Ra đời vào năm 1956, cho đến nay, Que Sera Sera đã trở thành một ca khúc bất hủ, được đánh giá là một trong những bài hát hay nhất mọi thời đại. Cùng với giọng hát thánh thót của cố danh ca Doris Day, ca khúc như thổi một luồng gió mới vào âm nhạc thời bấy giờ.
Sau này, khi nói về điệu valse Que Sera Sera, nhiều nhà phê bình vẫn hết lời ca ngợi chất nhẹ nhàng, trữ tình, du dương trong ca khúc. Với phần giai điệu đơn giản lặp đi lặp lại, ca khúc là câu chuyện về cuộc đời của người con gái từ khi còn thơ bé cho đến khi trưởng thành, lập gia đình và có những đứa con. Ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời, người con gái đều giữ nguyên quan điểm của mình: Que Sera Sera – Điều gì đến sẽ đến.
Đây cũng được coi là ca khúc đưa tên tuổi của Doris Day lên hàng ngôi sao danh giá, giúp bà phát triển sự nghiệp huy hoàng của mình trong khoảng thời gian sau này. Tuy nhiên, ngay khi bắt tay vào thu âm, chính bản thân bà cũng chưa từng nghĩ Que Sera Sera sẽ vươn xa đến thế.
Đây là một ca khúc nằm trong bộ phim The Man Who Knew Too Much vào năm 1956 của đạo diễn tài ba Alfred Hitchcock. Với một chút tiếng tăm lúc bấy giờ, Doris Day được mời diễn vai chính cho bộ phim này. Tuy nhiên, vị đạo diễn chưa bao giờ hài lòng với bà, thậm chí, ông từng không đồng ý để nữ ngôi sao mới nổi tham gia bộ phim của mình. Điều kiện duy nhất khiến ông chấp nhận cố danh ca chính là nam tài tử Jimmy Stewart chỉ nhận lời đóng phim nếu có Doris Day.
Mặc dù không hài lòng với Doris nhưng Alfred không bao giờ phủ nhận giọng ca trời phú của bà. Vì vậy, ông quyết định để bà tỏa sáng trong bộ phim bằng cách đặt hàng một ca khúc riêng dành cho bà. “Bài hát ấy nên được đặt tên theo tiếng nước ngoài vì chồng của nhân vật Doris Day thủ vai là một vị đại sứ, thường xuyên phải đi công tác nước ngoài”, đạo diễn Hitchcock đã yêu cầu nhạc sĩ.
Theo đó, 2 nhạc sĩ Ray Evans và Jay Livingston bắt tay vào việc viết một trong những ca khúc kinh điển nhất của thời đại, đó chính là Que Sera Sera. Tên bài hát được đặt theo tiếng Tây Ban Nha, dịch ra có nghĩa là Điều gì đến sẽ đến. Sở dĩ tác giả chọn cái tên này vì Tây Ban Nha là một ngôn ngữ khá thông dụng tại Mỹ thời bấy giờ. Vì vậy, với cái tên này, bài hát vừa đáp ứng yêu cầu của đạo diễn Hitchcock vừa đơn giản, dễ hiểu đối với khán giả.
Tuy nhiên, khó khăn lại tiếp tục ập đến khi Doris Day từ chối thể hiện ca khúc này. Bà cho rằng, giai điệu của ca khúc có phần quá trẻ con, do đó bà không hề muốn thu âm. Một trong những nguyên nhân là do ở thời điểm đó, bà đã nổi danh với hàng loạt những bản tình ca lãng mạn, sâu lắng. Cố danh ca lo sợ Que Sera Sera sẽ phá hỏng hình tượng này của bà.
Mặc dù liên tục từ chối nhưng Doris Day vẫn buộc phải hát ca khúc này theo đúng hợp đồng với hãng Paramount. Bà đến phòng thu âm một cách vô cùng miễn cưỡng và chỉ hát một lần duy nhất. Bước ra khỏi phòng thu, Doris Day không quên nhắc lại: “Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mọi người được nghe ca khúc này”.
Thời khắc đoàn làm phim mong đợi nhất cũng đã đến. Vào ngày 1/6/1956, The Man Who Knew Too Much được công chiếu và bất ngờ gây tiếng vang lớn. Điều đáng ngạc nhiên nhất chính là phần lớn lời khen không dành cho đạo diễn mà lại dành cho nữ chính Doris Day. Cùng với đó, ca khúc Que Sera Sera trở thành bản hit tung hoành khắp thế giới. Đặc biệt, Que Sera Sera đã nhanh chóng chiếm ngôi đầu bảng tại bảng xếp hạng âm nhạc nước Anh và đứng thứ 2 tại Mỹ.
Với riêng Doris Day, sau sự thành công bất ngờ, bà không còn căm ghét ca khúc này. Ngược lại, nữ minh tinh còn chọn Que Sera Sera làm ca khúc chủ đề cho chương trình truyền hình của riêng mình mang tên The Doris Day Show.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!