên “Ra khỏi chỗ băng ngay!” Tất cả những gì bà cần biết là bà không biết rằng con bà sẽ không chìm, chúng cũng có thể chìm. Chúng ta biết rằng bất cứ ai đều có thể sa hỏa ngục, vì Chúa Giêsu đã nói thế. Chúng ta không theo chủ nghĩa tân thời. Nhưng chúng ta không biết chính xác những đứa con nào sẽ hư mất, vì Chúa Giêsu không cho ta biết. Do đó, chúng ta lớn tiếng cảnh báo và quăng phao cứu sinh cách mạnh mẽ y như những người theo thuyết duy nền tảng.

Ở đây có điều tương tự như phá thai. Có ba thái độ khả dĩ đối với việc phá thai, tương đương với ba lý do đã nêu ở trên về việc truyền giáo, được phân biệt bởi những gì mà bạn cho rằng mình biết. Một số người cho rằng linh hồn đi vào trong thân xác ngay lúc thụ thai, làm cho bào thai trở thành một con người, vì vậy, phá thai đồng nghĩa với giết người. Một số cho rằng điều này không đúng, nên phá thai không phải là sát nhân. Và một số người cho rằng không biết lúc nào linh hồn đi vào thân xác, [nên không biết] khi nào bào thai trở thành một con người. Dù lập trường hoài nghi này rất thường được thấy nơi những người ủng hộ phá thai, nó vẫn là một lý do đầy thuyết phục để ủng hộ sự sống. Nếu bạn không biết chắc rằng một đứa trẻ chưa sinh ra không phải là một con người và không có linh hồn, thì thật là nhẫn tâm và vô trách nhiệm dường bao khi liều mình lao vào khả thể giết người. Nó giống như việc xả súng vào một đường phố đông người, hoặc băng xe tải qua một đống quần áo có hình người.

Vô tri và liều lĩnh có thể là những lý do đáng kể để hành động, y như sự hữu tri và chắc chắn. Nếu bạn nghĩ con bạn có thể sẽ chết, bạn sẽ phóng nhanh đến bác sĩ như thể bạn biết con mình sẽ chết. Thật vậy, chủ nghĩa hoài nghi cởi mở của những người theo chủ nghĩa tự do và sự dấn thân hết tình của những người theo trào lưu chính thống cực đoan hoàn toàn tương hợp nhau.

Quan trọng hơn mọi tính toán về các khả thể này, cần nói thêm nữa về động lực cho công việc truyền giáo. Động cơ rao giảng tin mừng của chúng ta không chỉ là gia dân số thiên đàng và giảm thiểu dân số hỏa ngục, mà còn để mời gọi tha nhân bước vào đời sống thiêng liêng sâu xa hơn trong thế giới này: hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô cách thâm sâu là điều mang lại lòng tín thác, hi vọng, niềm vui và bình an sâu xa. Không biết Chúa Kitô cách minh nhiên, có lẽ sẽ không có được những điều này. Và không có những điều này, sẽ không chắc chắn được cứu, dù ơn cứu độ có thể vẫn khả thi.

Tái bút

Điều quan trọng là làm rõ rằng ở đây chúng ta không khẳng định Socrates đã được cứu độ, hoặc bất kỳ người nào, nhiều người hay đa số người ngoại sẽ được cứu độ. Trước hết, chúng ta mời gọi những người theo thuyết chính thống cực đoan hay những người duy phúc âm – những người đã cho rằng lâp trường này quá “tự do” – đảm bảo chính xác lập trường của chúng ta là gì. Chúng ta đã lặp đi lặp lại rằng chúng ta đơn giản không biết ai hoặc bao nhiêu người sẽ được cứu độ.

Mặt khác, chúng ta cũng mời gọi những người theo chủ nghĩa tự do, những người bất nhẫn trong việc quy phục người theo trường phái chính thống cực đoan phải suy xét xem sự bất nhẫn của họ thực sự “tự do” đến mức nào, và duyệt xét lại động cơ của chính họ khi loại bỏ lời giáo huấn rõ ràng và được lặp lại nhiều lần của Chúa Kitô duy nhất mà chúng ta biết. Yêu mến tín đồ của các tôn giáo khác và trân trọng những điều đúng đắn và tốt đẹp có thể có trong các tôn giáo khác này không được phép làm chúng ta đui mù trước những sai lầm và khiếm khuyết của họ. Nếu Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất và tất cả các tôn giáo khác trên thế giới từ chối điều này, thì cách logic và thiết yếu, các tôn giáo ấy đã phạm một sai lầm chết người ở điểm then chốt này. Từ điều này, không thể suy ra rằng người ngoài Kitô giáo bị kết án, nhưng phải cho họ biết chân lý, vì tình yêu dành cho họ và vì chân lý.

Nguyên tác: Pocket Handbook of Christian Apologetics

Tác giả: Peter Kreeft, Ronald K. Tacelli

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *