Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết năm 2020, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, các mặt hàng phục vụ đầu vào các ngành sản xuất hoặc là phần chi phí cố định. Cụ thể, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Việt Nam năm 2020 đạt hơn 84,2 tỷ USD, tăng gần 9 tỷ USD so với năm trước, xuất khẩu tăng hơn 8 tỷ USD.
Vậy, nhập siêu là gì? Tác động của nhập siêu đến nền kinh tế như thế nào? Chắc hẵn là câu hỏi mà ai cũng cần làm rõ, nắm bắt tình hình đó, Luật Dương Gia mời Quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
1. Nhập siêu là gì?
Nhập siêu là khái niệm dùng mô tả tình trạng Cán cân thương mại có giá trị nhỏ hơn 0 (zero). Nói cách khác, khi kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu trong một thời gian nhất định, đó là nhập siêu. Nhập siêu là hiện tượng phổ biến ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển theo hướng mở.
2. Nhập siêu được dịch sang tiếng Anh là gì?
Nhập siêu tiếng Anh có nghĩa là Deficit.
3. Tác động của nhập siêu đến nền kinh tế như thế nào?
Xét trên nhiều phương diện, nhập khẩu ở một chừng mực nào đó sẽ có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt đối với các nước trong giai đoạn đang phát triển. Tuy nhiên, nhập siêu quá cao sẽ tác động xấu đến nền kinh tế.
* Tác động tích cực
- Kinh tế
Đối với kinh tế, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc trang thiết bị cao cấp giúp nâng cao trình độ kỹ thuật, tiến gần trình độ phát triển cao của thế giới, nhờ đó tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao. Trong điều kiện ngành sản xuất nguyên liệu cao cấp trong nước chưa phát triển thì việc nhập khẩu nguyên liệu giúp cho các nước này thực hiện tốt chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng về xuất khẩu. Hàng nhập khẩu trong nhiều trường hợp tạo môi trường cạnh tranh kích thích sản xuất trong nước hoàn thiện và phát triển. Nhập khẩu từ nguồn vốn ODA của các tổ chức tài chính quốc tế giúp cải thiện mau chóng hạ tầng cơ sơ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.
Kể đến về trình độ phát triển hàng hóa nhập khẩu, nhập siêu có thể là một kênh hỗ trợ việc tạo năng lực mới và hiện đại hóa nền kinh tế. Thêm vào đó, về đối tượng nhập khẩu, nhập siêu là hình thức thể hiện của quá trình hình thành cơ sở sản xuất của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là điều các nước phát triển thường thực hiện với mong muốn có thêm nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế, tiếp thu công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, tác phong công nghiệp và tiếp cận thị trường xuất khẩu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế nước ta trong những năm qua.
- Xã hội
Đối với xã hội, việc nhập khẩu hàng tiêu dùng, sản phẩm khoa học và văn hóa còn góp phần phát triển nguồn nhân lực và nâng cao mức sống người dân. Nhập khẩu từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp chẳng những góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trương kinh tế mà còn tạo thêm công ăn, việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống xã hội
* Tác động tiêu cực
Xem thêm: Mẫu hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu mới nhất năm 2022
Bên cạnh tác động tích cực, tình trạng nhập siêu liên tục trong những năm qua của Việt Nam còn mang đến những tác động tiêu cực cho nền kinh tế:
- Thúc đẩy tư tưởng “sùng ngoại”
Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo những hiểm họa của tình trạng nhập siêu lớn. Chẳng hạn, nhập khẩu tràn lan vượt quá kiểm soát của chính phủ sẽ dẫn tới hiện tượng lãng phí ngoại tệ, tác động xấu đến sản xuất trong nước. Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới xu hướng “sùng ngoại”, khiến hàng nội địa khó tiêu thụ hơn.
- Gia tăng nợ công
Quan trọng hơn, nhập siêu thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt ngoại tệ, khiến các chính phủ phải gia tăng vay nợ bằng cách phát hành thêm trái phiếu. Trong một thời gian dài, nhập siêu sẽ khiến con số nợ công của một nước ngày càng tăng vì suy cho cùng các nước đều phải dựa vào xuất khẩu để trả nợ và lãi.
- Nhân tố tạo khủng hoảng
Xét ở mặt này, nhập siêu có thể gây ra khủng hoảng nợ công như tại Hy Lạp, nước nhập siêu tới 13,5% GDP (năm 2009), dẫn đầu top các nền kinh tế bị nhập siêu tính theo tỷ lệ với GDP. Nước này đã rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất châu Âu kể từ đầu năm 2010 và cho đến nay vẫn chưa cải thiện tình hình, dù đã nhận được các gói ứng cứu từ bên ngoài. Hoặc như trường hợp của Hoa Kỳ, nước có kim ngạch nhập siêu tuyệt đối (tính bằng USD) lớn nhất. Hoa Kỳ hiện cũng lâm vào một cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng ở mức độ và sắc thái khác vơi Hy Lạp. Hiện nước này đã chạm trần nợ công và có nguy cơ vỡ nợ tạm thời nếu Chính phủ và Quốc hội không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ trước ngày 2-8-2011.
Ngoài ra, một số nhà chuyên môn tin rằng nhập siêu lớn là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới cuộc Khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997 – 1998.
- Gia tăng thất nghiệp
Một nghiên cứu của TS. Alec Feinberg, sáng lập viên Citizens for Equal Trade, lại gắn nhập siêu với tỷ lệ thất nghiệp. Dựa trên những dữ liệu từ 25 nước có mức nhập siêu và xuất siêu lớn nhất thế giới (trong giai đoạn 2009-2010), nhóm nghiên cứu của TS. Feinberg cho biết tỷ lệ tác động tới thị trường việc làm của tình trạng nhập siêu dao động từ 60-72%. Những nước nhập siêu cao có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và ngược lại.
Feinberg cũng lưu ý 2 trường hợp là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hoa Kỳ là nước có mức nhập siêu tính theo giá trị USD lớn nhất thế giới, với 633 tỷ USD (năm 2010), lớn hơn giá trị kim ngạch nhập siêu của tất cả các nước nhập siêu trong top 10 (trừ Hoa Kỳ) cộng lại. Hoa Kỳ có tỷ lệ thất nghiệp 9,6% (tại thời điểm thực hiện nghiên cứu). Trong khi đó, Trung Quốc có Thặng dư thương mại tới 296 tỷ USD vào năm 2009, và có tỷ lệ thất nghiệp chỉ 4,3%.
- Nhấn chìm thị trường chứng khoán
Trang web chuyên giải thích về đầu tư InvestOpedia cho rằng đối với Thị trường chứng khoán (TTCK), nhập siêu kéo dài có thể gây nên những hậu quả tai hại. Giải thích của InvestOpedia cũng dựa trên 2 tác động chính của tình trạng nhập siêu là gia tăng nợ công và làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Nếu trong một thời gian dài một đất nước nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn xuất khẩu, họ sẽ lâm vào cảnh nợ nần, trong khi hàng hóa nội địa ngày càng bị hàng ngoại lấn át. Qua thời gian, giới đầu tư sẽ nhận thấy tình trạng suy yếu trong tiêu thụ hàng hóa nội địa, một diễn biến gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước và cũng làm suy giảm giá trị cổ phiếu của họ. Thời gian càng kéo dài, giới đầu tư càng nhận ra rằng cơ hội đầu tư tốt ở thị trường nội địa càng ít đi, và bắt đầu chuyển hướng sang các thị trường cổ phiếu ở nước khác. Điều đó sẽ làm giảm nhu cầu đối với thị trường cổ phiếu ở trong nước và khiến thị trường ngày càng đi xuống. Thực trạng của Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có thể rơi vào trường hợp này.
Xem thêm: Packing List là gì? Vai trò packing list trong xuất nhập khẩu?
4. Những bất cập trong thực hiện các biện pháp hạn chế nhập siêu và đề xuất một số giải pháp
Để hạn chế nhập siêu và chuyển sang xuất siêu bền vững, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp phân chia hàng nhập khẩu theo 3 nhóm để kiểm soát việc tiếp cận ngoại tệ cụ thể:
- Nhóm cần nhập khẩu
- Nhóm cần kiểm soát nhập khẩu
- Nhóm hạn chế nhập khẩu
Ngoài ra, cần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước, với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, phải đầu tư để đổi mới công nghệ, thông qua đó tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu và cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Có như vậy, các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam mới có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và ngay tại thị trường trong nước trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.
Cũng đã có những đề xuất giải pháp về việc thiết lập các hàng rào kỹ thuật (về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, về vệ sinh và an toàn) đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hạn chế nhập khẩu các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vào Việt Nam, qua đó hạn chế nhập khẩu và nhập siêu. Tuy nhiên, điều đáng nói là các giải pháp nêu trên không phải là mới mà đã được đề xuất từ nhiều năm nay. Song việc thực hiện quá chậm chạp và chưa được triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt.
Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm của các nước đi trước đã thành công trong lĩnh vực này, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc… Các quốc gia này trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển cũng đều phải nhập siêu. Song họ đã biết khai thác kết quả của việc buộc phải nhập siêu ban đầu, để từ đó xây dựng được nền kinh tế xuất khẩu với giá trị gia tăng cao. Do vậy, sau một giai đoạn nhập siêu, họ đã cân bằng được cán cân thương mại, sau đó chuyển sang xuất siêu.
Ngoài ra, cần thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng của các sản phẩm có giá trị cao. Đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và nhóm hàng khoáng sản, cần nhanh chóng chuyển từ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và tài nguyên, khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô hoặc sơ chế sang các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị tăng cao. Đối với nhóm hàng công nghệ chế biến, chế tạo cần chuyển từ phương thức gia công xuất khẩu với giá trị tăng thấp hiện nay, sang xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và giá trị tăng cao.
Trên đây là nội dung tham khảo về nhập siêu là gì và tác động nhập siêu đến nền kinh tế. Trường hợp thắc mắc nội dung chi tiết Quý khách hàng liên hệ Luật Dương Gia để được hỗ trợ.