Thủ tục hành chính là một khái niệm quen thuộc, tuy nhiên thường thì thủ tục hành chính được đánh giá là rườm rà và gây phiền hà cho người dân. Hiện nay, trong quá trình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Nhà nước ta đã áp dụng nhiều mô hình nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Trong số những mô hình đó thì cơ chế một cửa là một hướng đi thích hợp cho yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, nhanh gọn và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các bên. Đồng thời cũng giúp phát triển chung nền hành chính phục vụ ở nước ta.
Vậy hiểu thế nào cho đúng về cơ chế một cửa, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của Luật Hoàng Phi với chủ đề Cơ chế một cửa là gì?
Cơ chế một cửa là gì?
Cơ chế một cửa trong thủ tục hành chính là phương thức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân của một cơ quan có thẩm quyền thông qua Bộ phận một cửa theo quy định tại Điều 3 – Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Để hiểu rõ hơn cơ chế một cửa là gì? hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Bộ phận một cửa. Đây là tên gọi chung của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Bộ phận này sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hay chuyển hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.
Như vậy có thể hiểu một cách đơn giản, về bản chất cơ chế này sẽ tổ chức lại công việc một cách khoa học, phân chia rõ ràng giữa việc tiếp nhận và trả lại hợp một cách hợp lý nhất. Từ đó, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết và tập trung cho các giai đoạn khác nhằm giúp thủ tục được thực hiện một cách hiệu quả.
Bộ phận một cửa là gì?
Bộ phận một cửa là nơi tiếp nhận đồng thời là nơi trả hồ sơ đã được giải quyết của một cá nhân tổ chức và cũng là nơi kiểm tra và chuyển hồ sơ tới các cơ quan có thẩm quyền và chuyên môn khác.
Nhiệm vụ và quyền hạn của bộ phận một cửa
Nhiệm vụ của bộ phận một cửa
a) Công khai đầy đủ, kịp thời bằng phương tiện điện tử hoặc bằng văn bản danh mục thủ tục hành chính được thực hiện tại Bộ phận Một cửa; các nội dung thủ tục hành chính được công khai theo quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định này; hỗ trợ những trường hợp không có khả năng tiếp cận thủ tục hành chính được công khai bằng phương tiện điện tử;
b) Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính; giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định;
c) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết, trả kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân đối với trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu giải quyết ngay trong ngày hoặc các thủ tục hành chính được giao hoặc ủy quyền cho công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa giải quyết; hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4;
d) Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan khác có liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông;
đ) Tiếp nhận, xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân đối với cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết, chuyển hồ sơ giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; chuyển ý kiến giải trình của cơ quan có thẩm quyền về các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến tổ chức, cá nhân;
e) Bố trí trang thiết bị tại Bộ phận Một cửa theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 13 Nghị định này và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cần thiết về pháp lý, thanh toán phí, lệ phí, nộp thuế, phiên dịch tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc (nếu cần), sao chụp, in ấn tài liệu và các dịch vụ cần thiết khác khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo mức giá dịch vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao theo quy định của pháp luật.
Quyền hạn của bộ phận một cửa
a) Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính;
b) Từ chối tiếp nhận các hồ sơ chưa đúng quy định; chủ trì theo dõi, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thông tin về việc tiếp nhận và tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; đôn đốc các cơ quan, đơn vị tham gia Bộ phận Một cửa xử lý hồ sơ đến hoặc quá thời hạn giải quyết;
c) Theo dõi, đôn đốc, nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức do các cơ quan có thẩm quyền cử đến công tác tại Bộ phận Một cửa về việc chấp hành thời gian lao động, các quy định của pháp luật về chế độ công vụ, quy chế văn hóa công sở, nội quy của cơ quan;
d) Đề xuất việc đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện công vụ đúng thời hạn, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân; tổ chức hoặc phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;
đ) Quản lý, đề xuất cấp có thẩm quyền nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm ứng dụng của các Hệ thống thông tin một cửa điện tử; tham gia bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình khai thác, sử dụng các Hệ thống này;
e) Thực hiện các quyền hạn khác được giao theo quy định của pháp luật.
Các bộ phận trong cơ chế một cửa
Cơ chế một cửa được phân định rõ ràng các bộ phận tiếp nhận và trả giấy tờ để giải quyết thủ tục một cách nhanh nhất.
– Bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ bao gồm những người có nhiệm vụ làm đầu mối để hướng dẫn cá nhân, tổ chức để làm thủ tục bao gồm việc giải đáp vướng mắc, hỗ trợ về mặt thủ tục hồ sơ để chuyển đến các cơ quan tổ chức có liên quan và chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn
– Sau khi hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết, xác nhận và ký hoàn thành thì sẽ chuyển tới bộ phận được gọi là Bộ phận trả hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ không được xét duyệt thì phải thông báo hướng dẫn cho người nộp về việc bổ sung hoàn thiện và nộp lại.
Hai bộ phận trên đây có sự phân công rõ ràng ở giai đoạn đầu và cuối của thủ tục tuy nhiên lại có mối quan hệ bền chặt với nhau về việc tiếp và nhận hồ sơ đã tạo nên một bước đột phá mới cho một cơ chế.
Với cơ chế này các cán bộ đã và đang được áp dụng nhiều hơn về trang thiết bị, phần mềm điện tử trong việc thực hiện các giao dịch giúp quá trình trở lên hoàn tất hơn bao giờ hết.
Nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa
– Đối với cơ chế này sẽ ưu tiên lấy sự hài lòng của cá nhân tổ chức là thước đo và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan có thẩm quyền
– Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung và thống nhất
– Quá trình giải quyết thủ tục hành chính được đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, rà soát bằng các phương thức trên cơ sở đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ thông tin và có sự tham gia của các cá nhân, tổ chức
– Cơ chế một cửa cũng không làm phát sinh các chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức ngoài quy định của pháp luật
– Trong việc thực thi công vụ, cán bộ công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình về việc thực thi này
– Nguyên tắc tiếp theo là việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan đến việc thực hiện cơ chế một cửa giải quyết các thủ tục hành chính của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký.
Ưu nhược điểm của cơ chế một cửa
Từ việc hiểu Cơ chế một cửa là gì? cùng thực tế vận hành, chúng ta có thể thấy cơ chế này mang lại rất nhiều lợi ích nhưng đâu đó vẫn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục
Thứ nhất: Về ưu điểm cơ chế một cửa
– Cái đầu tiên có thể thấy đó là cơ chế một cửa sẽ giúp khắc phục được những thủ tục rườm rà, rút ngắn thời gian chờ đợi và thực hiện thủ tục, tránh được sự chồng chéo về giấy tờ.
– Bộ máy được tinh giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều, bộ máy làm việc và đơn vị quản lý được xét và tổ chức mang tính tập trung hơn tại một nơi giúp quá trình giải quyết nhanh hơn.
– Chất lượng phục vụ được nâng cao giúp khắc phục tình trạng hối lộ, cùng chất lượng kém trước đây chú trọng hơn vào việc trách nhiệm đề cao sự bình đẳng cũng như tránh được việc gia hạn thêm về hồ sơ.
– Người thực hiện xin không cần thực thi, chuẩn bị làm việc tại nhiều khâu khác nhau, giảm được thời gian và chi phí cho việc tham gia làm thủ tục nhiều lần.
Thứ hai: Về nhược điểm cơ chế một cửa
– Tình trạng tiêu cực trên thực tế vẫn xảy ra, người dân mặc dù có cơ chế một cửa nhưng vẫn bị tình trạng lộng quyền, bị đòi hỏi các chi phí không liên quan tơi quy định của pháp luật nhằm ảnh hưởng hưởng xấu đến hình ảnh cán bộ công chức nhà nước
– Việc tách các phòng ban dẫn đến sự liên kết chưa thực sự chặt chẽ đồng thời với việc các thủ tục thường xuyên thay đổi, không thống nhất dẫn đến thời gian bị kéo dài và có sự đùn đẩy chức tranh và quyền hạn.
Tóm lại, trước những thực trạng còn tồn đọng thì Nhà nước cũng cần có những giải pháp để đưa cơ chế một cửa trở thành một mô hình mang tính hiệu quả cao hơn trong tương lai.
Trên đây là những thông tin liên quan tới chủ đề Cơ chế một cửa là gì? Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ một cách tốt nhất.