1. Cười hở lợi là gì? – Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười, dẫn tới mất thẩm mỹ, giảm tự tin trong giao tiếp. – Một nụ cười được đánh giá là bình thường, không hở lợi nếu khi cười tối đa không hở lợi hoặc mức độ lộ nướu không quá 2mm.
– Về góc độ sinh học, cười hở lợi không phải là một bệnh lý hàm mặt, mà chỉ gây mất thẩm mỹ nụ cười.
2. Nguyên nhân nào gây ra cười hở lợi? – Thân răng ngắn: Biểu hiện của tình trạng rối loạn mọc răng không hoàn toàn là răng ngắn, nhỏ, vuông, cười hở lợi. – Môi trên ngắn: Chiều dài môi trên ngắn có thể biểu hiện qua việc không khép kín môi ở tư thế nghỉ và lộ nướu khi cười. – Cường cơ nâng môi trên: Do sự không hoàn thiện của cơ vòng môi hoặc cơ nâng môi, khi cười cơ nâng môi trên trượt lên quá cao. – Quá phát xương hàm trên: Biểu hiện của tình trạng này là cười hở lợi thường kèm theo răng hô ra trước, có thể thấy phần xương ổ gồ lên dưới nướu khi cười, kiểu mặt nhô. Cười hở lợi có thể do một nguyên nhân riêng lẻ và cũng có thể do phối hợp nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
3. Cười hở lợi có bao nhiêu phân độ? Dựa vào mức độ hở lợi khi cười, cười hở lợi được chia thành 4 mức độ: – Cười hở lợi nhẹ: Biểu hiện của trường hợp này là khi cười, mô nướu lộ nhiều hơn 3mm và ít hơn 25% chiều dài của răng. – Cười hở lợi trung bình: Biểu hiện của trường hợp này là khi cười, mô nướu lộ nhiều hơn 25% và ít hơn 50% chiều dài của răng. – Cười hở lợi nặng: Biểu hiện của trường hợp này là khi cười, mô nướu lộ nhiều hơn 50% và ít hơn 100% chiều dài của răng. – Cười hở lợi rất nặng: Biểu hiện của trường hợp này là khi cười, mô nướu lộ nhiều hơn 100% chiều dài của răng.
4. Có những phương pháp nào để điều trị cười hở lợi? Tùy theo từng nguyên nhân khác nhau của cười hở lợi mà có phương pháp điều trị phù hợp, hoặc có thể kết hợp nhiều phương pháp để đạt được thẩm mỹ tốt nhất: – Nếu do thân răng ngắn: Phẫu thuật làm dài thân răng, đây là phương pháp phổ biến nhất. Phẫu thuật làm dài thân răng bằng cách cắt nướu hoặc dời nướu về phía chân răng, có thể phải điều chỉnh xương ổ răng hàm trên (nếu cần). – Nếu do môi trên ngắn: Phẫu thuật tạo hình làm dài môi trên, phẫu thuật được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa thẩm mỹ. – Đối với nguyên nhân cường cơ nâng môi trên: Điều trị bằng cách làm yếu cơ nâng môi trên bằng cách tiêm botulinum toxin (thuộc chuyên khoa thẩm mỹ) hoặc cắt và định vị lại vị trí cơ nâng môi trên. – Cười hở lợi do quá phát xương hàm trên và xương ổ răng quá dày: Là nguyên nhân khó giải quyết nhất trong điều trị cười hở lợi. Điều trị chỉnh nha kéo lui răng hàm trên giảm hô, giảm cười hở lợi, có thể cần phải kết hợp cắt nướu sau chỉnh nha. Trường hợp nặng, cần phải phẫu thuật di dời hàm trên lên trên vừa cải thiện thẩm mỹ gương mặt và thẩm mỹ nụ cười.
5. Phương pháp phẫu thuật làm dài thân răng điều trị cười hở lợi thực hiện như thế nào? – Phương pháp làm dài thân răng bằng cách cắt đi phần nướu quá triển, tạo lại dạng đường viền nướu hoặc di chuyển đường viền nướu về phía chân răng, có thể kết hợp với mài điều chỉnh phần xương ổ (nếu cần). Quy trình điều trị tại Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Gia Đình: – Bước 1: Khám, chẩn đoán nguyên nhân, chụp phim (panorama hoặc CT) và tư vấn hướng điều trị, lấy dấu nghiên cứu. – Bước 2: Xét nghiệm máu, vệ sinh răng miệng (lấy cao răng, đánh bóng). – Bước 3: Phẫu thuật cắt nướu bằng dao hoặc tia laser đảm bảo cầm máu, lật vạt, điều chỉnh xương ổ răng (nếu cần) sau đó khâu đóng vạt nướu tại vị trí mới. – Bước 4: Tái khám kiểm tra và cắt chỉ sau 7 – 10 ngày.
6. Thời gian thực hiện điều trị trong bao lâu? – Lần khám đầu để lấy dữ liệu: Bệnh nhân thực hiện chụp hình, chụp X quang, lấy dấu hàm và các xét nghiệm cần thiết. – Lần hẹn tiếp theo: Phẫu thuật làm dài thân răng trong thời gian khoảng 20 – 40 phút, tùy theo số lượng răng cần phải điều chỉnh, có hay không điều chỉnh xương ổ.
7. Biến chứng có thể gặp sau khi phẫu thuật làm dài thân răng điều trị cười hở lợi? Cắt nướu là phẫu thuật đơn giản, ít gây xâm lấn vào cấu trúc cơ thể, tương đối an toàn, rất ít xảy ra biến chứng nguy hiểm. – Chảy máu sau phẫu thuật: Thực hiện cắt nướu bằng Laser giúp giảm chảy máu sau phẫu thuật. Chảy máu có thể gặp khi chải răng mạnh sau phẫu thuật. – Sưng, phù nề môi trên: Do thuốc tê và cấu trúc giải phẫu lỏng lẻo. Bác sỹ sẽ chỉ định thuốc kháng viêm, giảm sưng sau phẫu thuật. – Đau sau phẫu thuật: Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc giảm đau trong 2-3 ngày. – Khó khăn khi ăn nhai. – Nhiễm trùng tại vị trí cắt nướu: Thường do quá trình vệ sinh và ăn uống sau phẫu thuật. – Viêm nha chu: Do không vệ sinh răng miệng định kì, không tuân thủ lời dặn của bác sỹ hoặc tác động lực không tốt lên răng gây ảnh hưởng lên quá trình lành thương dẫn tới bệnh lý viêm nha chu.
8. Những điều cần biết trước khi phẫu thuật làm dài thân răng điều trị cười hở lợi? – Bệnh nhân được kiểm tra, khám lâm sàng kĩ lưỡng, khai thác bệnh sử của bản thân và người nhà. Chú ý thông báo với bác sỹ các bệnh lý toàn thân: bệnh lý về máu, tim mạch, tiểu đường, gan, thận,… hay dị ứng. – Thực hiện xét nghiệm công thức máu, PT, chụp X quang là cần thiết trước khi tiến hành phẫu thuật. – Phẫu thuật cắt nướu làm dài thân răng là phẫu thuật đơn giản, nhanh chóng, ít xâm lấn và tương đối an toàn. – Cần lấy cao răng, đánh bóng trước khi tiến hành để tránh nhiễm trùng sau phẫu thuật.
9. Những điều cần biết trong khi phẫu thuật làm dài thân răng điều trị cười hở lợi? – Phẫu thuật cắt nướu, điều chỉnh xương ổ được thực hiện dưới gây tê tại chỗ nhẹ nhàng, không đau nhiều.
– Sử dụng tia laser để cắt lợi sẽ ít chảy máu, nhanh lành thương và thời gian thực hiện nhanh hơn dùng dao thường. – Bác sỹ thực hiện có chuyên môn, kinh nghiệm, thận trọng, động tác chính xác để đạt thẩm mỹ đường viền nướu và không ảnh hưởng chân răng khi mài điều chỉnh xương ổ cho bệnh nhân. – Vết thương được khâu bằng chỉ không tiêu và cắt chỉ sau 7 – 10 ngày.
10. Những điều cần biết sau khi điều trị cười hở lợi bằng phẫu thuật làm dài thân răng? – Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi ê tại vùng răng được cắt nướu, kèm sưng tại vùng phẫu thuật trong khoảng 2-3 ngày đầu. Bệnh nhân cần uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ. – Bệnh nhân nên ăn cháo nguội, hoặc thức ăn mềm trong hai ngày đầu. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng với dung dịch sát khuẩn. Có thể ăn uống bình thường sau một tuần.
– Tái khám sau 1 tuần để kiểm tra vết thương và cắt chỉ. – Nếu có dấu hiệu bất thường nào sau đây nên liên hệ ngay với bệnh viện để được bác sỹ hướng dẫn cụ thể: + Chảy máu kéo dài, khó cầm. + Đau nhiều tại vị trí cắt nướu, chỉnh xương, kèm sưng nề nhiều. + Đau răng nhiều hay lung lay răng khi ăn nhai. + Bầm tím nướu tại vị trí ngách hành lang. + Nổi mề đay, nôn ói, mệt mỏi, dị ứng sau khi uống thuốc. + Bung hết chỉ khâu trong những ngày đầu gây chảy máu.
Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.