CỞI & MỞ – SỐ 2: NGƯỜI CHUYỂN GIỚI VÀ CÁC KHÁI NIỆM LIÊN QUAN – SCDI Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng

Khi tìm hiểu về người chuyển giới, những người quan tâm tới họ như báo chí, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay công chúng nói chung cần có hiểu biết cơ bản và chung nhất về khái niệm người chuyển giới cũng như các khái niệm liên quan. Trong bản tin tháng này, chúng tôi xin giới thiệu các khái niệm cơ bản nhất. Nguồn trích dẫn cho các thông tin này đến từ “Hướng dẫn tổng thể – Hướng dẫn chăm sóc toàn diện cho người chuyển giới và cộng đồng chuyển giới tại châu Á và Thái Bình Dương”, tài liệu do Mạng lưới người chuyển giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APTN) xây dựng cùng các đối tác. Các bạn có thể tìm đọc thêm về tài liệu này theo đường link sau: sentayho.com.vn/wp-content/uploads/2017/10/sentayho.com.vn

“Chuyển giới” (tiếng anh là Transgender) là một khái niệm rộng bao gồm các bản dạng giới đa dạng và các hình thức thể hiện khác nhau. Tùy thuộc vào mỗi quốc gia, nền văn hóa và bối cảnh lịch sử cũng như trong chính cộng đồng người chuyển giới, định nghĩa của khái niệm này cũng rất khác nhau. Mỗi người có quyền sử dụng các thuật ngữ mà họ cảm thấy miêu tả đúng nhất về bản dạng giới của mình.

Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thuật ngữ “chuyển giới” được sử dụng với ý nghĩa phổ biến nhằm mô tả những người mà bản dạng giới của họ khác với giới tính khi sinh ra. Tại Malina (Philippine) năm 2012, trong cuộc họp đầu tiên thảo luận về việc biên soạn cuốn tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc toàn diện cho người chuyển giới và cộng đồng chuyển giới tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương” do APTN (Mạng lưới người chuyển giới Châu Á – Thái Bình Dương), UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc) và Dự án Chính sách Sức khỏe (HPP) phối hợp triển khai đã đưa ra khái niệm “chuyển giới” như sau:

“Những người nhận mình có giới tính khác nhau với giới tính khi sinh ra. Họ có thể thể hiện bản dạng giới của mình khác với vai trò giới mà họ được mong đợi khi sinh ra. Cách nhận dạng của họ thường mang các đặc tính địa phương, xã hội, văn hóa, tôn giáo và tâm linh”

Chúng ta dùng thuật ngữ người chuyển giới khi chúng ta nói tới các nhóm sau:

  • Người chuyển giới nữ (Male to Female: FtM): là người sinh ra với cơ thể nam và tự nhận mình có bản dạng giới hay thể hiện giới là nữ.
  • Người chuyển giới nam: (Female to Male: FtM): là người sinh ra với cơ thể nữ và tự nhận mình có bản dạng giới hay thể hiện giới là nam.
  • Người đa dạng giới (gender-nonconforming): là khái niệm để chỉ người mà bản dạng giới hay thể hiện giới của họ khác với những mong đợi hay chuẩn mực giới định khuôn của xã hội đối với giới tính mà họ có, trong một nền văn hóa hay giai đoạn nhất định.
  • Một bộ phận trong nhóm người liên giới tính (intersex)[1]. Người liên giới tính không đồng nghĩa với việc họ cũng là người chuyển giới. Một người với tình trạng liên giới tính có thể nhận mình là người chuyển giới hay đa dạng giới, nhưng số khác thì không. Mặc dù nhiều người với tình trạng liên giới tính có thể nhận giới tính hay bản dạng giới của họ là không theo hệ nhị nguyên, nhưng phần còn lại thì vẫn nhận mình là nam hay nữ. Thực tế có ghi nhận một số người liên giới tính đã có các can thiệp y tế từ rất sớm (có thể ngay lúc sơ sinh) bởi bố mẹ và nhân viên y tế, để đưa họ về một trong hai giới: nam và nữ. Điều này có thể dẫn tới tình trạng một số người không đồng ý với bản dạng giới phù hợp với giới tính mà bố mẹ và nhân viên y tế đã xác định cho họ. Trong trường hợp này, nhiều người đã xác định họ là người chuyển giới.

Đôi khi ở tiếng Anh, mọi người có thể sử dụng từ viết tắt “trans” để chỉ “transgender” – “người chuyển giới”.

Khác với thuật ngữ “người chuyển giới”, thuật ngữ “người hợp giới” được sử dụng để chỉ những người không phải người chuyển giới, tức là bản dạng giới và giới tính khi sinh ra của họ thống nhất với nhau (Người dị tính, đồng tính, song tính, vô tính,…)

Bởi vì thuật ngữ người chuyển giới được định nghĩa là người có bản dạng giới khác với giới tính khi sinh ra của họ, nên việc định nghĩa rõ ràng những khái niệm này cũng rất quan trọng. Những định nghĩa này dựa trên những định nghĩa đã được thống nhất sử dụng trong các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên Hợp Quốc.

Giới tính: là các đặc tính sinh học và cơ thể (gien, nội tiết, giải phẫu) dùng để phân loại con người ta thành nhóm nam giới hay nữ giới (xem thêm định nghĩa về liên giới tính). Tập hợp những đặc điểm sinh học này không loại trừ lẫn nhau, vì chúng xuất hiện một cách tự nhiên dưới nhiều mức độ và sự kết hợp khác nhau. Tuy vậy, trong thực tế, giới tính thường được dùng để phân cực hóa con người vào hệ thống nhị nguyên hoàn toàn đối nghịch nhau (nam và nữ). Thông thường, việc phân định được dựa trên các đặc điểm giới tính chủ yếu (cơ quan sinh dục) và các đặc điểm giới tính thứ yếu (các đặc điểm cơ thể không liên quan tới cơ quan sinh dục như sự phát triển ngực, lông).

Giới tính khi sinh ra: là giới tính mà người đó được xác định ngay khi sinh ra, hoặc trong thời gian ngắn sau khi sinh ra. Việc xác định này có thể phù hợp hoặc không phù hợp với cảm nhận về bản dạng giới của họ khi lớn lên. Trong các tài liệu y khoa và xã hội học, khái niệm này thường được gọi là “giới tính khi sinh” hoặc “giới tính sinh học.” Đối với hầu hết mọi người, bản dạng giới và thể hiện giới sẽ thống nhất với giới tính khi sinh ra của họ. Đối với người chuyển giới, bản dạng giới hoặc thể hiện giới sẽ khác với giới tính khi sinh ra của họ. (Coleman et al., 2011)

Bản dạng giới: là cảm nhận bên trong của một người về việc họ là nam, nữ, một giới khác, hay kết hợp các giới. Bản dạng giới của một người có thể thống nhất hoặc không thống nhất với giới tính khi sinh ra của họ. Thể hiện giới: là cách và một người truyền tải những đặc tính được quy định bởi văn hóa về nam tính, nữ tính (hoặc cả hai, hoặc không cái nào) ra bên ngoài thông qua ngoại hình cơ thể (bao gồm quần áo, phụ kiện, kiểu tóc, trang sức, mỹ phẩm), cử chỉ điệu bộ, nói năng, và các khuôn mẫu hành vi trong giao tiếp với người khác. Không theo định chuẩn giới hay đa dạng giới: để chỉ một người mà bản dạng giới hay thể hiện giới của họ khác với những mong đợi hay định khuôn của xã hội. Không phải tất cả người chuyển giới đều không theo định chuẩn giới. Nhiều người chuyển giới, cũng như bất kỳ ai khác, thường thấy thỏai mái với việc tuân theo những mong đợi của xã hội về các chuẩn mực cho một người nam hoặc một người nữ. Ngược lại, nhiều người khác không phải là người chuyển giới vẫn có thể không theo định chuẩn giới, do thể hiện giới chứ không phải bản dạng giới của họ.

Phiền muộn giới: “Là những sự không thỏai mái hay lo âu gây ra bởi sự khác nhau giữa giới tính tự nhận của một người và giới tính khi sinh ra của họ (hoặc với vai trò giới gắn với họ và/hoặc các đặc điểm giới tính chủ yếu và thứ yếu). Một vài người không theo định chuẩn giới cũng trải qua phiền muộn giới trong một số giai đoạn cuộc đời của họ” (Coleman et al., 2011).

Quá trình chuyển đổi: là các bước mà người chuyển giới trải qua để sống với bản dạng giới của mình. Không phải tất cả người chuyển giới đều trải qua quá trình chuyển đổi. Có rất nhiều cách khác nhau để chỉ quá trình chuyển đổi. Nói một cách đơn giản nhất, “chuyển đổi” có nghĩa là “thay đổi”. Các bước mà người chuyển giới chọn trong quá trình chuyển đổi là để họ có thể thể hiện được mình là ai. Người chuyển giới là người quyết định chọn những bước nào trong quá trình chuyển đổi, theo thứ tự mà họ muốn. Quá trình chuyển đổi là một hành trình không giống nhau đối với mỗi người. Nhiều người chuyển giới sẽ cho rằng quá trình chuyển đổi bắt đầu tính từ khi công khai sống với bản dạng giới mà mình mong muốn. Một vài người khác có thể cho rằng quá trình này bắt đầu từ khi thực hiện các can thiệp về y tế. Quá trình này bao gồm việc thay đổi thể hiện giới, như là ngoại hình bên ngoài, quần áo, cử chỉ, hay tên gọi thường ngày dùng trong giao tiếp. Những loại thay đổi này thường được gọi là “chuyển đổi (về mặt) xã hội.” Quá trình chuyển đổi cũng có thể bao gồm các can thiệp y sinh học và phẫu thuật để giúp cơ thể của một người thống nhất với bản dạng giới của họ. Các thay đổi này thường được gọi là “chuyển đổi (về mặt) y tế” và có thể bao gồm liệu pháp hoóc-môn nam hóa hay nữ hóa và/hoặc phẫu thuật. Các bước khác trong quá trình chuyển đổi có thể là các thay đổi liên quan đến các thay đổi pháp lý, chẳng hạn như thay đổi tên hay giới tính trên các giấy tờ liên quan như hộ chiếu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh… Một người chuyển giới có thể bắt đầu chuyển đổi vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời của họ. Họ có thể chuyển đổi bất kỳ lúc nào, vào lứa tuổi nào, có thể là lúc độc thân hoặc đã kết hôn. Trong bất cứ bối cảnh nào, không ai có quyền ngăn cản các bước trong quá trình chuyển đổi của người chuyển giới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *