Các tội phạm thuộc nhóm xâm phạm quyền sở hữu rất đa dạng, gây ra không ít nhầm lẫn cho những người thực hiện pháp luật. Trong thời gian gần đây, Tổng đài tư vấn của Luật Hoàng Phi thường xuyên nhận được những thắc mắc của Quý độc giả về Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản năm 2022. Bởi vậy, chúng tôi thực hiện bài viết dưới đây nhằm giúp Quý vị nhận thức rõ hơn về tội phạm này.
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là gì?
Theo quy định tại Điều 172 – Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau:
Các yếu tố cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội này có dấu hiệu sau:
– Về hành vi. Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai. Được hiểu là việc chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội không cần che giấu hành vi phạm tội, hành vi đó được thực hiện trước mặt người bị hại và những người khác.
Việc thực hiện hành vi chiếm đoạt này thường là do người phạm tội biết người bị hại không dám hoặc không có đủ khả năng tự vệ để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tài sản đó (như biết bị hại là người già yếu, người bị hại là trẻ em…).
Mặt khác, việc thực hiện hành vi chiếm đoạt xảy ra bình thường (không nhanh chóng như đối với tội cướp giật tài sản) người phạm tội rời khỏi nơi thực hiện tội phạm. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa tội cướp giật tài sản với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Lưu ý:
Người phạm tội sau khi đã thực hiện xong một tội phạm nào đó (như tội giết người, tội cố ý gây thương tích, hiếp dâm..) làm cho người bị hại không còn khả năng, hoặc bị hạn chế khả năng bảo vệ tài sản, thì mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, thông qua hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này không phải là tội cướp tài sản, mà là tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
– Dấu hiệu khác.
+ Về giá trị tài sản. Giá trị chiếm đoạt tài sản phải từ hai triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới hai triệu đồng thì phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt (như trộm cắp, lừa đảo tài sản…) hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt (như tội trộm cắp tài sản, tội cướp giật tài sản…) chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Khách thể:
Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Chủ thể:
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Hình phạt đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản?
Mức hình phạt của tội này được chia thành bốn khung, cụ thể như sau:
– Khung một (khoản 1)
Có mức phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.
– Khung hai (khoản 2)
Có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
+ Hành hung để tẩu thoát (xem giải thích tương tự ở tội cướp tài sản).
+ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
+ Tái phạm nguy hiểm (xem giải thích tương tự ở tội cướp tài sản).
+ Gây hậu quả nghiêm trọng (xem giải thích tương tự ở tội cướp tài sản).
– Khung ba (khoản 3)
Có mức phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
+ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
+ Gây hậu quả nghiêm trọng (xem giải thích tương tự ở tội cướp tài sản).
– Khung bốn (khoản 4)
Có mức phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
+ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.
+ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (xem giải thích tương tự ở tội cướp tài sản)
– Hình phạt bổ sung (khoản 5)
Ngoài việc phải chịu hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
Mức xử phạt hành chính tội công nhiên chiếm đoạt tài sản?
Nếu thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản dưới mức chịu trách nhiệm hình sự (giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 02 triệu, chưa phạm tội lần nào,…) thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.
Theo điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt với hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác là phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng. Như vậy, người công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt tiền đến 02 triệu đồng.
Ví dụ tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Vào một ngày đẹp trời, Anh quyết định đến nhà bạn gái chơi, tuy nhiên, do quá vui háo hức nên A đã bị ngã xe vào đống bùn, Anh để xe trên đường và đi xuống bờ sông để rửa chân tay, quần áo. B khi đi ngang qua thấy xe không có người trông coi và vẫn còn chìa khóa nên tiến đến lấy. Dù đã nhìn thấy hành vi trộm cắp từ xa của B, A không thể tiến đến ngăn chặn vì đang kẹt ở dòng sông, do vậy đã để B chiếm đoạt tài sản của mình và chạy mất.
Quý khách có thể tham khảo nội dung mục HỎI – ĐÁP liên quan đến nội dung bài viết trên như sau:
Xử lý công nhiên chiếm đoạt tài sản như thế nào?
Tôi hiện cư ngụ tại thành phố Bà Rịa – Bà Rịa Vũng Tàu. Ngày 25/6/2018, tôi và một người bạn ngụ tại huyện Long Điền-BRVT có dùng bữa tại quán ăn trên địa bàn thành Phố Bà Rịa. Trong khi dùng bữa ăn có dùng vài lon bia. Khi tôi tính tiền ra về thì đi qua bàn có người quen kế bên chào hỏi. Lúc đi tôi có để lại cái bóp trên bàn, trong bóp có khoảng 2.800.000đ. Nhưng khi quay lại thì cái bóp không còn trên bàn, lúc đó người bạn của tôi cũng đã đứng lên đi về. Tôi nghĩ bạn tôi đã giữ bóp giùm nên tôi cũng dắt xe ra về. Nhưng khi dắt xe ra thì không thấy người bạn đó nữa, nên tôi cố gắng chạy theo và bị ngã xe nên không theo kịp. Sau đó tôi gọi điện thoại thì người bạn đó nói rằng đang ăn bún ở quán cách đó khoảng 5 km và cũng bảo rằng đang giữ bóp của tôi, nên tôi hỏi địa chỉ quán để đến lấy bóp, nhưng khi tới nơi thì người bạn đó bảo rằng đã về nhà trọ rồi (ở trọ tại huyện Tân Thành-BRVT) nên bảo tôi ngày mai sẽ đưa lại bóp cho tôi. Vì lúc đó cũng đã hơn 21h nên tôi về nhà. Đến ngày hôm sau tôi gọi thì anh ta bảo chiều sẽ vể để trả lại bóp cho tôi. Nhưng chiều khóa máy nên tôi không liên lạc được.Đến ngày 28/6 tôi mới liên lạc được thì lại bảo rằng do tối 26/8 dùng tiền của tôi cá độ đá banh nên không còn nữa và xin lỗi tôi và hứa sẽ trả lại cho tôi. Nhưng đến nay không trả, tôi có nói rằng sẽ thưa pháp luật nhưng anh ta lại thách tôi.
Vì quyền lợi của mình, tôi không biết có thể nhờ pháp luật can thiệp được không, có thể áp dụng vào tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo luật hình sự hay không?. Mong văn phòng tư vấn luật tư vấn giúp.
Trả lời:
Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, Luật Hoàng Phi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất: Về vấn đề có thể áp dụng vào tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo luật hình sự hay không? Điều 172 Bộ Luật hình sự 2015 có quy định về tội này, theo đó, để xác định có phải là tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hay không thì chúng ta cần xét đến tính chất, hành vi đó:
Về hành vi khách quan: Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai. Được hiểu là việc chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội không cần che giấu hành vi phạm tội, hành vi đó được thực hiện trước mặt người bị hại và những người khác.
Việc thực hiện hành vi chiếm đoạt này thường là do người phạm tội biết người bị hại không dám hoặc không có đủ khả năng tự vệ để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tài sản đó (như biết bị hại là người già yếu, người bị hại là trẻ em…).
Về số tiền: có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Như vậy, căn cứ vào hành vi khách quan chúng ta thấy, hành vi của người này không phải công nhiên chiếm đoạt tài sản mà mang dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản theo Khoản 1 Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015:
Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản đó là có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Trên thực tế, hành vi này làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản không thể thực hiện được các quyền năng (gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hay quản lý) đối với tài sản của họ hoặc được giao quản lý, đồng thời những quyền này lại thuộc về người phạm tội và người này có thể thực hiện được các quyền này một cách trái pháp luật.
+ Đặc trưng của hành vi chiếm đoạt được thực hiện (hành động) một cách lén lút, bí mật. Việc lén lút, bí mật là nhằm để che giấu hành vi phạm tội để chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết việc chiếm đoạt đó.
=> Do đó, đối chiếu theo thông tin bạn cung cấp, người bạn kia đã có hành vi lén lút: lợi dụng lúc bạn đi ra thành toán tiền và thấy ví ở trên bàn nên đã cầm ví của bạn đi về luôn. Thự ra, hành vi của người này được diễn ra công khai nhưng không ai biết việc phạm tội nhằm che giấu tính chất của hành vi.
Hơn nữa, số tiền trong ví của bạn là 2 triệu 800.000 đồng. Đối với tội trộm cắp tài sản thì trộm cắp với số tiền là 2 triệu đồng trở lên.
Vì vậy, chúng tôi khẳng định trường hợp này: người bạn của bạn phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định khoản 1 Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015, với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu người bạn của bạn cố tình không trả lại ví thì bạn có thể viết đơn trình báo với cơ quan công an cấp Huyện có thẩm quyền để được giải quyết.