Bùa chú là một danh từ tự nó đã gây một ý niệm thần bí nhưng lại thường đi đôi với những huyền thọai hay lờì đồn đãi diêu ngôn. Chưa ai dám nói là đã kiểm chứng sự thực ra sao mà trái lại chính mình đã thêm thắt nhiều tình tiết ly kỳ khiến cho nó càng lúc càng thần bí thêm. Cái rắc rối là nó vẫn tồn tại vì nó bắt rễ vào lòng tin của đa số con người về cái điều mà người ta mệnh danh là huyền linh hay huyền thuật.
Bạn đang đọc: BÙA CHÚ LÀ GÌ? – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều
Danh từ Bùa Chú chỉ hai thứ thường đi đôi với nhau, tức là lá bùa và câu chú mà các đạo sĩ hay phù thủy cấp cho người ta để phòng thân, cầu an hay cầu phúc cho một cơ sở, nhà cửa hay dinh thự với hiệu lực thần kỳ là khử trừ ma quỉ thường được giới tà thuật chế tạo ra đế điều khiến những âm binh trong mục đích hãm hại người ta.
Danh từ Bùa Chú cũng thường được thay thế bằng chữ Bùa Ngải. Bùa là lá bùa viết ra, Chú là lời chú nguyền còn Ngải là thứ cây thuốc làm mê lú. Nói giản dị thì như vậy, Bùa chú là một vấn đề thiên hình vạn trạng, phải khảo sát tùy theo lịch sử và theo mỗi dân tộc cùng văn hóa đã phát sinh ra chúng. Dò trong thư tịch khắp thế giới, hầu như mọi dân tộc trên địa cầu đều có những phong tục cầu khẩn nghi lễ riêng về những lá bùa viết bằng những thứ cồ tự huyền bí của họ, chẳng hạn như bùa Ai Cập, bùa Ba tư, bùa Hy lạp, bùa La Mã, bùa Ản độ, bùa Thái, bùa Miên…
Vì bùa chú giống như một khu rừng rậm u linh, nên có thề nói trong kho sách Việt ngữ, ngoài vài cuốn sách nói về phong tục Việt Nam như của các tác giả Phan Kế Bính, Toan Ánh với sự giới thiệu những nét đại cương, thì thực sự chưa có một cuộc khảo sát về vấn đề bùa chú một cách có hệ thống và phương pháp học như các sách thâm cứu của các học giả dân tộc học Tây Phương. Chẳng hạn như những sự khảo cứu rất chi tiết về bùa chú Trung Hoa mà hiện nay chưa ai qua mặt về giá trị của các học giả De Groot (qua cuốn Religious System of China), Henri Maspero (qua cuốn Taoism et Chinese Religion). Còn trực tiếp nói đến những niềm tín ngưỡng và điều thực hành về tôn giáo của dân Việt thì có Léopold Cadière với cuốn biên khảo công phu Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens ( Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp quốc), nhưng không đi sâu vào những chi tiết thực tế về nghi thức cúng tế và bùa chú.
Từ lâu, nhiều độc giả Việt Nam vẫn khao khát một cuộc khảo sát thực sự và rốt ráo về đề tài Bùa Chú liên quan trực tiếp với nền văn hóa tín ngưỡng của riêng Việt Nam ra sao? Nước Việt vốn chịu ảnh hưởng của văn minh và văn hóa học thuật của Trung Hoa qua nhiều thế kỷ nên trong sự khảo sát về bùa chú ở Việt Nam đương nhiên không thể tách rời sự duyệt lại những khía cạnh lịch sử, những nguồn tín ngưỡng và tôn giáo của Trung Hoa từ đời Tây Chu, rồi qua Bách gia chư tử thời Chiến quốc và nhất là ba nguồn tông giáo quan trọng Nho, Lão, Phật … với một khu rừng rậm rạp cực kỳ bao la về thư tịch và trước tác bằng cổ ngữ Hán Văn. Chỉ riêng về pho kinh điển của Đạo giáo đã là một khu rừng sách để biết bao nhiêu học giả Trung Quốc, Nhật Bản, Tây phương phải dầy công sắp xếp phân loại, vì sách truyền qua nhiều thời đại có thêm nhiều sự trước tác khác về sau ghép vô. Ví dụ như Linh Mục Léon Wieger, một giáo sĩ giông Jésuite- vào năm 1911 đã cố gắng lập một thư mục phân tích về pho kinh Đạo Tàng, đã đến con số 1464 tựa đề trên những bộ sách của pho kinh Đạo Tàng.
Pho kinh Đạo Tàng lần đầu được in lại vào năm 1926. Pho kinh này vừa rồi lại được học viện về Đông Phương Học thuộc University of California Berkely mở một công trình khảo sát lại phần thư mục với tựa đề là: A survey of Taoist Literature, tenth to seventeenth centuries. Nhìn lại công trình khảo sát của thiên hạ, chúng ta mới quả thấy mình như chim chích lạc vô rừng sâu.
Danh từ gọi bùa chú trong ngôn ngữ Tây phương là “amulet” có nguồn gốc chưa được xác định rõ ràng. Có thể nói tự nó là một chứng vật bảo đảm cho người giữ nó khỏi sự hiểm nghèo, nguy nan do sự hãm hại của pháp thuật phù thủy, và từ hồi nào nó vẫn là một chứng tích cho những sự thành công thu hoạch trong nhiều địa hạt kinh doanh. Trong đám dân Hy lạp, bùa còn được gọi bằng nhiều tên khác và trong đám dân Ả Rập và Ba Tư, danh từ “Amulet” được quen thuộc thay bằng chữ “Talisman” gốc từ chữ Hy Lạp. Vào thời tối cổ, ở cái nôi văn minh của nhân loại vùng Cận Đông đã rộ lên một phong trào dùng những thứ bùa làm bằng đủ thứ vật liệu dưới đủ hình thức như đá, ngọc, vàng, tượng thần, da thú mang những dòng bí ngữ, câu chúc phúc hay lời chú nguyền rủa. Bùa tối cổ của dân Ai Cập thường tạc theo hình con bọ hung (scarab).
Dân Do Thái là một dân tộc sớm tin vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa và tôn thờ Thiên Chúa độc tôn (Deism), tuy được kiểm soát chặt chẽ dưới lề luật của thủ lãnh Moses, vẫn không thoát khỏi sự tiêm nhiễm vào sự tin tưởng về bùa chú. Tra cứu sách Kinh Thánh Cựu Ước, ở những chương của Sáng Thế Ký (Genesis XXXi,19: XXXV,4), người ta thấy trong thời đại của các Tổ phụ ( Patriarchal time), những thứ bùa đã được nhắc đến rồi, vì dân Do Thái đã tiếp xúc và tiêm nhiễm lề thói dùng bùa một cách rộng rãi từ những dân ngoại như Ai Cập và Babylon. Khởi đầu có thể là một vài túi da đựng một vài đoạn của kinh Luật Moses dùng một cách vô tình nhưng sau với chủ ý như những thứ bùa. Người ta lại thấy các phụ nữ Do Thái mê thích những bùa đeo dưới hình thức nữ trang đeo cổ, đeo tai (Isaya iii). Sự mê tín của dân Do thái càng lúc càng mãnh liệt trong thời gian sau Cựu Ước, một phần là do sự tiếp xúc càng lúc càng tự do với các dân khác, một phần là do sự quá khắt khe trong sự giữ đạo trong đời sống. Tâm lý đeo bùa phần lớn bắt nguồn từ sự ngu tối và lòng mê tín của quần chúng.
Kịp đến lúc Thiên Chúa giáo ra đời, người ta tưởng rằng bùa chú sẽ biến mất với sự tin tưởng rằng Chúa sẽ thắng ma quỉ, tà thần. Nhưng trong đám tín đồ cải giáo tân tòng từ những tín ngưỡng của dân ngoại đạo vẫn mang nặng khuynh hướng dùng bùa như họ vốn tin, và có một sự chuyển hướng lòng tin nhiệt cuồng này vào các hình thức biểu tượng tôn thờ đối với đấng Ki-tô.
[Riêng đối với Thiên Chúa Giáo, giáo phái Coptic ở Ai cập, người ta còn sưu tầm một pho sách chứa nhiều điều tin tưởng và thực hành về bùa chú pháp thuật của những tín đồ vào thời Thiên Chúa giáo mới truyền qua Ai Cập]
Từ ban đầu Giáo Hội đã được báo động và có thái độ nghiêm khắc: Công đồng Laodicea vào thế kỷ thứ 4 sau khi cấm hàng giáo sĩ trở thành phù thủy và chế bùa phép còn quyết định “rút phép thông công” những kẻ đeo bùa. Những món vật liên quan mật thiết tới sự sủng mộ với đấng Kitô vào những hình ảnh về Con Chiên Thiên Chúa, lá chà là hay di tích của các vị Tử Đạo trong thời gian thành lập của Giáo hội và những tượng ảnh của các vị Thánh, hình Chúa Chiên Lành về sau này cũng được tôn kính trong một chiều hướng tương đối nào đó.
Trong nhãn quan của Giáo hội không hẳn là không khôn ngoan, những món vật trên cũng chứa đựng chút gì uy lực ẩn tàng và thiêng liêng và tự thân chúng đối với những người mang chúng cũng được kể như là một bảo đảm phòng chống những điều hãm hại hay mang lại một sự thành công. Trong Công Đồng Trent (XXV), Giáo hội dứt khoát đưa ra một huấn thị đầy uy quyền về sự vinh danh đối với những ảnh tượng của đấng Ki-tô, Đức Mẹ Thánh Đồng Trinh và Các Thánh Nam Nữ. Tuy huấn thị hoàn toàn không đả động đến bùa nhưng lời lẽ của nó khuyến dụ người ta nên có thái độ tín mộ sùng kính những ảnh tượng hơn là tin tưởng chúng như những thứ bùa để người ta cầu xin một việc gì. Dầu sao đi nữa, vấn đề tôn kính những ảnh tượng của Công giáo vẫn là một lý lẽ để các giáo phái Tin Lành không đồng ý mà chống đối với Công giáo.
Nhìn qua những chậu lục khác như Phi Châu, Mỹ châu, vấn đề dùng bùa chú chỉ là một phương thuật hay nói đúng ra một bộ phận của một hình thức nghi lễ về tín ngưỡng gọi chung bằng danh từ “Đạo Pháp Thuật” hay “Phù Thủy” (Shamanism). Ngoài bùa chú, đạo sĩ tùy theo địa phương và phong tục còn sử dụng linh tinh nhiều thứ như: thiêu đốt những hương liệu, hít hay uống ma túy dược, khua trống rộn ràng, nhẩy múa, ca hát, âm nhạc cuồng điên như trong một buổi tế lễ thần linh. Trong khung cảnh nghi lễ của Đạo giáo Á Đông , bùa nói chung cũng thường đi đôi với ngải mê, thuốc lú, với nghi lễ cúng tế âm binh với những hành động đọc chú, bắt quyết, đạp bộ v.v…( như sẽ được khào sát kỹ ở phần sau)
Lược trích Lời nói đầu sách “Phù thuật Việt Nam” của Lê Văn Lân
>>>>>Xem thêm: Đi phượt là gì? Đã còn trẻ thì phải đi " Phượt " cùng bạn bè mới có tinh thần tuổi trẻ