Chironomid: Trùng huyết hay ruồi nhuế

Vắn tắt về loại côn trùng này, chironomid được xếp vào lớp côn trùng, bộ hai cánh, thuộc họ Chironomidae, loại này có trên 4.000 chủng loại. Cho đến nay, giới khoa học chỉ mới nghiên cứu được dưới 100 loại thuộc họ này mà thôi.

Chironomid có tên thường gọi là trùng huyết, hoặc ruồi nhuế, trong bài viết này sẽ dùng là trùng huyết.

Chu kỳ sinh học của trùng huyết có 4 giai đoạn chính: trứng, ấu trùng, nhộng và trưởng thành. Giai đoạn ấu trùng, có hình dạng phân đốt, trông giống như con trùn, có kích thước chừng 15mm, bên trong có chứa một chất giống như là huyết cầu tố ở người, do đó nó có màu đỏ tươi, vì thế nó có tên gọi là trùng huyết. Nơi cư trú và phát triển của trùng huyết là môi trường nước sạch, lưu chuyển. Nó có thể sống trong điều kiện thiếu oxy. Sau giai đoạn này, chuyển sang giai đoạn nhộng và đến giai đoạn trưởng thành. Trùn huyết ở giai đoạn trưởng thành là một loại ruồi nhỏ có hai cánh, rất gần gũi với nhóm muỗi và loại trùng gương hay ruồi “ma” (phantom midge). Tuy nhiên loại trùn huyết trưởng thành hay ruồi nhuế không chích đốt như muỗi. Đời sống của nó có thể kéo dài một tuần cho đến vài tháng. Trùn huyết phân bố gần như khắp nơi trên thế giới, tùy theo vùng.

Thức ăn chính của trùng huyết là xác rữa động thực vật, một số loại vi khuẩn sống trong bùn. Nói chung nó có tác dụng thanh lọc môi trường chất thải của con người.

Vai trò của trùng huyết: Về kinh tế, trùn huyết được coi là một thành tố quan trọng trong mạng lưới cung cấp thức cho một số loại thủy sản. Công dụng chính của trùn huyết là làm mồi câu cá bởi vì trùn huyết là món ăn ưa thích của một số loại cá, ve nước và ấu trùng của các thủy trùng khác. Vì công dụng chính này mà chúng tôi sử dụng tên trùn huyết cho loại chironomid, mặc dù ở giai đoạn trưởng thành nó là con ruồi. Ruồi nhuế thường không ăn gì, và nó là mồi của chim. Ngoài ra nó có tác động làm sạch môi trường do có khả năng phân hủy các lắng đọng hữu cơ. Trùng huyết trưởng thành (ruồi nhuế) là thức ăn cho chim.

Tác hại: Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy trùn huyết có tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như môi trường. Tuy nhiên, một mặt có lợi về kinh tế thì nó cũng có tác hại do sự sinh sản quá mức của quần thể trùn huyết trưởng thành (ruồi nhuế) trong môi trường. Bùng nổ mật độ ruồi nhuế hay xảy ra những nơi có ô nhiễm làm giảm lượng thủy sản tiêu thụ trùng huyết. Khi lượng trùng huyết quá mức có thể gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý nước thải, có thể làm nghẽn tắc các cửa sông có ảnh hưởng bởi thủy triều.

Tuy nhiên tác hại nghiêm trọng nhất của trùng huyết trưởng thành – ruồi nhuế là do mật độ dày đặc. Vì đặc tính dễ bị thu hút bởi ánh sáng, do đó nó thường tập trung vào những nơi có đèn sáng, khu dân cư, xa lộ, cộng thêm đặc tính đi thành đàn, và khả năng bay yếu, do đó ruồi nhuế dễ bị dạt cư dưới tác động của gió. Khi đã bị dạt vào đâu thì chúng tụ tập thành đám ở đó. Do vậy, chúng có thể gây nguy hiểm cho tài xế bị dạt vào kính xe, làm chắn tầm nhìn; hoặc ở khu dân cư thì sự hiện diện của ruồi nhuế cũng làm tăng trưởng các quần thể côn trùng khác như nhện. Với kích thước khá nhỏ, ruồi nhuế cũng dễ dàng xâm nhập vào trong nhà khi có đèn sáng. Về sức khỏe, tuy chưa tìm thấy được tác hại nghiêm trọng, nhưng trong y văn đã có báo cáo các trường hợp dị ứng do hít phải ruồi nhuế.

Các quốc gia như Nhật bản, Ý, Anh, Mỹ và một số nước như Úc đã gặp phải các nạn “dịch trùng huyết”, và đã tốn kém không ít tiền tài, nhân lực để đối phó với nạn này giống như dịch châu chấu (tự nhiên) hay dịch ốc bưu vàng (nhân tạo) ở Việt Nam.

Vấn đề xử lý dịch ruồi nhuế hiện nay vẫn là vấn đề khó khăn nếu không nói là không thể, do chi phí quá đắt và còn là vấn đề tác động vào hệ sinh thái chung. Một số hóa chất có thể sử dụng để kiểm soát ruồi nhuế, nhưng ruồi nhuế với đặc tính sinh sản nhanh và kháng thuốc rất nhanh, nên thuốc hầu như mất tác dụng.

Tóm lại, trùng huyết là một loại côn trùng lưỡng cư như muỗi, nhưng chúng không đốt người. Nó là một thành tố trong hệ sinh thái nước, do đó nó có đóng góp trong quá trình tạo cân bằng sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, mọi sự bất cân bằng đều đưa đến tác hại. Hiện tại, khoa học vẫn chưa hiểu biết được hết đặc tính sinh thái cũng như đặc điểm sinh học của chủng loại trùng huyết này. Cho nên việc để nhập cư loại côn trùng hiếm có ở Việt Nam vào Việt Nam là một việc làm phải hết sức cẩn thận, kẻo không “lợi bất cập hại”.

BS Nguyễn Đình Nguyên (Australia)

Tài liệu tham khảo:1. Tài liệu của Phân khoa Côn trùng học Đại học North Calorina, Washington.2. Cranston PS, Gad El Rab MO, Kay AB.Chironomid midges as a cause of allergy in the Sudan. Trans R Soc Trop Med Hyg. 1981;75(1):1-4. 3. Ali A.. Perspectives on management of pestiferous Chironomidae (Diptera), an emerging global problem. J Am Mosq Control Assoc. 1991 Jun;7(2):260-81.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *