Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III, IFRS 9 và sẽ triển khai toàn diện ngay từ quý IV năm nay. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên trên thị trường được một bên thứ 3 là Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG đứng ra rà soát độc lập và công nhận về kết quả này.
Bạn đang đọc: Basel III – Bước nhảy vọt của TPBank – Báo Người lao động
Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng cho tới cuối năm ngoái mới cơ bản áp dụng Basel II. Hiện chưa có bất kỳ quy định nào về Basel III và vẫn chưa có quy định nào bắt buộc phải áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn này cho các ngân hàng. Với bước đi này, TPBank trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên áp dụng đồng thời hai chuẩn mực về quản trị rủi ro và báo cáo tài chính khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới.
Đổi lợi nhuận lấy sự bền vững
Basel III là phiên bản mới của tiêu chuẩn hoạt động ngân hàng toàn cầu, được ban hành vào năm 2010 nhằm khắc phục hàng loạt hạn chế của những quy định Basel trước đó, trong bối cảnh thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Tương tự, IFRS 9 là chuẩn mực kế toán mới được ban hành sau giai đoạn này, nhằm thay đổi cách phân loại và đo lường tài sản tài chính.
Lợi ích của việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn mới là giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, sức chống chịu của ngân hàng trước những biến cố có thể xảy ra. Tuy nhiên, chính điểm này cũng trở thành một trong những khó khăn lớn nhất với các ngân hàng nếu chọn tiến lên. “Chúng tôi đã phải đánh đổi khi áp dụng Basel III”, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết.
Nội tại của các tiêu chuẩn Basel xoay quanh hai chỉ tiêu quan trọng là vốn và thanh toán. Chuẩn mực càng cao đòi hỏi ngân hàng phải chuẩn bị lượng vốn càng dồi dào, chấp nhận một mức đệm dự phòng lớn hơn để giảm rủi ro trong hoạt động. Khi vốn bị giữ lại nhiều hơn để dự phòng, khả năng sinh lời sẽ bị ảnh hưởng. Theo tính toán của ban lãnh đạo TPBank, ngân hàng sẽ phải duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn nhưng đổi lại sẽ bảo đảm thanh khoản, có đủ đệm vốn dự trữ chống chịu được các biến động bất thường của thị trường, đồng thời nâng cao được vị thế và uy tín cho ngân hàng, nhờ vậy, có thể dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
“Triển khai Basel III thì chắc chắn ngân hàng sẽ phải duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn, đồng thời cũng đòi hỏi ngân hàng phải tăng thêm vốn liên tục để bảo đảm khả năng mở rộng. Chúng tôi sẽ không thể làm được nếu không có sự đồng thuận và quyết tâm cao của Hội đồng quản trị”, ông Hưng chia sẻ.
Tạo dựng niềm tin – vươn tầm quốc tế
Hội đồng quản trị là người đại diện cho tiếng nói của các cổ đông, những người chủ của ngân hàng, và cũng là chủ thể bị ảnh hưởng lớn nhất khi lợi nhuận bị thu hẹp. Tuy nhiên, nếu nhìn từ thăng trầm của TPBank, không khó để hiểu tại sao Hội đồng quản trị nhà băng này lại kiên định với mục tiêu bền vững hơn là lợi nhuận.
TPBank cách đây hơn một thập kỷ, khi có sự tham gia của nhóm cổ đông mới là hai anh em ông Đỗ Minh Phú và ông Đỗ Anh Tú, là một trong những ngân hàng trong diện phải tái cơ cấu, mất gần hết vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, sự kiên định trong định hướng tăng trưởng đi đôi với quản trị rủi ro bền vững đã giúp ngân hàng này vươn lên trở thành một trong những ngân hàng thương mại nhóm đầu.
Thực tế, với Basel III, định hướng của ban lãnh đạo TPBank đã có từ năm 2015 thông qua việc tự nghiên cứu và áp dụng nội bộ một số yêu cầu của chuẩn mực này về quản lý rủi ro thanh khoản. Cuối năm 2020, TPBank tiếp tục triển khai các cấu phần còn lại của Basel III và tới nay đã hoàn toàn tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn này.
“Điều đó giải thích vì sao TPBank có thể đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của Basel III chỉ trong thời gian ngắn sau khi triển khai toàn diện Basel II vào đầu năm ngoái”, CEO TPBank cho biết.
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Vinh, Phó TGĐ dịch vụ tài chính ngân hàng – KPMG Việt Nam, một trong những ưu điểm lớn nhất khi áp dụng các quy định quản lý rủi ro chặt chẽ hơn, như Basel III, là việc tạo dựng niềm tin. “Mức độ trưởng thành trong quản trị rủi ro của ngân hàng tăng lên tạo niềm tin cho nhà đầu tư và thị trường khi gửi gắm sự tín nhiệm. Điều này thể hiện qua sự minh bạch trong công bố thông tin, nhờ đó, nâng cấp, quản trị hiệu quả rủi ro hơn”, ông Vinh nhận xét.
Khi thị trường, những nhà đầu tư có niềm tin, xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng sẽ cao hơn, dẫn đến khả năng tiếp cận các nguồn vốn rẻ hơn. Đồng thời, không chỉ là lợi ích riêng của một chủ thể ngân hàng, việc áp dụng tiêu chuẩn quản trị cao hơn sẽ tạo hình ảnh tốt, ổn định của Việt Nam để tăng mức độ tín nhiệm với các nhà đầu tư quốc tế, giúp mở ra các cơ hội hợp tác và đầu tư.
Basel III cũng giúp các tổ chức tín dụng tăng cường khả năng chịu đựng trước các cú sốc của nền kinh tế, với các tiêu chí cải thiện vốn, khả năng thanh khoản, cơ cấu huy động, mang đến niềm tin cho khách hàng. Khi thị trường có các tổ chức tiên phong triển khai Basel III, như TPBank, sẽ mang lại kinh nghiệm trong việc triển khai cho các ngân hàng khác, khi những vấn đề trong hoạt động của TPBank sẽ được chia sẻ, lắng nghe, và được phản biện với các nhà hoạch định chính sách. “Điều này là một trong những lợi ích quan trọng nhất”, Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh – Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận xét.
“Chúng tôi đánh giá rất cao định hướng phát triển ngay từ ban đầu của ban lãnh đạo TPBank, với giá trị cốt lõi dựa trên việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Lê Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), chia sẻ. Chính việc duy trì giá trị cốt lõi xuyên suốt này, theo ông Kiên, đã giúp TPBank gặt hái “trái ngọt” sau hơn một thập kỷ vượt khó.
>>>>>Xem thêm: Kỹ sư cầu nối là gì và cơ hội nghề nghiệp lương bổng của BrSE