Đại học đẳng cấp quốc tế là gì? – Tuổi Trẻ Online

Phóng toĐại học Cambridge, AnhTTCT – Từ điển định nghĩa đẳng cấp thế giới (world class) là “được xếp hạng trong số những gì tốt nhất, lỗi lạc nhất, được coi là hàng đầu trên toàn thế giới; có một chất lượng xuất sắc theo tiêu chuẩn quốc tế”. Định nghĩa như vậy đã khá rõ, nhưng trong giáo dục đại học ai sẽ là người quyết định?

Những điểm chuẩn

Những đặc điểm được nêu ra sau đây không có nghĩa là đã được sự nhất trí của đội ngũ chuyên gia, mà chỉ đơn giản có nghĩa như một điểm chuẩn nhằm đưa ra một nền tảng để tranh luận và phân tích.

Rất nhiều người nói đến đại học đẳng cấp quốc tế, song vấn đề ở chỗ: đại học đẳng cấp quốc tế là gì và làm thế nào để đạt được vị trí đó?

Philip G. Altbach (giám đốc Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế, Trường đại học Boston, Hoa Kỳ)

Sự xuất sắc trong nghiên cứu được coi là một nền tảng quan trọng trong khái niệm đại học đẳng cấp thế giới, vì điều này được công nhận rộng rãi trong giới hàn lâm. Những công trình nghiên cứu này có thể được định lượng và liên thông giữa các trường. Nhưng nếu nghiên cứu được coi là nhân tố chủ yếu, mọi bộ phận của trường đại học sẽ đứng trước yêu cầu phải tạo ra những công trình nghiên cứu lỗi lạc. Những giáo sư hàng đầu tất nhiên sẽ là trung tâm của nhà trường.

Để lôi cuốn và giữ chân những cán bộ nghiên cứu giỏi, phải đảm bảo sẵn sàng cho họ những điều kiện làm việc tốt nhất, bao gồm cả những sắp xếp cho sự an toàn và ổn định công việc, nhiều quốc gia gọi đó là chế độ làm việc theo nhiệm kỳ, và lương bổng phù hợp, mặc dù các nhà khoa học không nhất thiết lúc nào cũng mong đợi những mức lương cao ngất ngưởng. Những nhà khoa học giỏi nhất đều coi nghề nghiệp của họ như một thứ đam mê, họ gắn bó với nó bằng những hứng thú trí tuệ chứ không coi đó chỉ là một công việc để kiếm tiền.

Tự do học thuật và một bầu không khí sôi nổi về trí tuệ cũng là một đặc điểm trọng yếu của đại học đẳng cấp thế giới. Các giáo sư và sinh viên phải được tự do theo đuổi tri thức và công bố những kết quả nghiên cứu của họ mà không e sợ bị trừng phạt.

Một số quốc gia cho phép tự do học thuật không giới hạn trong những lĩnh vực phi chính trị, nhưng lại đặt ra những cấm đoán trong những vấn đề nhạy cảm trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Ở hầu hết các nước, tự do học thuật mở rộng việc diễn đạt ý kiến của những thành viên trong cộng đồng học thuật về những vấn đề xã hội và chính trị, cũng như những vấn đề trong một phạm vi chuyên ngành hẹp.

Cơ chế quản lý của trường đại học cũng hết sức quan trọng. Đại học đẳng cấp thế giới có một mức độ tự trị đáng kể và một truyền thống luôn được giữ vững, thường được củng cố bằng những đạo luật, qui định để bảo đảm rằng cộng đồng học thuật (thường là các giáo sư, nhưng đôi khi có cả sinh viên) có thể kiểm soát những nhân tố trọng yếu của đời sống học thuật như việc tuyển sinh, chương trình đào tạo, tiêu chí cấp bằng, bầu chọn giáo sư, định hướng cơ bản trong hoạt động chuyên môn của nhà trường.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ cho các hoạt động chuyên môn là một tiêu chuẩn thiết yếu. Hầu hết những nghiên cứu sâu và có tính sáng tạo cũng như việc cải tiến giảng dạy đều phải dựa vào việc tiếp cận những thư viện và phòng thí nghiệm thích hợp, cũng như Internet và những nguồn tư liệu điện tử khác. Việc mở rộng và gia tăng tính chất phức tạp của khoa học và tri thức khiến chi phí tiếp cận thông tin tăng cao. Mặc dù Internet đã giúp tiết kiệm nhiều chi phí và làm việc tiếp cận tri thức trở nên dễ dàng, nó cũng không phải là liều thuốc vạn năng.

Hơn thế nữa, các nguồn tài chính tương xứng phải sẵn sàng hỗ trợ việc nghiên cứu và giảng dạy, cũng như các hoạt động khác của nhà trường. Sự hỗ trợ này cần phải bền vững và lâu dài. Chi phí cho việc duy trì một đại học nghiên cứu đang tiếp tục tăng cao do sự gia tăng tính chất phức tạp và chi phí của nghiên cứu khoa học. Trường đại học không thể hưởng lợi từ việc gia tăng năng suất do tự động hóa như những nhà máy, xí nghiệp khác.

Ngày nay, tài chính đang là một thử thách đặc biệt vì chính phủ nhiều nước đang chấm dứt đầu tư cho giáo dục đại học. Các cơ sở đào tạo đại học ở khắp mọi nơi đều được yêu cầu bù đắp cho phần kinh phí tăng cao của mình bằng học phí, và các nguồn thu từ hoạt động tư vấn hoặc bán các kết quả nghiên cứu, cũng như các hoạt động có thu khác của nhà trường.

Trong thực tế, sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước vẫn hết sức cần thiết cho các đại học nghiên cứu ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Ở Mỹ, những trường này hưởng ngân sách chính phủ thông qua các tài trợ cho nghiên cứu, học bổng và cho vay nợ đối với sinh viên. Những trường đại học tư hàng đầu thường có những khoản quyên góp, hiến tặng hết sức to lớn được miễn thuế. Thế nhưng không gì thay thế được sự hỗ trợ vững chắc và lớn lao của tài chính công. Không có sự hỗ trợ này, không thể nào có được và duy trì được đại học đẳng cấp thế giới.

Tập trung cho những mục tiêu thực tế và hữu ích…

Cần có một cái nhìn thực tế và khách quan khi suy nghĩ về đại học đẳng cấp thế giới. Đối với hầu hết các nước, ngay cả những nước lớn và giàu mạnh, chỉ có thể có một hoặc hai đại học đẳng cấp thế giới, thậm chí đó còn là một mơ ước! Và ngay cả một trường đại học tốt nhất cũng không phải là tốt nhất trong tất cả mọi lĩnh vực. Harvard chẳng hạn, không phải là trường hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật.

Có thể thành công phần nào nếu tập trung cho vài lĩnh vực được xem là thế mạnh của khoa, trường đó, và là lĩnh vực quan yếu đối với nền kinh tế của đất nước. Malaysia là một ví dụ tiêu biểu về việc tập trung vào những ngành như thông tin và kỹ nghệ cao su, là những ngành quan trọng đối với kinh tế địa phương.

Quá nhấn mạnh đến việc giành được vị trí “đẳng cấp thế giới” có thể làm tổn hại đến trường đại học hoặc cả hệ thống học thuật. Điều này có thể làm chệch hướng những nỗ lực và nguồn lực đáng lẽ dành cho những mục tiêu quan trọng hơn và có lẽ thực tế hơn. Sẽ khiến tập trung quá nhiều vào việc xây dựng định hướng nghiên cứu và xây dựng đại học tinh hoa, thay vì mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục và phục vụ nhu cầu của đất nước. Sẽ có thể tạo ra những mong đợi phi thực tế làm tổn hại đến tinh thần và hoạt động của đội ngũ giảng viên.

Các quốc gia cần đánh giá thận trọng nhu cầu và nguồn lực của mình, cũng như cân nhắc những lợi ích lâu dài trước khi khởi đầu cuộc vận động xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế. Thực tế của mỗi nước, thậm chí mỗi vùng, có thể rất khác nhau. Các trường đại học có liên quan trực tiếp tới xã hội và kinh tế và bao hàm trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương.

Cuộc tranh luận về đại học đẳng cấp thế giới là rất quan trọng. Khao khát sự xuất sắc không phải là điều dở, và sự cạnh tranh sẽ châm ngòi cho cải tiến chất lượng. Tuy vậy, ý thức về thực tế và sự nhạy cảm đối với những điều tốt được mọi người đồng tình cũng cần được coi là một tham số thêm vào phương trình.

Sự mơ hồ của khái niệm đại học đẳng cấp thế giới cùng với sự bất khả thi trong việc đo lường chất lượng và thành tựu khoa học, khiến cuộc tranh luận về đại học đẳng cấp thế giới thêm phần khó khăn. Thật ra, theo ý kiến chúng tôi, những nỗ lực cải cách và nguồn lực của giáo dục đại học nên tập trung cho những mục tiêu thực tế và hữu ích hơn, có lẽ tốt hơn là việc chạy đua giành danh hiệu “đẳng cấp quốc tế”.

Những trường đại học được xếp hạng cao thường chuyên về một số chuyên ngành nhất định. Chẳng hạn, Học viện Kỹ thuật California là một trường đại học nhỏ tập trung vào khoa học tự nhiên, nhưng lại được xếp hạng thứ tư trong những trường tốt nhất ở Mỹ. Học viện Kỹ thuật Ấn Độ chuyên về những chuyên ngành hẹp được đánh giá rất cao ở Ấn và cả trên thế giới. Tất nhiên những trường này cũng đồng thời tạo ra những cơ hội học tập trong nhiều lĩnh vực, cho phép sinh viên có được nhiều lựa chọn và tạo điều kiện cho những công trình khoa học liên ngành.

Những trường được xem là đại học đẳng cấp thế giới không nhiều. Ngay cả ở nước Mỹ, rất ít trường đại học trở thành “hàng đầu”. Ở Mỹ, Hiệp hội Các trường đại học Hoa Kỳ – Association of American Universities (AAU) được coi như câu lạc bộ của các trường tinh hoa, có 60 thành viên (trên tổng số 3.500 trường đại học trên toàn nước Mỹ). Trong số 60 thành viên này, có nhiều trường chẳng hề là “đẳng cấp quốc tế”. Ở các quốc gia khác, con số những trường “hàng đầu” cũng rất ít.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *