Việc hình thành và phát triển các CLB học thuật (trong đó có CLB văn học) ngoài mục tiêu phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh, tạo không gian để học sinh thể hiện mình, giao thoa cảm xúc và tìm về các giá trị nhân văn, thì việc hình thành các CLB học thuật cũng giúp các trường tạo nên các sân chơi đa dạng cho học sinh. Ý nghĩa và tác dụng của các CLB học thuật – cụ thể là CLB thơ văn trong nhà trường, mang lại là rất rõ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hình thành, phát triển các CLB dạng này vẫn ở dạng tự phát và thiếu sự đầu tư.
Bạn đang đọc: Câu lạc bộ học thuật: Nuôi dưỡng tài năng học đường | Giáo dục | Báo Sài Gòn Giải Phóng
Kênh học tập mới
Trong thời gian vài năm trở lại đây, khi giáo dục hướng đến phương châm phát triển toàn diện, loại hình các CLB học thuật trong nhà trường đã được các trường đặc biệt chú ý và xây dựng cho học sinh. Trong vô số CLB học thuật dành cho học sinh như: CLB tiếng Anh, CLB nhạc, họa, thì CLB văn học (quy tụ những sáng tác, những học sinh đam mê sáng tác) chính là nơi đọng lại những cảm xúc lắng đọng nhất về tình yêu thương, nghĩa thầy trò và cả những tiếng lòng thầm kín nhất nơi học sinh. Vai trò của CLB văn học trong nhà trường được ban giám hiệu, tổ văn các trường ý thức rất rõ. Nhưng việc thành lập, duy trì và phần nhiều vẫn nằm ở dạng tập hợp sở thích của học sinh và làm một cách tự phát nhiều hơn là theo một định hướng và mục tiêu chiến lược nhằm vực dậy môn văn trong nhà trường.
Hiện nay, các CLB văn học trong nhà trường dù đã được các trường ý thức, xây dựng và phát triển, nhưng số lượng thực tế, hoạt động có hiệu quả và mang tính “tầm vóc” vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngoài hạn chế lớn là sở thích yêu văn chương trong đại bộ phận học sinh phổ thông không nhiều, các em có khả năng sáng tác, say mê thì lại thiếu thời gian và không gian để “bay bổng” vì áp lực của việc học quá nặng nề. Vấn đề kinh phí (in ấn, xuất bản tập san) cùng khả năng kết nối, giao lưu giữa học sinh với các nhà văn có tiếng tăm nhằm mở rộng độ tương tác, khơi gợi sự thích thú văn học nơi học sinh cũng là một trong 3 nguyên nhân khiến các sân chơi văn học dành cho tuổi học trò còn nhiều hạn chế.
Cô Triệu Thị Huệ, tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho rằng: Việc nhà trường có các sân chơi văn học, CLB sáng tác văn chương sẽ tác động rất nhiều đến sở thích và niềm say mê học văn nơi học sinh. Bởi ngoài việc tạo cho các em nơi thể hiện niềm đam mê, giúp các em ý thức và hình thành thói quen sáng tác, thì điểm quan trọng nhất mà các CLB văn thơ-sáng tác mang lại chính là tính hiệu ứng. Nhiều em tuy không thật sự mặn mà với môn văn học, với các tác phẩm văn học kinh điển, nhưng khi thấy bạn bè say mê lao vào dàn dựng, chuyển thể các tác phẩm văn học thành nghệ thuật sân khấu hóa, thành những tiểu phẩm đầy sáng tạo, vui nhộn chắc chắn các em đó sẽ bị lôi cuốn, ít nhiều đọng lại ấn tượng đẹp về tính nhân văn, giáo dục mà văn học mang lại.
Chính tính hiệu ứng và khả năng chắp cánh niềm say mê văn học cho học sinh lớn như thế từ CLB thơ văn-sáng tác trong nhà trường mà từ nhiều năm nay, không ít trường THPT tại TPHCM (chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Võ Trường Toản, Nguyễn Thượng Hiền…) đã luôn chủ động xây dựng và phát triển CLB thơ văn trong nhà trường một cách ổn định và bền vững, với những hướng đi rất cụ thể, mang tính đại chúng nhiều hơn. Những đơn vị giáo dục trên không chỉ xây dựng được phong trào yêu thơ văn mạnh mẽ, xuất bản được những tập san văn học đầy màu sắc mà còn giúp học sinh kết nối được với nhau thông qua những trang viết, bài thơ đầy cảm xúc tuổi học trò.
Cần đầu tư chiến lược
Để hiện thực hóa và nâng cao khả năng cảm thụ văn học, yêu thích môn Văn nơi học sinh, trên nền tảng là việc hình thành và xây dựng nhiều hơn nữa các CLB văn chương trong nhà trường. Mới đây Bộ GD-ĐT và Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết văn bản hợp tác, xây dựng chương trình phối hợp “Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013-2020” nhằm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục, sách giáo khoa, đặc biệt là nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Việt và Ngữ văn trong nhà trường. Trong đó, Hội Nhà văn sẽ giúp Bộ GD-ĐT phát hiện và bồi dưỡng những học sinh, sinh viên có năng khiếu văn chương (thông qua các CLB văn học), đồng thời cộng tác nghiên cứu việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học và cách đánh giá kết quả học tập của học sinh trong môn Ngữ văn.
Có chứng kiến và tham dự những buổi giao lưu, biểu diễn và tọa đàm về văn học dân gian do các CLB văn học dân gian của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hay Trần Đại Nghĩa mới thấy hết được những nét đẹp và sắc thái văn chương mà các CLB thơ văn-sáng tác nhí này đã thổi hồn vào các tác phẩm văn học hay đến thế nào. Các em không chỉ đưa chúng ta đắm mình trong làn điệu dân ca, làn điệu quan họ thắm tình hay các câu chuyện cổ tích từ những ngày còn bé thơ, mà còn đưa chúng ta đến những niềm cảm xúc từ chính những sáng tác nặng trĩu cảm xúc tình nghĩa thầy trò, tình phụ tử, tình yêu thương bạn bè… và cả một chút hờn dỗi vu vơ tuổi học trò.
Từ những cảm xúc rất thật ấy, từ những vần thơ, trang viết học trò gửi đến CLB thơ văn-sáng tác các trường, đã khiến việc xây dựng và định hướng chiến lược một cách bài bản, cụ thể được không ít trường xác định. Cô Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, góp ý: Để các CLB văn chương học sinh hoạt động hiệu quả, ổn định thì không cách nào khác nhà trường phải cùng tham gia với các em. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí, tạo cơ chế và một định hướng rõ ràng thì nhà trường cũng cần phải chủ động tạo ra các cuộc thi, sáng tác nho nhỏ để khơi gợi khả năng sáng tác của các em. Để một CLB sáng tác-thơ văn hoạt động có chiều sâu, tư tưởng hời hợt, hoạt động theo kiểu phong trào, được chăng hay chớ cần phải loại bỏ. Bởi đơn giản, nếu chúng ta (nhà trường) không duy trì được một nhịp cảm xúc, sự tin tưởng và hun lửa say mê cho học sinh, mô hình ấy sẽ nhanh chóng lụi tàn.
Thầy Nguyễn Văn Cải, Hiệu phó Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, bày tỏ: Nếu các trường làm một cách bài bản, nghiêm túc và có định hướng rõ ràng thì việc phát triển CLB văn thơ-sáng tác trong nhà trường là rất đáng làm. Hiện nay trong trường có rất nhiều CLB học thuật. Do đó, để CLB hoạt động một cách tốt nhất, hiệu quả nhất thì cần phải chính thầy cô tổ bộ môn ấy định hướng, cùng làm và tham gia với học sinh. Mặt khác, ban giám hiệu các trường cũng cần hỗ trợ kinh phí, tạo không gian và thời gian để cô-trò cùng nhau thể hiện đam mê, sáng tác thông qua những buổi giao lưu ngoài giờ. Có như thế, sân chơi văn học học đường mới nuôi dưỡng được những tài năng.
“Chính cái hồn nhiên, trong trẻo ấy khi các em được đắm mình vào niềm đam mê văn học của mình, đã giúp những yêu thương lắng đọng lại trong lòng mọi người nhiều hơn, giúp CLB văn học dân gian của trường gắn kết, lan tỏa đến học sinh nhiều hơn. Vì lẽ đó, nhà trường không ngừng quan tâm và chăm chút cho sân chơi nhiều ý nghĩa này”
Anh Tú
>>>>>Xem thêm: Nhạc Kịch Tiếng Anh Là Gì – Nhạc Kịch Trong Tiếng Tiếng Anh