Ngày nay xã hội ngày càng phát triển, nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế khiến cho các quy tắc, chuẩn mực của đạo đức dần biến đổi. Điều này không có nghĩa là các giá trị đạo đức cũ hoàn toàn mất đi, thay vào đó là các giá trị đạo đức mới, mà các giá trị đạo đức ở Việt Nam hiện nay là sự kết hợp sâu sắc giữa truyền thống đạo đức tốt đẹp của các dân tộc với xu hướng tiến bộ của thời đại, của nhân loại. Để hiểu hơn về chủ đề này, mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây với tiêu đề Đạo đức là gì?
Đạo đức là gì?
Đạo đức là một từ Hán Việt, được dùng từ xa xưa để chỉ một thành tố trong tính cách và giá trị của một con người. Đạo là con đường, đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn.
Để hiểu rõ hơn đạo đức là gì? có thể phân tích theo các góc độ sau:
Nghĩa hẹp: Đạo đức thể hiện nét đẹp trong phong cách sống của một người hiểu biết và rèn luyện ý chí theo các bậc tiền nhân về các quy tắc ứng xử, các đường lối tư duy thanh tao tốt đẹp.
Nghĩa rộng hơn: Nghĩa rộng hơn, đạo đức trong một cộng đồng thể hiện qua những quy tắc ứng xử được áp dụng từ việc hợp với đạo lý xưa nay và phong tục của địa phương, cộng đồng đó, tạo thành nét đẹp truyền thống văn hóa.
Phần tiếp theo của bài viết đạo đức là gì sẽ đề cập tới những thành phần cũng như chức năng, vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội.
Thành phần cấu tạo nên đạo đức
Các thành phần cấu tạo nên đạo đức bao gồm:
– Ý thức đạo đức: Ý thức đạo đức là những nguyên tắc và chuẩn mực hành vi phù hợp mà con người dựa theo để hành xử, đồng thời cũng bao gồm cả mặt cảm xúc và tâm tư tình cảm của mỗi con người. Ý thức đạo đức chính là phần nhận thức của mỗi cá nhân được một sự việc hiện tượng sắp xảy ra. Nhờ có thành phần này mà hành động của mỗi người sẽ được hoàn thiện hơn.
– Hành vi đạo đức: Là một hành động tự giác được thúc đẩy bởi một động cơ có ý nghĩa về mặt đạo đức. Hành vi đạo đức cũng được hiểu là những cử chỉ, những việc làm của con người trong các mối quan hệ xã hội phù hợp với ý thức đạo đức với các chuẩn mực và các giá trị đạo đức.
Chức năng cơ bản của đạo đức
Đạo đức có ba chức năng chính có quan hệ chặt chẽ với nhau, sự vận hành của chức năng này là tiền đề, điều kiện của sự vận hành chức năng khá. Cụ thể, ba chức năng này bao gồm:
– Chức năng giáo dục: Thông qua giáo dục, đạo đức góp phần hình thành những quan niệm cơ bản nhất, những nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực đạo đức trong từng con người; giúp con người đánh giá được các hiện tượng xã hội, xác lập khả năng lựa chọn
– Chức năng điều chỉnh hành vi: Đây là chức năng quan trọng nhất của đạo đức được thể hiện chủ yếu bằng hai phương thức. Một là sử dụng sức mạnh của dư luận để động viên, khuyến khích những chủ thể có đạo đức và hành vi tốt đẹp, phê phán, lên án nghiêm khắc những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến người khác, đến cộng đồng. Thứ hai là bản thân chủ thể của đạo đức phải tự nguyện, tự giác điều chỉnh hành vi của mình trên cơ sở những chuẩn mực của đạo đức.
– Chức năng nhận thức: Chức năng này bao gồm nhận thức và tự nhận thức. Nhận thức bao gồm quá trình hướng nội và hướng ngoại. Nhận thức hướng ngoại lấy chuẩn mực, giá trị, đời sống đạo đức xã hội làm đối tượng, là quá trình đánh giá, tiếp thu hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của xã hội. Tự nhận thức là quá trình đánh giá, tự thẩm định, tự đối chiếu những nhận thức, hành vi đạo đức của mình với chuẩn mực giá trị chung của cộng đồng.
Vai trò của đạo đức
Đạo đức đóng vai trò lớn trong xã hội, trong đời sống của con người. Đây là vấn đề thường xuyên được đặt ra và giải quyết nhằm bảo đảm cho cá nhân và cộng đồng phát triển. Vai trò của đạo đức được biểu hiện thông qua các chức năng cơ bản của đạo đức.
Đạo đức là một trong những phương thức cơ bản để điều chỉnh hành vi con người, một sự điều chỉnh hoàn toàn tự nguyện, tự giác, không vụ lợi trong một phạm vi rộng lớn.
– Đạo đức góp phần nhân đạo hóa con người và xã hội loài người, giúp con người sống thiện, sống có ích.
– Đạo đức thể hiện bản sắc dân tộc trong quan hệ quốc tế, là cơ sở để mở rộng giao lưu giữa các giá trị văn hóa của dân tộc, quốc gia với các dân tộc, quốc gia khác.
– Đạo đức góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.
– Đối với cá nhân:
+ Đạo đức góp phần hoàn thiện nhân cách con người
+ Giúp cá nhân có ý thức và năng lực sống thiện, sống có ích
+ Giáo dục lòng nhân ái, vị tha
– Đối với gia đình
+ Đạo đức là nền tảng, là nhân tố xây dựng gia đình hạnh phúc
+ Tạo nên sự ổn định và phát triển vững chắc của gia đình
– Đối với xã hội
+ Xã hội sẽ phát triển bền vững nếu xã hội đó thực hiện đúng các quy tắc, chuẩn mực xã hội
+ Xã hội sẽ mất ổn định nếu đạo đức xã hội bị xuống thấp
Trên đây, Luật Hoàng Phi đã mang tới cho Quý bạn đọc bài viết với chủ đề đạo đức là gì? Trường hợp có bất cứ vướng mắc nào liên quan tới chủ đề này Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được giải đáp và hỗ trợ một cách nhanh chóng nhất.