Các thuốc steroid uống – Y học cộng đồng

Những thuốc kháng viêm chứa steroid dùng bằng đường miệng thường được gọi là steroid đường uống. Thuốc có hiệu quả trong nhiều bệnh tuy nhiên cũng gây ra không ít tác dụng phụ. Bài viết này thảo luận về những tác dụng phụ chính của thuốc và cung cấp thêm một số thông tin cần thiết liên quan đến việc sử dụng thuốc. Một điểm rất quan trọng cần nhớ là: nếu bạn đang dùng steroid trong thời gian hơn ba tuần thì không được ngưng thuốc đột ngột vì nguy cơ bị suy tuyến thượng thận cấp có thể đe dọa tính mạng. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang gặp tác dụng phụ của thuốc, không nên tự ý ngưng thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

Bạn đang đọc: Các thuốc steroid uống – Y học cộng đồng

Steroid là gì?

Steroid (còn được gọi là cortisone hoặc corticosteroid) là những chất hóa học tự nhiên (hormones) do cơ thể tự tạo ra, có tác dụng làm giảm viêm, ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể, ngăn chặn giải phóng histamine (một hóa chất trung gian được tạo ra trong phản ứng dị ứng). Người ta tổng hợp và sản xuất ra các thuốc kháng viêm chứa steroid bắt chước hoạt tính kể trên của các steroid tự nhiên.

Các loại steroid dùng trong điều trị được gọi là corticosteroids. Nó không phải là steroid đồng hóa (anabolic steroid) mà một số vận động viên và người tập thể hình sử dụng, steroid đồng hóa có tác dụng rất khác với thuốc kháng viêm chứa steroid. Steroid được đóng gói dưới nhiều dạng: viên nén, viên nén hòa tan, dung dịch, kem, thuốc mỡ, thuốc hít và tiêm.

Steroid đường uống là loại steroid mà bạn có thể dùng bằng đường miệng như viên nén, viên nén hòa tan và dạng dung dịch. Chúng rất đa dạng về chủng loại và có nhiều tên thương mại khác nhau. Prednisolone là một steroid đường uống thông dụng nhất. Bài viết này thảo luận về các tác dụng phụ chính và cung cấp thêm một số thông tin cần thiết liên quan đến việc sử dụng steroid.

Khi nào bạn được kê toa steroid đường uống?

Steroid đường uống được sử dụng để điều trị rất nhiều bệnh, ví dụ như:

  • Các bệnh viêm đường ruột (như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng,…)
  • Bệnh tự miễn (như lupus, hội chứng thận hư nguyên phát, viêm gan tự miễn,…)
  • Bệnh cơ và khớp (như viêm khớp dạng thấp, đau đa cơ do thấp)
  • Dị ứng và hen suyễn.
  • Điều trị thay thế cho những người mà cơ thể không tự tạo được steroid tự nhiên như trong bệnh Addison (một dạng của suy tuyến thượng thận mạn)
  • Chúng cũng được sử dụng để điều trị trong một số bệnh ung thư.

Một số đặc điểm chung về steroid đường uống

Dùng steroid ngắn ngày thường không gây tác dụng phụ. Ví dụ bệnh nhân mắc cơn hen nặng có thể được kê toa steroid trong 1-2 tuần và điều này thường không gây hại gì. Tác dụng phụ sẽ xảy ra nhiều hơn nếu bạn dùng steroid dài ngày (hơn 2-3 tháng), hoặc ngắn ngày nhưng lặp đi lặp lại. Liều càng cao thì nguy cơ bị tác dụng phụ ngày càng cao. Đây là lý do tại sao trong những bệnh cần dùng steroid lâu dài, người ta chỉ dùng với liều thấp nhất vừa đủ để kiểm soát triệu chứng. Một số bệnh cần dùng liều cao hơn so với các bệnh khác, thậm chí cùng mắc bệnh như nhau nhưng liều thuốc cũng khác nhau giữa các bệnh nhân.

Điều trị thông thường sẽ khởi đầu bằng steroid liều cao để kiểm soát triệu chứng nhanh và sau đó giảm liều dần đến liều duy trì để ngăn triệu chứng quay trở lại. Thời gian điều trị thay đổi tùy thuộc vào từng bệnh. Khi bệnh cải thiện có thể giảm liều dần, tuy nhiên cũng có một số trường hợp, không thể ngưng steroid vì nếu ngưng thuốc thì các triệu chứng sẽ bùng phát trở lại.

Các tác dụng phụ của steroid đường uống là gì?

Đối với một số bệnh, người ta sử dụng steroid vì lợi ích của việc dùng thuốc lớn hơn nguy cơ bị tác dụng phụ. Bạn nên đọc tờ thông tin thuốc đi kèm với hộp thuốc, trong đó có một danh sách các tác dụng phụ có thể xảy ra, bao gồm:

  • Loãng xương. Tuy nhiên, nếu bạn có nguy cơ cao bị loãng xương bạn có thể được kê toa biphosphonate là một thuốc giúp ngăn ngừa sự mất xương.
  • Tăng cân, mặt tròn như mặt trăng.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng, vì steroid ức chế hệ thống miễn dịch. Đặc biệt, bạn có nguy cơ mắc một dạng nặng của bệnh thủy đậu nếu bạn chưa từng bị thủy đậu trong quá khứ hoặc chưa chích ngừa (vì khi đó bạn chưa có miễn dịch). Đa số mọi người mắc thủy đậu lúc còn nhỏ và đã có miễn dịch với nó. Nếu bạn đang dùng steroid và chưa từng bị thủy đậu thì nên giữ khoảng cách với những người bị bệnh thủy đậu hoặc zona. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn vừa tiếp xúc với những người mắc bệnh trên. Ngoài ra, bệnh lao có thể bùng phát trở lại nếu bạn đã từng mắc lao trong quá khứ, thậm chí là nhiều năm trước đây.
  • Tăng huyết áp. Huyết áp nên được kiểm tra thường xuyên và có thể điều trị hạ áp nếu huyết áp tăng cao.
  • Tăng đường huyết. Nếu bạn đã mắc đái tháo đường, steroid sẽ làm cho đường trong máu của bạn cao và khó kiểm soát hơn nên cần điều trị bổ sung. Sử dụng steroid lâu dài còn làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường mới mắc, đặc biệt nếu trong gia đình bạn có người mắc đái tháo đường. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cho bạn kiểm tra đường huyết hằng năm để phát hiện đái tháo đường mới mắc
  • Một số vấn đề về da như chậm lành vết thương, da mỏng, dễ bị bầm, rạn da.
  • Yếu cơ.
  • Thay đổi cảm xúc và hành vi. Một số người thực sự cảm thấy tâm trạng tốt hơn khi họ sử dụng steroid. Tuy nhiên, steroid có thể làm nặng thêm trầm cảm và các vấn đề tâm thần khác, đôi khi có thể gây ra triệu chứng rối loạn tâm thần. Tác dụng phụ này có xu hướng xảy ra trong vòng vài tuần sau khi khởi đầu điều trị và thường liên quan đến liều cao. Một số người thậm chí còn trở nên lẫn lộn, cáu kỉnh, ảo giác và có ý định tự tử. Một người đang điều trị mà bị ngưng thuốc cũng có thể bị tình trạng như trên. Nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn bị thay đổi hành vi hay rối loạn lo âu
  • Tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.
  • Tăng nguy cơ loét dạ dày, tá tràng. Hãy báo bác sĩ biết nếu bạn bị đau bụng hay khó tiêu trong khi đang dùng thuốc.

Trên đây chỉ là những tác dụng phụ chính có thể ảnh hưởng đến người sử dụng steroid. Thường có một sự cân bằng giữa một bên là nguy cơ bị tác dụng phụ với một bên là các tổn thương cơ quan hoặc triệu chứng nặng nếu bệnh không được điều trị bằng steroid. Một số tác dụng phụ ít gặp hơn không được liệt kê ở trên, nhưng sẽ được liệt kê trong tờ rơi đi kèm với hộp thuốc của bạn.

Ngưng steroid đường uống

Không được ngưng đột ngột steroid nếu bạn đang dùng chúng trong hơn ba tuần. Sẽ không vấn đề gì nếu bạn quên liều một vài liều xen kẽ. Tuy nhiên, một khi cơ thể bạn đã quen với steroid mà ngưng thuốc đột ngột có thể khiến bạn bị các triệu chứng “cai thuốc” nghiêm trọng. Tình trạng này nặng dần lên trong vòng một vài ngày kể từ lúc ngưng thuốc. Bất kỳ một thay đổi nào về liều dùng cũng cần được giám sát bởi bác sĩ. Việc giảm liều nên được tiến hành từ từ trong vòng vài tuần.

Tại sao phải giảm liều dần dần trước khi dừng steroid đường uống?

Cơ thể bạn tự tổng hợp được hormone steroid để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Khi sử dụng thuốc steroid kéo dài, việc tiết hormone steroid tự nhiên của cơ thể bị giảm hoặc ngừng hẳn. Nếu sau đó bạn ngưng steroid đột ngột, cơ thể bạn không có sẵn một chút steroid nào cả, dẫn đến xuất hiện triệu chứng “cai thuốc” cho đến khi cơ thể của bạn phục hồi lại việc sản xuất hormone trong vài tuần. Các triệu chứng cai thuốc có thể nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Các biểu hiện thường gặp bao gồm:

  • Yếu cơ.
  • Mệt mỏi.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Đau bụng, tiêu chảy.
  • Hạ đường huyết.
  • Tụt huyết áp có thể khiến bạn choáng váng, hay ngất.

Nếu liều thuốc được giảm từ từ thì cơ thể sẽ khôi phục dần khả năng tự sản xuất steroid tự nhiên và triệu chứng “cai thuốc” sẽ không xảy ra.

Một số điểm quan trọng khác về steroid đường uống

  • Không nên dùng kèm thuốc giảm đau chống viêm khác (như ibuprofen) trong khi đang dùng steroid (trừ khi có chỉ định của bác sĩ). Cả hai cùng làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng.
  • Ở một số nước, những người sử dụng steroid kéo dài sẽ được cấp một “thẻ steroid” hoặc vòng đeo tay hoặc thứ gì đó tương tự để giúp nhân viên y tế có thể nhận diện họ trong những tình huống khẩn cấp. Trên đó cung cấp chi tiết về liều thuốc, tình trạng bệnh của bạn. Nó rất quan trọng trong những trường hợp cấp cứu ví dụ như bạn bị bất tỉnh trong một vụ tai nạn, “thẻ steroid” sẽ giúp bác sĩ nhận diện được bạn là người đang sử dụng steroid kéo dài và cần dùng thuốc đều đặn.
  • Liều steroid có thể được tăng lên tạm thời trong lúc bạn đang mắc một bệnh cấp tính khác như nhiễm trùng nặng hoặc cần phải phẫu thuật.
  • Hãy đến khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về việc điều trị steroid của bạn.

Ai không thể sử dụng steroid đường uống?

Có rất ít người không thể sử dụng steroid đường uống. Nếu bạn đang mắc một nhiễm trùng nặng (mà chưa được điều trị khống chế nhiễm trùng) thì không nên uống steroid vì nó ức chế hệ thống miễn dịch của bạn.

Tôi có thể tự mua steroid đường uống không?

Bạn không thể tự mua steroid, việc sử dụng thuốc cần có toa của bác sĩ.

Làm thế nào để báo cáo tác dụng phụ của một thuốc

(Hiện chưa phát triển tại Việt Nam.)

Tại vương quốc Anh, nếu bạn nghĩ rằng bạn đang gặp phải tác dụng phụ của một thuốc nào đó, bạn có thể báo cáo lên hệ thống thẻ vàng (Yellow Card Scheme). Bạn có thể làm điều này trực tuyến tại địa chỉ web sau đây: sentayho.com.vn/yellowcard.

Hệ thống thẻ vàng được sử dụng để giúp dược sĩ, bác sĩ và y tá cảnh giác về bất kỳ tác dụng phụ mới nào do thuốc hoặc các sản phẩm chăm sóc sức khỏe gây ra. Nếu bạn muốn báo cáo một tác dụng phụ, bạn sẽ cần phải cung cấp thông tin cơ bản về:

  • Các tác dụng phụ.
  • Tên của các loại thuốc mà bạn nghĩ là nguyên nhân gây ra tác dụng phụ đó
  • Thông tin về người đã gặp phải tác dụng phụ.
  • Thông tin liên lạc của bạn, với vai trò là người báo cáo tác dụng phụ.

Sẽ thuận tiện hơn cho bạn nếu bạn có trong tay loại thuốc và tờ thông tin đi kèm với thuốc trong khi điền mẫu báo cáo.

Tài liệu tham khảo

>>>>>Xem thêm: Các biểu hiện và nguyên nhân loạn thị là gì, có thể chữa khỏi không? | Medlatec

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *