Tháng 11 được Giáo Hội dành để cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục và dạy ta: nếu muốn khỏi xuống luyện ngục sau khi chết, thì bao lâu còn sống trên đời, hãy chịu khó làm việc đền tội và ra sức cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục.
Để nhắc nhở ta sốt sắng làm hai việc trên này, ta hãy suy gẫm một chút về 5 mục sau đây: về tín điều luyện ngục, về những linh hồn phải xuống luyện ngục, về hình khổ luyện ngục, về nhiệm vụ cứu giúp các linh hồn ở luyện ngục, về cách thức cứu giúp họ.
1. Về tín điều luyện ngục
Có luyện ngục! Đó là một tín điều phù hợp với đức công bằng và lòng từ bi của Thiên Chúa.
a. Công đồng Vatican II chia Dân Chúa làm 3 thành phần: “Trong các môn đệ Chúa Kitô, có những kẻ tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế; có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện; và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong Ba Ngôi cực thánh. Cả ba thành phần đều hiệp thông với nhau trong cùng một đức mến Chúa yêu người” (LG 49).
b. Kinh Thánh không dùng tiếng luyện ngục, nhưng cho ta thấy thực tại của luyện ngục, như khi Chúa Giêsu dạy: có những tội được tha ở đời này, và có những tội được tha ở đời sau (x. Mt 12,32). Và ta thấy rõ: không thể nào được tha trong hoả ngục, thì hẳn là được tha trong luyện ngục. Và như vậy là có luyện ngục.
c. Thánh Phaolô cũng bảo: có kẻ được cứu rỗi, nhưng phải qua ngọn lửa (x. 1 Cr 3,15), tức là lửa luyện ngục.
d. Giuđa Macabê khi thắng trận Gorlias, đã quyên tiền gởi về Giêrusalem, xin dâng lễ đền tội cho các lính tử trận, để họ được tha tội (x. 2 Mcb 12,43-45), thì hẳn là họ ở luyện tội.
e. Có lạ gì, xưa nay trong Giáo Hội Công giáo, các linh mục cũng như giáo dân vốn năng cầu nguyện và dâng lễ chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục.
Phụng vụ đã đặt lễ các linh hồn vào ngày 2-11, ngay sau lễ các Thánh; lại dành cả tháng 11 để cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục.
2. Những linh hồn nào phải xuống luyện ngục?
a. Sách Bổn Công giáo chúng ta, ở số 123 có hỏi: “Những ai phải vào luyện ngục?” Và ta thưa: “Những người chết khi có ơn nghĩa cùng Chúa, nhưng còn mắc tội nhẹ, hay chưa đền hết hình phạt bởi tội, thì phải vào luyện ngục mà đền cho hết, mới được lên thiên đàng”.
Ta biết: mỗi tội ta phạm đều có hình phạt kèm theo (coulpe et peine: tội và vạ). Khi ta xưng tội, thì được khỏi tội, nhưng còn phải đền hình phạt, do linh mục bảo đền một phần, do ta tiếp tục đền sau.
Vậy linh hồn phải xuống luyện là khi chết ở trong tình trạng sạch mọi tội trọng, chỉ có tội nhẹ chưa được tha, hay là những hình phạt bởi tội đã được tha, nhưng chưa đền xong. Cho nên phải vào luyện tội đền cho xong, mới được lên thiên đàng.
b. Ta cũng thấy Giáo Hội đã trù liệu các phương tiện cần thiết để giúp những người lâm chung được thanh tẩy linh hồn hoàn toàn trong sạch, trước khi từ giã đời này. Cho nên, thường các bệnh nhân nguy tử được chịu 3 bí tích một trật: xưng tội, chịu phép xức dầu, chịu lễ như của ăn đàng; lại được lãnh một ơn đại xá, để thanh toán tất cả các hình phạt bởi tội mà chưa đền xong. Và như vậy, có chết là được lên thiên đàng ngay, khỏi phải qua luyện ngục.
Nhưng trong thực tế, vì lẽ này lẽ nọ, nhiều người lâm chung không biết triệt để lợi dung các phương tiện thanh tẩy của Giáo Hội; nên khi chết, còn phải vào luyện ngục, để đền cho xong.
3. Linh hồn ở luyện ngục phải chịu những hình khổ gì?
a. Các linh hồn nơi luyện ngục phải khổ nhất là không được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, là nguồn hạnh phúc của họ. Ở đời này, người ta bị bao vui thú quyến rũ, mà những người lành còn khát khao Thiên Chúa, như Thánh Augustinô dạy: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con thao thức không ngừng, cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa” (Fecisti nos ad Te, Domine, et inquietum est cor nostrum, donec requiscat in Te” (Tự Thuật I,1). Huống chi, khi ở luyện ngục, người ta không còn bị cái gì thu hút nữa, chỉ còn một mình Thiên Chúa, thì sự khao khát đó sẽ tới mức nào!
b. Đàng khác, các linh hồn còn phải chịu nóng nảy, tối tăm, khổ cực gần như ở hoả ngục vậy. Vì thế, trong kinh nguyện Thánh Thể thứ I, Giáo Hội cầu cho các linh hồn ấy rằng: “Lạy Chúa, chúng con xin Chúa thương ban cho các linh hồn ấy và tất cả những người nghỉ an trong Chúa Kitô được vào nơi mát mẻ, ánh sáng và bình an”.
c. Có điều rất an ủi các linh hồn ấy, là các ngài biết mình kính mến Chúa và biết Chúa thương yêu mình. Lại xác tín rằng: các hình khổ đó chỉ nhằm mục đích thanh luyện mình để được hoàn toàn trong sạch mà thôi. Cho nên các ngài không buồn chán, mà còn ước ao chịu khổ để chóng được lên thiên đàng. Đồng thời các ngài ước ao chúng ta giúp đỡ lắm.
4. Ta có phải giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục không?
a. Giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục là giữ luật buộc ta phải thi hành mầu nhiệm “các thánh cùng thông công”. Thánh Phaolô đã dạy: “Trong một thân mình, một chi thể đau, thì các chi thể khác cũng phải đau lây; một chi thể được vinh dự, thì các chi thể khác cũng được hưởng nhờ” (1 Cr 12,26). Việt Nam ta cũng có câu: “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”.
b. Cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục còn là một nghĩa vụ công bằng, đối với cha mẹ, bà con, ân nhân, bạn hữu và những kẻ đã vì ta mà phải xuống luyện ngục.
c. Cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục, là các chi thể đau khổ của Chúa Kitô, tức là giúp Chúa, như chính Ngài đã dạy: “Mỗi khi các ngươi làm các việc ấy cho một kẻ bé mọn nhất trong các anh em Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta” (Mt 25,40). Và ta biết: làm cho Chúa thì được trả công bội hậu dường nào. Chúa lại đã cho ta một quy tắc tốt: “Các con muốn người ta làm cho các con thế nào, thì các con hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7,12). Nhà Nho cũng nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân: điều gì mình không muốn người ta làm cho mình, thì cũng đừng làm cho người ta”. Ta giúp các linh hồn, thì các linh hồn cũng sẽ giúp lại ta.
5. Ta có thể giúp các linh hồn ấy cách nào?
Có 4 cách này
a. Một là hãy năng cầu nguyện cho các linh hồn ấy, hợp với kinh nguyện của Giáo Hội, là trong lễ an táng, lễ giỗ 30 ngày, 100 ngày và hằng năm.
b. Hai là năng dâng các việc lành của ta chỉ cho họ như: ăn chay, hãm mình, bố thí, chu toàn phận sự, chịu các đau khổ gặp phải hằng ngày…
c. Ba là cách tốt nhất, là dâng lễ và xin lễ chỉ cho họ.
d. Bốn là lãnh ơn xá chỉ cho họ. Ta biết: mỗi ngày ta có thể lãnh rất nhiều tiểu xá, gắn liền với các việc lành ta làm; nhưng phải có ý lãnh tất cả các ơn xá đó khi đọc kinh dâng ngày, lúc thức dậy, có ý chỉ cho các linh hồn.
Còn ơn đại xá, thì mỗi ngày, chỉ lãnh được một mà thôi, tức là phải làm việc có ơn đại xá, với 3 điều kiện, là xưng tội, rước lễ và cầu theo ý Đức Giáo Hoàng.
– Xưng tội, thì chỉ cần xưng 15 ngày một lần, đủ cho được lãnh đại xá mỗi ngày, miễn là ta làm việc có ơn xá trong tình trạng sạch tội trọng.
– Rước lễ, thì làm chính ngày mình muốn lãnh ơn đại xá.
– Cầu theo ý Đức Giáo Hoàng là đọc 1 kinh Lạy Cha và 1 kinh Tin Kính, chỉ cho Đức Giáo Hoàng, cũng chính ngày mình muốn lãnh ơn đại xá.
– Ta biết: giá trị ơn đại xá là tha hết các hình phạt đáng chịu vì tội đã phạm và đã được tha. Cho nên một linh hồn nào ở luyện ngục, mà được nhờ một ơn đại xá, thì được lên thiên đàng ngay lập tức.
… Vậy trong tháng 11 này, ta hãy sốt sắng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục và thúc giục giáo hữu ta làm như vậy nữa.
Vì cách tốt nhất để dọn mình chết lành và chết “được lên thiên đàng thẳng rẵng”, như thánh Dũng-Lạc đã ước ao, là khi còn sống ở đời này, hãy làm việc đền tội nhiều và hãy hết sức cứu giúp các linh hồn ở luyện ngục, bằng các việc lành phúc đức. Đó là mua chuộc nhiều bạn hữu, để khi ta chết, họ “đón ta vào cung điện đời đời”, như Chúa đã dạy (Lc 16,9).
Chớ gì được như vậy!