Tình yêu những tưởng vẫn luôn là thứ được mọi chàng trai, cô gái khao khát, nhưng không ít người vẫn lựa chọn an yên với cuộc sống độc thân.
Tận sâu trong lòng những người này có một nỗi sợ vô hình với tình yêu. Số lượng những người sợ yêu ngày càng nhiều, đến mức khoa học còn nghiên cứu và phát hiện ra hội chứng sợ yêu Philophobia.
Lí do thường xuất phát từ chính những mặt trái của tình yêu.
Những kẻ sợ yêu thường cảm thấy lo lắng khi đối mặt trước mọi mối quan hệ tình cảm nam nữ. Họ sợ bị lừa dối, sợ mất thời gian dành cho công việc, sợ tổn thương, sợ sau này chia tay,… và hàng loạt nỗi sợ không tên khác.
Yêu – với họ, mang tính rủi ro cao và cần được tránh xa.
Ngọc Phượng (23 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) từng trải qua một mối tình thời năm 3 đại học. Sau khi tình yêu đổ vỡ, cô thu mình trước những mối quan hệ “tiềm năng”.
“Mình không muốn trở lại cảm chia tay thêm một lần nào nữa. Bản thân mình cũng khá yếu đuối trong chuyện tình cảm, không thể từ bỏ dễ dàng. Vì vậy, hiện tại mình luôn từ chối mọi mối tại công ty để giữ cuộc sống luôn tự do, thoải mái”.
Sợ yêu, vì sợ tan vỡ
Phượng thuộc tuýp sợ bị tổn thương trong tình yêu. Những người như cô thường đề phòng trước những mối quan hệ tiếp theo trong cuộc đời. Vấn đề dẫn đến sự đổ vỡ với tình cũ trở thành rào cản với tình mới.
Số khác, dù chưa có một mảnh tình vắt vai, cũng trở nên cảnh giác. Lê Đức Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Cũng nhiều lần đôi bên có cảm tình với nhau, nhưng khi có vẻ rất “gần”, mình lại không dám tiến đến tiếp. Mình nghĩ nếu lỡ tỏ tình thất bại, hoặc chia tay thì sẽ mất luôn bạn ấy”.
Lo lắng của Đức Anh cũng là nỗi niềm của nhiều bạn trẻ. Họ luôn tâm niệm rằng bản thân không đủ dũng khí để bắt đầu mối quan hệ với bất kì ai.
Trước những “tấm gương” đổ vỡ tình cảm xung quanh, họ mặc định tình yêu là một trò chơi quá mạo hiệm. Cái giá phải trả cho việc trao đi tình cảm là những thương tổn không gì đong đếm được.
Vì vậy, theo Đức Anh, không yêu thì sẽ không có đau khổ. “Nếu yêu đương khiến mình trở thành kẻ bi luỵ, lúc nào cũng dằn vặt vì người yêu, mình thà chọn độc thân nhưng vui vẻ còn hơn” – Đức Anh cho biết.
Thà không bắt đầu, để không phải sợ kết thúc
“Càng là người quan trọng, có ý nghĩa với chúng ta, chúng ta càng sợ mất. Không chỉ phải đối mặt với nỗi sợ đánh mất người mình yêu mến, chúng ta còn lo lắng cho chính tâm lý của bản thân.
Cuộc sống của bạn có thể sẽ thêm ý nghĩa và thú vị khi có người ấy, vì vậy cảm giác về việc người đó biến mất càng trở nên đáng sợ hơn” – Tiến sĩ tâm lý Lisa Firestone (Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu và Giáo dục Glendon, California, Mỹ), giải thích lí do trong hàng loạt trường hợp “sợ yêu”.
Nhiều bạn trẻ lại cảm thấy hài lòng với cuộc sống đang có. Duy Minh (25 tuổi, hướng dẫn viên du lịch, Hà Nội) thừa nhận, cuộc sống của anh chàng tương đối đầy đủ.
“Một ngày của mình dành cho việc đi làm, đi chơi với bạn bè cũng đủ vui rồi. Có thêm người yêu thì cũng tốt, mà không có cũng không sao” – Minh chia sẻ.
Anh chàng còn cho biết chưa sẵn sàng từ bỏ cuộc sống hiện tại để đưa thế giới của mình thu bé lại “vừa bằng một cô gái”.
Yêu là sẽ phải gạt bỏ nhiều thứ xung quanh khác. Trong khi tình yêu dù có đẹp cũng sẽ có thể biến mất, tình bạn không như thế.
Tình yêu thời hiện đại mang nhiều rủi ro hơn thời “ông bà anh”, khiến các bạn trẻ dần cẩn trọng hơn với từng quyết định.
Nếu thấy ai đó mãi không có người yêu, chưa chắc họ đang ế. Lý do đơn giản có thể là họ đang có những nỗi sợ riêng chưa thể vượt qua.