1001 lý do… đi hoang
Với danh nghĩa những tình nguyện viên xã hội đi tìm hiểu cuộc sống của người lang thang, cơ nhỡ, chúng tôi được hai thiếu nữ đi hoang lúc đang ôm nhau ngủ dưới mái hiên nhà số 786 đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10) trút nhiều nỗi niềm. Cô bé dáng người mảnh khảnh nằm mé ngoài sau khi dụi mắt cho biết cô tên Liên, 17 tuổi, nhà ở Nha Trang (Khánh Hòa), đi bụi được 2 tháng với lý do: “Từ khi sinh thằng Biu, ba má chỉ biết có nó thôi. Hễ con làm điều gì phật ý là ba má chửi mắng không tiếc lời”.
Quay sang cô bé đang nằm úp mặt vào tường, Liên cho biết: “Chị tên Mai, lớn hơn con 2 tuổi, nghe nói nhà chỉ ở tận Quảng Nam. Cách đây 2 năm, biết chỉ bị đồng tính chỉ thích chơi với bạn đồng giới, bố mẹ xem chị như quái vật”.
Cuộc sống bờ bụi, bầy đàn đã khiến nhiều cô gái gặp những bi kịch khó lường.
Ngồi bó gối thu lu sau trạm xe buýt nằm bên hông Bệnh viện Thống Nhất (mặt Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình), một cô bé ăn vận nhếch nhác ấp a ấp úng cho biết nhà ở huyện Nhà Bè, 15 tuổi, mới đi bụi chưa được một tuần lễ. “Ba thương con lắm nhưng mẹ thì không. Mẹ đẻ con chết hồi con được 7 tuổi. Năm ngoái, ba lấy mẹ Mai nói để lo cho con nhưng…”. Đang nói tới đây, cô bé im bặt rồi vùng dậy bỏ chạy vào con hẻm sâu hun hút phía bên kia đường khi thấy có 3 anh dân phòng đang trên đường tuần tra tiến lại gần. Lúc này kim đồng hồ báo hơn 2h sáng.
Hôm sau và hôm sau nữa, chúng tôi lại tìm cách tiếp cận với những “nụ hàm tiếu” bờ bụi và ghi nhận nhiều lý do “đuổi” họ ra khỏi nhà. Không ít bạn tâm tình chúng “đi hoang” vì chán cảnh sống tù túng với sự quản thúc chặt của gia đình, vì muốn khẳng định mình… Để tồn tại sau khi số tiền mang theo đã sạch, đứa gia nhập đội quân bán vé số, phụ việc cho các quán ăn, lắm đứa tụ bầy với nhiều nhóm choai choai, dấn sâu vào cuộc sống bầy đàn, và sống bằng nguồn tiền trộm cắp của gia đình và xã hội.
Tệ nạn và cạm bẫy bủa vây
Cách đây không lâu, chúng tôi có viết về trường hợp cô bé Nguyễn Thị Đ., 16 tuổi, ở phường 15, quận 6, hơn chục lần tự sát vì bị gia đình phát hiện đồng tính. Bị nhiều người thân trong gia đình xa lánh, ruồng bỏ, buồn chán, Đ. bỏ học và nhiều lần tự sát không thành.
Biết được hoàn cảnh của Đ., võ sư Lê Đình Phước (Phó Giám đốc Nhà văn hóa thiếu nhi quận 6 – người sáng lập Đoàn lân sư rồng Phù Đổng), đã đón nhận Đ. vào đoàn lân, vỗ về an ủi, động viên em suy nghĩ hướng thiện. Còn nhớ khi trò chuyện với chúng tôi, Đ. cho biết một số bạn cũng “mắc chứng bệnh như em” đã có lối giải quyết nỗi buồn rất tiêu cực là bỏ nhà đi bụi. “Chỉ sau vài tháng làm dân bụi đời, nhiều bạn thay đổi hẳn, từ hiền lành chuyển sang thô lỗ, cộc cằn. Có bạn trước đây ăn nói nhỏ nhẹ thì nay văng tục không ngượng miệng. Rồi các bạn hút thuốc, nhậu nhẹt, sống buông thả do bị ảnh hưởng lối sống của các nhóm bụi đời”.
Với kinh nghiệm đón nhận, cảm hóa hàng trăm giang hồ nhí, trò chuyện về những mối nguy ẩn sau thực trạng thanh thiếu niên, nhất là các bé gái bỏ nhà đi hoang, võ sư Lê Đình Phước trăn trở: “Quen sống trong sự dưỡng bọc của gia đình, nay lao vào đời nhưng không có kỹ năng sống, các em rất dễ trở thành miếng mồi ngon của bọn tội phạm. Không ít trường hợp bé gái đi hoang bị bọn xấu cưỡng hiếp, rủ rê đưa vào con đường hoạt động mại dâm hoặc lừa bán sang biên giới. Nên khi biết trường hợp của Đ. tôi tìm cách giữ em lại vì sợ em sẽ chìm vào hố đen của bọn xấu”. Võ sư Phước âu lo: “Đ. chỉ là trường hợp may mắn. Xã hội còn rất nhiều bé gái đi bụi đã và đang đứng trước nhiều mối nguy khôn tả rất cần được giúp đỡ, giải thoát”.
Tâm tình của võ sư Lê Đình Phước làm chúng tôi nhớ đến tự sự của bé Liên về khoảng thời gian 2 tháng sống bụi bờ: “Nhiều khi con đang ngủ thì có mấy người đàn ông, có người trẻ, có người già đến nằm sát rồi ôm con chặt cứng. Con vùng dậy, la to thì bị mấy ổng bóp cổ, che miệng. May mà có chị Mai kêu cứu họ mới tha cho con”.
Chị Huỳnh Kiều (hiện công tác tại Văn phòng luật sư Hợp Danh Ecolaw), thành viên Đoàn Y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin, tâm tình: “Trong rất nhiều trường hợp thanh thiếu niên sống lang thang mà tôi và các thành viên trong đoàn tiếp xúc để giúp các em trở về gia đình, tôi quan tâm đến số phận các bé gái hơn vì các em chịu nhiều mối nguy hơn bạn lang thang khác phái. Khi sống lang thang theo kiểu bầy đàn, các em có nguy cơ bị các bạn nam trong nhóm lạm dụng tình dục rất cao. Nhiều bé gái lang thang sống bầy đàn ở các công viên, đặc biệt là tại Công viên Gia Định khi được đưa ra khỏi bầy đàn, các em đã bị mất đời con gái, có trường hợp mang thai nhưng không biết mang thai con của ai”…